Năm 2020, tập thơ “Từ miền gió cát” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành như một chứng chỉ đưa bác sĩ – nhà thơ Đậu Phi Nam vào Hội Nhà văn Việt Nam, trong sự đồng tình, ủng hộ và cả sự ngỡ ngàng của anh em cầm bút xứ Nghệ quen biết anh. Nói thế, phần nào để thấy được sự nỗ lực vượt bậc của anh cả trong cuộc sống, nghề nghiệp, lẫn thơ ca. Nó như là một thứ “nghiệp chướng” mà anh tự nguyện mang vác suốt đời.
Nhà thơ – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, khi viết mấy trang thay lời mở đầu tập thơ “Từ miền gió cát”, có đoạn tôi rất đồng cảm: “Mỗi tập thơ của bất cứ tác giả nào cũng có nhiều điều để nói. Nhưng với tập thơ này của nhà thơ Đậu Phi Nam, có một con đường hiện lên và ám ảnh tôi. Đó là con đường trở về, mà tôi gọi là cuộc hành hương quan trọng nhất của một con người”.
Xưa nay, sự “trở về” nào cũng chứa đầy sự thích thú, buông bỏ, an yên; nhưng với các nhà thơ thì không hẳn thế, lắm khi còn ngược lại.
Trên con đường “trở về” này của nhà thơ Đậu Phi Nam, người con của quê hương Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh đã gặp và bị ám ảnh rất nhiều điều; về quê hương, đất nước; về chiến tranh và hòa bình; về lịch sử và văn hóa; về người thân, bè bạn, thân phận của những người đang sống và những người đã khuất.
Tôi đọc nhiều lần tập thơ, dù các bài không đều tay, một số bài dễ dãi, một số bài khác nuôi ý định cách tân nhưng hình như chưa tới… Tuy nhiên, theo tôi, có thể chọn ra một chùm mươi bài khá hay, làm “xương sống” để cả tập thơ có thể đứng được, dù yêu cầu khắt khe hay thờ ơ của bạn đọc hôm nay là điều có thật.
Thơ viết về nhà thơ kỳ tài và đoản mệnh Hàn Mặc Tử không hề ít. Nhưng khi đọc bài thơ bốn câu về Hàn của anh, tôi đã nhớ được câu “Huế khất thi nhân một chữ Điền”:
Về đây, thôn Vỹ, nhành mai muộn,
Khép nỗi tư lòng niên nối niên.
Tìm đâu sương khói mờ nhân ảnh,
Huế khất thi nhân một chữ Điền.
(Nhớ thi nhân)
Anh có hai bài viết về người cha, trong những hoàn cảnh khác nhau, sức ám ảnh và gợi liên tưởng đến kỳ lạ. Đây là một trong hai bài, chỉ gọn ghẽ ba câu:
Sinh nhật con, cha nhớ tháng nhớ ngày
Sinh nhật cha, bà ghi sau cánh cửa
Lụt trôi nhà, cha mất cả ngày sinh!
(Sinh nhật)
Đằng sau người cha thấp thoáng bóng hình mẹ anh, thấm nhuần tư tưởng nhân văn của Đạo Phật. Họ giúp chúng ta còn tin vào những điều tốt đẹp ở đời, dù có thể điều tốt đẹp hôm nay không còn dư dật như xưa nữa:
Cha tôi cả đời lành như đất
Vài mảnh ruộng cùng con cháu cấy cày
Bảy ba tuổi cha về với Phật.
Mẹ khóc thương cạn cả suối nguồn
Gốc khế cha trồng xum xuê trái ngọt
Bầy chim sâu, sáo sậu ríu ran.
Chiều, mẹ quét nhúm lá vàng vun gốc
Có thể mẹ tôi là người cuối cùng
Tin đời này còn có những ông Bụt.
(Gốc khế)
Cuộc sống có trầy trật, lao đao đến mấy, thì hành trình của nó nói gọn lại cũng giống quả táo vậy thôi. Đấy là vẻ đẹp của ý chí, niềm tin và sự vĩnh cửu:
Quả táo chín
Hạt táo lăn lăn
Trên thác ghềnh, sỏi đá.
Thời gian lao nghiệt ngã
Hạt nảy lộc chồi xanh
Cho quả ngọt đầu cành…
Hạt táo lại lăn lăn
Sự sống tiếp hành trình.
(Hành trình)
Ở bài thơ về mưa, nhà thơ không còn đăm chiêu nghĩ ngợi, dáng vẻ một triết gia đạo mạo như khi khái quát “hành trình” sự sống. Anh trẻ dại, nghịch ngộ để có dịp hòa lẫn vào thiên nhiên mát lành, cao rộng phút chốc cho dù trong bài có đến hai lần nhà thơ nhắc đến sự “chát đắng” như là một thứ “đặc sản” của đời mình:
Tôi và mưa uống nhau giữa trời
Mưa dông tố reo cười
Tôi ngậm ngùi chát đắng.
Tôi đã hiểu tôi
Co mình trong khóm vắng
Mưa tìm vào chát đắng đời tôi.
Mưa ném tôi những hạt trắng tinh khôi
Tôi chắn mưa cả một thời trai trẻ
Và cứ thế, mỗi lần như thế
Tôi và mưa say khướt dắt nhau về…
(Tôi và mưa)
Đọc “Từ miền gió cát”, có một bài thơ Đậu Phi Nam viết về người lao động thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, đấy là lão ăn mày. Thơ về loại nhân vật này xưa nay nhiều lắm. Nhà thơ Tố Hữu với bài thơ “Lão ăn mày” trước Cách mạng Tháng Tám hẳn nhiều bạn đọc chưa quên câu thơ cuối bài: “Lão ngồi mơ nước Nga”. Có điều, phần lớn tác giả sau này dễ rơi vào kể lể, miêu tả nỗi khổ tủi, bần hàn, bi quan, rồi thầm gửi vào trong thơ nỗi niềm ai oán xã hội. Đọc xong, chỉ thấy tăm tối, buồn nản. Nhưng khi đọc “Ngộ trăng” của Đậu Phi Nam, ta bỗng thấy tâm hồn và tư tưởng của lão ăn mày thật nên thơ, đẹp và có phần sang trọng. Lão đáng ở trên cao. Trong khi, các thi nhân đang uống rượu, chờ hoa quỳnh nở để làm thơ, ngâm ngợi, ta cứ ngỡ họ đang ở trên cao, nhưng thật ra, lại không phải thế:
Lão hành khất thắp nén hương trên mộ cháu ăn mày
Ôm bảo bối thầm cảm ơn nhân tâm, bố thí
Dám mâu thuẫn với mùa Đông
Mâu thuẫn luôn cả đường cao tốc
Mơ một cọng rơm thơm
Một dáng khói lam chiều
Ngộ trong trăng vàng, mặc cho đời cao thấp đến bao nhiêu…
Trên gác cao các thi nhân
Đưa tửu suông
Đón lấy trăng buông
Chờ hoa quỳnh nở
Bút chấm vào sương!
(Ngộ trăng)
Thơ Đậu Phi Nam, ở những bài hay, có xu hướng kiệm lời, như một sự cô đặc lại tất cả tinh hoa nhà thơ chưng cất bấy lâu; cấu tứ công phu, nhiều nét độc đáo; tư tưởng gửi gắm vào thơ là sự hòa đồng với thiên nhiên, những trăn trở để làm người tử tế, mơ ước cái Đẹp, cái Thiện cần được che chở, bảo vệ, và cuối cùng phải chiến thắng cái xấu, cái ác…
Xin chúc mừng anh Đậu Phi Nam, bác sĩ – nhà thơ, Hội viên Hội LH Văn học, Nghệ thuật tỉnh nhà. Có cơ sở để hy vọng, qua thời gian, độc giả xa gần sẽ hiểu anh hơn, thích thú và chọn ra những bài thơ tốt hơn, hay hơn để thưởng thức, bình phẩm, để hình dung và ghi nhận nét riêng gương mặt một nhà thơ trên đất Nghệ. Vì suy cho cùng, việc đọc, thưởng thức tác phẩm văn chương nói chung, thơ nói riêng xưa nay luôn cần có thời gian, kinh nghiệm và cả niềm giao cảm tâm đắc nữa…
Nguyễn Văn Hùng
Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An