Sau nhiều năm xa nhà, lần đầu tiên ngủ lại một mình trong ngôi nhà cũ của cha mẹ. Đêm yên tĩnh đến lạ lùng. Cảm thấy khó ngủ, tôi đi vào nhà bếp rót cốc nước uống cho đỡ khát. Tình cờ thấy cái rương gỗ cũ kỹ, có lẽ tuổi đời lớn hơn cả tuổi tôi, vẫn ở góc nhà, ngay phía cuối giường mẹ vẫn ngủ. Cái rương này được bố làm từ năm 1981, sau khi chuyển nhà ra đây. Lúc đó chỉ làm được mái nhà tranh nhỏ hẹp nên những thứ đồ quan trọng đều được mẹ để trong chiếc rương này. Đó không phải là của cải vật chất gì ghê gớm, mà là những giấy tờ liên quan đến con cái, gia đình. Từ giấy khai sinh, bằng cấp, chứng chỉ, đến giấy tờ đất đai, sổ ghi chép, và những giấy tờ khác liên quan đến các thành viên trong gia đình… Đến năm 2003, gia đình làm được ngôi nhà gỗ hai gian rộng rãi hơn, mẹ mua một cái rương sắt nên các giấy tờ quan trọng được chuyển qua đó vì lo sợ cháy hỏng. Chiếc rương gỗ vẫn được dùng để một số giấy tờ, vở ghi chép, giấy khen… của mấy anh chị em. Và nhiều năm nay, nó vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Không ngủ được nên tôi vác chiếc rương ra lục lọi để xem lại một số kỷ vật ngày thơ của mình. Bằng cấp, học bạ, những tờ giấy khen, những cuốn sổ ghi chép, những bức thư trong gia đình gửi cho nhau, những bài kiểm tra đạt điểm cao và cả những bức ảnh kỷ niệm… của mấy anh chị em vẫn được mẹ giữ lại. Nhiều nhất là đồ của tôi. Một trời kỷ niệm lại tràn về. Để ý mới thấy, đồ đạc của chị gái thứ ba lại rất ít, gần như không thấy. Chẳng lẽ vì chị học kém hơn, chỉ chưa hết cấp 3 nên những giấy tờ liên quan cũng ít hơn? Cũng có thể tính chị xưa nay không thích giữ lại những thứ như thế. Nghĩ vậy chứ tôi cũng chẳng biết hỏi ai. Và rồi, đến dưới đáy rương, có một tập tài liệu được gói kỹ trong một phong bì lớn. Trong đó, đặt ở trên cùng là một cuốn sổ cũ, nhìn màu khác lạ: màu hồng. Mở trang đầu tiên, được ép một con bướm nhỏ. Phía dưới ghi rõ tên chủ nhân. Và trong cuốn sổ là những dòng nhật ký. Dưới cuốn sổ là hai tập thư được đặt trong các phong bì cũ. Những bức thư ngắn dài có đủ, và một bức ảnh của chị, một bức ảnh của một chiến sĩ biên phòng lạ hoắc… Vậy ra chị tôi cũng có cả một di sản thời niên thiếu mà tôi không hề hay biết.

Rảnh rỗi, tò mò, tôi ngồi gỡ các bức thư ra đọc. Nghĩ để giết thời gian. Nhưng càng đọc càng bị cuốn hút vào câu chuyện của hai người: chị tôi và một anh lính tôi không biết. Toàn bộ có 26 bức thư, của chị tôi 12 thư, của anh lĩnh 13 thư và một bức thư của một người khác. Sắp xếp theo dòng thời gian các bức thư lại, tôi như hiểu ra được một câu chuyện rất xúc động. Nhiều vấn đề liên quan đến chị tôi mà cho đến bây giờ, qua những bức thư này tôi mới phần nào hiểu được. Và cũng từ những bức thư này, cả một vùng trời kỷ niệm của chị em, của gia đình lại ập về. Những câu chuyện mà có lẽ lâu nay tôi đã để lại trong chiếc rương cũ kỹ kia. Và có lẽ chị tôi cũng vậy.

Một ngày cuối thu năm 1997, chị tôi, một cô gái học lớp 10, cầm bút giấy vào bàn nhờ tôi viết cho chị một bức thư. Chị bảo cả lớp đang rộ phong trào viết thư kết bạn với các chiến sĩ bộ đội biên phòng nên chị cũng tham gia cho bằng bạn bằng bè. Nhưng chẳng mấy khi viết thư từ cho ai nên không biết viết thế nào, đành vào nhờ thằng em học lớp 6. Nghe hơi ngược đời nhưng cũng coi như tìm đúng địa chỉ. Bởi trong gia đình, ngoài bố mẹ thì tôi hay viết thư. Nguyên do là từ khi học lớp 4, anh trai tôi nhập ngũ xa nhà, nên mẹ tôi dành nhiều thời gian dạy cho tôi viết thư cho anh. Thành ra hàng tháng tôi là người trả lời thư của anh thay cha mẹ. Cứ vậy mà cũng quen dần. Thấy chị nhờ vả thì cũng viết một bức thư kết bạn “đúng quy chuẩn” như đã được học. Còn chị làm gì không ai biết. Những ngày sau đó, vào mùa Đông lạnh giá, thỉnh thoảng vẫn thấy người đưa thư chuyển đến nhà. Là thư gửi chị. Hỏi nhưng chị tôi bảo thư chung cả nhóm, không cho xem.

           Cho đến bây giờ tôi mới hiểu, bức thư đầu tiên tôi viết được chị chép lại gửi cho một anh bộ đội biên phòng. Sau đó anh lính cũng gửi thư trả lời. Cứ thế mà hai người gửi thư đều đặn cho nhau. Trung bình như đâu mỗi tháng một bức thư. Dành thời gian đọc hết các lá thư mới thấy có những chuyện ở đời thật khó hiểu. Hai người gửi thư cho nhau. Một người thì văn chương bay bổng, chữ lắm nghĩa nhiều, văn có thơ có, viết mỗi bức thư dài dăm bảy mặt giấy. Thỉnh thoảng thêm vài hình vẽ. Lời lẽ nhẹ nhàng, có lúc sến sẩm. Còn một người kia, thư dăm bảy dòng, chẳng mấy khi hết một mặt giấy, chữ nghĩa giản đơn đến sơ sài, mà có khi còn phải gọi là cộc lốc. Ấy vậy mà họ vẫn cứ viết thư cho nhau đều đặn trong hơn một năm trời.

Có những đoạn đọc lên cứ như những đoạn đối thoại đã được số phận “biên tập” vậy. Bên kia anh lính viết: “Chào em. Đêm nay trăng sáng. Ở nơi anh, rừng rậm núi cao, suốt ngày nghe chim kêu vượn hót. Nhìn đâu cũng thấy rừng. Nhìn đâu cũng thấy núi. Đi hướng nào cũng thấy cây. Có những lúc đi tuần mệt lắm, lại như thấy hình bóng em. Làm cho anh có động lực để đi tiếp. Anh đang hình dung xem quê em thế nào nhỉ? Có những cánh đồng bát ngát, mùi hương lúa thơm nồng? Hay những bãi ngô xanh nhìn xa đến chân trời? Có những cánh đồng hoa cải tỏa vàng trong nắng hè? Hay có những bến sông với con đò thơ mộng… Anh ước gì có ngày có thể được đến đấy để chiều ngắm hoàng hôn còn sáng ra nhìn mặt trời mọc…”. Thì bên này chị tôi đáp lại: “Chào anh lính. Quê em chẳng có gì đâu. Nhà em cạnh đường, nhìn sang phải là đồi núi, sang trái nhìn ra đường quan, nhìn ra phía trước thì có bàu nước nhỏ. Chim kêu vượn hót thì không có nhưng có chó sủa suốt ngày. Nhà em đi làm vật mặt nên cũng chẳng có thời gian mà nghĩ đến chuyện xem hoàng hôn hay ngắm bình minh anh ạ. Mà có ra ngõ ngồi nhìn hoàng hôn thì bà con cũng bảo là… hâm…”. Hay anh lính viết: “Gửi em thân mến! Hôm nay trăng sáng. Ở đây lạnh lắm. Nhưng có nhiều củi nên tụi anh đốt một đống lửa to đùng để sưởi ấm và nướng đồ ăn. Mọi người đang vui chơi. Anh thì vào đây để viết thư cho em. Cũng đã biết nhau tròn một năm rồi. Anh đang hình dung về em. Có lẽ em là một cô gái xinh đẹp, với làn da trắng và mái tóc ngang vai đầy cá tính. Cá tính như lời lẽ trong thư em vậy. Ước gì anh có thể được nhìn thấy em, dù là trong ảnh…”. Chị tôi hồi thư: “… Đốt ít lửa thôi kẻo cháy rừng. Em con nhà nông dân, xấu lắm. Người to béo như thùng phuy, da đen thui. Thấy xong thì chạy mất dép khỏi thư từ luôn chứ hết ngồi mà mơ mộng…”… Tôi đọc các bức thư và bị thu hút bởi những lời lẽ của hai phía. Có cái gì đó mà những người tuổi teen hiện nay, với công nghệ 4.0 không thể nào hình dung ra được.

Khoảng đầu tháng 12 năm 1998, anh lính viết cho chị tôi một bức thư, có lời trách mắng nhẹ nhàng về việc xin một tấm ảnh nhưng chưa được đáp ứng. Nhưng gần như sau đó mấy ngày, vào giữa tháng 12 năm ấy, anh lính lại viết tiếp một bức thư khác với lời lẽ xin lỗi vì đã trách mắng chị tôi một chuyện nhỏ nhặt. Hai bức thư được viết và gửi cách nhau không lâu nên có lẽ chị tôi nhận được cùng một lúc. Vì tôi thấy hai bức thư này được bỏ vào cùng trong một phòng bì…

Một ngày gần cuối năm 1998, vào buổi gần trưa, trời còn tái lạnh. Chị tôi xin mẹ cho hai chị em đi chụp ảnh. Vì từ bé đến giờ, hai chị em chưa được chụp ảnh lần nào. Còn nhớ rõ là chúng tôi chụp ba kiểu, gồm hai ảnh riêng và một ảnh chung. Vào thời điểm đó, chụp ảnh xong phải mất mươi ngày đến nửa mới lấy được ảnh vì người ta phải chụp hết cuộn phim rồi mang xuống Vinh rửa ảnh. Tôi, lúc đó chỉ thấy vui sướng vì được xem mình trong ảnh. Những chuyện khác cũng chẳng bận tâm gì. Và tôi cũng chỉ được xem ảnh của chị khi mới lấy về. Lạ thay, đó cũng là tấm ảnh duy nhất của chị tôi với mái tóc mượt dài chấm gót chân. Một ngày đầu năm 1999, chị tôi đi cắt tóc. Chị cắt đến ngang vai. Đây như là một sự kiện to lớn, một cuộc nổi loạn trong gia đình lúc bấy giờ. Chị xuất hiện trong nhà với mái tóc ngắn làm mọi người kinh ngạc. Sau đó là la mắng, bức xúc, nạt nộ, chì chiết. Mà không chỉ một hai người. Mọi người lớn đều tức giận, phê phán. Bạn bè cũng kêu ca. Cứ như chị làm ra chuyện gì tày đình lắm. Tôi lúc đó không rõ chuyện. Nhưng cũng từ đó, tôi không thấy chị viết thư liên lạc với anh lính nữa.

Tôi còn nhớ, mấy ngày trước đó, chị nhận được một gói bưu phẩm nhỏ. Chị trốn vào một góc nào đó để xem. Rồi chị hơi buồn. Ngày thường chị hay nói và nói to, cười reo ha hả suốt ngày, nhưng khi đó chị lại im lặng. Bình thường bị cha mẹ, anh chị mắng thì chị khóc lớn lắm. Thậm chí còn kêu gào ăn vạ. Ấy vậy mà khi cắt tóc xong, ai cũng mắng nhiếc, nhưng chị im lìm, có phần lầm lì. Cả nhà sau khi mắng nạt chán chê thì cố hỏi xem có chuyện gì xẩy ra với chị. Nhưng chị chẳng nói gì cả. Mặt chị cứ trầm ngâm như đá trong một thời gian dài. Sau đó, sức khỏe cha tôi bị giảm sút, không làm được các việc nặng nhọc ngoài ruộng đồng. Cuộc sống gia đình khó khăn hơn. Chị xin nghỉ học ở nhà đỡ đần giúp mẹ. Rồi chị xin đi làm công nhân ở xưởng gạch gần nhà. Cứ thế, cuộc sống trôi qua. Hơn mười năm sau chị lấy chồng, rồi cả gia đình vào Nam sinh sống. Cũng chẳng ai hiểu nguyên nhân vì sao mà chị làm một cuộc “cắt tóc” nổi loạn như vậy. Và cũng chẳng ai hiểu tại sao tính tình chị có những thay đổi lớn như vậy. Cho đến hôm nay, khi tôi tình cờ lục lại những bức thư của chị tôi, qua đó, phần nào câu chuyện được sáng rõ.

Gói bưu phẩm năm xưa chị tôi nhận được giờ đây đã có đáp án. Đó chính là toàn bộ những bức thư mà chị tôi đã gửi cho anh lính. Nó được gửi cùng với một bức thư của một người lính khác báo tin buồn cho chị tôi. Anh lính bạn chị đã hy sinh trong một cuộc truy bắt bọn buôn bán ma túy ở vùng biên giới Việt – Lào. Có lẽ chị tôi nhận được tin buồn và khóc. Khóc cho một người bạn, một người đã dành hơn một năm trời để chia sẻ nhiều chuyện với chị. Trước đó, khi nhận được hai lá thư liên tiếp của anh lính, chị tôi đã viết thư trả lời nhưng chưa gửi. Bởi chị còn chờ lấy tấm ảnh chụp để gửi làm quà. Tiếc rằng, khi chị chưa kịp gửi thì anh lính đã hi sinh. Bức ảnh được kẹp vào bức thư chưa gửi, để cuối cùng của tập thư. Cả tập thư được gói trong phong bì lớn còn được buộc lại bởi một sợi dây vải. Và nó nằm ở đáy chiếc rương gỗ hai mấy năm qua.

Thế mới biết, trong cuộc sống chúng ta, có những thứ thoảng qua như làn gió. Có những con người cũng bước vào tâm trí nhau một cách thật lạ lùng. Tôi vẫn thường nghĩ, chị tôi, vốn là người ăn nói suồng sã, chẳng thích thơ văn gì cả. Kiểu người mẹ tôi hay gọi “ruột để ngoài da”, tưởng chừng như dễ hiểu và hiểu hết. Thế nhưng sau khi đọc toàn bộ tập thư với anh lính, tôi lại thấy khác. Thì ra trong cái bộc trực ấy, chị tôi cũng có một thế giới nội tâm sâu sắc, cá tính mãnh mẽ hơn những gì tôi nghĩ.

Còn anh lính, bạn chị tôi, một người tôi chưa quen. Nhưng qua những bức thư này, tôi trân trọng bởi anh là một người giàu tình cảm, sống mơ mộng. Có lẽ sự mơ mộng mới nuôi dưỡng được tâm hồn của những con người nơi địa đầu biên giới. Ngày đó, chị tôi mười bảy tuổi, anh lính ngoài đôi mươi. Họ mộng mơ cũng được. Vì tuổi đó cho phép con người ta mộng mơ. Anh lính mộng mơ, hay suy tư gặp một người bạn hoàn toàn ngược tính lại trở thành bạn. Nhưng người suy tư lắm cũng vận vào đời. Qua những trang thư của anh lính, có cảm giác gì đó bất an. Và đúng là như vậy. Bức thư cuối cùng viết cho chị tôi, kết thúc bằng một bài thơ. Bài thơ mà chính anh đã linh cảm được hành trình của mình sắp phải kết thúc.

“Anh sẽ chờ em dù chưa lần gặp gỡ

Dù xa xôi cách trở ở muôn trùng.

Anh sẽ chờ em, như chờ người yêu vậy

Để nuôi hồn lưu lạc chốn không trung.

Chưa biết về em nhưng lòng anh đã nhớ

Đã mong chờ, đã khắc khoải gọi tên.

Đã đôi lần trong mộng mị hão huyền

Anh được nằm tay em trên thảm cỏ.

Bởi cơn lạnh chiều nay theo hơi gió

Mang em về ru ngủ chút hồn anh.

Biết không em, khi giấc mộng không thành

Cơn mơ đẹp sẽ trở thành ác mộng.

Tâm hồn anh héo úa giữa ngày đông

Bởi nóng-lạnh không dùng hòa em ạ

Và cũng bởi tình chúng ta: tình ảo

Có còn gì lưu luyến đợi anh đâu

Anh sẽ về khi cánh cửa nhân gian

Hé mở đón tình anh trong rạng rỡ

Nhưng em ạ, đừng bao giờ chờ đợi

Bởi biết đâu, anh vĩnh viễn không về”

Ngày… tháng… năm! Thắp một nén nhang cho người liệt sĩ chưa từng quen biết!

Lệ Cơ

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 15, tháng 7/2021)