Bản nối với trường học bởi con đường mòn ngoằn ngoèo như một con trăn khổng lồ. Gần Tết, hoa mận trắng những vạt đồi, rụng đầy khoảng sân trường lồi lõm.

Bên con suối dưới chân thác Lao Chải, học sinh nhởn nhơ vớt những cánh hoa mận sũng nước ném vào nhau. Lớp học vắng quá nửa. Các em còn bận theo bố mẹ lên nương thu hoạch nốt đám ngô vụ Đông, những nhà khá giả hơn thì cho con xuống chợ đổi gà lợn, váy áo thổ cẩm lấy kẹo xanh đỏ về vui Tết. Thầy giáo Hiếu chiều nào cũng đi xuống bản vận động bọn trẻ trở lại trường. Những ngôi nhà sàn nhỏ oặt như cái tổ chim bám hờ hững vào triền đồi bốn mùa hun hút gió. Người lớn đi nương có khi mấy ngày mới về kiếm thêm thức ăn. Nhà chỉ còn đám trẻ lít nhít, mũi dãi nhem nhuốc, túm tụm bên cái bếp lửa ở gian giữa, ngơ ngác không đứa nào dám trả lời thầy. Thầy quay ra, đầu đụng phải giàn ngô lủng lẳng treo bên hông nhà thì chúng cười ré lên.

Mùa mận trước, thầy Hiếu lên đây nhận công tác. Lúc thầy dựng cái xe máy cũ trước sân, đám con gái lớp tám, lớp chín ngó đầu qua cửa sổ cười rúc rích: “Thầy giáo mới trẻ quá!” Lũ con trai đi chân đất, đang đuổi nhau hò hét khắp sân trường cũng dừng lại ngơ ngác rồi chạy xô tới tranh nhau leo lên chiếc xe máy. Bất giác, Hiếu mỉm cười, thầm nghĩ mình rồi sẽ sớm quen với cuộc sống nơi này. Nhưng khi chiều chạng vạng, sương giăng trắng đỉnh núi, nhìn đâu Hiếu cũng thấy cái vời vợi như ánh mắt của Miên. Bố Miên không ưng Hiếu nên đã giữ Miên ở lại và hình như còn có động thái nào đó với Phòng Giáo dục để điều chuyển Hiếu lên đây. Ông Trưởng phòng vỗ vai Hiếu: “Thanh niên là phải xông pha. Cậu cứ lên đó một thời gian, bao giờ cứng cáp thì trở về đây.” Hiếu lặng lẽ cầm tờ quyết định quay ra, không dám hỏi câu nào. Bao nhiêu câu hỏi chỉ dám cuộn bào trong ruột gan của cậu trai trẻ. “Một thời gian là bao lâu? Năm năm, mười năm, hay cả tuổi thanh xuân?”

Lớp Hiếu phụ trách là các em học sinh lớn, có em mười ba, có em đã mười bảy tuổi. Lớp học con trai đông hơn con gái. Con gái Hmông mắt đen láy, mặc váy thổ cẩm xòe rộng, đi học mang theo cả lù cở để lúc về rẽ vào nương gùi ngô giúp mẹ. Đám con trai thì nhỏ thó, nghịch ngợm, cái áo chàm lúc nào cũng dính đầy đất. Sĩ số lớp được giao là hai mươi tám, nhưng học sinh cứ thay nhau nghỉ, chưa hôm nào lên được hai mươi lăm. Qua trao đổi với cô giáo chủ nhiệm cũ, Hiếu được biết trong lớp có nhiều hoàn cảnh khá éo le. Giờ sinh hoạt lớp, Hiếu tâm sự hỏi han về ước mơ sau này của các em. Những ánh mắt ngơ ngác đến tội nghiệp: “Ước mơ là cái gì ạ?” Nghe thầy giảng giải một hồi, những đôi mắt ấy mới bắt đầu ánh lên hào hứng. Cũng chỉ có vài em muốn học hết lớp chín và tiếp tục được xuống thị trấn học; còn lại đa phần đều thủng thẳng: chỉ cần biết đọc, biết viết, biết đếm được tiền, tính được giá ngô, giá mận là được. Hiếu sợ những ước mơ của lũ trẻ đơn giản quá sẽ khiến nhiệt huyết của mình nhạt nhoà theo. Nhưng cứ nhìn ánh mắt trong veo của bọn trẻ, Hiếu lại thấy thương chúng hơn và chẳng còn trăn trở nhiều về giấc mộng thanh xuân của mình nữa.

Trong lớp có hai cô bé mẹ là người Kinh là San và Vi. Cả hai đều phổng phao, xinh xắn nên hay bị đám con trai trêu đùa. Vi đáo để, đỏm dáng. Nhà Vi khá giả, bố và anh trai buôn bán dưới thị trấn. Bố Vi chiều con gái, mua cho Vi cái thỏi son hồng bé bằng ngón tay, cả cái gương con Vi giấu trong cạp váy, thi thoảng lại bỏ ra kẹp vào giữa cuốn vở soi trộm.

Minh họa BÁ SIẾU.

San thì ít nói, mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Bố San theo đám người Kinh vào trong bãi vàng, chưa kịp kiếm được hạt vàng cám nào làm của hồi môn cho con gái thì đã mắc nghiện. Mẹ San là người Hải Dương, nghe nói có nhan sắc, vì tuổi trẻ ham chơi bồng bột mà suýt bị người yêu lừa bán sang Trung Quốc, trong lúc trốn chạy, được bố San cứu giúp nên thuận tình làm vợ. Nhưng khi bố San mắc nghiện, dù đã có với nhau ba mặt con, cô ấy cũng quyết bỏ về xuôi làm lại cuộc đời. San có hai thằng em trai sinh đôi suốt ngày chí chóe nhau. Hình như đã mấy lần San định bỏ học.

Hai cô bé như bông hoa mận đang độ khoe sắc. Mấy cô giáo trêu: “Thầy Hiếu cẩn thận kẻo bị các cô ấy bỏ bùa yêu là không dứt ra để về thị trấn được đâu.” Bùa yêu thì Hiếu không sợ, Hiếu chỉ sợ hai cô bé bỏ học giữa chừng. San thì bỏ học vì nhà nghèo quá, còn Vi có thể bỏ học để lấy chồng sớm. Hiếu để ý thi thoảng có mấy cậu trai ở bản phi xe máy lên tận trường đón Vi. Có lần Vi leo tót lên xe, có lần thì giằng co mãi rồi kéo cả San lên theo. Hôm sau thầy khéo léo hỏi Vi thì cô bé hồn nhiên: “Mấy anh ấy là bạn của anh trai em. Anh trai em thích cái San, đợi nó học xong lớp chín là bắt về làm vợ thôi.” Giọng nói hồn nhiên trong vắt của Vi bỗng gieo vào lòng Hiếu một nỗi lo lắng mơ hồ.

Có lần Vi mang vào tận phòng ở của thầy Hiếu một bọc nilon to tướng, bảo là “của bố em gửi thầy”. Từ chối thế nào cũng không được, anh mở ra, bên trong là kem đánh răng, xà phòng, dao cạo râu và hai chiếc áo ấm kẹp một tờ giấy có nét chữ to cộ: “Ngày nào em cũng muốn học thầy. Hôm nào thầy không dạy lớp mình là em không muốn học”. Hiếu bật cười trước kiểu bày tỏ tình cảm ngô nghê ấy, cả một chút bối rối. Và anh hiểu cần biết giữ khoảng cách với cô bé đáo để này.

Khi kiểm tra vở viết của bọn trẻ, dù không có ý thiên vị nhưng bao giờ Hiếu cũng chăm chú vào tập vở của San hơn. Nét chữ của cô bé tròn xoe, nắn nót, tên bài học nào cũng được tô đậm cẩn thận. Có lần Hiếu thấy giữa tập vở là một lá thư San viết dở cho mẹ chưa kịp xé ra. Dù không có ý tò mò nhưng Hiếu vẫn đọc thoáng qua. Có vẻ như San không muốn về xuôi theo ý mẹ, vì sợ bố và thương hai thằng em nhỏ dại.

Có lần về thị trấn mua ít văn phòng phẩm và tranh thủ thăm mẹ, lúc lên, đi qua một căn nhà lụp xụp ven đường, Hiếu gặp người đàn ông nhỏ thó say ngật ngưỡng, đang cố sức vần bao ngô lên xe máy, Hiếu dừng lại giúp một tay. Xong việc, ông ta chẳng nói câu nào, rồ máy đi. Hiếu quay ra, bắt gặp ánh mắt vừa sợ hãi ngơ ngác vừa như trách móc của hai đứa trẻ nấp sau cánh cửa gỗ sứt sẹo. Có tiếng lầm bầm: “Bố lại mang ngô đi đổi lấy thuốc phiện”. Một cảm giác áy náy, ân hận trào lên trong anh. Đã toan lên xe, Hiếu lại quay vào nhà, đưa cho hai đứa trẻ một bịch gạo, nửa thùng mì tôm và năm quyển vở. Một đứa lí nhí xin, đứa kia lườm: “Không sợ chị San mắng à?” Hiếu ngẩn người, cười trấn an: “Đây là phần thưởng nhà trường gửi cho chị San, đừng nói gì với bố nhé”. Hôm sau đến lớp, San gặp thầy ngay ở cửa, mắt rợp buồn: “Lần sau thầy đừng làm vậy, bọn trẻ không biết giữ lời, bố em mà biết lại lên trường làm khó thầy…”

Không biết từ bao giờ, trong Hiếu len lỏi một thứ cảm xúc khác lạ mỗi khi bắt gặp ánh mắt của San. Cô bé có nét hao hao giống Miên, vóc người mảnh mai và cái dáng vẻ trầm tư với cặp mắt buồn mênh mang như sương chiều. Cái nhìn của cô thiếu nữ mười sáu nửa muốn thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ nơi núi rừng để về xuôi, nửa vẫn quyến luyến không nỡ rời xa ngôi nhà gỗ sứt sẹo ấy. Có lần thầy Hiếu gặp San động viên cô bé cố học giỏi để thoát cảnh nghèo, và nhất là làm gương cho hai đứa em nhỏ. San chỉ im lặng cười buồn. Tự nhiên, Hiếu thấy lòng mình thắt lại.

Hiếu ý thức được tình cảm mà mình dành cho San. Đó là sự thương cảm và cả nỗi niềm đồng cảm nữa. Năm Hiếu học lớp bốn, bố anh theo một bà buôn ngô giàu có về Hưng Yên mở xưởng chế biến thức ăn gia súc, bỏ lại hai mẹ con sống dật dờ trong ngôi quán nhỏ với dăm mặt hàng lèo tèo ở cái thị trấn hiu quạnh. Bố Hiếu vẫn đi theo xe hàng lên đây mua ngô nhưng năm khi mười hoạ mới ghé qua cho Hiếu bộ quần áo. Hiếu vùi sâu nó dưới đáy tủ, chưa một lần xỏ tay. Nhiều lần Hiếu hỏi tại sao mẹ không giữ bố lại, mẹ anh chỉ thở dài: “Cái hồn người ta đã gửi ở nơi khác, có giữ lại cũng chẳng ích gì.” Hiếu đa cảm và cả nghĩ, nên cứ nhìn thấy ở San vẻ cam chịu nhẫn nhục giống mẹ mình. Hiếu chỉ sợ rằng San sẽ bị trai bản bắt về làm vợ, cô lại chôn vùi cuộc đời mình trên những nương ngô ngút ngàn, đếm tuổi xuân của mình qua đi sau mỗi mùa hoa mận trắng. Có lúc vô tình chạm ánh mắt của San, tự nhiên Hiếu lại đỏ mặt. Một niềm yêu thương cứ mơ hồ len lỏi trong nỗi lo lắng phập phồng.

Một sớm vào lớp, Hiếu thấy bọn con trai hò hét ầm ĩ, chuyền tay nhau một tờ giấy gấp tư. Vi mặt đỏ ửng, cố đuổi theo giật lại nhưng không được thì hét toáng lên rồi ngồi thụp xuống ôm mặt khóc. Vào lớp, Hiếu nghiêm mặt mắng mấy cậu trai. Thằng A Pó vênh mặt lên cãi: “Lúc quét lớp, em bắt được cái thư nhét vào ngăn bàn thầy chứ có phải em lấy trộm của nó đâu. Cái Vi thích thầy giáo nên nó không chịu lên xe anh Sùng.” Thằng Sính ngồi bên cạnh quay xuống lè lưỡi trêu Vi: “Bảo anh Sùng hôm nào mời thầy giáo uống rượu ngô, ai say trước là thua.” Vi giang tay tát bốp vào mặt Sính rồi vùng chạy ra khỏi lớp. Thầy Hiếu phải sang lớp bên nhờ cô Lánh chạy theo đưa cô bé vào phòng hội đồng. Trở về lớp, Hiếu thoáng nhìn thấy vẻ mặt buồn buồn của San. Hiếu để ý cả tuần nay hai cô bé không đi cùng nhau sau cái hôm anh trai của Vi lẽo đẽo bảo San lên xe mà không được.

Tan học, thầy Hiếu đến gặp Vi. Thầy chưa kịp nói gì thì cô bé ngước đôi mắt sắc như dao cau, hỏi dồn dập:

– Thầy giáo yêu cái San đúng không? Tại sao lại cho nhà nó quà?

Hiếu ấp úng:

– Vì hoàn cảnh gia đình San khó khăn, bố San…

Vi gắt lên:

– Không phải, đúng là thầy giáo yêu nó. Em thấy gần đây thầy hay nhìn nó, lại cho nó điểm cao. Hôm trước nó bảo anh Phàn đừng theo nó nữa, nó sẽ đi học dưới thị trấn rồi về làm cô giáo bản. Chính thầy đã xúi nó như vậy đúng không? Nhà em giàu, có xe đẹp nhất bản. Anh Phàn sẽ bắt cái San bằng được, chẳng cần nó làm cô giáo.

Hiếu chưa kịp thanh minh thì Vi đã chạy vụt ra cửa. Mấy cô giáo phòng bên bụm miệng cười. Hiếu đỏ bừng mặt. Anh không sợ cách bày tỏ tình cảm của cô gái mới lớn ấy. Điều anh lo sợ hơn là vì rung động bồng bột mà Vi và San mất đi tình bạn đẹp. Hoặc giả như vì ích kỉ mà biết đâu Vi sẽ làm gì đó giúp anh trai cướp vợ. Hôm sau, Vi nghỉ học. Hiếu gọi San ở lại hỏi chuyện. Mắt San đỏ hoe: “Hôm qua bố Vi và anh Phàn sang nhà em. Em mới biết bố em vay nợ họ mấy chỉ vàng từ hồi cưới mẹ em. Bố em có ý gả em cho nhà ấy trừ nợ. Em chỉ xin được học hết năm nay thôi mà chắc khó…”

Hiếu lặng người. Đã mấy lần Hiếu nhìn thấy cảnh một cô gái Hmông tóc tai xổ tung, váy áo xộc xệch cố vùng chạy thoát khỏi một đám bắt vợ. Lúc ấy Hiếu chẳng nghĩ gì về cái phong tục cố hữu ấy, chỉ chạnh lòng thương thân phận các cô gái nơi đây. Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt anh là cô bé chưa hết lớp chín, là đôi mắt vời vợi mà bấy lâu anh thầm vương vấn. Một nỗi thương cảm xen lẫn cả bực bội chợt cồn lên trong Hiếu. Anh bẻ ngón tay răng rắc, cố tìm lời lẽ để trấn an San mà trong lòng rối như tơ vò. Anh sẽ nhờ mấy cô giáo xuống tận nơi thuyết phục bố San? Anh sẽ nhờ Vi tác động bố và anh trai? Hay anh ngấm ngầm làm thủ tục giúp San chuyển về Hải Dương với mẹ? Tất cả đều không khả thi…

Một chiều Chủ nhật, Hiếu chạy xe trên con đường mòn xuống thác Lao Chải. Hiếu muốn gặp anh em Vi để thương lượng. Đang đi thì cái xe giở chứng, khục khặc mấy tiếng rồi dừng hẳn. Hiếu mang túi đồ nghề ra lúi húi sửa mãi không được đành dắt bộ dọc triền núi. Mồ hôi anh túa ra. Một nỗi bực dọc vô cớ dâng lên nghèn nghẹn.

Hiếu dựng xe vào vách đá rồi ngồi thở dốc. Anh sẽ phải thuận lòng đón nhận tình cảm của Vi để thương lượng với anh em Vi cho San học hết lớp chín. Rồi lại tính tiếp. Chỉ có thể làm vậy mới cứu San thoát ra khỏi tình cảnh bị gả trừ nợ. Hiếu bứt những lá cỏ gianh bên đường trong vô thức. Lá cỏ sắc lẹm, tay anh rớm máu.

Bất chợt, Hiếu nghe có tiếng loạt xoạt từ phía những lùm sim trên vách núi. Một tiếng súng chỉ thiên vang lên khô khốc, xé toạc sự tĩnh lặng của rừng chiều. Linh cảm có chuyện bất thường, Hiếu đứng dậy cố gắng nổ máy xe. Chiếc xe vẫn lì lợm khạc lên vài tiếng rồi im bặt. Chưa kịp dắt xe đi tiếp thì Hiếu giật mình khi một cánh tay rắn như gọng kìm ghì chặt lấy cổ mình. Chiếc xe máy đổ kềnh. Mắt Hiếu hoa lên, bóng hoàng hôn nhòa đi, tối sầm…

Hiếu tỉnh dậy trong bệnh viện thị trấn, đầu nhức buốt, một cánh tay bị bó bột nặng trịch. Ngoài cửa, bóng một anh công an đi đi lại lại. Hiếu loáng thoáng nhớ đến hình ảnh trái tim xanh lét xăm trên cánh tay ghì chặt cổ mình. Trái tim ấy anh đã từng nhìn thấy ở đâu đó rồi mà không tài nào nhớ nổi.

Ngày hôm sau, cô Lánh dẫn Vi vào thăm thầy Hiếu. Cô bé khóc thút thít kể lại chuyện xảy ra trong buổi chiều ấy. Phàn bàn với Vi sẽ hẹn gặp thầy Hiếu để nói về chuyện của San. Sau khi thương lượng xong, Phàn sẽ giả bộ nhờ thầy chở xuống thị trấn, thực chất là đưa Phàn mang “hàng” đi qua đồn Biên phòng vì biết các cán bộ đều quen mặt thầy Hiếu. Nhưng anh em Vi không hề biết kế hoạch đào tẩu của ông bố, một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán thuốc phiện về xuôi. Và khi thấy mình lọt vào vòng vây của bộ đội biên phòng, Phàn buộc phải ra tay bắt thầy Hiếu làm con tin khi cuộc gặp gỡ thương lượng chưa kịp diễn ra.

Hiếu nén tiếng thở dài, ái ngại nhìn cặp mắt đỏ hoe của Vi. Cô bé tần ngần: “Công an về khám nhà em, lục tung cả mấy hòm quần áo. Chiều qua em sắp lại đám váy thổ cẩm mang cho bọn cái Dúa, cái Vàn rồi. Mẹ em bảo sang tuần đưa em về dưới xuôi ở nhờ nhà cậu mợ. Chứ ở đây, chắc em cũng không dám đi học tiếp.”

Qua tuần, Hiếu ra viện. Bọn học trò lấp ló ở cửa, đùn đẩy nhau, lúng túng đặt lên bàn một bịch trứng gà và bó măng tươi. Đám con trai cấu chí nhau xì xầm một lát rồi thi nhau lục tung giá sách của thầy. Mấy đứa con gái ngồi mân mê quả địa cầu nhỏ xíu. Hiếu mỉm cười, cảm giác thân thương quá đỗi, xen cả chút hụt hẫng vì trong đám trò ấy không có San. Hiếu toan hỏi lũ trẻ, lại ngập ngừng e ngại…

Hiếu trở lại lớp học. Lớp vắng quá nửa. Giờ ra chơi, Hiếu tranh thủ vào phòng thầy Hiệu phó. Thầy Hiệu phó gầy nhẳng, nheo nheo mắt uể oải đáp lời Hiếu sau khi nhả khói thuốc lào mù mịt: “Ờ, có hai trường hợp xin chuyển về xuôi là Sùng Thị San và Giàng Thị Vi. Còn lại nghỉ không lý do. Cậu khỏe hẳn chưa? Chiều nay bảo thầy Vừ đưa xuống bản nhé.”

Hiếu tìm đến nhà trưởng bản thì được biết cả nhà San đã chuyển về xuôi. “Ầy dà, về với vợ người Kinh mà làm lại cuộc đời. Ở đây rồi chết chìm trong khói thuốc thôi.” Trên đường về, ngồi sau xe thầy Vừ, Hiếu cứ miên man mơ tưởng đến một ngày sẽ nhận được những lá thư từ xuôi gửi lên: “Thầy ơi, mấy chị em em đã được đi học ở một ngôi trường hai tầng rất đẹp. Từ nhà bà ngoại đến trường không gần lắm, nhưng bọn em đi bộ một loáng là tới. Em sẽ cố gắng học để đi làm cô giáo, không phải làm công nhân vất vả như mẹ.”

      Sương chiều lan dần xuống phủ bạc cả con dốc. Gió thốc vào mấy quán hàng xiêu vẹo bên đường. Vài cô gái Hmông mắt lấp lánh bên sạp hàng thổ cẩm. Hiếu chợt da diết nhớ ánh mắt rợp buồn của San, cả tiếng khóc thút thít của Vi nữa. Anh hy vọng những bông hoa mận trắng ấy sẽ đơm quả ở một vùng đất mới. Bên kia sườn đồi, những nương mận đang vào mùa quả xanh mượt trong bóng chiều. Một mùa Xuân nữa lại sắp về…

Tạ Thị Thanh Hải

(Truyện đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/ 2022)