Tôi muốn chia sẻ những kỷ niệm về ông (mà ở đây tôi xin được gọi là “chú”), người nhạc sỹ, người thủ trưởng đầy sự lạc quan, yêu đời với tình cảm gần gũi thân thương nhất về quãng thời gian được làm việc cùng chú. Đó là những năm 1984-1989, lúc đó chú được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4. Đây là những năm tháng đầy khó khăn gian khổ của cả nước nói chung và các đoàn nghệ thuật nói riêng. Tiếp nhận để xây dựng Đoàn Văn công Quân khu 4 lúc này là sự thử thách đầy cam go, bởi lực lượng rất hạn chế, vì Quân khu cần tinh giản biên chế, Đoàn chỉ có quân số 25-30 người, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều đơn sơ, thiếu thốn.

Nhạc sỹ tài hoa Ánh Dương ra đi vào những khoảnh khắc cuối cùng của mùa thu với bao tiếc thương, nhất là đối với các văn nghệ sĩ và khán giả yêu giai điệu sôi nổi, tự hào của ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” – một ca khúc mãi âm vang trong trái tim bao thế hệ. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho nền âm nhạc Việt Nam. Và ông đã được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước”, một vinh dự lớn của người nhạc sỹ quê hương xứ Nghệ.

Năm 1984, chú cùng Đoàn xây dựng chương trình nghệ thuật tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân đạt huy chương Vàng toàn đoàn đã khẳng định bước đầu và tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho nhạc sỹ Ánh Dương tiếp bước trên con đường sáng tạo…

Chúng tôi học tập chú tinh thần lạc quan, sống giản dị, trung thực, thẳng thắn và hết lòng vì chuyên môn. Tính cách của chú đã được thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc và ca khúc của chú.

Mỗi buổi sáng bước chân vào đoàn lúc 6h sáng là chú đi một vòng kiểm tra tất cả doanh trại. 7 giờ là thúc giục anh chị em diễn viên các đội tập cơ bản, tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng luyện thanh tạo nên một không khí làm việc sôi động. Đội hậu cần chuẩn bị bữa ăn cho anh em, đội xe máy sửa chữa bảo dưỡng máy móc. Tất cả như một dàn hợp xướng dưới sự chỉ huy của người nhạc trưởng tài hoa, một người nghệ sĩ luôn hết lòng vì công việc. Năm 1985, Đoàn được giao nhiệm vụ sang biểu diễn ở nước bạn Lào và phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam ở nước bạn. Những ngày tháng giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhạc sỹ Ánh Dương vẫn quyết tâm cùng anh chị em nghệ sĩ đến từng điểm chốt nơi rừng thiêng nước độc phục vụ những người lính, cán bộ Nhân dân nước bạn Lào với lòng nhiệt tình tận tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Có những giây phút căng thẳng, lo lắng về sự không an toàn của anh chị em, nhạc sỹ Ánh Dương thể hiện một cách hài hước và rất nghệ sỹ. Khi tập hợp anh em chuẩn bị lên đường, chú hô trước 3 hàng quân “Các đồng chí… 3 hàng… biến thành 2 hàng… biến” cả Đoàn cười vang phá tan sự căng thẳng, lo âu và sau này trở thành giai thoại vui của Đoàn. Những năm 1985-1990, hoạt động của các đoàn văn công có chiều hướng tinh giản, rút gọn dàn nhạc bằng việc sử dụng nhạc cụ điện tử, phát triển nhạc nhẹ, nhưng nhạc sĩ Ánh Dương đã chỉ đạo “Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải giữ lại một số nhạc cụ dân tộc bởi đó là bản sắc, truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Chúng tôi rất khâm phục về tầm nhìn này của chú và cho đến nay càng khẳng định tầm nhìn ấy là đúng đắn.. Một thời gian dài chúng ta lãng quên nhạc cụ dân tộc, nhạt phai âm nhạc truyền thống để rồi bây giờ tìm lại nguồn cội, tìm lại bản sắc văn hóa truyền thống đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Thực tế càng khiến cho chúng tôi thấy biết ơn chú nhiều hơn, một nhạc sỹ đã luôn giữ trong trái tim mình truyền thống cội nguồn của dân tộc. Hơn thế, chú cũng là người lãnh đạo luôn chăm lo đào tạo thế hệ trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn, tâm huyết, nhiệt tình để cùng góp sức xây dựng Đoàn ngày càng phát triển.

Nhạc sỹ Ánh Dương

Năm 1986, nhạc sỹ Ánh Dương tiếp tục đưa Đoàn vào biểu diễn phía Nam. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lúc này cũng là cơ hội thể hiện rõ tài ngoại giao của chú. Đoàn đi đến đâu cũng được giúp đỡ và đón tiếp ân cần. Ở đâu người ta cũng biết đến ca khúc rất nổi tiếng của chú “Chào em cô gái Lam Hồng” và bày tỏ lòng yêu mến nhạc sỹ. Nhờ vậy, chuyến lưu diễn đã rất thành công.

Gia đình chú có 4 người con, nhưng chỉ có NSƯT Lê Thu Giang, nguyên Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 7 là tiếp bước theo nghiệp của bố. Chị cũng là một nghệ sỹ tài năng với giọng hát soprannô một thời tỏa sáng trên sân khấu nghệ thuật. Giờ đây chị là giảng viên khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Chị luôn tự hào về người bố của mình, tiếp tục mang tình yêu nghệ thuật của bố cháy lên trong niềm đam mê của chị để sống và cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc nước nhà như nguyện ước ông để lại.

***

Giờ này, tôi vẫn không thôi trăn trở một nỗi niềm. Một lần, vợ chồng tôi đến thăm chú, lúc đó chú nghỉ hưu ở tại căn nhà cấp 4 đơn sơ, chỉ có thật nhiều tài liệu, sách nhạc. Chú đưa cho tôi xem một tập giấy nhạc, tổng phổ của bản giao hưởng “Đêm nay Bác không ngủ”. Chú hát giai điệu cho tôi nghe, bản giao hưởng rất hay, khiến tôi thực sự xúc động. Tôi hỏi “sao chú không dựng dàn nhạc đi ạ”. Chú trầm ngâm: “Không dựng được cháu ạ, không ai đầu tư kinh phí cho mình làm. Có lẽ chú để bên cạnh bàn thờ của cô rồi sau này ra đi chú mang theo thôi cháu ạ”.

Nước mắt tôi lặng lẽ rơi, thương chú bao ngày đêm suy nghĩ, chắt chịu từng nốt nhạc để viết nên một bản giao hưởng đầy tâm huyết và cuối cùng… chỉ để mang về thế giới bên kia. Ước mơ tưởng như thật bình dị ấy của người nhạc sỹ tài hoa: mong một đứa con tinh thần được cất tiếng chào đời vậy là vẫn còn dang dở. Tôi thầm ước một ngày nào đó, bản giao hưởng “Đêm nay Bác không ngủ” sẽ được vang lên để công chúng yêu âm nhạc được thưởng thức, và để người nhạc sỹ – chú Ánh Dương của chúng tôi được mỉm cười nơi chín suối.

Lâm Nguyên

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 29, tháng 11+12/2022)