Chợ Sy, còn gọi là chợ huyện, thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Theo lời kể của những người cao tuổi nơi đây thì chợ có từ thế kỷ XVIII. Đến đầu thế kỷ XIX, thôn Mỹ Lý (tên cũ là Lý Trai) của tổng Vạn Phần được cắt sang để thành lập xã Lý Trai. Thôn Mỹ Lý còn được gọi là Kẻ Sy vì xưa vùng này có nhiều cây si mọc khắp nơi từ ven sông đến trong làng, nhất là ở các đình, đền, nhà thờ. Hình ảnh cây si tạo nên nét riêng của cả vùng nên người ta lấy nó đặt tên cho miền đất này. Câu chuyện lý giải về gốc tích Kẻ Sy như vậy không biết có hoàn toàn chính xác không, chỉ biết cái tên Kẻ Sy thì đã gắn liền với người dân nơi đây tự bao đời.

Những cánh hoa rực rỡ khoe màu chào đón mùa Xuân mới.

Phiên chợ Sy không chỉ lớn nhất vùng Bắc Diễn Châu mà còn là một trong những phiên chợ quê lớn nhất tỉnh thời đó. Xưa, cứ đến chợ phiên là nhân dân khắp các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Yên thành, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông, Nam Đàn… nô nức kéo về với cơ man hàng hóa, sản vật miền ngược lẫn miền xuôi: mật ong, mơ, mận, măng khô, măng tươi, hương trầm, lá dong, vải dệt tay, gạo nếp, lạc, đậu, vừng, quần áo, lợn gà, ngan vịt… Dân ngoại tỉnh ở rất xa như Hà Nội, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… cũng xem chợ Sy là một cơ hội làm ăn. Các cụ kể lại, cứ đến chợ phiên thì dọc sông Bùng thuyền bè nườm nượm, hàng hóa vận chuyển ngày đêm, khách ở xa về trước rồi ngủ lại, đêm đến các phường buôn đối đáp hò vè rất sôi nổi. Càng về sau, các sản vật và hàng hóa đến với chợ Sy càng phong phú. Đặc biệt, với thương hiệu lớn, lại thuận lợi trong giao thương, chợ Sy là nơi thu hút dân buôn trâu từ Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng  về làm ăn, mua bán.

Ở chợ Sy, quần áo, chăn màn, vải vóc rất phong phú được bày bán quanh năm.

Những năm 80, chợ Sy đặt ở thôn Đông Kỷ, sau chuyển về Cầu Bùng, bên cạnh dòng Phùng Giang hiền hòa, xanh tươi, cách nhà ông bà ngoại tôi chừng hơn cây số.

Có thể nói, hết thảy người già, người trẻ, nam thanh, nữ tú ở vùng quê này không mấy ai là không một lần đi chợ Sy. Người lớn thì mua sắm, buôn bán, trẻ em đơn giản chỉ là theo mẹ ngắm những mặt hàng, hấp dẫn, những thứ lạ lẫm mà ở quê chúng không bao giờ nhìn thấy. Phiên chợ thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện là chợ Tết vào ngày 25 tháng Chạp. Ngày này, trên các nẻo đường làng, người đi lại nườm nượp từ sáng đến trưa, người ở xa thì thức dậy từ tờ mờ sáng, người ở gần cũng phải đi từ lúc bình minh mới thưởng thức hết được không khí chợ Tết.

Những loại bánh dân dã gợi nhớ một thời xa xưa vẫn còn đó.

Trước đó mấy hôm, bọn trẻ chúng tôi đã phải “dạm” mẹ cho đi chợ tết. Từ đó, đứa nào cũng phải cố tỏ ra chăm ngoan, lễ phép để mẹ thưởng cho một chuyến dạo chơi chợ Sy. Vậy là háo hức, chờ đợi, hồi hộp đón nhận trong niềm vui khôn tả. Vào dịp cuối năm, các nhà quanh xóm thường rủ nhau cùng đi chợ. Ai gom được sản vật gì thì đem đi bán và sắm Tết, ai không có gì bán thì đi sắm tết và dạo chơi.

Năm đó, khoảng 1987-1988, mẹ tôi bận mua bán nên không cho tôi theo trong khi những đứa trẻ hàng xóm đều hào hứng khoe được bố mẹ cho đi chợ tết. Tôi  buồn lắm và quyết tâm đi cho bằng được. Sáng sớm, mẹ tôi đòn gánh, thúng mủng cùng mẹ con nhà bà Huệ nô nức dắt díu nhau đi. Tôi lẻn ra đường chờ ở một nơi xa mà mẹ không biết rồi lặng lẽ bám theo sau. Ngày hôm ấy, người dân khắp các xã Diễn Kim, Diễn Hải, già trẻ, lớn bé, người cuốc bộ, người đạp xe, người quang gánh chen nhau, cười nói tíu tít nên mẹ không thấy tôi. Như có linh cảm về một tên “mật thám” đeo bám mình, thi thoảng bà ngoái nhìn lại thì tôi nhanh chân nấp vào phía sau người đi trước. Cứ thế, đi được nửa đường, tôi quyết định công khai. Lúc ấy bà chỉ biết cười xòa rồi cả đoàn “kết nạp” thêm tôi cùng lên đường.

Nước mắm, sản phẩm truyền thống của cư dân vùng biển Diễn Châu.

Đường từ nhà tôi đến chợ Sy, ở thôn Đông Kỷ, tầm hơn 4 cây số nên lúc đi thì vui nhưng khi về  mệt vô cùng, phần vì đói, phần vì trưa, bao giờ cũng phải 11-12 giờ trưa mới về tới nhà.

Đến chợ, chúng tôi tập kết ở một góc để các mẹ đi mua sắm. Hồi ấy cả nước còn nghèo nhưng chợ Sy vẫn là một trong những nơi phồn hoa. Những hàng hoa đào tươi thắm trải dài, những khóm hoa hồng, hoa cúc, mào gà… đua nhau mời chào khách thập phương. Thế nhưng, hoa không thể cuốn hút chúng tôi bằng câu chuyện “gà nhảy đĩa”, “chó leo dây” mà người lớn vẫn thường nói đến. Chúng tôi đi tìm khắp nơi trong chợ, chỗ nào có gà, có chó là ghé xem mà tuyệt nhiên không thấy những trò lạ ấy ở đâu. Mãi sau này tôi mới biết đó là lối chơi chữ của người lớn…!.

Các mặt hàng gia dụng.

Trong mắt trẻ thơ, chúng tôi chỉ chú ý đến những hàng trống bỏi tiếng kêu giòn tan, hàng tò he với muôn hình sặc sỡ, rồi tranh tết, câu đối tết ngập tràn một góc chợ. Nơi mà tôi không bao giờ bỏ qua là hàng pháo, những bánh pháo hồng rực rỡ, nhỏ, to bày  la liệt. Ngoài pháo của các nhà máy sản xuất còn có pháo của những người dân tự làm. Đó là những quả pháo cối to như cổ tay người lớn, pháo giang được quấn sợi giang xung quanh, pháo lói bằng ngón tay, pháo được bán lẻ hoặc kết lại thành băng dài. Những người bán pháo thường “đấu” với nhau bằng cách nổ những quả pháo tốt nhất để thu hút khách hàng, tiếng nổ đùng, đoàng rền vang. Một anh thanh niên có bộ ria mép lưa thưa, miệng bỏm bẻm nhai trầu, cầm trên tay đốt cả một băng pháo hồng trong sự tán thưởng của mọi người. Xác pháo lả tả bung ra như những cánh đào, mùi thơm khói thuốc bay chơi vơi rồi tan dần trong không gian náo nhiệt. Kết thúc tràng pháo thì bọn trẻ con chúng tôi lao vào nhặt những quả còn chưa nổ. Trong niềm mơ ước của một đứa trẻ, tôi mường tượng đêm 30 sẽ được châm những băng pháo dài, trái pháo to ấy với niềm hoan hỉ. Nhưng tôi chẳng bao giờ có tiền để mua những băng pháo mơ ước ấy, thường thì việc mua pháo do bố tôi độc quyền đảm nhận.  Nhờ tiền tiết kiệm, tôi mua một băng pháo tép, loại pháo to hơn cái tăm xe đạp một chút, nếu có nổ trên tay thì cũng chỉ hơi đau. Về nhà, tôi cẩn thận gỡ ra đốt từng cái một. Mùi khói pháo, mùi hương trầm quện vào nhau nghe như tết đã về.

Một hàng bán đồ rèn.

Càng về trưa, mùi thơm từ những hàng ăn nghi ngút khói với nào phở, nào xáo lòng, bánh mướt thịt chó… tỏa ra, hấp dẫn vị giác của bất cứ ai đi ngang qua. Trước mắt tôi là bao loại bánh, món ngon: bánh xèo vàng rộm, bánh nếp trắng tinh, bánh gai, bánh mật, bánh kê, chả cuốn, gà vịt quay, cháo mật,… khiến càng nhìn càng thấy nôn nao.

Mua bán xong xuôi, mẹ dẫn tôi đi chọn quần áo mới dành mặc tết. Nói là quần áo mới nhưng thường thì chỉ là một cái quần, hoặc một cái áo, tùy tình hình. Năm nào áo rách hết thì mua áo, quần hỏng hết thì mua quần, hiếm khi được mẹ mua cho cả bộ trọn vẹn. Thảng hoặc lắm, cũng có năm được mẹ mua cho cả bộ thì đó là bộ đồ rẻ tiền. Có lần, mẹ mua cho tôi một bộ đồ như con gái, không mặc thì không có quần áo mới, mà mặc vào thấy cũng có phần kỳ quặc, mẹ động viên: “Đồ con trai đó, con không thấy cái bưu (túi áo) đây à”. Cuối buổi chợ, chúng tôi thường được mẹ đãi những món quà giản đơn như mấy cái bánh xèo hoặc bánh mướt ăn với nham rau nhót, đôi khi chỉ là cái bánh lá, bánh kê… Trưa đến, từng đoàn người lại rồng rắn đi về trên các nẻo. Những đôi quang gánh nặng trĩu hàng hóa. Mấy người đi xe đạp đã chở về những cành đào, cây quất, cánh hoa đào rơi nhẹ nhàng vương trên mái tóc cô gái tuổi trăng rằm, miệng chúm chím cười trong cái nắng hanh hao.

Chợ Sy, trong tâm thức nhiều người dân quê tôi, không đơn thuần chỉ là cái chợ, nơi diễn ra việc mua bán làm ăn. Chợ Sy còn hơn thế, là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa của nhiều địa phương, nơi lưu giữ những kỷ niệm của bao thế hệ. Với tôi, chợ Sy là nơi Tết về sớm nhất, đầy đủ nhất, sống động nhất.

Chợ Sy giờ đây  dường như không còn mang  tầm vóc chợ huyện vốn có. Diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp,, hàng hóa  không còn đa dạng bằng nhiều nơi khác. Mỗi lần ngang qua nơi đây tôi lại ngậm ngùi, tiếc nuối, nhớ về những phiên chợ tết đã xa….

Bài và ảnh: Trần Hữu Vinh.

Tranh bìa: Chợ hoa ngày tết, Acrylic on cavans, họa sỹ Trần Nguyên.