GS. Phùng Văn Tửu là một học giả tài năng, một người thầy đáng kính. Gia tài khoa học bề thế của thầy luôn được khai thác nghiên cứu, những phẩm chất sư phạm của thầy mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ học trò.

Khoảng năm 1976, mùi khét chiến tranh chưa tan, thành Vinh đầy cát bụi, lần đầu tiên chúng tôi được nghe GS. Phùng Văn Tửu giảng bài. Hội trường của Đại học Sư phạm Vinh mái lợp giấy dầu, vách thưng tre, cót, bốn bề trống trải, gần 300 sinh viên, gồm bốn lớp Ngữ văn, ngồi chật kín. Suốt mấy ngày, sáng lại chiều, thầy đứng giữa hội trường, không loa đài, không micro, học trò im phăng phắc, cắm cúi ghi chép, chỉ có giọng thầy nhẹ vang, rành rẽ, khúc chiết. Tôi vẫn nhớ dáng thầy gầy, gương mặt già dặn, trán cao, đôi mắt sâu, sáng và miệng lúc nào cũng tươi tắn. Thỉnh thoảng quay lên phía bảng, viết dòng đề mục, hay những cụm từ quan trọng, còn suốt buổi thầy luôn chọn chỗ đứng sao cho gần sinh viên nhất. Ngày ấy không có chuyện ăn sáng, ngồi học đến chật trưa, nhưng ai cũng háo hức, chăm chú.

Thầy bắt đầu với bài “Văn học phương Tây thế kỉ XVIII”. Lúc đó, tài liệu rất hiếm, nhất là những tác giả như Vôn-te, Đi-đơ-rô, Rút-xô, Đê-phô, Gớt, Si-le… Cho nên phần lớn, chúng tôi học chay. Với các vị này, thư viện được vài cuốn giáo trình, viết cũng sơ lược, còn văn bản sáng tác thì chắc chẳng ai trong chúng tôi được đọc. Ngoài cuốn Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô của Đê-phô (Nxb Kim Đồng ấn hành), học sinh cấp III thời ấy chỉ biết mấy cái tên qua đoạn trích Ga-vrốt ngoài chiến lũy (Tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô), rồi bài ca: “Ta làm chim non/Lỗi này bởi tại/Ông cụ Vôn-te/… Quần áo rách xác/Sự này tại bác/Giăng Giắc Rút – xô”. Hay khi học bài Văn tế Phan Châu Trinh (Phan Bộ Châu), được nghe hai cái tên, “Cậy tài học dặn dò phương tự chủ, Lư thoa, Mạnh đức, so sánh người xưa” (Rút-xô và Mông-te-xki-ơ). Đơn giản vì mù ngoại ngữ, mà có biết cũng không có sách, bản dịch thì cũng hiếm và khó được tiếp cận. Ấy vậy, thầy Phùng Văn Tửu vẫn đem cho lũ sinh viên khoai lang đất cát miền Trung chúng tôi những bữa tiệc văn chương đầy hứng thú. Đã nửa thế kỷ, tuổi đã già, nhưng tôi vẫn giữ vở ghi phần bài giảng của thầy. Thật lạ, có những từ ngữ trong bài, cũng như hình ảnh về thầy cứ như chuyện mới hôm qua. Nhắc đến Vôn-te, lập tức hiện lên trong tôi hình ảnh: “khuôn mặt như quả trám khô nhưng luôn nở một nụ cười làm cho phong kiến khiếp sợ” của một triết gia thắp sáng thế kỷ, và cái giọng hài hài, đôi mắt cười nheo nheo của thầy. Tôi nghĩ nếu học đại học Ngữ văn mà được nghe thầy Phùng Văn Tửu giảng “Phao-xtơ” của Gớt thì quả là hạnh phúc. Sau này tôi mới biết, đọc bi kịch đồ sộ “thời gian không bao giờ làm cho nó khô héo” này, không phải dễ, lại phải giảng cho những học trò tỉnh lẻ ngơ ngác, chưa hề được tiếp cận văn bản, thì khó khăn biết chừng nào[1]. Nhưng thầy đã cho thấy, trong tình huống bất khả kháng, vẫn có cách dạy học hiệu quả. Trình tự, thầy kể diễn tiến cốt truyện, xen kẽ đọc cho sinh viên thưởng thức những đoạn thơ dài, rồi cứ mỗi chặng lại dừng chú giảng, đồng thời kết hợp phân tích những vấn đề chính.

GS Phùng Văn Tửu (bên phải) và tác giả tại Hà Nội năm 2017

Hóa ra phương pháp luận dạy đọc – hiểu văn bản mà gần đây ngành giáo dục triển khai thì chúng tôi đã được thầy “truyền nghề” từ thời ấy. Trong dạy – học văn, đầu tiên cho học trò đến được với văn bản là thầy đã thành công 70% rồi. Muốn vậy, kể cả trong điều kiện học sinh có văn bản đọc trước, thầy cũng phải nhớ, thậm chí thuộc lòng những đoạn quan trọng, nhất là thơ ca. Trong giờ dạy của thầy Phùng Văn Tửu, sinh viên luôn được nghe những đoạn hay nhất, chứa nhiều ý nghĩa nhất của tác phẩm. Tôi nghĩ, kể cả đã đọc, đã thuộc, nghe giọng thầy vẫn rất cuốn hút. Nhờ thông thạo ngoại ngữ, để có tài liệu dạy học, thầy đã tự dịch nhiều văn bản văn học phương Tây. Phải nói thầy Phùng Văn Tửu có trí nhớ rất tốt. Cả buổi đứng giữa hội trường, chỉ thấy thầy cầm một cuốn sổ bằng bàn tay, thỉnh thoảng mở liếc qua. Có những đoạn thơ rất dài, thầy đọc, tôi, chị Nguyễn Kim Quy, anh Lê Văn Dương và mấy bạn trong trong lớp bấm nhau theo dõi, không thấy thầy nhìn “tài liệu”. Nhưng thầy không chủ quan tin vào trí nhớ. Thầy Lê Ngọc Khởi (có thời kì dạy phần Truyện Kiều ở Đại học Sư phạm Vinh) kể lại rằng, đã rất ngạc nhiên khi thấy “anh Phùng Văn Tửu ngồi rất khuya xem bài (vốn đã dạy lâu năm), để mai lên lớp”. Ấn tượng nhất là cách thầy đọc văn như nghệ sĩ. Một mình “diễn” đủ vai các nhân vật, với đủ loại cảm xúc, tình ý. Trong đoạn “Lời giáo đầu trên sân khấu”, thầy tóm tắt lời “ông bầu”, lời “anh hề”, và đọc nguyên văn lời của “nhà thơ” có tới hơn 20 mươi câu. Thầy luôn đọc trôi chảy những trường đoạn thơ như vậy. Để dẫn đến cái chưa biết, thầy thường bắt đầu bằng những cái mà người học ít nhiều đã biết. Ví dụ, thầy hỏi: “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có bao nhiêu câu?” Cả hội trường nhao nhao: “Hơn ba nghìn câu ạ!” Thầy tiếp: “Vậy Phao-xtơ của ông Gớt gồm 12.111 câu thơ, gấp bốn lần Truyện Kiều”. Khi giảng về nhân vật quỷ Me-phi-xto, thầy hỏi: “Các anh chị có biết trong hộp lưỡi dao cạo râu của Cộng hòa dân chủ Đức vẽ hình gì không?” Có mấy anh lớn tuổi trả lời: “Một hình nhân như bộ xương khoác áo đen”. Thầy tiếp: “Đó chính là minh họa quỷ Me-phi-xto đấy”… Như vậy, thầy không chỉ trình bày kiến thức văn học phương Tây mà còn dạy cho sinh viên của mình những cách dẫn dắt, nêu vấn đề, gợi mở trong thuyết giảng.

Thêm nữa, điều tôi tâm đắc ở thầy là kỹ thuật lựa chọn trích dẫn, kỹ năng diễn giảng, nghệ thuật “dẫn chương trình”, khi đứng lớp.  Đến bây giờ tôi vẫn nhớ được “Bài ca con bọ chó” do quỷ Me-phi-xto hát, qua giọng đọc của thầy: “Ngày xưa một ông vua/Có con bọ chó to/Vua vô cùng âu yếm/Như con mình đẻ ra/Vua gọi bác phó may/Bác phó may đến ngay/Đo vải cho bọ chó/May quần và áo dài/Bọ chó mặc rất sang/Toàn hàng tơ lụa nhung/Cổ lại đeo thánh giá/Áo viền nhiều ruy băng/Bọ chó thành thượng thư/Trên ngực đeo bài ngà/Anh chị em trong họ/Đều trở thành quan to”. Chắc đôi mắt nheo nheo đầy vẻ giễu cợt và cái giọng khôi hài của thầy cộng với ý tứ ngụ ngôn, khiến bài thơ này mãi ở lại trong trí nhớ học trò. Hay câu “Con người là loài châu chấu chân dài, ăn cát bụi mà thấy vui sướng trong lòng” thầy đọc với cái giọng như đinh đóng cột và cái nháy mắt tinh quái của quỷ được thầy lột tả bằng ngôn ngữ hình thể, một lần nghe là không thể nào quên. Những năm về sau này, tài liệu văn học phương Tây được dịch và giới thiệu khá phong phú, rất thuận lợi việc dạy học, nhưng cách dạy, những “bí kíp” nghề nghiệp của GS.Phùng Văn Tửu vẫn vô cùng cần thiết cho tôi trong việc giảng dạy Ngữ văn.

Tôi có thói quen học ở nhà, bao giờ cũng tóm tắt lại bài ghi trên lớp, cộng với những điều đọc được trong giáo trình và các tài liệu khác, rồi soạn thành đề cương bài học riêng cho mình. Tôi đã nghe nhiều thầy có trình độ chuyên gia giảng bài, có những giờ học nghe thì rất hay, nhưng việc ghi lại, rồi chỉnh sửa cho thành tài liệu học tập, nhiều khi không phải dễ. Với vở ghi bài giảng của thầy Phùng Văn Tửu thì lại khác. Sau buổi học, xem lại, rất ít phải sửa chữa bổ sung. Các đề mục, luận điểm, luận cứ rõ ràng, ý tứ thật mạch lạc, dễ học, dễ nhớ. Sau này, soạn bài lên lớp, tôi đặc biệt chú ý đến logic bài giảng có lẽ cũng nhờ học được từ những người thầy như GS. Phùng Văn Tửu. Đặc biệt, có những chỗ thầy như vừa nêu luận điểm vừa tóm tắt cốt truyện. Ví dụ: để cho sinh viên nắm được tư tưởng giáo dục theo “phương châm tự do và theo mục đích tự do” của G. Rút-xô trong cuốn “Émile hay là về giáo dục”, thầy nêu hoạt động giáo dục của gia sư Rút-xô qua việc xâu chuỗi các chi tiết: 1. Nhỏ: Không bọc tã lót, để cho trẻ thoải mái/Không tắm trong phòng kín mà đem ra suối/Khóc không cần dỗ, để cho nở phổi/… 2. Lớn: làm vỡ cửa, người nhà mắng và định đem sửa, gia sư không cho để cho nó tự do, khi nào lạnh nó tự đi sửa/Nó thích chơi thì chơi, không cần học, khi có thiếp mời đi ăn nó phải nhờ Rút-xô đọc, lúc đó mới dạy đọc/Không cho học gì, vì kiến thức trên đời 90% là sai lầm, 10% xuyên tạc, chỉ cho đọc mỗi cuốn Rô-bin-xơn/Học theo kiểu khác: “đi bộ ngao du” để tìm hiểu thiên nhiên; bị lạc, không dắt, chỉ cho hướng, tự tìm về và học được kiến thức địa lí…  Với việc tóm tắt cốt truyện gắn liền với các luận điểm của vấn đề, thầy đã khéo léo làm nổi bật lý thuyết bằng những chi tiết sinh động trong tác phẩm. Sau này khi hướng dẫn cho giáo viên THCS dạy đoạn văn “Đi bộ ngao du”, tôi mới hiểu rằng những chi tiết sống động, những chuyện nghe có vẻ kỳ quặc giáo dục bé Émile trong văn bản mà thầy Phùng Văn Tửu cung cấp ngày ấy, có hiệu quả với trí nhớ biết chừng nào. Trong nhà trường, một khi lý thuyết được truyền dẫn dưới dạng “cây đời mãi mãi xanh tươi”, sẽ không trơ lì, khô cứng, nhanh chóng lụi tàn, mà sống mãi, đơm hoa kết trái trong tâm trí của người học.

Học ở đại học, các buổi thảo luận là rất quan trọng. Sau bài giảng thầy bao giờ cũng nêu các vấn đề, yêu cầu sinh viên tổ chức thảo luận. Có thầy chỉ dừng lại ở việc giao câu hỏi, còn kết quả thế nào tùy vào khả năng của sinh viên. Hoặc có khi để cho nhanh việc, thầy cho sinh viên cả đáp án. Dạo ấy, thầy Phùng Văn Tửu không còn biên chế ở Đại học Sư phạm Vinh mà chỉ vào thỉnh giảng. Cho nên để các buổi seminar có được chất lượng cao nhất có thể, sau mỗi phần quan trọng (chứ không đợi đến kết thúc bài), thầy thường nêu những vấn đề và gợi những ý chính chuẩn bị đề cương thảo luận. Ví dụ: Sau trình bày xong phần Khái quát văn học thế kỷ Ánh sáng, thầy cho vấn đề cần thảo luận: “Chúng ta hiểu biết gì về thế kỷ Ánh sáng?” Và gợi 3 ý: Lí trí/Khoa học/Hạn chế. Về Rô-bin-xơn Cru-xo, thầy nêu vấn đề: “Anh chị hiểu biết gì về về tác phẩm Rô-bin-xơn Cru-xô của Đê-phô?” Và hướng dẫn cấu trúc đề cương thảo luận với mạch các ý: Mở đầu/Tóm tắt/Bài học/Hạn chế/Phê phán/Lưu ý: Bác bỏ quan điểm: sống không cần tập thể, như thế nào?… Sau này, trên giảng đường, khi yêu cầu sinh viên thảo luận, tôi luôn luôn áp dụng cách thức tổ chức được học từ thời đi học như vậy. Điều này tránh cho buổi thảo luận lan man, dẫn đến lạc đề, mà cũng không “mớm” những đáp án cho sẵn, nhờ đó phát huy được tính tích cực trong việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Một trong những nét đáng quý của thầy Phùng Văn Tửu là luôn cẩn trọng, chu đáo với học trò. Sau này, tôi thỉnh thoảng có viết báo, có bài tôi gửi thầy xem. Lần nào thầy cũng đọc rất khẩn trương và góp ý thật sự nghiêm túc. Năm 2011, tôi viết bài “Vẻ đẹp của Hoạn Thư trong Truyện Kiều”, tạp chí Khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đăng ở số 15/2011. Trước đó, tôi gửi bản thảo cho thầy: “Nhờ thầy xem và góp ý cho em với ạ!”. Chỉ hai ngày sau, đã có phản hồi. Thầy gọi điện nhắc: “Vừa gửi email cho anh”. Thầy nhận xét chi tiết đến từng câu từng chữ. Nhờ góp ý của thầy tôi đã sửa lại gần như toàn bộ bài viết. Trong bản thảo tôi nêu tới “năm vẻ đẹp của Hoạn Thư”, thầy nhận xét: “một bài báo khoảng 10 trang A4, nên hạn chế số luận điểm là ba, bốn, nhưng tốt nhất là ba. Mặt khác, năm vẻ đẹp của Hoạn Thư, theo tôi nghĩ anh nên dồn lại ba có khi hay và gọn hơn”. Tôi đã chỉnh lại “Ba vẻ đẹp của Hoạn Thư” như bài viết đã công bố. Tôi rút ra bài học, trao đổi ý kiến với người khác, nhất là những bậc chuyên gia tầm cỡ như thầy Phùng Văn Tửu, không học được cái này cũng học được cái khác.

Cái làm cho học trò dễ gần là khi nhận xét về người khác, không bao giờ thầy áp đặt hay tỏ vẻ uyên thâm chỉ giáo. Thầy thẳng thắn nêu những chỗ sai, không hợp lí, nhưng luôn dùng ngôn từ chân tình đối thoại, bàn luận, coi trò bình đẳng, ngang hàng: “Theo tôi nghĩ thì thế này…”, “Ở đây anh nên tính toán lại, thế này có khi hay hơn”, “Chỗ này tôi không dám bàn, anh nên hỏi thêm ông A, ông B”… Bởi vậy, sau buổi nói chuyện với thầy, học trò thấy sáng ra rất nhiều thứ, thấy rõ cái sai, nhưng cảm giác lại rất thoải mái, nhẹ nhàng. Thầy Phùng Văn Tửu là vậy, không bao giờ tự coi mình là người quan trọng, là trung tâm chú ý. Có lần, tôi với thầy đi trong khuôn viên trường Đại học Hồng Đức, khá gần một nhóm mấy cô cậu sinh viên. Như không nhìn thấy hai thầy giáo, chẳng ai lên tiếng gì. Đi quá một đoạn, thầy nói nhỏ với tôi: “Sinh viên Thanh Hóa đẹp, gu thời trang chẳng kém các anh chị ở các trường đại học thủ đô”. Hơi ngượng với thầy, tôi buột miệng: “Sinh viên em dạy cả đấy, có bạn còn vừa học với thầy, thế mà chẳng biết chào hỏi gì”. Thầy nói ngay: “Không sao, có khi các anh chị ấy đang chú ý vào câu chuyện của nhau. Với lại mình là cái đinh rỉ gì, mà lúc nào người khác cũng  cứ phải chào mình”. Trước đó, gặp những trường hợp, nhất là người thân, con cháu, không để ý đến mình, tôi thường buồn, cảm giác nặng nề bị coi thường, có lúc hờn trách đời vô tâm. Từ khi nghe được câu nói của thầy, tôi thấy lòng dạ an bằng hẳn. “Mình là cái đinh rỉ gì!” Cảm ơn Thầy Phùng Văn Tửu đã cho trò một câu thần chú giảm stress thật đáng giá.

Một trang ghi chép của tác giả về bài giảng “Văn học phương Tây thế kỷ XVII” của thầy Phùng Văn Tửu tại Đại học Sư phạm Vinh

Có lẽ cách nghĩ thoáng như vậy, cho nên dù sức khỏe không được tốt, cô lại mất trước, nhưng thầy lúc nào cũng lan tỏa niềm an lạc. Tôi đến thăm nhà thầy mấy lần. Hình như nơi này là khu nhà ở của cán bộ quân đội cấp cao. Khi nào biết tôi đến, sợ bị cảnh vệ hỏi han làm khó, thầy thường ra tận ngoài xa để đón. Thỉnh thoảng, tôi lại gọi điện để được nói chuyện với thầy. Năm 2012, có một thời gian dài thầy không nhận điện thoại, sau tôi mới biết thầy bị trọng bệnh. Thế đấy, thầy chẳng bao giờ “khoe” về bệnh tình. Sau khi về hưu, thầy vẫn tham gia công tác của trường. Đầu năm 2017, thầy còn làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của cô Nguyễn Thị Hạnh (giảng viên Trường Đại học Hồng Đức) ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Dưới sự điều hành của GS.Phùng Văn Tửu, buổi lễ bảo vệ luận án thực sự là cuộc thảo luận khoa học, tranh luận gay cấn nhưng không nặng nề; nghiêm túc mà không căng thẳng. Cử tọa ai cũng được nêu câu hỏi. Nghe những chất vấn của Chủ tịch Hội đồng, có lẽ nghiên cứu sinh và cử tọa cũng “toát mồ hôi”. Thầy đã khéo tạo dựng những tình huống, không khí nghiêm cẩn, khoa học, cởi mở để tác giả luận án được tỏa sáng, thể hiện tối đa tài năng, bản lĩnh khoa học, trí tuệ.

Khoảng cuối năm 2017, thầy gọi điện, hỏi tôi địa chỉ để gửi tặng sách. Ngại tốn tiền của thẩy, tôi nói: “Để hôm nào em ra Hà Nội, sẽ ghé thăm thầy rồi xin luôn”. Nhưng rồi cũng phải mấy tháng sau, tôi mới đi được. Hôm đến, không thấy thầy ra đón, tôi hơi chột dạ. Mới biết, thầy bị xuất huyết não. Thầy là vậy, rất ít phàn nàn chuyện riêng tư. Thầy đi lại có vẻ chậm chạp hơn, nhưng vẫn minh mẫn, tỉnh táo, hồ hởi, hiếu khách như xưa, sẵn sàng quà bánh đãi trò. Tôi gợi hỏi, thì thầy mới nói về bệnh tình của mình, nhưng luôn hài hước, giảm nhẹ: “Cũng phải nằm viện một thời gian, nhưng ổn. Có điều, bây giờ hơi phiền, ngày nào cũng cứ phải đều đều uống thuốc. Hôm qua, quên không mua, tối tôi phải ra phố, may có cửa hàng vẫn còn bán”. Thầy cười: “Bác sĩ cấm đi đâu xa hay đêm hôm, nhưng thấy chẳng sao”. Tôi có ý ái ngại chuyện thầy vẫn ở riêng một mình, thầy nói “tôi cũng đã sang chỗ các con, ở một thời gian, nhưng nghĩ ở nhà mình vẫn thích hơn”. Rồi thầy chuyển sang chuyện khác: “Chị và các cháu khỏe chứ? Nhà vẫn ở chỗ cũ bên cánh đồng phải không? Thằng cháu ở Hà Nội thế nào?…” Hóa ra thầy rất nhớ những thông tin đã biết về nhà tôi. Thầy lấy cuốn Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây ra tặng trò, cũng như lần trước, khi tặng tôi cuốn Người cháu Rameau (Diderot), thầy viết lời đề tặng rất cẩn thận, nhưng lần này tay thầy có vẻ run run.

Năm 2020, có việc ra Hà Nội, tôi lại đến thăm thầy. Tôi vào nhà thấy cửa khép, không khóa. Tôi nhìn qua khe cửa, thấy thầy đang xem máy tính. Tôi gọi, có vẻ lần này thầy nghe không tốt lắm. Không đợi, tôi đẩy cửa vào. Ngồi trò chuyện, thầy cũng chỉ kể qua qua về bệnh tật. Tôi nhắc lại chuyện thầy làm Chủ tịch Hội đồng. Thầy nói: “hôm ấy cuối buổi khi ăn cơm, tôi khó chịu và bị choáng nhẹ đấy, nhưng tôi đã đề phòng thuốc và không để lộ, làm mất vui buổi liên hoan của cô Hạnh”. Thầy trò lại nói nhiều về chuyện sách vở, khoa học. Rồi thầy hỏi tôi: “lâu nay có viết gì không? Tôi thấy anh viết nhiều, sao không in thành sách?” Tôi nói: “em thấy nó tản mạn quá thầy ạ”. Thầy khuyên nên xâu chuỗi những bài viết theo chủ đề khi đầy đặn thì cho in, “Nói chung, sách khoa học không nên tập hợp theo kiểu cửa hàng bách hóa, mỗi thứ một tí”. Tiếc là, thực hiện theo lời dạy của thầy đâu phải chuyện dễ. Bao nhiêu chuyện muốn nói với thầy, và dường như thầy vẫn còn muốn trò ngồi lại, nhưng sợ thầy mệt, tôi đành xin về. Đi ra và nhẹ nhàng khép cửa, tôi thấy thầy vẫy tay tạm biệt, miệng cười, ánh mắt đăm đăm. Ai ngờ đó là lần cuối thầy trò được ngồi bên nhau.

Thầy tôi đã đi về với thế giới văn chương cả đời say đắm, nơi bé Émile may mắn được gia sư Rút-xô đào tạo; chàng đẹp trai, thông minh Zadig; cậu công tử Rô-bin-xơn dũng cảm nơi đảo hoang; tiến sĩ Phao-xto khao khát chốn thiên đường; chú quỷ láu cá Mê-phi-xto muốn trói buộc linh hồn nhân thế…

Vẫn biết nhịp điệu muôn thuở ấm lạnh đất trời, nhưng sao nỗi nhớ trĩu nặng lòng tôi./.

[1] Bản dịch ra tiếng Việt của Thế Lữ và Đỗ Ngoạn.

Bài và ảnh: Lê Như Bình