Sáng sáng, thường sau khi chơi vài bản nhạc trên đàn organ (thay cho đàn piano đã phải bán hồi khủng hoảng “giá-lương-tiền”), mẹ tôi lại lọ mọ tìm kính để đọc sách, báo… Hôm đó gần trưa, khi về tới nhà, tôi thấy mẹ vẫn còn đang đọc say sưa một cuốn sách… Lúc bà tháo kính ra, đôi mắt bà ngơ ngác buồn ngấn nước. Cầm sách lên tôi mới biết, đó là cuốn “Tân Nhân & Xa khơi” do Châu La Việt mới gửi tặng (Nhật ký và Thơ – Nxb Lao động, 2013).
“Mẹ có quen biết bà Tân Nhân à?”. Linh tính mách bảo điều gì đó, tôi dè dặt hỏi. Mẹ tôi lặng lẽ gật đầu. Tôi hào hứng gạn hỏi. Mẹ tôi như nhìn vào một nơi rất xa. Lúc sau, bà mới chậm rãi kể lại. Và đó là những điều mà lần đầu tiên tôi mới được nghe từ mẹ mình, giúp tôi lý giải được phần nào điều bí ẩn đeo đẳng tôi suốt mấy chục năm ròng về sức cuốn hút của một giọng hát từng làm rung động đến mê mẩn bao thế hệ người Việt, đặc biệt là bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ…
Năm đó, mẹ tôi đang theo học khóa nhạc lý đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội (Giám đốc là nhạc sĩ Tạ Phước), với các giảng viên là nhạc sĩ Lê Yên, nhạc sĩ Tô Vũ… Lớp nhạc lý này (học ký xướng âm, hòa thanh, tác khúc) có khá nhiều cán bộ quân đội được cử đến học, trong đó có cả nhạc sĩ đã nổi tiếng trên làn sóng phát thanh toàn quốc bấy giờ. Một buổi học, thầy Tạ Phước dẫn hai học viên mới vào và trân trọng giới thiệu: “Thưa các bạn, đây là ca sĩ Tân Nhân và ca sĩ Quốc Hương.” Cả lớp vỗ tay rào rào đầy ngưỡng mộ. Khi đó, hai nghệ sĩ này đã là những trụ cột trong nền ca nhạc nước nhà – cả trong lẫn ngoài quân đội. Không chỉ mẹ tôi có ấn tượng mạnh với ngoại hình đẹp, sang trọng song rất giản dị và dễ gần của người nữ ca sĩ từng qua khói lửa chiến trận từ năm 1949, cả lớp đều có cảm tình đặc biệt ngay với cô học viên mới, chủ nhân của một tiếng hát đã từng “làm đắm đuối hồn người ta” (lời của mẹ tôi). Nghệ sĩ Tân Nhân đã không ít lần hát trong lớp học vào giờ nghỉ, khi có lời đề nghị, và tất cả đều lặng đi trước giọng hát kỳ lạ của bà. Và rất tình cờ, mẹ tôi và ca sĩ Tân Nhân được phân ở cùng phòng nội trú với nhau (Thời điểm đó, dù là người ở Hà Nội cũng phải sinh hoạt nội trú tại trường). Vì vậy, mẹ tôi và bà Tân Nhân đã có nhiều dịp trò chuyện thân mật, với sự đồng cảm của hai người mẹ. Nhất là khi biết mẹ tôi là em gái út của các nhạc sĩ Lê Yên, Lê Lôi, bà Tân Nhân càng tỏ lòng quý mến đặc biệt, và tin cậy dốc bầu tâm sự. Bà Tân Nhân kể: “Chuyện riêng đời tớ buồn lắm… Cũng may là có thể vùi quên những chuyện buồn vào ca hát…” Bà thường kể về mối tình đầu với một nhạc sĩ; về đứa con trai đầu lòng chưa kịp thuộc gương mặt cha mình thì ông đã ở chiến tuyến bên kia… Thế rồi, bà đã hát cho mẹ tôi nghe trong căn buồng hẹp cấp bốn sơ sài. Đó là các bài hát “Nhớ” (Lê Yên), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp), “Ru con” (dân ca Nam Bộ)… Bà hát cho một người nghe cũng bằng tất cả tinh lực nồng nàn như hát trước rất nhiều người. Bà Nhung (vợ của nhạc sĩ Huy Du) ở buồng bên cạnh liền chạy sang nghe. Rồi nhiều học viên khác cũng bỏ mọi việc lặng lẽ tới, đứng bên ngoài phòng nghe bà hát… Có lần, bà hát mấy bài liền, tới bài “Bên nôi con mẹ hát” (Lê Lôi), chưa hết bài, bỗng dưng bà nức lên, không hát được nữa, gục đầu vào vai mẹ tôi mà khóc như tìm thấy được niềm an ủi, cảm thông dù chốc lát, như có thể vợi bớt nỗi cô đơn, sự cay đắng của số phận rơi xuống đầu mình mà thường khi, bà buộc phải giấu kỹ. Nhưng tôi nghĩ, chính cái điều bà đã phải giấu đi ấy khi biểu diễn trước đông người cũng đã vô tình tạo ra sự sâu thẳm kỳ lạ trong những cung bậc âm thanh thoát ra từ niềm rung cảm đã gặp gỡ, hòa hợp được với những tình yêu lớn cùng những nỗi đau lớn của cuộc đời… Tôi nói nhận xét này cho mẹ tôi. Bà dường như không để ý gì đến tôi, mà sống trong dòng hồi ức khó quên về tiếng hát ấy, về một thân phận phụ nữ tài hoa, xinh đẹp trong cảnh đất nước chiến tranh, bị chia cắt, dòng hồi ức không chỉ thấm đượm xót thương mà còn rưng rưng cả một niềm kính phục, tự hào…
Thời đó, mẹ tôi đã có ba đứa con trai nhỏ. Có lần, mấy ngày liền mẹ tôi không được về nhà, ba đứa trẻ chúng tôi nhớ mẹ, đòi bố đưa lên trường thăm mẹ. Bố tôi vốn là nghệ sĩ, lại thương con nên chiều theo lũ trẻ. Tới cổng Nhạc viện, bố tôi đang trả tiền xe xích lô thì chúng tôi đã nhao ngay vào phía trong. Mẹ tôi đang ngồi học, chợt thấy ba đứa con chạy ùa vào lớp gọi mẹ ầm lên. Cả lớp được một trận cười vỡ bụng. Bố tôi không ngờ xảy ra sự việc đó, xấu hổ chạy tới vội vàng xin lỗi mọi người rồi túm áo mấy đứa lôi ra, mọi người lại càng cười tợn. Bà Tân Nhân đã chạy tới dịu dàng vuốt má chúng tôi (Điều này tôi không nhớ nổi vì còn quá bé, nhưng mẹ tôi thì không thể quên!). Tôi chợt nghĩ: có một người lúc đó chắc không thể cười nổi, hay cũng có cười mà nuốt nước mắt vào lòng, người đó chính là ca sĩ – người mẹ Tân Nhân… Giờ đây, biết được câu chuyện đó, tôi càng thêm thấm thía thương Châu La Việt bạn tôi (Tên thật của anh là Trương Nguyên Việt, lấy họ mẹ).
Do hoàn cảnh gia đình, và cũng do thiếu ý chí, nên mẹ tôi dù từng được sánh vai học cùng với khá nhiều tên tuổi của nền ca nhạc Cách mạng Việt Nam như Hoàng Việt, Tân Nhân, Quốc Hương…, nhưng sau khi tốt nghiệp bà chỉ làm một cô giáo dạy nhạc bình thường ở trường phổ thông. Và điều đó cũng giải thích được nguyên do sâu xa sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng của mẹ tôi đối với những tên tuổi đã cống hiến cho Cách mạng bằng lao động nghệ thuật gian khổ, thậm chí bằng cả sinh mệnh… Sau này có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái, mẹ tôi đã cố gắng đến thăm chị Thu An – người vợ góa của ca sĩ Quốc Hương, cùng cô con gái chung của họ chơi đàn piano (được đặt bên tấm ảnh ông đang hát được phóng to cả bức tường nhà), và kể lại cho họ nghe ấn tượng của bà khi vinh dự được học cùng với người ca sĩ “hùng tráng” nọ. Trong nhiều năm, tôi nhớ, có vài lần mẹ tôi nghe tin ca sĩ Tân Nhân biểu diễn ở Hà Nội, bà đã cầy cục xin bằng được vé để đi xem người nghệ sĩ “mượt mà, trong vắt” này – người mà bà đã từng gọi là “Người đàn bà hát” của Việt Nam để liên hệ với nghệ sĩ Nga danh tiếng Alla Pugacheva trong một bộ phim cùng tên…
Đọc xong cuốn sách, mẹ tôi đã được biết thêm nhiều về cô bạn gái đã sống cùng phòng trong vài tháng ngắn ngủi. Sau khi rời lớp nhạc lý giữa chừng, nghệ sĩ Tân Nhân trở về cơ quan cũ (Nhà hát giao hưởng hợp xướng Việt Nam), rồi vài năm sau lại vào học đại học thanh nhạc chính quy (khóa 1963-1968) tại trường Âm nhạc Việt Nam và được tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia Bun-ga-ri (1969-1972). Bà là ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú… Bà từng là nguyên mẫu của hình tượng người nghệ sĩ – chiến sĩ đặc sắc trong vở kịch dài được diễn nhiều buổi: “Người mẹ và cánh rừng” của người con trai đầu… Và giờ đay, qua tiếng đàn của mẹ tôi, tôi chợt hiểu: nghệ sĩ Tân Nhân lại thêm một lần nữa làm xao động tâm hồn nhiều người – trong đó có mẹ tôi, không chỉ bởi những thành tựu chói sáng, những danh hiệu bà xứng đáng được hưởng, mà còn là những nỗi niềm riêng được kể một cách chân chất, nồng nàn, qua những dòng hồi ký, những vần thơ để lại – chúng vừa bồi âm luyến láy để diễn tả thêm những giai điệu kỳ ảo trong giọng hát, vừa hé lộ cho thấy cái cội nguồn thăm thẳm của một trái tim phụ nữ từng vượt lên xót đau, trăn trở, bao “sóng gió dập vùi” (chữ của bà Tân Nhân), trước hết là để dành những gì trong trẻo quý giá nhất cho các con mình: “Con là dòng sông xanh tắm mát bãi bờ/ Mạch nước ngọt từ nguồn cao tuôn vào biển rộng/ Bố mẹ hóa thân thành muôn vàn lớp sóng/ Mãi bạc đầu dìu dặt hát ru con”. Và để đến được với niềm say mê, khát vọng của bao con người, hỗ trợ họ đi qua những năm tháng gian nan: “Giữa chốn xa khơi chẳng ngả nghiêng”.
Chốn “Xa khơi” đó từng tràn ngập tâm hồn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ…
Mai An Nguyễn Anh Tuấn