Bùi Hiển là một nhà văn đặc sắc, trước hết là trong lĩnh vực văn chương – văn hóa nước ta:
Thứ nhất, không có ai thuộc lớp nhà văn tiền chiến (viết từ trước năm 1945) mà còn tiếp tục song hành cùng các văn thi gia lớp cách mạng và kháng chiến, rồi xây dựng đời sống mới sau 1945 cho đến đầu thế kỷ XXI này như ông. Điều đặc biệt là khi tiếp tục sáng tạo như vậy, đề tài truyện ngắn của ông thêm rộng mở, cách viết cũng vừa dí dỏm như ngày nào, mà có thêm sự sâu sắc, tươi nhuần.
Bên cạnh các truyện ngắn vững vàng, nhà văn còn dịch 7 tập sách, còn viết nhiều tiểu luận – phê bình – chân dung văn học… cung cấp thêm cho văn đàn những tư liệu có chọn lọc từ một văn gia dày dặn và cả một cách nhìn nhận, ứng xử với văn chương – văn hóa.
Thứ hai, Bùi Hiển càng viết và hoạt động, ông càng tỏ rõ chất sâu sắc mà khiêm dung trong suy nghĩ và khoan hòa khi ứng xử trên một định hướng chuẩn, là vì sự đổi mới – phát triển lành mạnh của văn học – văn hiến nước nhà theo trào lưu hội nhập.

Chân dung nhà văn bùi Hiển. Minh họa: Tạ Tâm

Bạn của mọi người
  Trong gia đình, Bùi Hiển không chỉ là một người chồng, một người cha, một người anh, một người ông được kính mến kính yêu, mà ông đã được ứng xử như với một người bạn lớn. Là một người bạn, mới nghe, ngỡ như có chút gì nhầm lẫn? Không nhầm đâu, Bùi Hiển đương nhiên là cha, là ông… và ông được được vợ con rồi cháu và em nhiều khi coi là bạn lớn. Hồi còn sống, ông từng hỏi tôi: Trong nhà, Nguyên An có được coi là bạn không? Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên khi nghe ông hỏi vậy, dần dần, đến mấy năm, có thêm trải nghiệm, tôi mới nhận ra: Vợ và con cháu đôi khi đã coi mình là bạn thì vui vui và tự hào âm ỉ ấy chứ. Nhưng quả thực, được như thế không dễ tý nào.
Với Bùi Hiển, tôi biết và hiểu rằng gần như tự nhiên, ông thành bạn của gia đình ông, nhất là với mấy người con và cô cháu gái có theo nghiệp làm văn viết báo. Lứa tuổi ông, từng thấm nhuần Cổ học, Hán học và Pháp học từ xứ Nghệ, dễ nghiêm cẩn quy tắc mà thành gia trưởng lắm. Nhưng ông thì không như thế.
Là bạn của mọi người trong nhà, rồi thành bạn của nhiều nhà văn nhà thơ, từ thủa trẻ trai cho đến lúc về già, theo các cách thức khác nhau, ấy là Bùi Hiển. Tôi đã có mấy lần đưa ông/cùng ông đi tìm nhà văn Phan Khắc Khoan ở mạn Từ Liêm, Cầu Giấy, hôm thì mưa rét, bữa thì nắng to. Mệt, tôi gần 40 tuổi còn mướt mát, mà ông thì quấn thêm một vòng khăn cho ấm cổ, kéo cái mũ len xuống cho kín tai, rồi nói có hơi khói bốc ra, rằng: Ông Phan Khắc Khoan giỏi lắm, có công với thể kịch thơ Việt Nam đấy, ta cố tìm, nghe nói ông ấy cũng không được như xưa. Phan Khắc Khoan không được như xưa theo nhà văn Sơn Tùng (anh hùng lao động thời đổi mới) và nhà thơ Hồ Khải Đại (giải ba Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955) là bởi ông gặp va quệt dạo Nhân văn – Giai phẩm, sau đó sinh kế cũng ngặt nghèo… Rồi nhờ cuộc tìm kiếm thành công của nhà văn Bùi Hiển, nhà văn Phan Khắc Khoan đã trở lại sinh hoạt với anh em trong Hội Nhà văn Việt Nam, được nhận phụ cấp… kế đó tuyển tập Phan Khắc Khoan (do Võ Văn Trực làm) được xuất bản vào năm 2000.
Không ồn ào, nghĩ rằng “việc nghĩa thì ta cứ làm”, Bùi Hiển là vậy. Theo tôi, sự ân cần chu đáo của Bùi Hiển với bạn nghề gặp “tai nạn lao động” như trên, hẳn là một phần căn tính đáng quý của bậc văn gia và cố nhiên, nó góp phần giải thích cho ta cái đặc sắc của văn phong ông là cả một sự ấp iu trìu mến với con người – nhân vật trong tác phẩm. Rồi từ cái nhìn, xuất phát từ cái tâm ấy, cái trí của ông như trong sáng hơn, khiến trang văn của ông tươi nhuần, có sức nâng đỡ và dìu dắt nữa.
Bùi Hiển lớn mà không nghĩ là mình lớn
   Khoảng thời gian gần gũi với Bùi Hiển, tôi còn được gặp gỡ và lắng nghe, đôi lúc có góp lời với một số nhà văn nhà thơ cũng là bạn với ông từ trước 1945  như Thanh Châu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông… và sau 1945 ít lâu như Hoàng Minh Châu, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng…
Như là theo đà câu chuyện, cũng như là do tôi có chủ ý khơi gợi, thì tôi biết và hiểu là các vị ấy đều tin và quý Bùi Hiển.
– Tại sao chú lại tin ông Bùi Hiển thế? Tôi hỏi, nhà thơ Hoàng Trung Thông cho hay: – Ông ấy am tường và không máy móc, khe khắt, lại rất hồn nhiên, không làm dáng văn nhân như ai kia.
– Hình như bác và ông Bùi Hiển có lối viết gần giống nhau? Nhà văn Thanh Châu bảo: – Có thể là thế. Vì tôi với ông ấy đều biết đời là cực nhọc, trái khoáy, nhưng chúng tôi không chủ tâm khai thác cái mặt ấy của đời…
– Tại sao vậy bác? Bác không theo dòng văn của “chủ nghĩa khốn khổ” như một số vị cùng thời thì phải?
– Anh còn lạ gì nữa, ca mãi sự đói rách – dẫu đó là sự thật, khéo lại làm cho người ta sợ hãi và nản lòng thì sao?
Tôi nghe và hỏi Chính Hữu, Trần Hữu Thung về một ít đặc sắc của con người và cái mà bây giờ, người ta hay gọi là địa – chính trị, địa – tính cách với địa linh nhân kiệt…. vào các lúc khác nhau. Ông thì hồ hởi đến khác thường, ông thì trầm lắng cũng khác hẳn. Chính Hữu: – Thì Nguyên An nghĩ thế nào? Cái khí chất xứ Nghệ và một ít bản sắc của văn hóa xứ Nghệ?
Tôi không dám nói qua loa “cho xong chuyện”, và cũng không cho là đã đến lúc phân giải gì… Chính Hữu trầm ngâm: – Nghệ An và Hà Tĩnh mang tiếng là khô cứng. Ông Bùi Hiển và ông Nguyễn Đức Nam có khô cứng không? Hay là ngược lại họ có cái đằm thắm thiết tha riêng, rất hào hoa như Bắc Kỳ, như Tây (Nói đến Tây, Chính Hữu cười nhẹ: Là Tây văn minh chứ không phải Tây thực dân đâu nhé!).
Ra thế!
Cái ông làm thơ gân guốc, chữ như chạm khắc…. mà cấu trúc thơ hình tượng thơ thật hào hoa lại được tiếng là nghiêm nghị, “quy lát”, lại nói về ông viết truyện ngắn dí dỏm, nhẹ mà sâu sắc như vậy, là đúng đến mức nào đây?
Tôi thì cho rằng: Dẫu thế nào, thì ít nhất, cũng đúng ở điểm này: Bùi Hiển đã được đọc kỹ và từ đó, người ta (là bạn văn…) quý nể, nên khi nhận xét nhau, họ không phải “lựa lời”.
Nhắc lại cái đận phải tạm sơ tán khỏi Hà Nội, kẻo lộ ra là đang hoạt động Văn hóa cứu quốc, không khéo lại bị mật thám Pháp – Nhật bắt, nên phải vào Vinh ẩn tránh ở nhà người quen (dẫu chưa thân lắm), nhà văn Tô Hoài nói:
– Thì tôi cứ đi Vinh thôi, vì nghe nói trong đó người ta ghét Tây, dám làm Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng là có tý liều bị bức quá thì vùng lên, của cái người có chí khí quật khởi…
– Thế là cứ đi thôi ư?
– Hượm đã. Tôi không liều, tôi đã quen Bùi Hiển qua trang báo, trang văn rồi. Tôi biết ông này có trí lự, khôn khéo, không khôn khéo mà làm được trong Sở Tây à? Truyện ông ấy viết đượm tình và hóm hỉnh. Người như thế là chơi được, dựa một chút cũng được chứ sao.
Nhà văn Bùi Hiển lãnh đạo văn nghệ
  Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn tổ chức biên soạn, NXB Hội Nhà văn tái bản, bổ sung rồi ấn hành lần thứ IV năm 2010, có viết về nhà văn Bùi Hiển: “Tháng 8 năm 1945, tham gia tổng khởi nghĩa ở thành phố Vinh. Từ đó lần lượt phụ trách các công tác: Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An, đồng thời là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền, Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Liên khu IV, Ủy viên biên tập báo Văn học, Văn nghệ…. Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam”.
Đọc đoạn này, lại liên hệ với bản danh mục tác phẩm của Bùi Hiển đã viết từ trước tháng 8/1945 đến cuối đời – khoảng ngót 60 năm, ta nhận ra mấy nét đáng chú ý và rất đáng quý là:
Bùi Hiển tham gia lãnh đạo văn nghệ từ góc độ, thành tựu của một nhà sáng tác có uy tín, từ một cán bộ – chiến sĩ cách mạng. Và như lời kể của nhiều nhà lãnh đạo cách mạng – kháng chiến thì từ năm 1945, cùng Huy Cận, Trần Huy Liệu… ông là đại diện của giới trí thức – văn nghệ sĩ tham gia lãnh đạo mặt trận văn hóa – văn nghệ lứa đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (trước cả Chính Hữu, Vũ Tú Nam…)
Khi đã tham gia lãnh đạo văn nghệ, nhà văn Bùi Hiển vẫn tiếp tục sáng tác, có được nhiều tác phẩm hay, xuất sắc nữa. Đặc biệt, ông hầu như rất bám sát cơ sở, là các vùng có nhiều khó khăn trong kháng chiến như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Ấn tượng về một thanh niên, một người đàn ông bề ngoài trắng trẻo, thư sinh, đeo ba lô, đi bộ và đi xe đạp trên các ngả đường bụi bặm, lầy lội và khét lẹt hơi bom nổ, nhà cháy… mà vẫn dẻo dai nói cười dí dỏm… là Bùi Hiển như luôn lưu dấu trong bạn bè văn nghệ.
Bùi Hiển tham gia lãnh đạo văn nghệ, không chỉ bằng sự sâu sát như một cán bộ chính trị – phong trào mẫn cán, có sức thuyết phục mà còn ở cả tư cách một văn nghệ sĩ am tường học vấn. Nhiều nhà văn cùng lứa với Bùi Hiển như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Chế Lan viên và sau ông tí chút như Chu Văn, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng… đều quý mến ông.
Nhà thơ Chế Lan Viên ngay thẳng và thông tuệ lịch lãm, năm 1957 viết thư gửi nhà văn Bùi Hiển có đoạn thế này:
“Hiển thân yêu. Được thư Hiển thật mừng…. Có người người bạn rất ít viết thư, nhưng vẫn nhớ đến luôn, nghĩ đến nhiều vẫn là cái nâng đỡ về tinh thần cho lòng mình. Đối với Hoan, đó là Hiển (Chế Lan Viên chào đời ở Diễn Châu – thư phủ của Châu Hoan xưa, nay thuộc Nghệ An; cụ thân sinh đã đặt tên cho nhà thơ tương lai là Phan Ngọc Hoan – NA) – Hiển có nhớ ra rằng chính Hiển đã “gà” cho mình hiểu và yêu tiểu thuyết đầu tiên không?… Cho đến lúc cùng Hiển, mình xem cách Hiển lấy tài liệu, cách Hiển suy nghĩ tìm tòi, thế rồi mình mới thấy tiểu thuyết là “người”, những “chuyện của người” và bây giờ thì hay quá đi mất”[1].
Bùi Hiển là nhà văn xuôi – truyện ngắn xuất sắc ngay từ chùm tác phẩm đầu tiên đưa ông vào văn đàn Việt. Thạch Lam hay Tô Hoài, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đều chào đón nhà văn trẻ dạo ấy. Với bản tính của mình, và có lẽ, cũng do được quen biết nhiều, cũng nhận ra được một cách sâu sắc mối quan hệ của bạn nghề đối với sự phát triển của một phong cách văn gia, nên sau này, ta thấy Bùi Hiển cũng thật ân cần với mọi lứa tác giả. Ông đọc họ và tìm hiểu nhiều về họ qua các chặng đường, vì thế khi viết hay nói về họ, ông không nhiều lời, mà vẫn chỉ ra được nét đặc sắc của một số nhà văn này. So sánh một chút, tôi thấy là trong số những vị cùng thời với Bùi Hiển, hình như không ai hiểu biết rồi viết về các bạn văn nhiều như ông. Đọc lại tập Bạn bè một thủa  (hồi ký và tiểu luận văn học, xuất bản 1999) của Bùi Hiển, ta sẽ thấy là nhận xét trên rất có cơ sở. Tôi đã hỏi nhà văn:
– Tập chân dung văn học Bạn bè một thủa hay. Bác còn viết tiếp chân dung văn học nữa chứ?
– Tại sao? Mình thấy có vẻ vừa đủ rồi.
– Bác biết nhiều, hiểu kĩ về văn cảnh và cuộc đời của các tác giả lứa đầu và lứa sau mà… Người đi trước có trải nghiệm (tôi định dùng thêm chữ uy tín, nhưng biết là Bùi Hiển thường rất tư lự khi nghe người ta có vẻ khen mình, nên không dùng từ này nữa), mà viết bình, giới thiệu người đi sau thì cũng quý…
Nhà văn nhìn tôi chăm chú hơn, rồi nhẹ nhàng:
– Nghĩ thế cũng phải. Nhưng mỗi lớp nhà văn, nên có một vài nhà phân tích và bình luận của riêng mình.
Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ và nghĩ về ý này của Bùi Hiển. Đây là tâm sự, cũng là tầm vóc của một nhà lãnh đạo văn nghệ chăng,
Dường như Bùi Hiển luôn lắng nghe một cách thật lòng, thật sự. Người ta đồng ý đồng tình với mình, Bùi Hiển cười tủm tỉm, tuổi đã cao cao, mà thoáng chút bùi ngùi, mừng mừng vui vui lại có gì bẽn lẽn nữa thì phải, người ta có ý tranh cãi, ông nhẹ nhàng lắng nghe bằng tai, bằng mắt, bằng cả sự điềm nhiên của dáng ngồi, dáng đứng. Và ông cũng nói lại bằng cách của riêng ông – ít lời thôi, hay kể gợi một mẩu chuyện…. thế là xong, là ổn. Nhà thơ Hoàng Trung Thông và cả cây đại thụ Tô Hoài đều nói với tôi: Cũng có chỗ chúng tôi khác nhau, khác nhau nhiều đấy chứ, anh không biết à? Nhưng tôi yên tâm khi có Bùi Hiển bên cạnh.
 Cái cách đối thoại với những gì khác điều mình tâm niệm (và đang bảo vệ) của Bùi Hiển, như tôi biết là có những biểu hiện giống Huy Cận hơn Nguyên Hồng hay Nguyễn Tuân. Về phương diện này, xem ra hai văn thi gia gốc Nghệ lại giống người kinh kỳ hơn. Còn hai vị xứ Bắc lại có vẻ như thuần theo cách Nghệ thì phải?
Có người hỏi: Tại sao thế?
Tôi muốn  trả lời: Họ đều là người của thời.

 Nguyên An

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 4/Bộ Mới/2020)


[1] Hay quá đi mất, là nhận xét của Chế Lan Viên về tiểu thuyết Terres defrichess. Lúc đầu Chế Lan Viên “chỉ thấy triết học, chả thấy thơ gì” ở đây, ông chê là không hay. Nhờ có Bùi Hiển, Chế Lan Viên đã thay đổi ý nghĩ về tác phẩm này và tiểu thuyết nói chung.