Nhà thơ Ngọc Toàn, tên khai sinh là Vũ Ngọc Toản, sinh ngày 22/02/1936 tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Vũ Ngọc Toản tốt nghiệp Trường Sư phạm khu IV rồi làm giáo viên tiểu học, bằng nỗ lực vươn lên, ông học Đại học Sư phạm Vinh và về dạy cấp 2, sau đó được điều về làm chuyên viên Ty Giáo dục Nghệ An. Trước khi nghỉ hưu, năm 1996, Vũ Ngọc Toản là giáo viên Trường Bồi dưỡng giáo viên huyện Quỳnh Lưu.

Là một nhà giáo có niềm đam mê thơ và văn học nghệ thuật, nhà thơ Ngọc Toàn tham gia hoạt động văn nghệ từ những năm 1959 – 1960. Ông chủ yếu sáng tác và thành công với thể loại lục bát. Thơ Ngọc Toàn mang đậm chất liệu ca dao, dân ca xứ Nghệ. Vì vậy ông được kết nạp làm hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngọc Toàn thuộc thế hệ những hội viên sáng lập Hội Văn học, Nghệ thuật Nghệ An, ông từng cùng các bạn văn vượt bom đạn về tham gia Đại hội lần thứ nhất Hội Văn nghệ Nghệ An năm 1967 tại Yên Thành.

Chân dung nhà thơ Vũ Ngọc Toản.

Nhà thơ Dương Huy chia sẻ: “Anh Toàn là người đam mê thơ, tôi cùng anh ấy sinh hoạt văn nghệ từ những năm 60. Ngọc Toàn từng được giải thưởng của Ty Văn hóa – Thông tin về thơ cổ vũ cho các phong trào lao động, sản xuất và chiến đấu của quân, dân địa phương như phong trào “Tiếng trống Xô Viết”, phong trào chống hạn, phong trào xây dựng hợp tác xã… Ngoài ra, anh Ngọc Toàn có những vần thơ rực lửa ca ngợi và cổ vũ cuộc kháng chiến của quân, dân ta những năm chống Mỹ. Hồi tôi công tác ở Vinh, thi thoảng về quê là ghé nhà anh ấy chơi, anh em nói chuyện văn chương, chuyện đời rất tâm đắc. Ngọc Toàn là người ham đọc sách, trong nhà anh ấy có một tủ sách lớn, chủ yếu là sách văn học, nhiều đầu sách quý”.

Nhà thơ Trần Ngưỡng, là bạn văn thuộc lớp đàn em của nhà thơ Ngọc Toàn, tâm sự: “Tôi và anh Ngọc Toàn có nhiều thời gian sống gần nhau. Hồi những năm 1963 – 1964 gì đó, anh Toàn là giáo viên về dạy học ở Quỳnh Châu, anh ấy được địa phương sắp xếp về ở trong nhà ông anh tôi là nhà thơ Trọng Hà. Tôi còn nhớ, hồi ấy anh Ngọc Toàn có một bài thơ được đăng Báo Văn nghệ làm chúng tôi rất ngưỡng mộ, anh em kết thân nhau từ đó. Sau này, tôi làm Bí thư Đoàn xã Quỳnh Châu, Huyện Đoàn Quỳnh Lưu đóng ở Quỳnh Hồng nên có dịp về Huyện Đoàn là tôi ghé chơi nhà anh ấy. Lúc tôi bập bẹ sáng tác thì Ngọc Toàn là người động viên, chia sẻ và góp ý cho tôi. Sau này tôi thành lập Câu lạc bộ Thơ Tùng Lĩnh (năm 1995), anh Ngọc Toàn là một trong những hội viên hoạt động năng nổ, tích cực nhất, lúc nào anh ấy cũng nhiệt tình tham gia các buổi sinh hoạt, sáng tác thơ đăng tập san của câu lạc bộ, có nhiều ý kiến xây dựng để sau này câu lạc bộ phát triển thành Chi hội Văn học Nghệ thuật Quỳnh Lưu, trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật tỉnh, từ tháng 11 năm 2000”.

Nói về nhà thơ Ngọc Toàn, bạn bè văn nghệ quý mến ông bởi tính cách hiền hòa, điềm đạm của một ông giáo làng, nhiệt tình với bạn bè. Ngoài thơ, ông còn có niềm đam mê cây cảnh. Ông tự tạo cho mình nhiều thế cây, nhiều dáng tượng đẹp để ngắm, có bạn bè nào quý mến ông sẵn sàng tặng ngay. Nhà thơ Ngọc Toàn từng chịu khó leo lên lèn Long Sơn tìm những tảng đá lớn đem về tạc nên những bức tượng mà thỏa nỗi đam mê. Trong bài Cây và đá, ông viết: “Rễ len vào kẽ đá/ Cây xanh thêm màu cây/ Đá có cây bầu bạn/ Nhen nhóm bao nghĩa tình”. Cây, đá và bạn, bấy nhiêu thôi đã nói hết về con người, tình cảm của nhà thơ Ngọc Toàn với đời, với người. Yêu quý tấm chân tình của bạn, hiểu tâm hồn bạn, nhà thơ Trần Ngưỡng đã tặng Ngọc Toàn bài thơ Long Sơn nói về thú vui tao nhã của ông: “Trước sân nhà có một Long Sơn/ Không gian nhỏ đủ đầy thiên cảnh/ Cái vẻ đẹp do tay người tạo dựng/ Vẻ đẹp từ trong hoang sơ”.

Chắc vì quá yêu thiên nhiên mà sáng tác của ông ngồn ngộn hình ảnh về cây trái, hoa lá vườn nhà, những tập thơ của ông cũng mang tên những loài hoa, cây, trái mà ông hằng yêu quý. Nhà thơ Ngọc Toàn để lại một số tác phẩm đáng chú ý như: Hương phong lan (tập thơ, Nxb Nghệ An); Hoa vạn tuế (tập thơ, Nxb Thông tin, Văn hóa Hà Nội); Quả đào tiên (tập thơ, Nxb Nghệ An).

   Ngọc Toàn – Vũ Ngọc Toản đã về cõi vĩnh hằng. Có lẽ ông đã về chốn bồng lai tiên cảnh mà mình đã âm thầm tạo dựng. Ở đó có núi non, có dòng nước chảy, có cỏ cây, hoa lá, chim muông ru linh hồn ông yên ả bên những vần thơ lục bát. Sau bao vất vả, thăng trầm của cuộc sống, người đã về với chốn vô ưu.

Trần Hữu Vinh