Nhận lời viết cho chuyên mục “Tiếng nói văn nghệ sỹ” của Tạp chí Sông Lam khiến tôi trăn trở. “Viết cái gì? Viết cho ai?” Câu tự hỏi này với người cầm bút luôn đúng và không hề cũ.

Chúng ta thường quan niệm người làm báo luôn có xu hướng nghiêng về tuyên truyền, cập nhật sự kiện… Người làm văn thiên về nỗi niềm thân phận con người. Nhà báo luôn mang trong mình cây thánh giá “thư ký của thời đại”. Vậy thì nhà văn có bổn phận gì với đời? Văn chương minh họa sẽ khó có chỗ dung thân, nói chi đến tồn tại truyền đời!

Tôi nhớ có lần báo chí phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc, đại để: “Nhà văn viết bằng cái gì? Ông trả lời “Nhà văn muốn viết gì cũng cần có ba cái chính: Một là, tài năng (tài năng là thứ trời cho); Hai là sự trải nghiệm (tức vốn sống); Ba là nền tảng văn hóa dân tộc và nhân loại mà ta có được. Lớp trẻ cầm bút ở ta hiện nay thiếu hụt hơn cả chính là cái thứ ba này”.

  1. Ý kiến nhà văn suy cho cùng chính là tác phẩm. Còn ý kiến cấp thời của nhà văn trên các diễn đàn văn học nghệ thuật liệu có gì khác với ý kiến nhà báo, ý kiến nhà khoa học? Tiếng nói nào cũng là tiếng nói công dân. Tiếng nói tự đáy lòng về thời cuộc, về thân phận con người, khác với tiếng nói xã giao, đãi bôi kiểu “tân cổ giao duyên”…

Tiếng nói của nhà văn Phùng Gia Lộc từ năm 1987 trong bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Tuần báo Văn Nghệ ngày 23 tháng 1 năm 1988) là tiếng kêu thảm thiết về nạn cường hào ác bá địa phương. Và cũng chính nhờ cái can trường dũng cảm của nhà văn dám bật nắp cái “hũ mắm” bấy lâu dậy mùi ở một làng quê xứ Thanh khiến nhiều người phải động lòng trắc ẩn, nhìn ngó lại sự thao túng, buông trôi, thả lỏng của mình. Và cũng từ “Cái đêm khủng khiếp ấy… ngọn gió đổi mới được khơi dậy (khai phong) góp phần tạo nên trận gió mới thay kiếp đổi đời cho hàng chục triệu mảnh đời đen bạc!”

Thập niên 80 thế kỷ trước không chỉ nông thôn mới nảy nòi ra bọn ác bá cường hào mà ngay cả thành thị cũng biến thái đủ thứ nhiêu khê sách nhiễu không kém. Nhà báo, nhà văn Trần Huy Quang so với Phùng Gia Lộc xem ra cũng một mười một chín. Những loạt bài phóng sự đăng tải trên tuần báo Văn nghệ như “Câu chuyện về ông vua lốp”, “Lời khai của bị can”… đã thấu đến “Khai Phong phủ”. Phải chăng vì thế mà vua lốp Nguyễn Văn Chẩn được giải thoát khỏi vòng lao lý, trở lại làm người đúng nghĩa một công dân.

“Tôi đang là bị can của một vụ án, vụ Z.30. Đây là lời khai của bị can. Hôm nay bị can mới được nói về số phận của “cái kiến”. Ai cho phép “cái kiến” quyền được nói? Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai vái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí…” (Lời ông Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn trước truyền thông báo chí sau khi được trả tự do).

Nếu không có tiếng nói nhà văn, hay nói cách khác là các nhà văn không dám lên tiếng thì ngay cả chúng ta, những người đương thời, cũng khó mà hình dung ra không chỉ “thủy hỏa mới sinh đạo tặc” mà ngay cả khi “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”, cái ác, cái xấu vẫn sinh sôi nảy nở và ngang nhiên tồn tại!

Những chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; những anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan,… Nếu không có tiếng nói nhà văn, liệu hậu thế có hình dung ra “cái đêm hôm ấy đêm gì” mà ghê tởm thế? Cái đêm “chị Dậu vội chạy ra sân, trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị” là cái đêm gì?

Tiếng nói nhà văn trên các diễn đàn báo chí tuy nhỏ lẻ nhưng đấy là tiếng của người dân. Tác phẩm văn học quốc gia nào, nhà văn nào cũng thế, luôn hội đủ “hỷ, nộ, ái, ố”. Người đọc dễ dàng nhận ra những diễn biến xã hội, con người trong tác phẩm được nhà văn tái hiện vào quãng thời điểm, thời gian, thời kỳ nào? Nhà văn chính là những “biên niên ký”, là “thư ký của thời đại”.

                                                Ấy là những chuyện ngày xưa

                                                Thuở Internet còn chưa ra đời.

  1. Phải thừa nhận kể từ khi Internet ra đời, thế giới loài người như thêm lần được khai sinh, hay chính xác hơn là được khai phóng. Chân trời, góc bể giờ đây đã không mấy xa lạ với loài người. Trái đất vẫn tròn, nhưng thế giới hiện tại đã được coi là phẳng. Mọi kết nối liên lạc giao thoa giữa con người với con người, giữa con người và vũ trụ, thiên nhiên đã trở nên gần gũi. Như lâu nay chúng ta vẫn thường nói, thường nghe “thế giới bỏ túi”.

Giáo sư  Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia (ANU) là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển Internet tại Việt Nam từ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ 20. Đến nay (2021) số người dùng Internet nước ta đã xấp xỉ 70 triệu người. Hầu hết các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp từ Trung ương đến xóm thôn đều có cổng điện tử. Mọi sự điều hành lớn bé luôn kịp thời, chính xác.

Cũng lại theo sự biết của tôi qua nhiều năm tiếp cận, sử dụng mạng Internet, mọi diễn biến xã hội không chỉ trong nước mà trên toàn cầu… chỉ cần một vài thao tác trên bàn phím máy vi tính hay trên điện thoại thông minh, mọi sự muốn biết sẽ được đáp ứng một cách nhanh chóng, kịp thời.

Chỉ riêng mạng xã hội Facebook cũng có thể coi là “tờ báo của nhân loại”. Ai cũng có thể cất lên tiếng nói của riêng mình bằng rất nhiều thứ ngôn ngữ tượng thanh, tượng hình, nhiều cung bậc, đa màu sắc mà không cần một thứ triết lý nào cả, bởi người chơi tự biết mình nên và được phép đăng tải những gì lên trang cá nhân của mình.

Facebook còn được ví như một nhà hàng buffet. Tùy sở thích của từng người, mà tìm kiếm, khai thác nguồn tin, bài… Sau hơn mười năm lập trang Facebook, hầu như ngày nào tôi cũng tranh thủ dành một khoảng thời gian có thể, vào mạng đáo qua một vài lượt xem tình hình trong nước cũng như thế giới có gì mới lạ không? Các trang kết nối bạn bè gần xa có gì vui, buồn, giãi bày tâm tư?

Phải chăng, vì lâu nay nhiều người quá lạm dụng Internet, dần thành quen và thích khai thác những vấn đề cập nhật kiểu như “món ăn nhanh” mà quên, hay nói cách khác là ít ngó ngàng, quan tâm đến báo giấy, văn hóa đọc sách? Theo tôi, trong câu hỏi đã có câu trả lời: Chưa hẳn thời nay không có những tác phẩm hay để đọc? Cũng chưa hẳn những chuyện nhà văn viết ra đã hay, thật và hấp dẫn bằng những chuyện đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ mà họ (cư dân mạng) đọc được, thấy được qua Internet. Giá như trước những năm 2000 chúng ta cũng có Internet như ngày nay thì những “Cái đêm… khủng khiếp như “cái đêm hôm ấy” của Ngô Tất Tố, của Phùng Gia Lộc sẽ được cả thế giới loài người biết đến, ngay và luôn trong cái đêm hôm ấy mà không phải đợi đến sáng sớm hôm sau!

Vạch mặt, lên án cái xấu, cái ác kịp thời cho bàn dân thiên hạ biết cũng là biện pháp cảnh báo hữu hiệu, ngăn chặn cái xấu, cái ác – dẫu biết cõi ta bà, cái Ác và cái Thiện luôn song hành tồn tại. Phải chăng vì thế mà cuộc đời thi vị hơn chăng? Và còn có cái để mà yêu, để mà ghét, để mà hy vọng, ước mơ…

Ảnh minh họa, nguồn: sachhay24h.com
  1. Tiếng nói nhà văn ở các chuyên mục, trên các diễn đàn báo, tạp chí, trên các trang mạng cá nhân lâu nay về những vấn đề bức thiết của xã hội, không ít những tiếng nói (bài viết) tâm huyết, thẳng thắn có khi đến gay gắt… nhưng cũng chỉ là những tiếng nói, những ý kiến nhỏ và lẻ!

Kể từ năm 2000 trở lại đây rất hiếm những tác phẩm văn học hay, tạo được dư vang, và sự lý thú trong lòng bạn đọc. Có chăng, cũng chỉ dừng lại đâu đó dăm bảy cuốn tiểu thuyết lịch sử, danh nhân văn hóa. Nói như một số người trong các cuộc trà dư tửu hậu là loại sách người tốt việc tốt, kiểu “ăn mày dĩ vãng”, còn tác phẩm về đề tài đương đại (kể cả văn xuôi và thơ) hầu như đang thời kỳ quá độ.

Đừng trách bạn đọc, đăc biệt là thế hệ bạn đọc trẻ tuổi ngày nay quay lưng với sách đọc, báo giấy. Cũng đừng ngạc nhiên với khán giả truyền hình trong nước vì sao họ thích xem phim nước ngoài – loại phim về tâm lý xã hội và phim cổ trang! Thế giới đang ngày một phẳng. Mọi phát ngôn, bài vở đăng tải đến người xem, đọc…, tùy theo sở thích của mỗi người. Món ăn tinh thần cũng cần được tự chọn, phải luôn mới, lạ, đẹp, hay, và hấp dẫn.

  1. Năm Tân Sửu 2021 đầy biến động với toàn nhân loại, bởi đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 35 ngàn người dân nước ta trong số hơn 5 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hiện thời dịch Covid đang có nguy cơ bùng phát, diễn biến phức tạp với nhiều dạng biến thể nguy hiểm. Phòng vệ là biện pháp được cho là hữu hiệu của loài người lúc này.

Tiếng nói của giới khoa học, ngành Y trong hai năm qua có tính cấp thời, mục đích nhằm ngăn chặn, hóa giải, làm giảm bớt sự nguy hại đến tính mạng con người bởi loài siêu quái ác. Tiếng nói của giới y học cùng chung mệnh đề vaccine. Còn tiếng nói của giới văn nghệ sỹ trên toàn thế giới, theo thông tin mà cá nhân tôi biết, vẫn chưa thấy tác phẩm nào ra tấm ra món. Có chăng, cũng chỉ là những tiếng nói (những ý kiến) bài viết nhỏ, lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái mà chúng ta quen gọi là tuyên truyền. Tác phẩm văn học nghệ thuật về đại dịch Covid-19 toàn cầu hiện thời chưa có, chưa thấy, chắc rồi sẽ có, sẽ xuất hiện. Nhưng chưa phải lúc này.

  1. Lâu nay ta nghe đâu đó những lời khuyên nhủ bảo ban nhau nên “sống chậm”. Vậy thế nào là sống chậm? Thế nào là sống nhanh? Theo tôi, sống chậm, chỉ có mỗi cách là hãy trân trọng từng giây, từng phút, từng giờ ta đang sống, sống có ích, sống khỏe, sống vui… Muốn sống chậm lại thì mọi động thái của chúng ta đều phải nhanh, rất nhanh và hiệu quả. Tôi tin cuộc sống của chúng ta sẽ ngày mỗi bình yên tốt đẹp như “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” (câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo)

Nhà thơ Tùng Bách

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)