Nhị Hà heo may…!

Tác giả Văn Song là một nhà báo quê Nghi Lộc, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh sống và làm việc tại Hà Nội. Tạp chí Sông Lam xin trân trọng giới thiệu mùa heo may Hà Nội qua cảm nhận rất mực tinh tế của một người Nghệ, mà như tác giả tự nhận “suốt hơn 2 thập kỷ uống nước Tràng An” vẫn “bảo lưu quan điểm” yêu mùa đông – mùa heo may Hà Nội nhất trong 4 mùa.

Bấm Play để xem, mở loa để nghe ‘Nhị Hà heo may…!’ qua giọng đọc Huyền Nga

Khi những bông cúc họa mi bắt đầu chúm chím trên cánh đồng hoa Quảng An chính là lúc đôi bờ Nhị Hà vào mùa heo may… Chẳng biết, loại cúc này tên khoa học là gì, tên dân gian xưa gọi là gì, chỉ biết những năm gần đây, người Hà Nội mê mệt với màu trắng tinh khiết và dáng vẻ xinh xắn của nó rồi gọi nó là cúc họa mi… Họa mi nở cũng là lúc những đợt gió mùa bắt đầu tràn về. Gió lạnh đầu mùa, se sẽ thôi, chỉ đủ để mơn man khắp cả bãi bờ. Có lẽ, trùng hợp về thời điểm như vậy, nên người Hà Nội yêu mến đặt thêm cho loài cúc này một cái tên cực dễ thương “loài hoa báo đông”…

Vào cữ này, năm nào tôi cũng thích khoác áo gió, ôm máy ảnh chạy xe máy lang thang suốt một rẻo giang biên từ Nghi Tàm, Quảng Bá, Long Biên, Ngọc Thụy rồi Cự Khối, Đông Dư, Bát Tràng… Đôi bờ Nhị Hà mùa heo may thực sự hấp dẫn tôi… Hấp dẫn nhất trong các mùa của năm. Đâu chỉ có cúc họa mi Quảng An mà còn có lau lách ven các bãi bồi, còn có những bãi ngô nếp xanh mướt cả một vùng Bãi Giữa… Hình như lau lách bờ bãi Nhị Hà cũng đợi nắng hanh về để nở hay sao ấy… Cứ hanh hao là bạt ngàn lau lách đua nhau bung nở. Lau vẫn mọc bạt ngàn ven các triền sông và hầu như chúng bị lãng quên suốt cả năm trời cho đến lúc heo may về chúng đua nhau bung nở…

Thông thường, tôi thích gửi xe đầu ga Long Biên rồi lững thững cuốc bộ trên cây cầu trăm tuổi. Đi chầm chậm để được hít căng lồng ngực gió sông Hồng, để được thỏa mắt ngắm cả một rẻo bãi bồi mướt mát xanh… Không thể không nâng máy ảnh lên để thu về những khoảnh khắc heo may trong một cái không gian tuyệt đẹp này. Lòng Nhị Hà khát, thuyền bè co ro gối bãi… Lau già hong tóc, trắng xóa cả bãi bờ… Năm nào cũng thế, cữ này dù bận mấy, tôi cũng phải lang thang trên cầu Long Biên để ngắm bờ bãi sông Hồng… Trong mỗi nhịp chân chầm chậm tôi nghe vẳng vẳng lời thơ Lưu Quang Vũ:

“…Một con sông dịu dàng như lục bát
Một con sông phập phồng muôn bắp thịt
Một con sông đỏ rực
Nhuộm hồng nâu da người.
Ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi
Người chứa chất trong lòng
bao điều bí mật
bao kho vàng cổ tích
bao tiếng rên nhọc nhằn
bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người
bao doi cát ngầm trong lòng người phiêu bạt…”.

Theo từng bậc thang nhỏ, lần xuống Bãi Giữa… Cả bãi ngô xạc xào trong gió. Dưới các trụ cầu mùa này thường có dăm ba hàng ngô nướng và nước trà nóng. Sà vào một hàng ngô nếp nướng… Ngô bánh tẻ vừa bẻ ngay bãi, nướng than hoa…. Thơm ngậy, ngọt lừ… Cô bé hàng ngô má hồng môi đỏ… Nhị Hà hun hút gió. Ăn bắp ngô nếp, đón chén trà từ tay cô chủ rồi úp hai tay vào chén, xoay xoay… Thấy ấm áp lạ thường…

Lại chầm chậm về đầu cầu Long Biên lấy xe rồi qua cầu Chương Dương, rẽ phải theo con đê nhỏ xuôi xuống Cự Khối, Đông Dư, Bát Tràng. Bờ bãi Đông Dư mỡ màu. Mùa này, các ruộng cải mê mải nở hoa, vàng ruộm suốt cả một dọc triền sông… Các cụ cao niên ở Đông Dư bảo, thật lạ là năm nào nhiều đợt gió heo may thì hoa cải càng vàng tươi, càng đẹp… Có thể nói, Đông Dư là vựa cải của đất Hà thành. Mấy chục năm nay, từ các nhà khoa học nông nghiệp cho đến các bà nội trợ Thủ đô không thể không nhắc đến giống cải đặc sản này. Cải chủ yếu cắt nhổ đem bán khi còn non, những ruộng cải mải miết nở hoa vàng là cải giống, dâng hoa đẹp cho đời rồi kết hạt để mùa sau…

Qua Đông Dư một quãng là Bát Tràng. Hai bên bờ đê tím biếc hoa cỏ may. Mỗi lần nhìn thấy những vạt cỏ may ven đê tôi lại nhớ những câu tuyệt bút của nhà thơ Phạm Công Trứ “Trăng vàng đêm ấy, bờ đê / Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”… Gần hai mươi năm trước, lần đầu tiên tôi được xuống đất này và mê mẩn gốm. Vậy là từ đó mỗi khi rảnh lại xuống chơi. Có lần, nghệ nhân Lê Văn Cam kể cho tôi nghe, cái làng này có gốc tích từ làng Bồ Bát ở phủ Thiên Trường. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình rời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường (phường đất trắng) ở Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) – nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò làm gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng…

Có người yêu mùa xuân Hà Nội với rực rỡ hồng đào Nhật Tân, Phú Thượng, Hàng Đào, Hàng Lược; Có người yêu nét lãng mạn và kiêu sa của mùa Thu với những hàng cây nhuộm vàng, với hương cốm Vòng; Có người yêu mùa hạ với ánh chiều tà cùng những ráng mây đa sắc in bóng nước Hồ Tây. Riêng tôi, tôi phải lòng mùa heo may. Dân Nghệ, nhưng suốt hơn hai thập kỷ uống nước Tràng An tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Tôi yêu mùa đông – mùa heo may Hà Nội.

Văn Song