Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

         Năm 2020, khi COVID-19 lắng xuống, đoàn các nhạc sỹ: NSND. Phạm Ngọc Khôi, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn (Giám đốc Thăng long Audio), nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn (Bộ GTVT), nhạc sỹ Ngọc Thịnh; nhà văn Đỗ Ngọc Yên và tôi có chuyến “về nguồn” hành hương lên Pắc Bó.

Khi dừng chân bên suối Lê Nin, bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” cất lên giữa núi rừng “Trông vời lưng núi/ Khuổi Nặm rì rào núi cao tầng mây…”, da diết, tự hào và xúc động.

Cái tên Khuổi Nặm khá đặc biệt, theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là suối nước. Nơi đây còn in dấu chân Bác Hồ, những ngày cách mạng còn “trứng nước”. Con suối trong xanh trước mặt vốn có tên suối Khuổi Mịn lại được Người đặt tên là suối Lê-nin, núi Phja Tào sừng sững được Người đặt tên là núi Các Mác. “Cụ Nguyễn Tài Tuệ thật vĩ đại. Nghe giữa khung cảnh này càng ngấm, càng ngộ, càng hay”, nhạc sỹ Phạm Ngọc Khôi nghe xong, không giấu được cảm xúc. Trên đất thiêng cách mạng, cảm xúc thật quả khác biệt.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/5/1936 tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nằm bên tả ngạn sông Lam, làng Thượng Thọ xưa (nay là xã Đại Đồng) đẹp như miền cổ tích. Thư tịch để lại, làng có lịch sử 600 năm gắn với sự khai phá và phát triển của dòng họ Nguyễn Tài – một trong những dòng họ khoa bảng trên đất Nghệ-Tĩnh.

Theo tài liệu của nhà báo Nguyễn Như Khôi (nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An) thì, ông nội Nguyễn Tài Tuệ là cụ Nguyễn Tài Thực, đỗ cử nhân tại một khoa thi ở miền Trung năm 1918. Cha ông, cụ Nguyễn Tài Độ, một nhà nho thức thời, biết trân trọng những giá trị tinh hoa của Nho giáo. Ông giỏi nho, y, lý, số, thông thạo y học cổ truyền để giúp chữa bệnh cho người nghèo trong vùng.

Biết uy tín của cụ Nguyễn Tài Độ, tên Công sứ Nghệ-Tĩnh chỉ định ông làm Bang tá tổng Đại Đồng, làm tai mắt đàn áp phong trào cộng sản. Trước tình thế ấy, một mặt vờ nghe theo lời Tây đồn Rạng để giữ thân, mặt khác ông bí mật liên lạc và giúp đỡ chi bộ địa phương hoạt động… Mẹ ông – cụ Nguyễn Thị Chục sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Bà rất yêu ca hát, thuộc Truyện Kiều và hát ví, giặm rất hay.

Do quê hương và gia đình có truyền thống văn hóa, Nguyễn Tài Tuệ có niềm say mê từ tuổi thơ. Ông mê mẩn với những điệu “ví giặm” những khúc hát “đò đưa” của quê nhà. “Nửa về nửa lại buồn đây, về thì nhớ mẹ mà ở đây thì nhớ nhà”, có lúc ông đã khóc vì những câu hát đó.

Năm 1955, khi học hết cấp 3, Nguyễn Tài Tuệ ra Hà Nội. Bố mẹ muốn ông đi theo con đường văn chương để làm thầy giáo vì xứ Nghệ là đất học, ước mơ làm thầy giáo luôn lớn lắm. Nguyễn Tài Tuệ theo học guitar ở chỗ NSND. Trọng Bằng. Học được một thời gian, ông mới thấy âm nhạc là cái nghiệp của mình chứ không phải văn chương và ông đi theo tiếng gọi của nó. Bước đầu, Nguyễn Tài Tuệ về làm diễn viên của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương hát với những Quốc Hương, Mai Khanh, Chu Minh, Thương Huyền trong một dàn hợp xướng và cứ thế đi vào sáng tác dần dần.

Ðầu năm 1957, ông lên công tác tại Ðoàn Ca Múa Lao – Hà Yên. Tại đó ông được tiếp xúc nhiều với dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Hmông, Dáy… và có những sáng tác đầu tay như: “Mùa Xuân gọi bạn”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, hợp xướng “Xuân về trên bản”… Hết hai năm, đầu năm 1959, ông về Hà Nội công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian – tiền thân của Viện Nghiên cứu Âm nhạc dân gian hiện nay. Tại nơi này ông đã hoàn thành ca khúc nổi tiếng “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, tiếp theo là ca khúc “Xa khơi”, “Mơ quê”… Và nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc khác.

            Nói về ca khúc “Xa khơi”, tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá hay nhất trong gia tài âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ, chính ông kể về hoàn cảnh ra đời cũng khá đặc biệt. Những năm 1956 – 1957, Nguyễn Tài Tuệ đã đi thực tế ở khu vực cầu Hiền Lương, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ… Nhà thơ Lưu Trọng Lư dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ, họ sống ở bên này sông Bến Hải hàng tháng trời. Lúc đó, khó khăn chồng chất khó khăn, đất nước bị chia cắt đôi miền.

Cảnh chiều chiều vợ ra bến ngóng chồng, ông ra sông ngóng cháu từ phía bên kia, những đôi trai gái chưa kịp cưới nhau đã phải chia lìa để cứ chiều chiều đứng bên này khoát nón sang bên kia gọi nhau mà không thể gần nhau được dội vào lòng người nghệ sỹ. “Con nục”, “con măng”… trong ca khúc “Xa khơi”, bình dị thôi, quá đỗi gần gũi với những ngư dân, với các bà nội trợ, nhưng có giá trị như một thông điệp. “Con nục”, “con măng” trở thành ẩn dụ cho ước mơ gần gũi của lứa đôi, xa hơn đó là khát vọng thống nhất đất nước.

Tôi đứng trên cầu bắc qua sông Hiền Lương, nửa cầu cùng nửa dòng sông bên này là ta, nửa bên kia đang thuộc về Chính quyền miền Nam. Lúc ấy cảm thức chia cắt rất rõ. Tôi tự nghĩ, ngoài biển kia con cá nục đến con cá măng còn đi đi lại lại, bay nhảy thoải mái giữa hai miền, tại sao con người lại bị ngăn cách?...”, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ kể lại cảm xúc bên dòng sông lúc đó. Và, ông lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề bài hát. “Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ/ Vang về miền Nam quê ta/ Biển dập dìu, biển tâm tình/ Biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi” (Xa khơi)

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ trong đêm nhạc Tình Quê do đài PTTH Nghệ An tổ chức

Tác phẩm “Xa khơi” của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc. Không thiếu cuộc thi âm nhạc dòng thính phòng nào, không có thí sinh chọn “Xa khơi”. Đó là bài hát khó, nhưng tạo ra sự khác biệt, đẳng cấp của giọng hát. Nhiều tên tuổi lớn như NSND. Lê Dung nổi danh nhờ “Xa khơi”; ca sỹ Anh Thơ thành danh nhờ gắn bó với nhiều ca khúc sống mãi cùng năm tháng, trong đó có “Xa khơi”. “Xa khơi” luôn có mặt trong “Giai điệu tự hào”, một sản phẩm âm nhạc đã trở thành thường niên.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá, giá trị lớn nhất trong tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là kết hợp được âm hưởng bác học vào âm hưởng dân ca với nhau rất nhuần nhuyễn, đỉnh cao là “Xa khơi”. Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đều gần gũi với âm hưởng dân gian, có sức sống lâu bền và luôn mang trong mình các giá trị nghệ thuật.

PGS.TS. Trần Thị Trâm cho rằng, các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cùng một lúc thực hiện được cả 3 mục đích: nâng cao chất lượng, hiệu quả nghệ thuật; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống. Trong những tác phẩm của mình, chất liệu dân gian đã được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sử dụng một cách điệu nghệ tài hoa.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, rời bỏ “cõi tạm” ngày 11/2/2022 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi. Với những ca khúc đi vào lòng người, năm 2001, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.

Giới nhạc sỹ không quên câu nói của ông: “Cả đời tôi phấn đấu không mệt mỏi, ngay cả bây giờ khi đã ở tuổi cổ lai hy vẫn miệt mài với âm nhạc. Một nhạc sĩ phải duy trì được lòng yêu nghề bởi làm âm nhạc nghèo lắm. Tôi có thể đi viết thuê dễ kiếm tiền nhưng sẽ mất dần ý chí và ước vọng cho sự nghiệp. Tác phẩm nào tôi có thể viết được và tôi có thể viết hay, thì tôi sẽ làm, còn cái nào chỉ viết để lấy tiền thì dứt khoát tôi sẽ không bao giờ làm!”. Đó là phẩm cách nghệ sỹ, xác tín tình yêu mà ông dâng hiến cho âm nhạc.

Nhà thơ Trần Hùng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, anh gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từ năm 2001. Hai người không thường xuyên gặp nhau nhưng thi thoảng vẫn gọi điện thoại nói chuyện. Lần nào lên Cao Bằng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng ghé qua nhà thăm Trần Hùng và cho quà. Lúc thì mấy hộp sâm, bánh cốm, lúc thì mấy đĩa nhạc…, nghĩa cử chân thành mà ấm áp.

Ông giản dị, khiêm nhu, rất thân tình nhưng hơi chút khái tính. Muốn được ông nhận lại chút quà cũng khó. Quà của lãnh đạo ông càng không muốn nhận. Ông chỉ thật sự là chính mình khi trở về với âm nhạc. Ông đã về miền mây trắng nhưng người dân Cao Bằng sẽ luôn mãi nhớ đến tên tuổi của ông – người đã sáng tạo nên ca khúc bất hủ: Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”, nhà thơ Trần Hùng trải lòng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một người tài hoa của quê hương xứ Nghệ, của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Cả cuộc đời ông là hành trình tận hiến cho âm nhạc, một tâm hồn lưu lạc luôn khắc khoải niềm thương, nỗi nhớ quê nhà. Còn nhớ năm 2018, trên thành phố Vinh có hai sự kiện âm nhạc diễn ra gần nhau. Sau đêm nhạc “Khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là đêm nhạc “Nguyễn Tài Tuệ – Tình quê” – do Đài Phát thanh và truyền hình Nghệ An (NTV) đã thực hiện. Cả hai đêm nhạc đều để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, những người thân, những người yêu mến hai nhạc sỹ tài danh xứ Nghệ. Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đã gửi lời tri ân sâu sắc tới ekip thực hiện chương trình, các nhà tài trợ, ca sỹ, diễn viên múa đã làm nên thành công của đêm nhạc.

Cái bất ngờ của tôi là đã lọt vào cặp mắt xanh của anh, anh đã đưa tôi về sau 63 năm lưu lạc quê người, sống gian nan vất vả giữa cuộc đời đầy bất trắc và biến động của thời cuộc. Giờ đây giữa quê hương tôi đã được đón tiếp nồng nhiệt, ưu ái và nhất là được báo cáo về thân thế và sự nghiệp âm nhạc của tôi với tất cả những ai mà tôi nhớ nhung thương mến nhất”, sau khi đã trở về Hà Nội, nhạc sỹ viết thư cám ơn, vẫn xúc động.

Chủ tịch Công ty Nhật Minh, chị Phan Ngọc Minh, một người gốc Nghệ, không quên tình cảm nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ dành cho mình. Năm 2014, Phan Ngọc Minh làm chương trình “Ân tình ví giặm” trên sân khấu Thủ đô, được nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ chỉ bảo, tư vấn ân cần. Thấy chương trình “Ân tình ví giặm” thành công ngoài mong đợi, ông thực sự hạnh phúc, dù thời gian đó, ông không còn được khỏe.

Gần đây, ngày 27/2/2022, nhân dịp Xuân Nhâm Dần, Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức gặp gỡ bà con sinh sống, học tập tại Hà Nội, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ý định, Hội sẽ tổ chức đêm nhạc nhằm tôn vinh, tri ân các nhạc sỹ Nghệ An có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương nhưng đã đi xa như: nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sỹ An Thuyên. “Chúng tôi sẽ thực hiện trong một gian thích hợp, đáp ứng nguyện vọng của bà con quê nhà”, ông chia sẻ.

 “Biển ơi/ Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay/ Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay”.  Tôi lại nhẩm hát những ca từ cuối cùng trong ca khúc “Xa khơi”. Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đã đi xa, dẫu “nhớ thương cách vời” nhưng ông luôn hiện hữu, như chính NSND. Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam nhận định “Tên tuổi nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ sẽ sống mãi cùng âm nhạc Việt Nam

Ngô Đức Hành