Nhạc sỹ Ngô Trí Thậm sinh năm 1937, tại xã Diễn Hoa (Diễn Châu). Nơi đây đã nuôi dưỡng, sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ: đạo diễn Cao Danh Giá, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Thái Sơn, nhạc sỹ Tùng Vinh, nhạc sỹ Trần Phúc Tăng, nhà văn, nhà viết kịch Đặng Hương,… Ông thuộc dòng họ Ngô Trí, con cháu cụ tổ Ngô Trí Tri (*).

                         Ông lớn lên đã được sống trong bầu không khí thấm đẫm văn hóa nghệ thuật của làng. Các đàn anh chị trước ông thường tổ chức hát hò đối đáp văn chương, thơ phú và đặc biệt hay tập trung hòa tấu với các loại nhạc cụ như mandolin, viôlông, ghita, sáo, bầu… vào những đêm rảnh rỗi.

Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm (bên phải) cùng nhạc sĩ Nguyễn trọng Tạo

    Khoảng năm 9 tuổi, ông đã biết làm sáo và tự học thổi. Ông xin được cái đàn violon hỏng ở làng bên về sửa lại, đi hái lá dứa ngô phơi khô làm vĩ để kéo. Những tháng năm sau đó, ở làng ông đón rất nhiều các văn nghệ sỹ về ở cùng. Với tinh thần luôn háo hức chào đón những âm thanh mới của cuộc sống, ông đã manh nha sáng tác những bản nhạc không lời đầu tiên lúc 16 tuổi, được ông trình diễn bằng sáo trúc cho dân làng xem, một trong những bản đó ông đặt tên là“Nhạc múa dâng rượu”. Năm 1959, ông thi đậu vào Đoàn Văn công Liên khu 5. Từ đó ông chính thức theo học và đi biểu diễn cùng Đoàn.

   Năm 1962, ông tiếp tục thi đậu và học tại Khoa Sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam. Mặc dù đang học nhưng có một số tác phẩm của ông được giữ lại làm giáo trình cho Trường như: Viết cho độc tấu đàn bầu “Từ lòng Mẹ”, Fuyga cho đàn piano, “Mụ chủ và đầy tớ”… Năm 1966, ông tốt nghiệp. GS, nhạc sỹ Tô Vũ là thầy dạy có đề

nghị ông ở lại Trường nhưng ông đã từ chối và hăng hái xin trở về quê hương với nhiều ước vọng, sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho âm nhạc chính thống Nghệ An và xin được cống hiến cho nơi mình đã sinh ra.
Ông về Đoàn Ca múa Nghệ An làm nhạc trưởng và viết nhạc cho đoàn. Thời gian này ông viết rất nhiều ca khúc như: Đồi cao năm tấn, Bài ca anh hùng Lương Văn Hậu, Phà Mường Xén, Kỳ Sơn,… và một số tác phẩm nhạc múa…’

Năm 1968, ông nhập ngũ thuộc Đoàn 22 quân khu IV, làm nhiệm vụ xây dựng văn hóa văn nghệ cho quân khu. Ở đây, ông đã gặp anh lính trẻ Nguyễn Trọng Tạo là người cùng làng. Hai tâm hồn thơ, nhạc gặp nhau và trở thành anh em kết nghĩa. Ngoài các giờ rèn luyện, anh luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi dạy âm nhạc cho em. Bất cứ giờ nghỉ nào, hai anh em lại ra rừng mắc võng, nói chuyện về âm nhạc, cứ thế sau một năm, anh phục viên, em ở lại. Và từ đó, chúng ta có một nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo sau này.

Ca khúc “Làng quan họ quê tôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của học trò Nguyễn Trọng Tạo áp dụng cách sử dụng dân ca làm chất liệu sáng tác, đã rất thành công. Nguyễn Trọng Tạo đã kể về một kỷ niệm gắn với ca khúc “Đồi cao năm tấn” của ông. Đó là khi nhạc sỹ Ngô Trí Thậm xin về nhà chống bão lụt cho vợ con, cũng đến lúc phải nộp bài cho đơn vị.

Rất lo lắng cho anh, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo lục ngăn kéo ra thấy bản nhạc không lời nằm ở đấy, ông liền viết lời vào và lên nộp cho ông anh lúc ấy đang lo cải thiện thêm cho gia đình ở nhà. Tác phẩm này sau đó, nhạc sĩ Ngô Trí Thậm đã phổ lời mới đặt tên là” Đồi cao năm tấn”. Sau đó đã trở thành bài ca của Đoàn 22, mỗi lần biểu diễn, cả dàn quân nhạc đều chơi bài này trước lúc mở màn với khí thế hào hùng, quyết chiến, đã ăn sâu vào lòng những người đồng đội Đoàn 22 lúc bấy giờ.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo luôn trân quý những tình bạn nghệ thuật. Ông thường nói: “Những tình bạn trong nghệ thuật là vô giá, khác với các tình bạn khác, chết là mang đi. Trong đời tôi có 2 người thầy: Một người thầy về thơ ca khi sinh ra thì người thầy ấy đã chết là Hàn Mặc Tử. Và người thầy âm nhạc: nhạc sỹ Ngô Trí Thậm. Thời gian này nhạc sỹ Ngô Trí Thậm viết nhiều tác phẩm như: Đoàn ca 22, Hành quân theo lời Bác gọi”, Kèn tiến công, Bài ca vượt đèo (lời thơ: Nguyễn Trọng Tạo), Nghe theo lời Bác đi giải phóng Miền Nam, Anh sẽ về với em (lời thơ Biển Hồ và một số tác phẩm âm nhạc cho múa…Năm 1971 ông trở lại Đoàn Ca múa miền núi, làm Bí thư chi bộ, nhạc trưởng kiêm Đoàn trưởng chịu trách nhiệm âm nhạc cho Đoàn.

Những tác phẩm của ông thời kỳ này như: Nghệ An vì Quảng Ngãi: Hợp xướng 3 chương, và nhiều tác phẩm cho nhạc múa. Năm 1973, ông về Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, chủ yếu đi sưu tầm âm nhạc dân gian. Ca khúc của ông thời kỳ này đậm nét những âm hưởng mang nhiều màu sắc các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An như Tiếng hát trong rừng cao su, Chiều Quỳ Hợp, Nỗi nhớ không tên (lời thơ: Ngọc Dương), Một chiều với Tương Dương, Về Quỳ Châu, (Phổ thơ Châu Nho). Sau này ông về làm giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và xin nghỉ hưu nơi đây.

Ông đã nuôi nhiều mộng ước về khí nhạc (nhạc không lời), bởi theo ông, chỉ có nhạc không lời mới nói hết những gì ông yêu thích và nung nấu về cuộc đời này. Bởi vậy, những ca khúc của ông đầy kịch tính, mâu thuẫn, với tính chất là âm nhạc độc lập. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng âm hưởng dân ca các vùng miền với giai điệu đẹp, lạc quan, hướng người nghe vào những điều tốt đẹp. Tác phẩm của ông thường dùng thủ pháp chuyển điệu gần có khi chỉ là ly điệu, và thỉnh thoảng sử dụng những quãng nghịch, hoặc tăng, để tạo nên đột biến về xúc cảm, gây bất ngờ với chuyển điệu xa rồi đưa dần về giọng chính một cách hợp lý, giải quyết được kịch tính, người nghe thỏa mãn, thích thú.

Ông viết cho ca khúc hay nhạc không lời đều tuân thủ đúng luật, khuôn mẫu của hòa thanh cổ điển nhưng lại được Việt Nam hóa theo thang âm của dân ca các vùng miền. Âm nhạc của ông có ngôn ngữ riêng, rất cá tính cho dù viết cho quân đội hay các ngành, viết về miền xuôi hay miền núi hay tình ca thì âm nhạc luôn có hình tượng rõ ràng, không phụ thuộc vào ca từ, đưa được hồn dân tộc vào đó. Bởi vậy, những tác phẩm của ông mang tính chuẩn mực, làm giáo trình giảng dạy rất tốt như: Mẹ (lời thơ Nguyễn Lê Trung), Lời nghìn năm, (Thơ: Thạch Quỳ). Xứ thần tiên, Lấp lánh Truông Bồn (Hợp xướng), Tháng ba (Lời thơ: Nguyễn Thị Phước), Giá như em, Một làng Đông Phái trong tôi (phổ thơ: Cao Xuân Thưởng), Mẹ của tôi… (lời thơ Ngô Trí Tuyển), Rú Ấm quê tôi lời (thơ: Võ Khánh Cừ).

Là người hiền hậu, khiêm nhường mà cứng cỏi, có trí tuệ; ông luôn phân định phải trái, đúng-sai, bất luận thời thế có thay đổi thế nào chăng nữa ông tuyệt đối không chịu khuất phục trước sức cám dỗ phù hoa hay một quyền uy nào của cuộc đời. Trên hết thảy ông là người có trái tim nhân hậu với bạn bè, tôn trọng tất cả mọi người. Một nhân cách kẻ sĩ xứ Nghệ nó thể hiện trong âm nhạc của ông, trong cách cư xử với bạn bè, đồng nghiệp và tình cảm đối với gia đình.

Nếu có được giao làm nhiệm vụ quản lý thì ông cũng miễn cưỡng nhận và rồi xin được trở lại với chuyên môn, không ham hố về quyền chức. Thế hệ nhạc sỹ tiếp nối của xứ Nghệ sau này cũng nhiều người đã từng được ông dìu dắt như: Tùng Vinh, Đình Đắc, Ngọc Thịnh, Phan Thành… Tất thảy bạn bè đồng nghiệp ai cũng ghi nhận và một lòng yêu quý ông. Mặc dù do thời thế, và nhiều lý do, tác phẩm của ông để lại cho đời không nhiều nhưng đã có chỗ đứng riêng trong tâm hồn người yêu âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm của ông đã được VTV1, NTV và nhiều đài phát thanh Trung ương và địa phương sử dụng. Năm 2016, tập ca khúc: Nỗi nhớ không tên của ông do Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành, ra mắt bạn đọc và công chúng yêu nhạc.

Những tháng năm tuổi trẻ qua đi, mặc dù sức khỏe không còn tốt nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê cho những thanh âm chưa bao giờ tắt. Cầu mong ông sức khỏe để lại được say và vui với những giai điệu yêu thương giữa cuộc đời này.

                     Sáng Lập

                      Vinh 01/2019

(*) hai cha con cụ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa đỗ tiến sĩ đồng khoa 1592; nay nhà thờ ở xã Diễn Kỷ là di tích lịch sử quốc gia. (BT).