Nhạc sĩ Hồng Đăng, tên thật là Phan Đăng Hồng. Sinh năm 1936 tại Yên Thành – Nghệ An nhưng sống hầu hết cuộc đời ở Hà Nội. Ông mất ngày 21-3-2022, hưởng thọ 86 tuổi.

Thuộc thế hệ trưởng thành sau thời kỳ chống Pháp, Hồng Đăng là một trong những học viên của khóa học sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam cùng với lứa nhạc sĩ “vàng” của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát…

Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.

Ông được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, năm 2021.

Trưa 26/3, tôi len lỏi trong dòng người đông đúc tìm cho mình một chỗ đứng trang nghiêm trong Nhà tang lễ Quốc gia để viếng cố nhạc sĩ Hồng Đăng, một nhạc sĩ lớn của dân tộc, một người con đã làm rạng danh quê hương xứ Nghệ, vừa từ biệt cõi đời, thong dong miền mây trắng ở tuổi 86.

Mở đầu lễ viếng, ca sĩ Minh Thu đã cất lên ca từ của bài “Biển hát chiều nay”, một trong những ca khúc nổi tiếng của Nhạc sĩ Hồng Đăng khiến mọi người nín lặng. Tiếp đến, ca sĩ Mỹ Linh trình bày ca khúc “Hoa sữa”, một ca khúc đã khiến bao người mê đắm Hà Nội, ca khúc góp phần quan trọng nhất mang đến cho nhạc sĩ Hồng Đăng giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.

Với gia tài đồ sộ hơn 700 ca khúc, hơn 70 ca khúc nhạc phim… để lại cho đời, nhạc sĩ Hồng Đăng đã trở thành một cái tên lớn trong nền âm nhạc nước nhà.

Tài hoa từ nhỏ

Khi nhạc sĩ Hồng Đăng còn sống, đây đó tôi có được may mắn nhìn thấy ông ở những sự kiện văn hóa lớn của đất nước, của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi dám lại gần ông, bởi ông là một nghệ sĩ lớn. Mặc dù, trước đó tôi cũng đã được các bậc đàn anh kể về con người chân chất, hào sảng và quý trọng thế hệ trẻ làm văn nghệ như chúng tôi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Thế nhưng, nghe tin ông tạ thế, tôi rất bàng hoàng và thấy mình cần phải vinh danh con người tài hoa sinh ra từ huyện lúa này bằng những câu từ bé mọn, trước là để chính mình tri ân ông, sau nữa là để nhiều người biết hơn đến ông và mảnh đất quê hương lam lũ nơi ông có những tháng năm ấu thơ ở đó.

Chính vì thế mà tôi tìm đến khu tập thể số 50B trên phố Châu Long để gặp bà Liên, em gái ruột nhạc sĩ Hồng Đăng, người gắn bó với nhạc sĩ từ nhỏ. Sau phút chia buồn với đại gia đình bà Liên, tôi đã được bà kể cho nghe về tuổi thơ của người anh trai đam mê ca hát, thích ngao du đó đây, được nhiều người yêu mên.

Trong căn hộ tập thể đã úa màu thời gian, Bà Liên chậm rãi kể về tuổi thơ của anh trai mình cho tôi nghe: “Anh Hồng (tên thật của nhạc sĩ Hồng Đăng) được sinh ra ở Yên Thành nhưng sau đó vào Hà Tĩnh ở cùng cha chúng tôi những năm đầu đời. Vì lúc ấy, cha của chúng tôi đang làm công chức ở Hà Tĩnh. Đến tuổi thiếu niên thì anh tôi trở về Yên Thành sinh sống cùng đại gia đình. Anh học trường Lê Doãn Nhã. Thời học sinh anh đã là một cây văn nghệ có tiếng của trường, của xã, được nhiều người yêu mến tài năng ca hát. Cứ mỗi lần trong xóm, trong thôn hay trường lớp có chương trình biểu diễn văn nghệ thể nào anh tôi cũng tham gia viết kịch bản, làm diễn viên. Những sáng tác từ thuở nhỏ ấy đã được bà con, bạn bè yêu thích.

Những lần bộ đội từ Bắc vào, hay từ Nam ra dừng chân tại Yên Thành, thể nào cũng có những chương trình văn nghệ. Lúc ấy, anh tôi được đại diện cho quê hương, cho địa phương hát tặng các chú bộ đội trên đường hành quân đánh giặc. Nhiều lần các cô chú trong đoàn văn công bộ đội động viên gia đình sau này nên hướng anh theo học các trường văn công, vì anh tôi có năng khiếu”.

Bà Liên còn kể cho tôi nghe về giai thoại, cố nhạc sĩ Hồng Đăng đi bộ từ Nghệ An ra miền Bắc để tìm cha. Lúc ấy cụ Phan Đăng Tài, cha ông, được điều động ra công tác ở miền Bắc: “Anh tôi cùng với một người bạn, được mẹ tôi chuẩn bị cho ít muối vừng và lương thực khô thế là lên đường đi bộ ra Bắc để tìm gặp cha. Lúc ấy anh Hồng 15 tuổi, nhiệt huyết và hăng hái lắm. Lần theo địa chỉ trên thư cuối cùng họ cũng gặp nhau. Anh tôi ở lại ngoài đó một thời gian. Rồi sau này, cả gia đình tôi chuyển ra Hà Nội, anh Hồng theo học khoá đầu lớp Sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam và theo đuổi nghề cho đến khi qua đời”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ông nội của cố nhạc sĩ Hồng Đăng là cụ Phan Đăng Dư, một nhà nho nổi tiếng Yên Thành; bác ruột là chí sĩ Phan Đăng Lưu; cha của nhạc sĩ là cụ Phan Đăng Tài, từng là Phó Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Khi về Hà Nội, ông Phan Đăng Tài làm Trưởng phòng Tư liệu của báo Nhân Dân. Cụ Phan Đăng Tài biết chơi đàn nguyệt, yêu dân ca ví giặm, chính vì thế đã hun đúc nên một tài năng Phan Đăng Hồng ngay từ thuở ấu thơ.

Sống hết mình với âm nhạc

Phần lớn cuộc đời mình cố nhạc sĩ Hồng Đăng sống và gắn bó với Hà Nội. Ông từng chia sẻ: “Chỉ những ai yêu Hà Nội và từng đi dưới những hàng hoa sữa ở Phố cổ vào những đêm khuya và bình minh mới cảm nhận được hương vị thanh nhã của thành phố nghìn năm tuổi”. Từng sinh sống ở phố Xã Đàn, gắn bó với con phố Hạ Hồi, đi qua về lại phố Châu Long, nơi mẹ ông ở đó. Rồi sau này về  cuối đời ông chuyển ra Phúc Tân, trên đê Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, khá gần với chân cầu Chương Dương… Chính vì vậy mà nhạc sĩ đã được nếm trải, được sống sâu sát với Hà Nội ở nhiều nơi, nhiều thời khắc. Điều ấy giúp ông trong lúc thăng hoa đã viết lên những ca từ đi sâu vào lòng người. Nhiều bài hát của cố nhạc sĩ được cả triệu người yêu thích như Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Lênh đênh, Ký ức đêm…

Hoa sữa – loài hoa mang đến cảm xúc cho nhạc sỹ Hồng Đăng viết nên ca khúc nổi tiếng Hoa sữa.

Nhiều tên tuổi ca sĩ, nhạc sĩ đã nổi danh nhờ trình bày các ca khúc của cố nhạc sĩ Hồng Đăng. Trong đó ca sĩ Thanh Lam là một trong những người thể hiện thành công nhất ca khúc “Hoa sữa”. Sinh thời cố nhạc sĩ Hồng Đăng cũng đã viết hơn 70 ca khúc nhạc phim…

Kỷ niệm khiến nhiều người khâm phục và yêu mến ông, là lần ông phải bán nhà để tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Với đời sống vốn khó khăn, bấp bênh về tài chính, năm 2005 ông được một mạnh thường quân hứa tổ chức đêm nhạc, nhưng sau đó đã không thực hiện. Vì đã trót mời bạn bè, chuẩn bị tâm thế cho sự kiện nên ông đành phải bán đi căn nhà đang ở trung tâm thành phố để trả nợ cho 3 đêm nhạc ấn tượng và hoành tráng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Dù vất khó khăn về tài chính, đường tình duyên cũng nhiều gập ghềnh sóng gió, ông trải qua ba đời vợ, nhưng ai ông cũng yêu thương và chu đáo mọi đường, vì vậy mà ông có được hậu phương vững chắc để chuyên tâm cho sáng tác. Với bạn bè, anh chị em đồng hương và thế hệ trẻ, nhạc sĩ Hồng Đăng luôn quan tâm, chân thành và hào sảng.

Lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nghiêm trang, chu đáo tại Nhà tang lễ Quốc gia. Đông đảo bạn bè, bà con đồng hương, và những người yêu mến ông đã lặng lẽ đến viếng. Xin cúi đầu vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa, vĩnh biệt người con đã góp phần làm rạng danh xứ Nghệ. Những gì ông để lại cho đời sẽ còn mãi với thời gian.

Đặng Thiên Sơn

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 22 tháng 4/2022)