24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Nhạc sĩ Lê Hàm – còn mãi giai điệu yêu thương

Những giai điệu yêu thương

Vậy là ông đã rời xa chúng tôi! Thật nhanh, thật nhẹ nhàng như ông vẫn sống! Chỉ mươi hôm trước ông còn dự buổi tọa đàm mừng ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) do Ban Âm nhạc, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành Vinh. Chúng tôi còn được nghe ông chia sẻ những kỷ niệm trong cuộc đời sáng tác, mong muốn âm nhạc Nghệ An trong tương lai sẽ có nhiều hy vọng mới, có những tác phẩm hay. Giọng của ông vẫn vậy, hồn hậu, yêu đời dù có phần yếu đi so với những tháng ngày ông còn khỏe mạnh.

Vì công việc phóng viên, tôi may mắn được nhiều lần trò chuyện với ông trong rất nhiều năm qua. Một cảm giác thoải mái, gần gũi, dễ chia sẻ, đó là điều mà ông đã tạo nên, đối với tôi, và với tất cả mọi người. Một ánh mắt như cười, hồn hậu, một nụ cười dường như thường trực, và tiếng cười vô cùng thoải mái. Căn phòng làm việc của ông tại ngôi nhà số 34 đường A1,  khối 7 phường Trường Thi, Vinh thật bình dị và ấm áp bởi ông và vợ (nghệ sĩ Minh Khiêm) luôn nồng hậu đón khách. Có những lần hai bác cháu ngồi cả buổi, chuyện trò về âm nhạc, về dân ca, về bảo tồn dân ca ví giặm, rồi chuyện cuộc đời, ông nói say mê, tâm huyết. Ông tỏ ra quý mến hơn khi biết tôi cùng quê Diễn Châu. “Đồng hương quý mến” gần như là câu cửa miệng mỗi khi 2 bác cháu gặp nhau, hay những khi ông gửi thiệp chúc mừng. Tôi cảm nhận từ ông một tâm hồn trẻ trung, một tình yêu đời nồng nhiệt. Quá bất ngờ khi biết ông tuổi đã cao, nhưng vẫn thích thú sáng tạo nên những cái thiệp riêng dành tặng cho những người bạn mà ông quý mến. Một trong  những bức ảnh chân dung mà tôi rất ưng ý là ông chụp khi tôi đang phỏng vấn ông. Tôi giữ nó làm kỷ niệm về người nhạc sĩ lớn mà tôi yêu quý, mến trọng.

Nhạc sĩ Lê Hàm - còn mãi giai điệu yêu thương
Cuốn sách tập hợp các sáng tác của nhạc sĩ Lê Hàm. Ảnh: An Thư

Ông là một nhạc sĩ tài hoa gắn với bài ca về thành Vinh nổi tiếng “Vinh thành phố bình minh”, gắn với những ca khúc đi theo năm tháng đã làm nên giải thưởng Nhà nước mà ông vinh dự được đón nhận: Gái sông La, Người mẹ làng Sen, Việt Nam trong trái tim ta. Gần với ông, dễ hiểu được những xúc cảm sâu sắc, những tin yêu nồng thắm ông bộc bạch trong từng lời ca, từng giai điệu. Dường như con người lạc quan, con người giàu tình cảm, cởi mở và chân thành trong cuộc đời của ông cũng hồn nhiên bước vào từng nốt nhạc. Trong gian khó ông đã nhìn thấy một thành Vinh “sẽ rực rỡ như ánh bình minh”; giữa chiến tranh ác liệt chống Mỹ những năm 1968, ông vẫn luôn nhìn nhận ra vẻ đẹp của “Dòng nước sông La vẫn xanh trong hiền hòa/ Như gái Lam Hồng hiền hậu thủy chung/ Đẹp lắm ai ơi gái sông La, Hồng Lĩnh/ Xô Viết quê mình gái nỏ kém chi trai”, v.v… Phải vậy chăng mà mỗi khi trao đổi với ông về việc người nghệ sĩ cần làm gì có những tác phẩm có giá trị, ông luôn khẳng định, phải có một tình yêu. Có lẽ là vậy! Tình yêu cho ông những xúc cảm trước những chuyển động của cuộc đời, tình yêu cho ông những thăng hoa, tình yêu cho ông cái nhìn rất nhân văn trước mọi hiện tượng, sự việc của cuộc đời để cất lên những lời ca, những giai điệu đi vào lòng và ở lại trong tấm hồn công chúng.

Nhạc sĩ Lê Hàm - còn mãi giai điệu yêu thương
Nhạc sĩ Lê Hàm tại nhà riêng. Ảnh: An Thư

Tôi hiểu là vậy, nhưng cũng phải thừa nhận ông là người sở hữu một kho tàng dân ca phong phú. Những câu lẩy Kiều tha thiết của mẹ, những sự hấp dẫn của sinh hoạt văn nghệ trong làng ông thuở ấu thơ, đặc biệt một quá trình điền dã sưu tầm dân ca không mệt mỏi, tắm mình trong đời sống văn nghệ dân gian đã bồi đắp cho ông những kiến thức sâu sắc, đủ đầy về văn học dân gian, về dân ca xứ sở. Bầu sữa ấy nuôi dưỡng trong ông một niềm đam mê âm nhạc, một tình yêu cuộc đời tha thiết, theo năm tháng, theo cảm xúc cứ tuôn chảy trên đầu bút của ông, cho ông, cho đời những tác phẩm đi cùng năm tháng.

Hơn thế, từ những sưu tầm ấy ông đã làm nên 3 tập “Dân ca Nghệ Tĩnh” những năm 1970 làm nên cẩm nang cho các đoàn nghệ thuật Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng các tiết mục biểu diễn. Từ những nghiên cứu về dân ca cùng đồng nghiệp ông tiếp tục để lại cho đời một công trình giá trị “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” (ông chủ biên) giúp chúng ta hiểu sâu sắc về  nguồn gốc, đặc trưng âm nhạc của các làn điệu dân ca xứ Nghệ. Thấu hiểu những giá trị từ dân ca xứ sở nên trong ông luôn đau đáu một trở trăn: làm gì để bảo tồn và phát triển vốn dân ca ấy, khi cuộc sống luôn vận động, đổi thay, mới mẻ. Là trăn trở, nhưng ông cũng chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu cho dân ca ví giặm. Trong các cuộc trò chuyện về sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, về việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào trường học, về xây dựng hệ thống các câu lạc bộ dân ca ví giặm ở cơ sở, v.v… ông hiểu rằng tất cả đang là những giải pháp tình thế nỗ lực cho việc phát huy dân ca trong đời sống đương đại, hình hài ví giặm nguyên sơ đã không còn. Và ông cũng chốt lại, hãy cứ để tình yêu dẫn dắt ắt công việc bảo tồn và phát huy dân ca ví giăm sẽ có thành quả, sẽ tìm được lối đi của nó.

Dù là sưu tầm, nghiên cứu hay sáng tác ca khúc, với công việc gì ông cũng làm bằng đam mê, bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu ấy vẫn nồng ấm, thiết tha trong ông cho đến những giây phút cuối cùng.

Thương yêu để lại

Những ngày này trên mạng xã hội, không chỉ của giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo người dân, đặc biệt là người Nghệ khắp cả nước đã bày tỏ lòng tiếc thương tiễn biệt một người nhạc sĩ tài hoa mang tên ca khúc “Vinh – thành phố bình minh”. Qua những sự bày tỏ tình cảm ấy, mới hay rằng ông và những đứa con tinh thần của mình đã sống sâu sắc dường nào trong đời sống nhân dân. Rất nhiều người bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bởi đã tận tình chỉ dẫn, “truyền lửa, dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên, bày vẽ tôi chơi guita, lý luận âm nhạc” như nhà báo Nguyễn Khắc Hiên ở Hà Tĩnh. Ông còn kể lại những cử chỉ rất yêu thương của nhạc sĩ Lê Hàm đã dành cho ông trong một lần ông và các văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đến nhà riêng thăm người thầy về âm nhạc của mình “Lê Hàm cảm động lắm. Ôm chầm lấy tôi hôn chùn chụt vào má và khoe với mọi người ‘học trò của tôi đấy!’”. “ Nhạc sĩ trẻ Quốc Nam ở Nghệ An xem ông là cây “đại thụ” của nền âm nhạc xứ Nghệ và thấy “thật may mắn đã ghi lại được khoảnh khắc bút ký của ông khi đến thăm, chúc Tết ông vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Chúng cháu mãi nhớ về ông! Người nhạc sĩ luôn gần gũi, yêu thương các thế hệ hậu bối và có tâm hồn luôn lạc quan yêu đời.” Trong trang fb Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, các thế hệ Phan nhân đã bày tỏ: Nhạc sĩ Lê Hàm – người nhạc sĩ tài hoa sáng tác bài hát “Nơi ươm những mầm hoa” cho trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu của chúng ta vừa từ trần. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, tác giả của ca khúc hay nhất viết về trường được rất nhiều thế hệ học sinh và giáo viên yêu thích!” Tôi thật bất ngờ, lúc này đây mới biết, hóa ra ca khúc mà chúng tôi luôn hát, thích hát nhất mỗi lần hội khóa, mỗi lần về trường lại cũng chính là đưa con tinh thần ông sáng tạo nên từ hàng chục năm trước. Quả đúng là khi tác phẩm đi nằm lòng công chúng nó sẽ sống bằng sức sống của chính mình. Họa sĩ Tạ Tâm, một hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An thì trân trọng đăng trên fb của mình bức chân dung thật đẹp (ông vẽ tặng người nghệ sĩ từ 10 năm trước), với dòng tựa “giờ anh đã vội đi xa về cõi vĩnh hằng, xót thương quá, một nhạc sĩ tài năng, đức độ để lại cho đời nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị”, đó là nén tâm hương hoạ sĩ dâng lên người anh đáng kính.

Nhạc sĩ Lê Hàm - còn mãi giai điệu yêu thương
Công chúng bày tỏ sự tiếc thương và biết ơn tới nhạc sĩ Lê Hàm trên các trang mạng xã hội.

Những giờ khác này, hẳn là nhiều người còn khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về ông, về sự nghiệp sáng tác và sự đóng góp của ông cho nền âm nhạc xứ Nghệ nói riêng, Việt Nam nói chung. Một người bạn cùng trang lứa với tôi – cô giáo dạy văn ở Vinh – Phan Tuyết Hoa đã đăng thật dài những dòng cảm xúc của mình trên fb Nhạc sỹ Lê Hàm đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những bài hát nổi tiếng của ông sẽ còn mãi với thời gian “Vinh, thành phố bình minh” ; “Người mẹ làng Sen” ; “Cô giáo miền quê”… và rất nhiều bài khác nữa. Có lẽ nhiều người chưa biết bài hát “Cô giáo miền quê” của ông lấy bút danh La Kỳ An là tên ba người con của ông. Cảm ơn nhạc sỹ đã viết về người giáo viên hay đến thế. Bài hát thật dễ nhớ, dễ thuộc, lời hát thật hay, thật giàu chất thơ. “Đường làng hương hoa mộc lan, tỏa trên giáo án đời em đang xuân. Trồng người bao mộng mơ xa, tình thương đến với em thơ vẫn đọng đầy”. Nhớ hồi còn là sinh viên sư phạm Vinh, lớp tôi đã tập hát bài này, sau mỗi giờ học, các cô giáo tương lai thường hát nghêu ngao thật hạnh phúc… Bài hát đã đưa tôi trở về kí ức một thời sinh viên sư phạm trong sáng, mộng mơ và dễ thương. Bác Lê Hàm là người bạn lớn của ba tôi. Ông từng viết lời tựa cho cuốn sách của ba tôi. Khi biết tôi là cô giáo, ông đã tặng tôi bản nhạc này, thật vui và cũng thật vinh dự! Những lần ông đến chơi với ba tôi, qua nói chuyện tôi cảm nhận ông là con người vừa hài hước vừa hào hoa, lịch lãm và cũng rất nghệ sỹ. Xin vĩnh biệt nhạc sỹ và xin cảm ơn ông đã dâng hiến cho đời những bài hát hay đến thế!”

Nhạc sĩ Lê Hàm đã đi rồi, đi xa chúng ta thật rồi! Những yêu thương sâu nặng của ông cho đời, cho người, những thương yêu của người, của đời trao gửi ông là những giai điệu ngọt ngào vang lên mãi. Âm nhạc với ông, với chúng ta mãi là những tình khúc làm cho cuộc đời này ngày mỗi đẹp hơn. Mong ông an nghỉ và tiếp tục hành trình trao gửi yêu thương nơi miền quê ông đang đến!

Đào Thuý Hoa

VIDEO