Chuyên mục Trò chuyện nhân vật của tạp chí Sông Lam kì này xin gửi đến bạn đọc những chia sẻ của nhà văn Võ Thị Xuân Hà với những góc nhìn mới lạ về văn chương thời đại trong xu thế phát triển đa phương tiện ngày nay.

Văn đàn năm nay rộn ràng với nhiều sự đổi mới, nhiều hoạt động sôi nổi và mang hướng thời đại hơn. Là thế hệ nhà văn đi trước, vẫn bền bỉ gắn bó với nhiều sự kiện của văn chương, nhà văn đánh giá những thay đổi này liệu đã đem đến một diện mạo mới cho văn chương Việt Nam chúng ta chưa?

Văn chương luôn đổi mới từng khắc. Chỉ có điều chúng ta có nhận ra và đón nhận hay không. Một loạt các gương mặt rất trẻ đã xuất hiện. Thế hệ 9X, 20X có nhiều lợi thế trong thời đại 4.0. Điều đáng mừng là những cây bút mới được tiếp cận với nhiều xu hướng văn chương thế giới theo nhiều cách riêng, nên chúng ta không còn thấy những nhận xét, đại loại: ảnh hưởng văn học Pháp, Nga, Trung, Mỹ…; hay ảnh hưởng văn học mạng… Dần dần, người ta sẽ thấy, sự ảnh hưởng tích cực đã vượt trội hơn; để tạo ra giọng điệu riêng và đứng vững hay không là quyền của chính người viết. Và nhờ vậy, diện mạo mới của văn chương Việt không chỉ có một, mà là đa chiều. Đấy là thay đổi đáng kể nhất thời điểm này, theo tôi.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Văn, nguyên là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN), nguyên Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội NVVN, Khóa 8.

Nữ nhà văn luôn là cái tên mà giới văn chương đánh giá cao không chỉ ở chất lượng sáng tác, sự đồ sộ của gia tài văn chương mà còn ở hành trình miệt mài bền bỉ của chị với văn chương. Ở nhà văn Võ Thị Xuân Hà là một tâm thế luôn dấn thân và lan tỏa giá trị của văn chương với cuộc sống. Sự sáng tạo không ngừng, bám sát tình hình văn chương nước nhà và luôn bắt kịp xu thế thời đại đã cho Võ Thị Xuân Hà một vị thế riêng biệt trong làng văn Việt Nam.

Văn chương vẫn luôn là dòng chảy song hành cùng cuộc sống, thế nhưng những năm gần đây, chúng ta thiếu vắng những tác phẩm ghi đậm dấu ấn hiện thực xã hội. Theo chị, đâu là lý do?

Bất kỳ xã hội nào cũng sẽ có những thời điểm văn chương ít, thậm chí tưởng như không song hành cùng cuộc sống. Thường các sáng tác vào thời khắc “tưởng như không song hành” đó có xu hướng lùi lại quá khứ hoặc tiến thẳng tương lai.

Tôi lấy ví dụ, đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta có nên trách các nhà văn sao không viết ra những tác phẩm phản ảnh đại dịch một cách sâu sắc nhất không? Thực tế, nhà văn cũng là công dân, cũng phải cách ly, giãn cách, lo lắng, chống đỡ… (Tất nhiên thể loại ký thì có nhiều bài viết rất thành công, phản ảnh kịp thời hiện thực).

Còn một điều lớn hơn, một chân lý mà tôi thường nói với bạn bè: nếu nỗi đau mà kể ra ngay được, thì không còn là nỗi đau thực sự. Một lúc nào đó, người viết sẽ kể, khi nỗi đau đã tạm dịu lắng để không cào xé trái tim họ, để nỗi đau trở thành bài học trải nghiệm. Đừng bắt nhà văn phải mô tả hiện thực theo cách ghi chép theo thời cuộc. Sáng tạo mà. Đâu phải cứ ngồi là viết ra được những kỳ phẩm.

Tuy nhiên, không vì thế mà dòng chảy văn học chững lại. Nó như đồ thị hình sin. Sức bật mạnh là nhờ sự chuẩn bị kỹ càng. Tôi luôn tin như vậy.

Văn chương cũng chịu một phần ảnh hưởng từ sự phát triển của thời đại. Với việc có quá nhiều hình thức giải trí mới lạ cuốn hút mọi người, thì văn chương dường như đã thu hẹp mảnh đất của mình lại. Bạn đọc bắt đầu có thêm nhiều lựa chọn và các tập sách văn chương in ra lại rơi vào khoảng lặng. Theo nhà văn chúng ta cần làm gì để văn chương thực sự là “món ăn tinh thần” không thể thiếu với mọi người?

Điều này là thử thách với các nhà văn. Buộc các nhà văn phải tự mình bật lên, để bạn đọc không thể không quay lại với các tác phẩm văn học. Mặc cho rất nhiều hình thức giải trí ra đời, và sẽ còn xuất hiện nhiều hình thức giải trí mới lạ nữa, văn chương vẫn là một hình thức kết nối tinh thần truyền thống lâu bền của loài người.

Nếu không tin như vậy, chúng ta sẽ chạy theo xu thế thời đại bằng cách nào? Trong khi sáng tác văn chương cần sự tư duy sâu sắc, là mạch ngầm tinh thần của đời sống.

Tôi nghĩ chúng ta cũng chẳng cần phải làm gì khác, ngoài việc tu rèn chính câu chữ và tác phẩm của mình.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Văn chương buổi thời eo sèo, các nhà văn đôi khi được các NXB mua bản thảo, tuy nhiên số lượng này rất ít, nhất là sau dịch Covid-19 hầu như các NXB đều gặp khó khăn khi tiêu thụ sách văn học. Riêng các nhà thơ như hiện nay phần lớn tự bỏ tiền túi ra in, rồi tự bán theo hình thức cá nhân và kêu gọi bạn bè ủng hộ. Làm sao để văn thơ có một đầu ra quy củ và sống dậy rộn ràng như những năm tháng xưa?

Hình như đứng trước những thử thách, con người mới được học thêm những bài học, được trưởng thành hơn.

Nhưng để trả lời thấu đáo câu hỏi “Làm sao để văn thơ có một đầu ra quy củ và sống dậy rộn ràng như những năm tháng xưa?” thì cá nhân tôi không giải được bài toán này. Mà là cả cộng đồng, bạn đọc đều phải bắt tay xây lại từ đầu: bậc tiểu học có bộ môn dạy các con đọc sách chưa? Các tác phẩm sẽ được sàng lọc theo hướng nào, hay cứ làm truyền thông rầm rộ là sẽ có bạn đọc? (hay sẽ mất dần bạn đọc?). Các cây viết, các tác giả, các biên tập viên của các nhà xuất bản và công ty sách được đào tạo, rèn dũa bài bản chưa?

Điều gì cũng có lý của nó, ngay cả sự suy giảm uy tín của sách văn học hiện nay, không hẳn vì tất cả đều yếu kém; không hẳn vì độc giả yêu cầu cao.

Hiện nay mạng xã hội như “chiếc phao cứu tinh” đầu ra cho văn chương, nhưng cũng vì thế mà chất lượng sáng tác ngày càng khó kiểm soát. Một tác phẩm được viết ra và đăng công khai trên mạng xã hội không hề qua bàn tay “biên tập” của BTV liệu có làm lệch đi văn hóa đọc của công chúng? Và là một người đã từng giữ vị trí Tổng Biên tập, chị nghĩ đâu là ưu điểm và mặt hạn chế của việc đăng tải tác phẩm lên mạng xã hội?

Ưu điểm của mạng xã hội thì chúng ta đều nhìn ra là có rất nhiều lợi thế để con người xã hội được học hỏi giao lưu. Học trên mạng rút ngắn thời gian, tiền bạc, kích thích tư duy đa chiều. Đồng thời mạng xã hội giúp nhiều tác giả tự đăng tác phẩm, để tác phẩm có thể được một lượng bạn đọc tiếp cận. Riêng với người viết, mặt tích cực cơ bản là có được một lượng độc giả, sau đó là sự kích thích sáng tạo, tạo động lực sáng tạo. Để chuẩn bị bước sang kỷ nguyên 5D, con người ta cần đón nhận sự đổi thay, với nhiều chiều kích.

Về mặt hạn chế, tôi nghĩ là cũng có nguy cơ nếu trình độ văn hóa của người viết còn thấp. Tôi đã chứng kiến một số cây viết chỉ công bố tác phẩm trên mạng. Họ thậm chí có một lượng độc giả không thua kém nhà văn tên tuổi trên văn đàn. Nhưng đọc tác phẩm của họ thì đa phần là văn kể nôm na, trần trụi, ít văn, nhiều sự kiện gây tò mò “cướp, giết…”

Nhưng cũng không nên quá lo lắng về điều này, vì sự sàng lọc của xã hội của bạn đọc là sự can thiệp tốt nhất theo thời gian.

Được biết chị cũng là một trong những nhà văn đầu tiên lập ra kênh Youtube để văn chương tiếp cận độc giả rộng rãi hơn. Tuy nhiên ở kênh riêng của chị lại hoàn toàn khác một số nhà văn khác. Chị có thể chia sẻ vì đâu có ý định và cách làm này?

Tôi vẫn là một nhà văn nhà báo luôn xác định làm điều gì cũng phải vì lợi ích cộng đồng, phụng sự xã hội. Tôi cũng đủ các chuẩn (cử nhân văn chương, cao cấp chính trị…) để tự duyệt bài cho trang của mình. Tôi đã đi đến chặng đường, mà ở cái chặng này, tôi không còn thấy việc được khen ngợi, trao thưởng hay bất cứ phần thưởng cụ thể nào là hấp dẫn với tôi. Tôi mở kênh Youtube Cầm Kỳ Official, là một kênh truyền thông, cùng với trang web tonvinhvanhoadoc.net – để giới thiệu với cộng đồng những tác giả, bạn bè, anh chị em làng văn, hữu duyên, không chọn lựa xếp hạng. Tiêu chí duy nhất của các kênh truyền thông của tôi, khi giới thiệu tác giả tác phẩm, thì đó là những tác giả tác phẩm vì cộng đồng, với tình yêu thương.

Cho đến bây giờ, với kênh văn chương riêng của mình, chị thấy mình đã đạt được đúng như ý định ban đầu của mình chưa?

Làm gì cũng phải hết lòng, toàn tâm toàn ý. Tôi triền miên thức đêm đến 3, 4h sáng; không đi chơi, không nghỉ ngơi. Tôi làm hết các khâu, từ lựa chọn tác phẩm, viết giới thiệu tác giả, đọc, làm thumbnail, dựng clip, chọn và ghép nhạc… Tôi vừa làm vừa học; và cũng vừa viết vừa đọc. Tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê, viết xong phần nào là đọc luôn. Hiện tôi đang xin giấy phép Nhà xuất bản Hội Nhà văn; và công ty Sbooks sẽ in cuốn tiểu thuyết này.

Cũng là một người luôn đau đáu với sự phát triển văn chương, đặc biệt là thế hệ viết trẻ, theo chị vì sao một số cây bút trẻ sớm nở trên văn đàn, rộn ràng trong các cuộc thi, nhưng hai ba năm sau lại mất hút?

Đấy là tự nhiên thôi. Lĩnh vực nào cũng có người sẽ thành công rực rỡ, đi đến đích. Cũng có những người phải bỏ dở chừng vì nhiều lí do. Qua nhiều năm cùng chia sẻ với các cây bút trẻ (và được họ tin cậy), tôi chỉ nghĩ, cuối cùng, muốn tốt nghiệp một cấp học, chỉ có cách là phải học, chứ không thể trông chờ sự may mắn hay nhờ thiên phú, bẩm sinh; muốn thành một nhà văn đúng nghĩa, phải tu rèn rất khắt khe; thậm chí phải dùng câu “tử vì đạo”. Liệu có ai dám nghĩ viết văn là cuộc chơi nữa không?

Là một người đã gần như gắn bó cả cuộc đời mình cho văn chương, theo chị đâu là khó khăn nhất để một người có thể bền bỉ và thỏa chí tận cùng với văn chương? Và với kinh nghiệm của chị, chị đã khắc phục các khó khăn đấy như thế nào để luôn có một Võ Thị Xuân Hà đậm đà chất văn riêng và luôn mới mẻ trong mỗi lần chị xuất hiện?

Khó khăn nhất, như trên tôi đã dùng câu: tử vì đạo. Liệu các cây viết có vượt qua được chính mình, để thiền tâm và phụng sự suốt đời để xây dựng Tình Yêu Thương không? Còn tôi vẫn luôn phấn đấu. Kinh nghiệm của tôi là lao động viết, học và luyện rèn. Tôi không sợ hãi khi cứ độc hành với lao động viết, học và luyện rèn.

Chúng ta thấy rõ ràng văn chương luôn là hành trình rất cô đơn, thậm chí đôi khi độc bước của người sáng tác. Với thời đại ngày nay, áp lực cuộc sống ngày càng nặng nề, người viết cần phải sống trước khi viết. Phải chăng chính điều này đã làm cho văn chương ngày càng thiếu đi những tác phẩm có sự chăm chút kĩ lưỡng và tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc?

Tất cả là duyên phận, cơ may, sự cộng hưởng. Thời nào thì áp lực cuộc sống cũng có khó khăn, nặng nề. Sinh ra làm con người là để chịu sự thử thách, học những bài học, để tiến hóa. Làm nhà văn viết ra câu chữ phụng sự cộng đồng, làm gì có văn chương hời hợt và kém cỏi. Bởi nếu tác phẩm hời hợt và kém cỏi, khiến bạn đọc quay lưng, thì đó chưa phải tác phẩm văn học.

Nhà văn mà chỉ mong ngóng những tràng vỗ tay, đau khổ vì cô đơn, thì mới chỉ là người viết chữ thôi.

Các tác giả mới, trẻ luôn nghĩ xu hướng viết ngày nay phải thọc sâu vào những góc khuất xã hội, khuấy lên những gai góc, tạo ra những đớn đau để trưng trổ văn mình. Có một dạo làng văn xuất hiện một dòng văn cô đơn đau khổ của người trẻ mà đôi khi chỉ là câu chuyện tan vỡ tình yêu, hoặc lạc lõng giữa thành phố. Là một người đi trước, chị nghĩ gì về dòng văn học này và cách viết của các tác giả này?

Nói chung, các tác phẩm viết thành công với câu chữ giản dị mới là khó. Đuổi hình bắt bóng không bằng viết bằng chính trái tim mình. Có một điều tôi có thể nói với tư cách một nhà văn từng phụ trách công tác Nhà văn Trẻ hàng chục năm, từng làm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Văn, từng gian nan với nghiệp… là: tác phẩm cao tay không phải là tác phẩm gieo mầm đau khổ cho xã hội!

Còn thì tôi không nhận xét phê phán ai cả. Xã hội loài người vốn có luật đào thải.

Phải chăng sự dễ dãi của việc tự in ấn, sự dẫn dắt của truyền thông và cả sự lệch hướng văn chương của bạn đọc đã gây dựng nên một thế hệ tác giả rầm rộ sáng tác nhưng chất lượng thì hoàn toàn không có? Và từ đó làng văn có những tác giả sống trong ảo tưởng từ những tung hê này. Nếu được góp ý, chị sẽ nói gì với họ để chặng đường văn của họ sẽ dài và xa hơn?

Tôi nghĩ cả bài phỏng vấn này, tôi đã nhắn gửi cho những ai cần đi xa trên chặng đường văn chương một số ý chính cần thiết.

Trời xanh sẽ an bài.

Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Tống Phước Bảo (thực hiện)

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 26, tháng 8/2022)