Nhà văn Sơn Tùng (7/1928 – 7/2021) quê Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Ông là nhà văn viết nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Búp sen xanh” viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sơn Tùng là 01 trong 04 nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được Nhà nước phong Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Trong những lần ra Hà Nội, có lần tôi được nhà thơ Mai Hồng Niên rủ đến thăm nhà văn Sơn Tùng. Tôi nhớ, nhà ông ở khu A1 ngõ Văn Chương trên đường Khâm Thiên. Nơi đây được coi là “sào huyệt” có tên là Chiếu Văn – Nơi gặp gỡ, giao lưu văn chương của một nhóm văn nghệ sỹ ham vui như nhạc sỹ Văn Cao, Siêu Hải, nhà thơ Giang Quân, Hồ Minh Hà.
Mai Hồng Niên được coi là em út, tiểu nhị hầu rượu các bậc tiên chỉ. Thỉnh thoảng “chén vơi, be cạn” mới được chỉ đến quán quen của Văn Cao mua rượu. Đôi lúc hứng lên các tiên chỉ cũng bảo đọc thơ và cho vài góp ý.
Hôm Mai Hồng Niên dẫn tôi đến, gặp khi Sơn Tùng đang đọc báo. Ông tiếp anh em chúng tôi vui vẻ, niềm nở. Mai Hồng Niên giới thiệu tôi với ông: Thằng này là nhà thơ Tùng Bách, cháu gọi Hồ Minh Hà bằng cậu anh ạ, hắn mần thơ hay phết!
Sơn Tùng cười bảo: Dân Nghệ choa đứa mô đặt thơ nỏ hay!
Chuyện trò loanh quanh một lúc, tôi tìm cớ bắt qua chuyện chiếc nón bài thơ xứ Nghệ, tôi hỏi ông: Thưa anh, trước lúc nghe bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa phỏng thơ Sơn Tùng, em cứ tưởng Sơn Tùng nào, chứ không phải anh. Vì từ trước tới giờ chưa nghe nói Sơn Tùng “Búp sen xanh” làm thơ?
Sơn Tùng cười bảo: rứa à? Cũng phải thôi, mình cũng có đặt thơ nhưng ít gửi báo, cho đến nay mình cũng đặt được trên dưới khoảng trăm bài, nhưng phải thừa nhận đặt thơ khó thật, đặc biệt thơ hay lại càng khó, hơn nữa mình có tố chất viết văn hơn đặt thơ!
Thấy không khí lạc quan, đồng hương đồng khói vui vẻ, tôi hỏi: Theo sự biết của em thì xưa nay người ta quan niệm nón bài thơ là của xứ Huế, thơ bác lại bảo nón bài thơ xứ Nghệ? Em hỏi thật bác, bác có căn cứ chi không, hay tiện vần, bác bịa ra?
Nhà văn Sơn Tùng cười hà hà rồi rỉ rả với tôi đại để thế này:
– Nỏ riêng chi cậu, người đầu tiên đến tận đây hỏi là thằng nhạc sỹ Lê Việt Hòa. Chuyện là bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ”, nhạc Lê Việt Hòa, phỏng thơ mình, được nhiều người nghe trong cả nước yêu thích. Bài hát nghe đâu đã lọt vào danh sách đề cử xét tặng giải thưởng giải thiếc chi đó của Hội Nhạc sĩ và Đài Truyền hình Việt Nam trong đợt sáng tác về chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nghe đâu, có nhiều ý kiến ý cho rằng tác giả đã “đạo” nón bài thơ xứ Huế thành nón bài thơ xứ Nghệ.
Xứ Nghệ cũng có nón nhưng không phải nón bài thơ.
Thật ra, mình viết bài thơ này từ hồi 1955 chớ nỏ phải mới viết năm 1975 như nhiều người nghĩ. Số là, năm 1955, mình được bầu là đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ V tại Vacsava – Ba Lan. Trên đường đi có nghỉ lại Mátxcơva (Liên Xô) – Hôm ấy, mình đang cùng với mấy anh em dạo phố thì bất chợt nhìn thấy một cô gái Tây cao ráo, mắt xanh, tóc vàng, đội chiếc nón lá Việt Nam đi giữa đường phố, mình xúc động quá, chợt nhớ đến những người thân yêu ở quê nhà. Cảm xúc trào dâng, rứa là lẩm nhẩm trong đầu thành thơ. Về nước, mình chép gửi và được in trong nội san sinh viên, rồi gửi in ở báo Thống Nhất (1960). Sau ngày thống nhất Bắc – Nam năm 1975, không biết nhạc sĩ Lê Việt Hoà moi đâu ra, phổ thành bài hát.
Mình nhớ, có một bài ca dao cổ, nói về chiếc nón xứ Nghệ đầu cuối như ri nì:
“Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra mầu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một ngàn viên ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp vàng dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đưa sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt tàu thật xinh”
Mình cũng nói với Lê Việt Hòa là nếu ai hỏi thì cứ giải thích gốc gác nó là như thế. Cái cơ bản là chiếc nón, còn chiếc nón có bài thơ hay bài vè là do sở thích của ai đó mà nên. Có thể viết thơ vào nón, cũng có thể cắt chữ lồng vào giữa hai lớp lá rồi chằm (khâu) lại. Cậu cứ giải thích thế. Và rồi Lê Việt Hòa đã lên tiếng trả lời với báo chí như thế. Từ bấy đến nay cũng không thấy ai thắc mắc thắc miếc chi.
Tôi nói với nhà văn Sơn Tùng: Thưa anh, cách giải thích “chiếc nón bài thơ” như rứa nghe có vẻ “lý quê choa” nhưng nghe ra cũng nỏ ảnh hướng chi đến hòa bình thế giới.
Nói đến chiếc nón bài thơ xứ Nghệ ta, ngoài việc đội đầu che mưa nắng còn nhiều công dụng lắm. Em từng chứng kiến suốt cả thời trẻ trâu đến những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ 20, làng quê xứ Nghệ ta không ít những chiếc nón đều có bài thơ trong lòng nón. Những bài thơ ngăn ngắn, thường là hai câu, bốn câu, được viết bằng mực, có bài thơ được cắt thành chữ chằm vào giữa hai lớp lá. Chỏp nón phía trong còn được gắn một mảnh gương nhỏ xíu như chụm cau lật ngược, Những lúc, dưới bóng râm, thư giãn còn có thể soi gương, múc từng nón gió phả vào người làm vợi đi cái nóng giữa trưa hè.
Nói đến đây, nhà văn Sơn Tùng bỗng òa lên: đúng rứa, đúng rứa, chỉ cái gương gắn ở chóp nón là mềng không để ý thôi. Dân Nghệ choa đúng là nghèo khó nên luôn biết ló ra lắm thứ khun, ví như ló ra con cá gỗ, ra cái áo tơi và ra cả chiếc gương con để luôn tự soi mình.
Tùng Bách