Vậy là từ nay mình không bao giờ được gặp lại ông nữa. Vẫn biết là “sinh lão bệnh tử”, nhưng đúng vào ngày cả nước dự Hội nghị trực tuyến về Văn hóa toàn quốc – 76 năm mới có một hội nghị hào hứng nói về vấn đề đó – thì đột ngột được tin ông Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1948) đã rời cõi tạm. Một nhà nhiếp ảnh – Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An – nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu đã vĩnh biệt bạn bè về với thiên thu.

Ông Trần Quốc Tuấn. Ảnh được gia đình nghệ sĩ cung cấp

Ông mất đi, trong lòng người thân, bạn bè bâng khuâng, hụt hẫng vì vắng ông. Nơi trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An sẽ vắng bóng nhà nhiếp ảnh thường qua lại đem niềm vui đến cho mọi người. Ông đi đến đâu, có tiếng cười ở đó, luôn sang sảng chào mọi người từ cổng cho đến các phòng làm việc. Điện thoại của bạn bè từ nay không còn nghe tiếng ông gọi khoe ảnh đẹp và thơ. Ông nhiệt tình giúp mọi người khi đã tin tưởng và ngỏ lời giúp đỡ. Ông không nề hà công việc, bất kể trưa hay tối, coi việc của bạn cũng như việc của mình. Thời còn đương chức Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu, ông đã từng đưa khách khứa, bạn bè trong và ngoài tỉnh đi khắp nơi trên quê ông, xắn quần qua các khe núi, cười rộn ràng, phấn khởi lắm. Bạn đồng nghiệp có thành công gì thì hân hoan mừng rỡ giống như người nhà mình, lúc nào cũng khen bạn giỏi quá, xứng đáng được như vậy. Nhìn gương mặt, ánh mắt rạng rỡ của ông đầy hâm mộ và chân thành, không hề có ý ghen tỵ với người khác. Mỗi lần gặp bạn, ông đều vồ vập bắt tay nồng ấm gần gũi, không hề lạnh lẽo, lờ vờ đưa đẩy như khách qua đường. Nhìn vào ánh mắt biết ông mừng đến chừng nào khi có bạn về quê và đã vào tận nhà ông chơi. Trong nhà có gì, ông bưng ra hết để đãi. Vào cuộc với khách, ông rất sợ mất lòng, loay hoay nghiêng ngó tìm cái này, cái kia như thể còn thiếu điều gì. Mọi người vui là ông vui, những lúc ấy, mắt ông sáng lên rạng rỡ, cái đầu lại ngó lên ngó xuống, ngó vào ngó ra phục vụ bạn bè. Cuộc vui tàn, ông cười thật to như thể muốn báo công với trời đất thiên nhiên rằng tôi và bạn bè đang rất vui. Con người ông là thế, cư trú vùng sâu xa, nhiệt huyết say sưa hòa mình vào văn hóa núi rừng, góp phần đem niềm vui, văn minh về với bản làng quê ông.

Ông Trần Quốc Tuấn đang tác nghiệp tại một sự kiện văn hóa. Ảnh được gia đình nghệ sĩ cung cấp

    Ông đột ngột ra đi, bao nhiêu cuộc hẹn hò nơi mảnh đất miền Tây là niềm tự hào của ông, đã không thực hiện được với bạn bè. Nuối tiếc thương ông. Một con người sống hết lòng vì nghề, vì tình bạn, người thân.

Ông đã có nhiều đóng góp cho văn học, nghệ thuật tỉnh nhà trên các lĩnh vực nhiếp ảnh và sưu tầm văn học dân gian, như: Giải Vàng Sách hay: Lái Khủn Chưởng (Trường ca Thái) do Hội Xuất bản Việt Nam tặng, 2006. Giải Nhì tác phẩm sách Lái Khủn Chưởng do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng (2006). Giải Khuyến khích tác phẩm ảnh Ước mơ của bé do Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn và Chi hội Văn học, Nghệ thuật huyện Nghĩa Đàn tặng, 2002. Năm 2007: Có 4 tác phẩm ảnh xuất sắc tại Triển lãm ảnh mừng Đảng mừng Xuân do Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An tặng. Năm 2009: 2 tác phẩm ảnh xuất sắc tại Hội Báo xuân Nghệ An do Hội Nhà báo Nghệ An tặng. Năm 2010: 4 tác phẩm ảnh nghệ thuật tại “Giao lưu ảnh nghệ thuật báo chí” (Nghệ An – Đà Nẵng làm theo lời Bác) do Hội LH Văn học, Nghệ thuật Nghệ An tặng. Năm 2011: 2 tác phẩm ảnh xuất sắc tham gia Hội Báo xuân Nghệ An 2011 do Hội Nhà báo Nghệ An tặng. Tháng 1 năm 1999, ông được trao Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thông tin” do Bộ Văn hóa tặng.

     Hôm nay, kính tiễn ông về trời. Tự trong lòng, ngày này, bạn bè nhớ ông. Một người bạn tốt, nhiệt tình, luôn sống chân thành với mọi người, và hơn nữa, ông đã tích cực hoạt động góp phần xây dựng văn hóa cho tỉnh nhà suốt cả cuộc đời.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19 bản in)