P.T.V
Lần đầu tiên, nhà thơ Thạch Quỳ cởi mở và thẳng thắn về những “góc khuất” kể cả riêng tư như sự cố bài thơ “Với con” của mình một thời.
Không chỉ thơ, không chỉ chuyện bếp núc của công việc sáng tác, nhà thơ Thạch Quỳ còn khiến người tiếp xúc, trò chuyện không khỏi ngạc nhiên về tầm hiểu biết về các vấn đề nhân sinh, xã hội và tư tưởng tiến bộ rất táo bạo của ông.
Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, bút danh Thạch Quỳ hình như bắt nguồn từ việc ông viết thơ trên những tảng đá núi Quỳ làng Đông Bích quê ông và nó cũng phần nào nói lên tính cách con người cũng như cá tính thơ ông ?
Bài thơ tôi viết đầu tiên là bài thơ viết bằng than, ghi trên tường nhà bếp của nhà thơ Vương Trâm, Vương Trọng. Vào năm 1954, lúc đó tôi 13 tuổi. Tôi cũng đã quên khuấy bài thơ này ngay từ khi viết ra nó. Thế nhưng người làng tôi thì một số người vẫn nhớ. Tết vừa rồi, tức là đã 64 năm, tôi về làng, chú Vương Trâm ( là chú tôi, cũng là anh ruột nhà thơ Vương Trọng) vẫn thuộc lòng và đã đọc lại cho tôi nghe. Bài ấy thế này :
Xuân đến, hoa đào nở trong mưa
Thoi oanh giục giã, ý nhi chờ
Hè sang gốc cũ rờn xanh lá
Thoáng bóng thời gian tan trong mơ…
Những năm còn nhỏ tuổi, tôi vẫn thường dùng than, dùng gạch hoặc dùng cây, que viết lên tường, lên cánh cửa, lên đất, lên cát những bài thơ như thế.
Người làng tôi còn nhớ thuộc đôi bài. Còn việc viết lên đá, có lẽ là do thấy tôi ngồi đâu viết đấy, mà tôi thì hay ở trên núi nên người ta nói vậy thôi. Có điều, trên núi Quỳ thì rất nhiều đá. Đủ các loại đá. Có những tảng đá to như tấm giong, tấm phản. Cũng có những cột đá dựng đứng lên trời như những cây cột chống. Dân làng tôi gọi những tảng đá đó là đá xe kéo, đá xe cồ, đá Bụt, đá vụt mo…muôn hình vạn trạng không kể xiết. Tôi rất yêu đá. Đá rất sạch, rất cứng rắn và màu của đá thì âm thầm lặng lẽ rất hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ xung quanh.
Ngày còn là sinh viên đại học, tôi làm thơ cho báo Nghệ An, vẫn để nguyên tên trong khai sinh, không dùng bút danh. Khi ra dạy học, chúng tôi phải sống tập thể, ăn cơm tập đoàn, ngày hai buổi đi dạy, đêm cũng phải soạn bài tập thể đến 11 giờ mới được đi ngủ, ngủ cũng ngủ tập thể, 4 người trong 1 phòng, kỷ luật gò bó lắm. Tôi lại dạy toán, nếu để các đồng nghiệp biết mình làm thơ thì rất dễ bị phê bình. Mà nghiệp làm thơ thì tôi không bỏ được. Vậy nên, tôi không thể để tên mình in dưới các bài thơ. Tôi cần phải có bút danh để giữ bí mật về việc viết lách của mình. Đấy là nguyên cớ vì sao tôi phải có bút danh.
Còn việc đặt bút danh là Thạch Quỳ thì cũng rất đơn giản. Ở quê tôi có núi Quỳ nhỏ bé, khiêm nhường, chẳng mấy ai biết đến. Nếu như đó là núi Hồng Lĩnh, hay núi Thái Sơn, hay đỉnh Phan-xi-păng chẳng hạn, thì chắc chắn tôi không dám lấy tên những trái núi lớn lao, hùng vĩ đó để đặt bút danh cho mình. Như trên đã nói, tôi rất yêu đá, tuổi thơ chăn trâu, kiếm củi ngày nào chẳng ở cùng đá núi. Tôi cũng ví mình như một hòn đá của trái núi nhỏ bé ấy thôi. Cái tên Thạch Quỳ cũng khiêm nhường và bình dị vậy thôi. Không có gì đặc biệt, không có gì đáng phải để ý cả. Còn làm thơ, viết văn thì nhà thơ, nhà văn nào mà chẳng có cá tính. Người ta gọi là cá tính sáng tạo mà.
Tôi từng nghe nói những ngày đầu làm thơ ông tự đề ra cho mình một bảng cấm: Cấm viết chữ người khác đã viết, cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ, cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật, cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mĩ. Có đúng như thế và ông đã thực hiện điều đó như thế nào ?
Nhà thơ Quang Huy bảo tôi là nhà thơ của chổi cùn, rế rách, cái gì các nhà thơ khác không ngó ngàng tới thì vào thơ tôi cả. Cũng có phần đúng. Thơ tôi không có hoa hồng, hoa huệ nhưng có hoa chổi rành, hoa chổi đót.
Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ
Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa
Hoặc là
Rừng hoa chổi lại trắng rừng hoa đót
Tiếng chim len trong lá hé mắt nhìn…
Bởi tôi cấm mình viết hoa hồng, hoa huệ, hoa ti gôn…nên buộc tôi phải viết về những loài hoa không ai viết. Không chỉ hoa, mà mọi sự, mọi vật tôi đều làm như thế cả. Chẳng thế mà thơ tôi có “gạch vụn”, bởi vì gạch lành bị tôi cấm viết nên tôi phải viết gạch vụn thôi.
Nói cho cùng, cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình khi sáng tác chính là những yêu cầu nghiêm ngặt của nghệ thuật mà tôi buộc mình phải thực hiện. Bạn cứ đọc bất cứ bài nào, câu nào trong thơ tôi rồi so với cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình ở trên, bạn sẽ thấy rõ tôi đã thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, nghiêm ngặt, nghiêm chỉnh cái bảng tự cấm ấy.
Nước trong veo, con cá quả no mồi
Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa
Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ
Nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi…
Hoặc là
Núi nghiêng vai vác con đường lên
Hoặc là
Hòn than tro bếp rụng thành lửa hoa…
Vân vân và vân vân…
Tất cả đều là những chi tiết thật. Rất thật. Nhưng tôi nghĩ rằng cái đấy không phải là sự thật trần trụi, sự thật thiếu thẩm mĩ. Đúng không? Nếu lấy ví dụ để nói tôi đã thực hiện bảng cấm mà tôi tự để ra cho mình như thế nào thì tôi có thể nói là hầu hết các bài thơ, câu thơ của tôi đều tuân thủ nghiêm ngặt cái bảng cấm nói trên.
Tôi nghĩ rằng, cái “ bảng cấm” tôi tự đề ra cho mình khi cầm bút, với các bạn trẻ trong buổi đầu đến với nghề bút mực cũng có thể có đôi điều để nghĩ suy, tham khảo.
“Không nhỏ bé tầm thường, không vĩ đại/ Có thể bị vứt đi trong xó tối u buồn/ Có thể đứng trên hai chân vững chãi/ Tôi một mình, tôi lớp lớp triều đâng… Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã/ Tôi áo cơm no đói với ngày thường… Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc/ Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn/ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn!” ( Tôi) “ Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten/ Vừa phát sóng, vừa tự mình rỉ rét” ( Tự khúc mùa Xuân)
Thú thực khi đọc những câu thơ ấy của ông, tôi đã rùng mình. Không phải chỉ bởi nó quá hay, mà nó quá thực nữa. Và cái khiến tôi sợ là hình như tôi chạm phải cái cô đơn sừng sững của ông. Cái tôi đầy kiêu hãnh nhưng cũng làm hoang mang. Không biết tôi hiểu có đúng không? Ông có thể nói gì về cái tôi ấy ở trong thơ mình? Có khi nào ông thấy “cái tôi xù xì, không vừa vặn với khuôn thước” như một nhà thơ từng nhận xét đã làm khó cho ông cả trong đời sống lẫn trong thơ?
Bài thơ ấy viết về Cái Tôi, không có nghĩa là viết về cái tôi riêng của Thạch Quỳ. Nó là Cái Tôi ở trong tôi, trong bạn, trong tất cả mọi người. Tại sao lại phải rèn đúc cái tôi, viết về cái tôi? Bạn xây ngôi nhà trăm tầng, muốn nó vững chắc thì mỗi viên gạch cần phải vững chắc. Muốn một tập thể hùng mạnh thì mọi con người trong tập thể ấy phải hùng mạnh. Suy ra cả dân tộc, cả đất nước cũng thế!
Các phát minh khoa học, văn học, nghệ thuật, quân sự, kinh tế…nói chung là nền văn minh thế giới, sự tiến bộ của các hình thái xã hội đều có nguồn gốc từ những sáng tạo cá nhân mà cái tôi bản lĩnh và cứng rắn trong họ đã phải vượt qua muôn vàn thử thách để đạt đến mục đích cuối cùng. Toán học, vật lý, thiên văn, tin học…tất tất đều là sáng tạo tuyệt vời từ sự khổ luyện và mê say của mỗi con người với tư cách là một cá thể sáng tạo, một cái tôi bản lĩnh.
Trái đất tròn – Ga-li-lê phát hiện
Một mình ông, chỉ một mình thôi
Cái thời ấy, nếu đưa tay biểu quyết
Cả hành tinh chống lại một con người
“Tôi” là bài thơ tập trung ca ngợi cái phẩm chất cốt lõi, cái năng lực trời ban, cái bản lĩnh vững chắc trong mỗi con người với tư cách là một cá thể sáng tạo. Ca ngợi cái tôi bản lĩnh cũng là ca ngợi phẩm chất, năng lực của mỗi con người, nhắm tới mục đích hoàn thiện con người, cũng ví như chúng ta lo toan cho sự cứng rắn, chu toàn, vững chắc của từng viên gạch để có thể xây được ngôi nhà hiện đại, văn minh và to đẹp vậy thôi, không có gì phải phàn nàn nếu nghệ thuật, thơ ca ca tụng cái tôi tốt đẹp ẩn chứa trong trái tim, trong khối óc, trong trí tuệ của mỗi con người. Đúng vậy không ?
Bạn muốn tôi nói đôi lời đề cập đến cái cảm giác về cái tôi mang tính cô đơn phải không? Tôi nghĩ rằng cảm giác cô đơn không ngăn trở năng lực sáng tạo mà ngược lại, nó là một động lực thúc đẩy sự sáng tạo. Có thể nói cảm giác cô đơn xui khiến người ta phải làm việc, đặc biệt là những công việc thuộc về lao động trí óc.
Các nhà khoa học, các nhà văn…những người lao động trí óc luôn luôn một đèn một bóng đêm. Không một đèn một bóng làm sao có khoa học, văn học, nghệ thuật và các thành tựu vật chất tinh thần khác để đóng góp cho nền văn minh và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội? Cô đơn, cô độc để tập trung trí tuệ cho công việc. Trên đời này, có những công việc không thể chia sẻ cùng ai, không có ai có thể cùng chung vai gánh vác. Ai có thể viết thay Secxpia, Ban-zac, Tônxtôi, nghĩ thay Niuton, Anhxtanh, Menđelêep? Muốn rèn cái tôi bản lĩnh, rắn chắc, có khi người ta cũng phải rèn luyện cả sức chịu đựng sự cô đơn, cô độc nữa.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần trân trọng cái tôi, phấn đấu rèn luyện cái tôi ẩn chứa trong mỗi cá nhân với ý thức Cái Tôi đồng nghĩa với cá tính sáng tạo.
Tôi e rằng, hình như, người ít cảm giác về sự cô đơn thì năng lực sáng tạo cũng không được dồi dào lắm. Phải vậy không nhỉ?
Trở lại với sự cố văn chương đình đám một thời, cụ thể là ở bài “Với con”, ông có thể kể lại chuyện này? Bây giờ nhìn lại chuyện ấy, cảm giác của ông ra sao ?
Chuyện cũ, thật tình tôi không muốn nhắc lại. Tôi nghĩ, chuyện phê phán lình xình bài thơ ấy là chuyện ngoài văn học.
Nếu phải kể lại thì tôi sẽ kể những chuyện nằm ngoài bài thơ đó để các bạn biết sự thật. Sự thật về thế thái nhân tình, về chuyện bè phái và sự ghen tuông đó kỵ trong mỗi con người ở một thời chưa xa.
Kể để làm gì? Mọi vấp váp đều là những bài học. Vấp váp của thế hệ nhà văn đi trước cũng có thể nên biết để rút kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp theo. Sự thật là bài thơ của tôi, bị “đại phẫu” ngay tại tỉnh nhà, khi mà người ta, vì “cái ghế” mà đánh vào các tác phẩm văn học trong khi cái đích người ta muốn nhắm là ở con người của phe này, phái khác. Đơn giản vậy thôi! Tuy nhiên, khi ở Nghệ An tổ chức “kiểm điểm” bài thơ thì Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn ngâm, báo Nhân Dân vẫn in lại bài thơ, có sao đâu.
Thực chất thì bài thơ cũng chẳng có tội tình gì, như hôm nay các bạn đã thấy rõ.
Tôi nghĩ gì về sự kiện này ư?
Tôi nghĩ, khi các nhà văn, khi những người làm nghề viết lách không chuyên lo tác phẩm mà chỉ nhăm nhăm nghĩ đến chức vị, đến ghế ngồi, nhăm nhăm tìm cách đưa thủ lĩnh của mình lên cầm quyền để lợi dụng, để nhờ vả thì văn nghệ khó tránh khỏi rối loạn, khó tránh khỏi xẩy ra những điều đáng tiếc, có thể nói là đáng xấu hổ nữa. Ngoài ra, sự việc cũng để lại bài học cho những người được phân công trách nhiệm cầm quyền, quản lý văn học nghệ thuật: Hãy thận trọng với các sự việc nằm ngoài văn học! Xưa nay, các tác phẩm văn học bị lùm xùm, bị phê phán, kết cục đều ngược lại, các tác phẩm đó về sau hầu hết đều được giải thưởng Nhà nước, thậm chí tên tuổi các tác giả bị phê phán một thời ngày nay lại được đem ra đặt tên cho các đường phố như các trường hợp Phùng Quán, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng,… chẳng hạn. Hãy rất nên thận trọng!
Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, ông nghĩ thế nào về sự đổi thay của các giá trị? Ông có lời khuyên nào không với những người đang đương đầu với cuộc sống mà dường như ai cũng cảm thấy mình như “ một chấm nhỏ giữa bốn bề hư vô”? Bạn đọc cũng muốn ông giải thích thêm về câu thơ “ Hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm”?
Thú thực tôi không dám nhận là người có hiểu biết nhiều và có tư tưởng tiến bộ hơn ai. Nhưng tôi nghĩ, mọi vật, mọi việc đều đang thay đổi với thời gian thì tất yếu các quan niệm về giá trị cũng phải thay đổi theo. Chẳng hạn, trước đây người ta nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá giá trị của một người giàu có có thể rất khác với hôm nay chúng ta nhìn nhận và đánh giá về họ. Có thể trước đây có những việc làm, những ý nghĩ ta cho là hay, là đúng thì trước thực tế hôm nay buộc ta phải nhìn nhận lại. Tôi nghĩ điều đó là bình thường, là tốt, là nhạy bén, là thức thời và tiến bộ.
Trong cuộc hội nhập kinh tế toàn cầu hôm nay, chúng ta không thể cứ nhìn nhận nước Mĩ như trước đây trong chiến tranh chúng ta đã nhìn nhận. Người ta muốn có bè bạn lâu dài chứ không ai muốn có kẻ thù vĩnh viễn, đúng thế không? Mà bè bạn cũng cần qua thử thách của thực tế, của thời gian để nhìn nhận và đánh giá thì mới chính xác được! Điều bạn hỏi phải chăng là bạn đang muốn nói đến những sự đổi thay của các giá trị theo chiều hướng không như ý đang gây nên những tâm trạng có phần tiêu cực, u trầm với cảm giác mỗi người chỉ là “một chấm nhỏ giữa bốn bề hư vô”, cô đơn và bất lực trước những đỏi thay đủ cả hai chiều hướng thuận nghịch ở trong xã hội ?
Tôi cho rằng sự tiến triển của lịch sử thường vẫn chậm chạp hơn những mong muốn đổi thay tuy tha thiết nhưng luôn có phần nóng vội ở trong lòng người. Với lịch sử, một trăm năm chỉ là một khoảnh khắc nhưng với con người một trăm năm thì đã kết thúc cả một đời người. Con người, tuy hiểu quy luật của lịch sử “cái gì đến sẽ đến”, nhưng không mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ cái “ phải đến” cuả lịch sử. Chính sự thiếu kiên nhẫn đó đã gây ra các cung bậc tâm trạng ở trong lòng người.
Người ta biết những sự việc tiêu cực, nhàm chán, buồn nản mà họ đang phải đương đầu, theo quy luật, trước sau gì rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng người ta muốn những sự tiêu cực, nhàm chán, buồn nản đó phải đi qua ngay từ ngày hôm nay. Không làm được việc đó ngay tắp lự theo ý muốn nên người ta cảm thấy mình bất lực. Thiếu người đồng cảm với mình trong hiện tại, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cái tốt đẹp sẽ đến trong tương lai nên người ta cảm thấy cô đơn. Cô đơn, bất lực cũng chỉ là trạng thái tâm lý, tâm trạng bình thường ở thời điểm mà xã hội còn nhiều tiêu cực, nhiều điều chưa như ý. Chúng ta hy vọng tâm trạng, tâm lý đó cũng là một động lực của khát vọng để hướng đến sự biến đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Còn câu thơ: “Hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm” thì tôi nghĩ đó là một câu thơ dễ hiểu. Dân gian bảo “con cá mất là con cá to”. Ai cảm thấy chưa thỏa mãn với cái hiện có thì trong mơ ước, trong khát vọng của họ, cái họ đang tìm kiếm hẳn sẽ trang nghiêm hơn, thiêng liêng hơn và cũng sẽ tốt đẹp hơn. Càng nhiều mơ ước, càng nhiều tưởng tượng thì cái “mô hình” hạnh phúc càng tốt đẹp. Hạnh phúc cũng chỉ là một sự quan niệm thôi mà.
Và một câu hỏi tế nhị, ông có thể trả lời hoặc không, ông nghĩ thế nào về hôn nhân đồng giới, mà hơn ai hết, ông được chứng kiến nó rất gần (trong gia đình của mình)?
Tôi ủng hộ hạnh phúc trong hôn nhân của những người đồng tính. Chúng ta cần nhận thức một sự thật là loài người được trời đất sinh ra theo lẽ tự nhiên đã có 3 giới tính: Đồng tính nam, đồng tính nữ và hôn nhân khác giới. Những người trời đất sinh ra với giới tính đồng giới không lẽ cứ phải chịu sống cô đơn, cô độc suốt cả một đời người? Những người được sinh ra với bản tính hôn nhân khác giới rất nên cảm thông, chia sẻ với những người đồng tính. Ai cũng có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc như lời Bác Hồ đã đọc trong tuyên ngôn độc lập, sao những người đồng tính lại không?
Cảm ơn nhà thơ Thạch Quỳ về cuộc trò chuyện thẳng thắn, thú vị này!
Nguồn: Báo Nghệ An