Gọi  Nguyễn Bảo Sinh là kỳ nhân hay dị nhân có lẽ đều đúng, con người này có cuộc sống đặc biệt, làm nên chuyện đặc biệt và những câu thơ khác lạ, từ lâu đã được biết đến như một người tiếp nối dòng thơ của Bút Tre. Học sư phạm nhưng không một ngày đi dạy, học sân khấu điện ảnh nhưng không đóng phim, đi bộ đội rồi mở hiệu vẽ truyền thần, sau đó lại nổi danh vì  kinh doanh chó cảnh, làm khách sạn cho chó mèo, chơi đấm bốc có đai có đẳng…Thơ Nguyễn Bảo Sinh được hàng triệu người Việt đọc, truyền khẩu nhưng quên… tên tác giả. Gần đây, ông liên tục cho ra mắt những cuốn sách, từ Bát phố, Huyền thi, Thiền dân gian cho tới Huyền ngôn, trong đó Bát phố gây xôn xao dư luận,  được đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội năm 2014.  Khi tôi đến gặp ông thì khu khách sạn chó mèo ngày nào giờ đã thành chùa “Tề động vật ngã” – cuộc trò chuyện diễn ra trong tiếng niệm Phật…

                                           *******
“Hiểu tận cùng sẽ hóa ngây thơ”

Nhà báo Phùng Nguyên: Trước đến đây, thấy ông đang kinh doanh khách sạn cho chó mèo, giờ ông lại chuyển sang làm “Chùa động vật ngã”, cầu siêu và giữ linh hồn cho chó mèo. Có điều gì thay đổi trong nhận thức của ông chăng?
Nhà thơ Bảo Sinh: Nói thay đổi cũng đúng, mà không thay đổi cũng đúng. Trước kia tôi làm khách sạn cho chó mèo sống, bây giờ chuyển sang chùa giữ linh hồn cho chó mèo chết. Tôi là ông tổ của ngành nuôi chó cảnh Việt Nam. Khách sạn chó mèo tôi cũng làm đầu tiên, tổ chức thi hoa hậu chó mèo đầu tiên. Tôi thích nghĩ cái gì đó mới, sáng tạo là niềm vui. Sống không sáng tạo thì yên ổn hơn, sống sáng tạo thì sóng gió nhưng với tôi như thế mới hạnh phúc. Nói chung những người đi tìm cái mới, những người mạnh thường giống nhau. Vì: “Người mạnh nào cũng cô đơn/ Vì rằng kẻ yếu đông hơn rất nhiều”*. Những gì người ta chưa nghĩ đến anh đã làm rồi thì không ai chơi với anh. Đã sáng tạo, phải chấp nhận cô đơn, chấp nhận cuộc chơi thôi!
Nhà báo Phùng Nguyên: Là một người luôn sáng tạo để tìm cái mới, ông có cảm thấy cô đơn ở độ tuổi U90 ?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Ảnh: PN

Nhà thơ Bảo Sinh: Thực ra khi cô đơn đến tận cùng người ta lại không cô đơn. Cô đơn cũng có vẻ đẹp riêng. “Bạn thằng dại hết cô đơn/ Thầy thằng khôn là hết bạn”. Khi cô đơn đến tận cùng ta trở về trạng thái hồn nhiên của trẻ con. Nên tôi có viết: “Nghĩa cuộc đời đều là vô nghĩa/ Sao loài người vẫn sống say sưa/ Vô nghĩa cuộc đời chính là ý nghĩa/ Hiểu tận cùng sẽ hóa ngây thơ”.
Có hai loại ngây thơ, một là không hiểu gì, hai là hiểu tận cùng. Tôi trở thành một người ngây thơ nhất, ai sống thế nào tôi cũng vui vẻ… Tôi không dám nói hiểu đến tận cùng nhưng phần nào đó, mình hiểu cốt lõi của cuộc sống, thì mình thành trẻ con. “Ông lão trăm tuổi đem chôn/ Bay lên trời một tâm hồn trẻ thơ”.
Nguyễn Huy Thiệp viết về tôi: “Nguyễn Bảo Sinh-  đến đây làm gì? Ông ta đến để biến tất cả chúng ta thành trẻ con.” Nếu trẻ con thì sống đơn giản lắm.
Nhà báo Phùng Nguyên: Chùa “Tề động vật ngã” cầu siêu và giữ linh hồn chó mèo có phải là sự sáng tạo mới của ông ?
Nhà thơ Bảo Sinh: Thực ra, cái này từ cổ chí kim, người ta đã làm rồi. “Những cái nghĩ mãi mới ra/ Đều là những cái người ta nghĩ rồi”. Quan điểm của đạo Phật, hòn đá có thể biến thành khỉ, khỉ biến thành Đại thánh, Đại thánh thành Đấu Chiến thắng Phật. Vậy giữa hòn đá và đức Phật là bình đẳng, nếu hòn đá mà có đủ nhân duyên cũng thành Phật. “Tề độc vật ngã” có nghĩa là người và vật bình đẳng- cũng là đi vào bản thể của đạo Phật. Như vậy mới có luân hồi, có luân hồi mới có cầu siêu. Lam chùa không phải là chuyện đùa, nếu không đủ nhận thức, đủ cơ duyên nó sẽ phản anh ngay. Nhưng nếu hiểu sâu sắc  thì làm chùa này, cầu siêu con chó, con mèo tôi thấy rất thanh thản. Tên “Tề động vật ngã” như cái bùa trấn hết những gì dị nghị của xã hội, tôi bỏ ngoài tai mọi khen chê, nhất tâm bất loạn.
Nhà báo Phùng Nguyên: Trước đây, ông đã tự họa mình bằng mấy câu thơ:Làm thơ nuôi chó chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”. Giờ hình như chân dung nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh đã hơi khác?
Nhà thơ Bảo Sinh: Hơi khác rồi, thể hiện trong bài thơ  mới tôi  tự họa mình: “Pháp sư, nuôi chó, chọi gà/ Hình như lão ấy cũng là nhà thơ/ Câu thơ khi tỏ khi mờ/ Lý trên bác học, tình thừa dân gian”. Tôi quan niệm, làm thơ tính dân gian phải cao, nhưng tính triết lý phải đạt đến bác học, tiến lên trí tuệ của tạo hóa, chứ không dừng ở trí tuệ của con người. Trí tuệ của tạo hóa thì thuận tự nhiên. Khi người ta nhìn cuộc đời này bằng trí tuệ của tạo hóa thì tức là nhìn bằng không gian 4 chiều. Ví dụ, nếu nhìn bằng không gian 3 chiều thì sẽ thấy con đò ngang, là sang là về. Nhưng nếu tôi nhìn bằng không gian 4 chiều,  tôi sẽ thấy: “Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến, người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang”.  Tôi cũng viết những câu thơ này bằng đôi mắt nhìn bằng không gian 4 chiều: “Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm/ Khi mê dâm chỉ là dâm/ Ngộ ra mới biết trong dâm có tình”.

Chùa Tề Đồng Vật Ngã. Chùa riêng cho chó mèo duy nhất thế giới, ở số 30 -ngõ 167 Trương Định Hà Nội. Ảnh: Từ Fb nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh

“Lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý”

Nhà báo Phùng Nguyên: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – bạn thân của ông, đã viết về ông như thế này: “Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này”. Đọc thơ ông thấy gần gũi với ca dao, có nhiều đúc kết mà ông đã phải “Lội xuống bùn để bắt con cá chân lý”. Ông nghĩ gì về thơ mình – những câu thơ được rất nhiều người biết nhưng không biết tên tác giả?
Nhà thơ Bảo Sinh: Thơ Bảo Sinh đi vào đời sống, người ta dị bản hóa nhiều. Ví dụ, ngày xưa tôi làm bài thơ: “Sang sông sợ nhất đò đông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì…” Sau có dị bản: “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.
Nhiều câu thơ của tôi được truyền tụng rộng lớn, hàng  triệu người Việt Nam thuộc, nhưng người ta không biết đó là của Bảo Sinh, nó thành dân gian rồi. Đó là cái hay cũng là cái dở của người làm thơ dân gian. Đóng góp nhiều thơ nhưng không hưởng gì, nhưng vì không hưởng gì nên càng đóng góp nhiều hơn. Khi có những người lấy thơ tôi làm thơ họ, tôi xem đó như một vinh dự. “Gặp kẻ ăn cắp thơ ta/ Hóa ra người ấy lại là tri âm”.
Ở đời nhiều khi có sự tréo ngoe mà tôi đã viết vui: “Biết bao thi sĩ vô danh/ Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao/ Biết bao thi sĩ ngôi sao/ Suốt đời không để câu nào cho ai”.
Có một số nhà thơ nổi tiếng nhưng không để lại câu thơ nào (Nhưng tôi nghĩ  người không có tài làm thơ mà nổi tiếng về thơ là người siêu tài về thơ). Làm thơ dân gian, khi bạn đọc  biết tên  thì có khi đã bốc mộ nhiều lần. Làm thơ mà được khen, được nổi tiếng cũng hạnh phúc, mà không được khen, không nổi tiếng cũng hạnh phúc. Tôi không thấy cái gì hơn cái gì. Tôi ở cảnh giới đứng ngoài sự khen chê. Một nghìn người khen thơ tôi, tôi không lên được, một nghìn người chê thơ tôi, tôi cũng không xuống đâu. Nhắc tới Bảo Sinh có người biết, có người không, vì tôi sống lẫn vào dân gian.
Dòng thơ dân gian bao giờ cũng vĩ đại. Thực ra ít có nhà thơ nào ví thơ mình  với thơ dân gian. Nhưng có lẽ tôi là nhà thơ duy nhất là nhà thơ dân gian, vì tôi có cả nghìn câu thơ được nhớ  đến.  Nói chung  nhà thơ dân gian hay lắm, như hạt cát bé nhỏ nhưng đóng góp tuyệt vời cho kho tàng văn học. Dòng thơ dân gian vẫn chảy trong thời đại công nghệ này. Đó là dòng thơ bất tuyệt, trong một phút khoát ngộ người ta có câu thơ hay. Đó là thơ của muôn đời, người  sáng tác mà không có mục đích sáng tác.
Thơ dân gian như các nhà lý luận văn học gọi là văn học bình dân. Vậy thì, đến thời đại này, văn học bình dân và văn học bác học phải kết hợp: “Lý trên bác học, tình thừa dân gian”. Đến thời đại ngày nay, nếu chỉ  dân gian hay chỉ bác học thôi cũng không tồn tại được.
Nhà báo Phùng Nguyên: Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh ở lứa tuổi U90 nghĩ gì về thơ hậu hiện đại?
Nhà thơ Bảo Sinh: Tôi cho đó là loại thơ bế tắc. Thơ phải làm sao để người Việt thuộc. Người Việt hiểu thơ trước hết phải thuộc thơ. Thơ hậu hiện đại trúc trắc không vần điệu người ta khó thuộc nổi. Về thơ hậu hiện đại, tôi nghĩ: “Thơ hậu hiện đại là gì?/ Trẻ thơ vừa đọc tức thì thích ngay/ Thơ hậu hiện đại cực hay/ Tuổi già đọc cũng thích ngay tức thì”. Thơ hậu hiện đại mà trẻ không thích thì hậu hiện đại với ai?
Nhà báo Phùng Nguyên: Thơ ông đa thanh, nhiều triết lý, nhưng có vẻ như ông nhìn đời bằng đời bằng đôi mắt 4 chiều của một người chiêm nghiệm chứ chẳng khen chê?
Nhà thơ Bảo Sinh: Tôi làm thơ để tả cái xã hội này, tôi chỉ là người chứng kiến chứ không có ý kiến, khen chê cuộc đời đều không nên. Tôi viết: “Đời là tinh khiết tự nhiên/ Đừng bôi một chữ một tên gì vào”.  Đời – như câu ngạn ngữ của Pháp – “C’est la vie”, đời là thế!.
“Ngủ đi hay ngủ đi em/ Đời là như thế dậy xem làm gì/ Dậy đi em hãy dậy đi/ Đời là huyễn mộng có gì mà mơ”. Cuộc đời như Nguyễn Du viết: “Khi Vô Tích khi Lâm Tri/ Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Đó là nhìn đời bằng đôi mắt 4 chiều. Ai là người hiểu đạo Phật, biết luật nhân quả thì chẳng bao giờ bất bình với xã hội. Quả ngày hôm nay là nhân từ trước.
Tâm hồn người ta lúc thì vui lúc thì buồn lúc hài hước lúc tế nhị. Tại sao nhà thơ lại chỉ có một phong cách? Tôi là nhà thơ của muôn mặt đời thường. Tục không ai tục bằng tôi. Nhưng thanh cũng không ai thanh bằng tôi. Thơ tôi viết thành kinh để tôi tụng hàng ngày, phổ biến Phật pháp.Tôi cho rằng đó là sống chân thật, vì con người không phải lúc nào cũng khóc, cũng cười, cũng nghiêm nghị. Thế tại sao nhà thơ không làm một cây đàn muôn điệu mà gảy được tất cả các cung bậc tình cảm. Con người ta hãy là con chim bách thanh, diễn tả đủ các nỗi lòng. Tôi hy vọng như thế và tôi làm như thế, thơ tôi không giống ai mà ai tôi cũng giống.
Nhà báo Phùng Nguyên: Nhà thơ nào chẳng muốn làm cây đàn muôn điệu. Nhưng viết được đa thanh như Bảo Sinh không dễ. Thơ ông đa thanh phải chăng cũng vì đời ông cũng đa thanh mà độc đáo. Tác giả Đỗ Anh Đào từng viết: “Hà Nội có Nguyễn Bảo Sinh/ Thế gian cũng chỉ có mình ông ta”?
Nhà thơ Bảo Sinh: Đời tôi đa thanh nên thơ cũng đa thanh. Tôi làm nhiều nghề tưởng như không liên quan đến nhau. Học Đại học Sư phạm, rồi vào Trường Sỹ quan Lục quân, rồi mở hiệu vẽ truyền thần có cửa hàng trên phố Hàng Đào, rồi chuyển sang nghề đấm bốc, rồi mở khách sạn chó mèo, lại có khi kiêm cả bốc thuốc. Nhưng tôi không biết viết gì về mình. “Người ghi bia đá để đời/ Còn ta bia trắng để người tự ghi”.
Dòng thơ du dương và nhễ nhại

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và tác phẩm Bát phố của ông. Ảnh: PN

Nhà báo Phùng Nguyên: Ở độ tuổi U90, ông vẫn chơi Facebook (FB) và đều đều đăng thơ lên mạng xã hội này, ông cảm nhận gì về cái gọi là thơ trên FB?
Nhà thơ Bảo Sinh: Tôi cho rằng bây giờ in thơ tặng là lạc hậu rồi. Tặng thơ ít người đọc, nhưng đưa lên FB có nhiều người đọc, đó là một cách chơi mới, hiện đại. Nhà thơ mà không đưa thơ lên FB thì lạc hậu rồi. Nhà thơ hội họp nói chuyện không bằng đưa thơ lên FB. Nhà thơ muốn tương tác, chia sẻ tốt nhất lên FB. Tôi ở tuổi U90 đưa thơ lên FB cũng là một trở ngại về kỹ thuật. Nhưng không chơi FB, không đưa thơ lên FB thì không cẩn thận sẽ như bị tái mù chữ. Đưa thơ FB không cần qua các công đoạn của NXB để phát hành thơ. Nhưng đưa FB tôi tâm niệm có hai điều tránh, là tránh chống Đảng, tránh chống vợ.
Nhà báo Phùng Nguyên: Ông từng nhận định:“Bệnh làm thơ ngày càng nặng”, FB có làm cho “bệnh” đó nặng hơn?
Nhà thơ Bảo Sinh: FB làm cho bệnh đó nặng hơn. Thời nay: “Người người làm thơ/ nhà nhà làm thơ”. Làm thơ người ta dễ rơi vào ảo tưởng. Không có tài cán gì, chỉ viết câu thơ cũng lưu danh thiên cổ.“Món khoái khẩu của nhà văn là bất tử/ Nhưng tiếc rằng thượng đế chỉ mời rơi”. Chúng ta xét cho cùng đều là ông Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió. Bệnh đó không chữa được, mà chữa được thì chết.
Ông nào làm thơ, kể cả ông to đều có tâm lí rất kỳ là nghĩ thơ mình kinh lắm, đụng chạm lắm, nhạy cảm lắm. Có ông chức rất to tôi không tiện nêu tên, nói với tôi: “Tôi làm bài thơ này kinh lắm”. Tôi đọc rồi nói thơ của ông có một vấn đề rất kinh khủng, đó là thơ không hay. Mà vấn đề kinh khủng nhất của thơ chính là không hay, chứ một khi đã hay thì không sợ phạm một cái gì cả. Nhưng người làm thơ cũng đáng được thông cảm. Nói cho cùng làm thơ vẫn đáng trân trọng. Người ta thích làm thơ vẫn còn hơn thích nhiều thứ khác. Ông cụ thân sinh của tôi, ngày trước là một người trọng thơ có một không hai. Có lẽ ông cụ là người đầu tiên trả tiền nhuận tai, tức là tiền trả cho những người nghe thơ của mình. Thời điểm năm 2000 mà ông cụ đã bỏ ra số tiền tới cả trăm triệu đồng để trả tiền nhuận nhĩ đủ biết ông là người trọng thơ đến mức nào. Nhưng có lúc ông bắt tôi nghe thơ cả ngày, nên tôi cũng sợ: “Giang hồ tặc tử con không sợ/ Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ
Nhà báo Phùng Nguyên: Ông có nghĩ rằng đông đảo người làm thơ sẽ có những câu thơ tinh hoa vượt lên thời gian, như quy luật triết học: lượng biến thành chất?
Nhà thơ Bảo Sinh: Tôi nghĩ có hàng triệu bài thơ thì cũng sẽ bật lên những câu thơ hay, và những câu thơ hay sẽ biến thành ca dao. Thơ hay phải chân thật, trong Chân – Thiện – Mỹ, Chân đứng đầu. Nhưng dòng thơ bây giờ là dòng thơ du dương và nhễ nhại. Đọc nghe uyển chuyển thướt tha nhưng cảm giác không thật. Thơ hay phải chân thật và tự nhiên.  “Cửa vào đạo lớn vô hình/ Chỉ dành cho kẻ vô tình bước qua”. Làm thơ nhiều khi: “Cố tình trồng hoa hoa không nở/ Vô tình trồng liễu liễu lên xanh”. Thơ là đạo lớn, anh có thể cố tình xây nhà to, nhưng không thể cố tình làm thơ hay được. Nhiều người làm thơ đang mắc bệnh tự lừa, ảo tưởng về thơ mình. “Tự do sướng nhất trên đời/ Tự lừa lại sướng bằng mười tự do”.
Trong lúc đó, Hội Nhà văn, các nhà phê bình đã thẩm thấu được thơ hay chưa?  Lẽ ra họ phải là  khuôn vàng thước ngọc nhưng sự khen chê  thơ nhiều khi bừa bãi quá. Nhiều bài thơ được giải thưởng nhưng không hay. Nếu bây giờ tôi muốn mua một tập thơ hay giữa 1000 tập thơ dở thì làm thế nào để chọn ? Ngày trước có một đội ngũ phê bình thơ rất chuyên nghiệp và tinh tế, giờ gần như hết.
Văn chương Việt Nam nhìn chung đi xuống. Nhưng mà văn chương cả thế giới cũng đi xuống. Khi khoa học càng tiến lên, tư duy con người bị chia chẻ ra, lòng người cũng phân ra, thế nên văn chương không có tác phẩm lớn. Tôi có đọc nhiều nhà văn trẻ, nhìn chung chưa có ai lên được. Tôi không hiểu sao dân tộc ta xem thơ như tôn giáo mà nền thơ ca hiện nay lại suy thoái như vậy. Có những bài thơ đọc lên không ai hiểu được.  Thơ đang bế tắc cũng do đời sống tâm linh có nhiều vấn đề. Cho nên bây giờ nhà thơ trẻ của Việt Nam vẫn là Hồ Xuân Hương! Văn minh tiến lên, thơ văn đi xuống. Cuộc sống hiện tại, người ta chưa định hình được cái gì cả. Tri thức ngày càng xa vô thức thì thơ đi xuống. Nhưng cùng tắc biến.
Tôi mừng vì thơ mình có lượng người đọc vừa phải, không rầm rộ cũng không lãnh đạm, tôi hoạt động trên FB không chìm quá cũng không nổi tiếng gì. Đó là con đường trung đạo. Cả đời thơ có người thuộc vài câu là may rồi: “Đời thơ như núi Thái Sơn/ Đốt đi xá lị may còn một câu”.
Nhà báo Phùng Nguyên:  Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phùng Nguyên (thực hiện)

_______________________
*Những dòng thơ in nghiêng là của tác giả Nguyễn Bảo Sinh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 3/ Bộ Mới/2020)