Trong chuyến trở lại Phú Yên tham dự trại viết do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chúng tôi có dịp thăm thú được nhiều nơi. Quả thật nơi “đất Phú, trời Yên” có rất nhiều điểm đến níu chân du khách. Không chỉ lạ, đẹp và độc đáo, mà địa tầng văn hóa của vùng quê mà dân gian vẫn gọi đùa là xứ Nẫu, vừa sâu đậm, vừa rộng dài. Nơi đây còn được biết đến với cái tên thơ mộng “xứ hoa vàng cỏ xanh”, thu hút du khách thập phương bởi nó được chọn làm bối cảnh cho một bộ phim được đông đảo khán giả yêu thích.

Phú Yên là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, người dân cần cù, thông minh và rất kiên cường, một lòng một dạ chí cốt với cách mạng. Nói đến Phú Yên phải nhắc đến vựa lúa Tuy Hòa, đến cầu Đà Rằng – cây cầu dài nhất miền Trung, rồi gành Đá Đĩa độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Từ điểm nhấn Nhạn Tháp trên ngọn núi đổ bóng xuống sông Đà Rằng, trẩy xuôi về phương Nam, bồi hồi xúc động gặp lại Vũng Rô, bến tàu không số oanh liệt thủa nào vẫn còn in đậm dấu tích dưới làn nước biển xanh thăm thẳm. Ngước lên thấy sừng sững Đá Bia, tên chữ là Thạch Bi Sơn, từ xa xưa đã được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất trụ”, rồi đến đèo Cả, ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa… Núi sông biết bao kỳ vĩ, khiến cho lòng người càng biết mấy đắm say.

Từ khu du lịch sinh thái Sao Việt, xe đưa chúng tôi ngược huyện miền núi Sơn Hòa. Mấy hôm trước, vừa có mưa, nên trời tuy nắng song mặt đất hãy còn ẩm ướt. Khi vừa rời con đường bê tông rẽ vào thăm một kỳ quan nổi tiếng trên núi có tên là “Đá dựng”, cỏ cây xanh mướt, đường đất còn ướt rượt, thậm chí nhiều đoạn dài bùn nhão dính dấp, nên cả đoàn buộc phải quay lui. Bởi vậy, mọi người càng thêm háo hức muốn được sớm đến thăm Nhà thờ Bác Hồ.

Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên

Thật may mắn, tôi tìm hỏi nhà thơ Nguyễn Tường Văn, một người bạn vong niên chơi với nhau vài chục năm trước, từ hồi còn chung tỉnh Phú Khánh. Anh bảo “trúng ổ” rồi và vui vẻ giới thiệu cho tôi người em vợ của mình. Đó là anh Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình huyện Sơn Hòa. Đơn vị này trực tiếp quản lý di tích Nhà thờ Bác Hồ. Và anh Tình đã cung cấp thêm tư liệu cho tôi…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối tháng 11/1960, miền Tây tỉnh Phú Yên được giải phóng. Sau một số trận đánh mở rộng vùng giải phóng, năm 1962, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định dời cơ quan về vùng cao nguyên Vân Hòa, lấy địa bàn 3 xã: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, thuộc huyện miền núi Sơn Hòa, xây dựng thành khu căn cứ kháng chiến của tỉnh. Căn cứ địa là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của chiến tranh cách mạng. Cao nguyên này có độ cao trung bình 400m so với mặt nước biển; địa thế hiểm yếu gồm san sát nhiều ngọn đồi liên hoàn, có các hang động, dòng suối, thác nước, hồ nước… Về mặt quân sự, khu căn cứ kháng chiến này là nơi “tiến có thể công, thoái có thể thủ”, đặc biệt là thế trận lòng dân bao la, rộng lớn. Vì vậy, ngay sau đó, các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, quân sự, công an, bệnh xá, kinh tài, mậu dịch, giao liên… lần lượt về đóng ở đây cho đến khi tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng (01/4/1975).

Khu căn cứ này cách thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên khoảng 45km đường bộ. Nhìn sang phía đông, cách khu căn cứ chừng 14km là địa đạo gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân (huyện Tuy An) khá nổi tiếng. Đây là một trong ba địa đạo lớn của Việt Nam kháng chiến. Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Bia di tích đặt trong khuôn viên nhà thờ

Đầu tháng 9/1969, giữa lúc cuộc kháng chiến của Nhân dân ở miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn, ác liệt, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Sau khi nhận được thông báo của Khu ủy Khu 5, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp bất thường bàn kế hoạch cho toàn tỉnh tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ kính yêu. Ban Thường vụ nhất trí phân công đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, làm Trưởng ban lễ tang. Tỉnh ủy quyết định chọn địa điểm tại dốc Đá, thôn Phước Hòa (nay là thôn Hòa Bình) xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa để thiết lập nơi thờ tự Bác Hồ và tổ chức lễ truy điệu Người. Địa điểm này nằm dưới sự che phủ của những lùm cây dẻ, bên cạnh đường giao liên, thuộc vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh, có địa hình địa thế thuận lợi cho việc tổ chức và bảo vệ lễ truy điệu.

Bấy giờ theo sự phân công của Tỉnh ủy, Đoàn Văn công tỉnh Phú Yên được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cất dựng nhà thờ Bác Hồ. Bấy giờ, anh chị em trong đoàn chỉ còn lại đúng 11 người. Tuy trong điều kiện kháng chiến rất ngặt nghèo, song đây là vùng căn cứ cách mạng nên gần như ngay lập tức, các đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh cùng Nhân dân các dân tộc vùng căn cứ Sơn Hòa được huy động tập trung thực hiện. Chỉ sau hơn một tuần lễ thi công, ngôi nhà nhỏ xinh xắn làm bằng cây rường, lợp tranh, che phên liếp kín đáo, được dựng lên trang nghiêm. Bên trong nếp nhà giản dị, chính giữa có bàn thờ được làm bằng tre ghép lại, có bát hương. Hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn triền miên, tìm được một tấm ảnh của Bác Hồ để thờ thật không dễ dàng. Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Nhà thơ Vũ Trung Uyên bèn cặm cụi dùng bút bi vẽ hình Bác theo trí nhớ. Thấy nhiều người trong đó có nhà báo Hữu Quả, phóng viên báo Nhân Dân, trầm trồ khen giống, vị trưởng Đoàn Văn công bèn cậy nhờ cơ sở mua giấy và bút chì màu, để vẽ phóng to chân dung Bác Hồ đặt lên ban thờ. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Hữu Quả có bài viết kể về người vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong căn cứ kháng chiến của Phú Yên, bài đăng trên báo Nhân Dân. Bức họa quý ấy, cũng do nhà báo Hữu Quả lưu giữ…

Ngày 9/9/1969, cán bộ, Nhân dân các dân tộc, bộ đội tề tựu về đây trang nghiêm dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại lễ truy điệu, Tỉnh ủy Phú Yên ra lời kêu gọi quân dân toàn tỉnh biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục tiến công địch, đóng góp sức người sức của cho kháng chiến và xây dựng vùng giải phóng vững chắc. Ở tận nơi heo hút này, ánh sáng đường lối của Đảng, tấm gương vằng vặc như trăng rằm của Bác Hồ vẫn dẫn dắt và soi đường, khiến cho lòng người luôn cảm thấy ấm áp, vững tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng. Nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ, một nơi chốn linh thiêng của người dân Phú Yên lui tới viếng thăm, tri ân và gửi gắm lòng mình.

Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ được tổ chức tại Nhà thờ Bác năm 2005. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, vật liệu đơn sơ đã không thể chống chọi với thời gian, nhà thờ ít nhiều bị hư hại, không còn nguyên hiện trạng ban đầu. Nhưng toàn bộ khuôn viên và diện tích khu nhà thờ vẫn được gìn giữ. Sau ngày non sông liền một dải, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh (năm 1989, tách tỉnh Phú Khánh trở lại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như trước), Phú Yên mới có điều kiện xây dựng và phát triển kinh tế một cách toàn diện. Đến năm 2003, Tỉnh ủy quyết định đầu tư phục hồi, tôn tạo Nhà thờ Bác Hồ tại vị trí di tích cũ, trong khu vực rộng hơn 5.000m2 nằm cạnh đường DDT643. Công trình gồm các hạng mục: nhà thờ Bác Hồ, bia ghi nội dung giá trị di tích Nhà thờ Bác Hồ, khuôn viên trồng cây xanh, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, cổng và tường rào bảo vệ; khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống và bãi để xe rộng rãi.

Mái nhà thờ lợp ngói, mặt quay về hướng Bắc. Nền rộng 12m x 12m, được tôn cao 1,5m so với mặt bằng xung quanh. Công trình mang dáng dấp kiểu kiến trúc đền miếu truyền thống Việt Nam, với hình thức đơn giản nhưng trang nghiêm, đẹp và phù hợp với cảnh quan nơi đây. Bộ khung nhà thờ được làm bằng gỗ tốt, tạo cho công trình sự bề thế, vững chãi. Cửa chính vào nhà thờ rộng 5m, hai cửa bên trái và bên phải rộng 4m, có bậc lên xuống và có đường xe lăn cho người tàn tật. Nội thất, có bàn thờ gỗ được thiết kế trang trọng đặt ở vị trí trung tâm. Bàn thờ có 3 bậc, 2 bậc dưới đặt đèn, độc bình, hoa quả; bậc trên cùng là tượng Bác, phía sau là nền cờ Tổ quốc và khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”!

Từ sau khi di tích Nhà thờ Bác Hồ tại khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Phú Yên được khánh thành, nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ, một điểm văn hóa quen thuộc. Nhiều hoạt động văn hóa được các cấp, các ngành, các đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác Hồ, hoặc vào dịp lễ lớn như ngày thành lập Đảng (3/2), ngày giải phóng Phú Yên (1/4), ngày Quốc khánh (2/9), ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12)…

Những năm qua, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống đã thu hút đông đảo bà con nhân dân ở mọi miền về dâng hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu, đồng thời hành hương về nguồn, tìm hiểu di tích. Cảm động nhất là các em học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên trước khi bước vào năm học mới, thầy trò thường tụ về đây thành kính dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hay vào Tết Trung thu, đã thành nếp, bao giờ các cháu thiếu niên nhi đồng cũng về đây sinh hoạt như một điểm hẹn văn hóa. Các thầy cô và anh chị phụ trách có dịp giới thiệu kỹ hơn với các em đội viên về công ơn trời biển của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Hằng năm, cứ đến ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), tuổi trẻ Phú Yên với những bộ đồng phục áo xanh tề chỉnh, mang cờ, hoa, háo hức về nguồn báo công dâng Bác. Đó là nét đẹp văn hóa, thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Nhân dân các miền về tham quan và chụp ảnh lưu niệm trước cổng di tích Nhà thờ Bác Hồ

Đặc biệt, Bộ Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung và miền Đông Nam Bộ lần thứ nhất từ ngày 16 đến 19/6/2006. Gần 1.000 cán bộ, diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của 14 tỉnh, thành, đã tham gia với các hoạt động: thi chương trình nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa ẩm thực… Trong chương trình có hội thảo “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong vùng đồng bào các dân tộc miền Trung và miền Đông Nam Bộ”. Đây được coi là một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Phú Yên trong năm 2006.

Ngày nay, từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A đi về hướng Bắc chừng 14km, đến thôn Hòa Đa rẽ trái, theo trục đường ĐT 643 ngược về phía tây chừng hơn 30km là đến Nhà thờ Bác Hồ trên cao nguyên Vân Hòa bát ngát tươi xanh. Nhiều năm nay, huyện Sơn Hòa chịu trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Nhà thờ Bác Hồ. Nơi đây trở thành một công trình có giá trị lịch sử văn hóa rất lớn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

NGUYỄN MINH NGỌC