Ông Chu Trọng Huyến là nhà sử học (Hội viên Hội Sử học Việt Nam); hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, nguyên Trưởng ban Văn xuôi của Hội. Ông xuất thân là giáo viên, tốt nghiệp Sư phạm Trung cấp từ trong kháng chiến và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1963. Hơn chục năm đứng trên bục giảng với vai trò người thầy đã đem lại cho ông nhiều vốn sống, kiến thức từ môi trường giáo dục. Ông có nhiều tư liệu về phong cách, đạo đức của Bác Hồ, theo năm tháng nghiền ngẫm, ngấm dần vào ông, tạo cho ông lối sống chuẩn mực, làm việc khoa học, chỉn chu, chưa bao giờ sai hẹn khi làm việc với bạn bè, đồng nghiệp.

Do năng khiếu văn chương và uy tín từ phong cách làm việc khoa học, năm 1966 ông được Tỉnh ủy Nghệ An điều về làm việc tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng. Cuốn hồi ký cách mạng “Suốt đời vì Đảng” đầu tiên viết chung với nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung do Nhà xuất bản Thanh Niên in ấn năm 1969, có thể coi là thành công mở đầu cho việc cầm bút của ông.

Ông Chu Trọng Huyến và vợ thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc năm 2005

Thời gian sau, đi nhiều, ghi chép nhiều, miệt mài nghiên cứu lịch sử, địa lý về quê hương, cuốn “Chuyện kể từ Làng Sen” Nhà xuất bản Kim Đồng, xuất bản lần đầu (1980) được phát hành trên toàn quốc với số lượng in rất lớn, sau đó còn được ba nhà xuất bản khác tái bản theo yêu cầu của công chúng. Những năm sau, với kết quả làm việc đã ưng ý, ông cho ra đời hàng trăm bài báo về danh nhân xứ Nghệ, địa danh, hàng chục cuốn sách, trong đó một số lượng lớn các tác phẩm viết về Bác Hồ, và nhiều cuốn được các nhà xuất bản đặt hàng trước. Nhà thơ Thạch Quỳ đã nhận xét: “Trong giới nghiên cứu và sáng tác văn học, có những người làm việc rất âm thầm, khắc khổ mà viết nên những trang sách tái hiện được quá khứ, nói lên được những nỗi niềm làm cho người đọc ngẫm nghĩ. Chu Trọng Huyến là một người như vậy”. (1)

Theo dư luận chung thì trước tháng 5/1980, đề tài về tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta chỉ mới có bài ký của của Hoài Thanh – Thanh Tịnh, sơ lược nói về hành trình của Người từ Huế vào Sài Gòn được đọc trên Đài phát thanh nước nhà. Sau đó Thanh Tịnh có tập truyện thơ “Đi giữa một mùa sen”. Tác phẩm đó viết về thời gian cậu Nguyễn Tất Thành ở Huế(2).

Về quê hương của Người, đến tháng 5-1980 mới có bài “Nghệ Tĩnh, quê hương Hồ Chủ tịch” của Chu Trọng Huyến, được Nhà xuất bản Thế giới đăng (bằng nhiều thứ tiếng) trên báo “Tìm hiểu về Việt Nam” (Etude Vietnammien).

Sau đó, tháng 3-1980, Nhà xuất bản Kim Đồng đã in sách “Chuyện kể từ Làng Sen” của Chu Trọng Huyến. Bấy giờ, trên báo “Thiếu niên Tiền phong” (Tờ báo của Thiếu niên Việt Nam, số ra ngày 9-5-1989 dưới đầu đề “Một cuốn sách quý”, viết rằng: “Qua tập sách, các em có thể nhìn lại mình mà rèn luyện, phấn đấu để trở thành những cháu ngoan của Bác, thành những lớp người kế tục sự nghiệp trung thành của Bác”. Và bài viết tóm lại: “Chuyện kẻ từ làng Sen” của Chu Trọng Huyến không chỉ quý với các em độc giả nhỏ tuổi mà còn là nguồn tư liệu hết sức giá trị cho toàn bộ cuộc sống xã hội hiện nay và mãi mãi mai sau”. Tiếp đó, sách “Chuyện kể từ Làng Sen” đã được Lê Đình Cúc, cán bộ biên tập tạp chí “Văn học” (Viện Văn học) viết bài giới thiệu một cách trân trọng trên tờ tuần báo “Văn nghệ” Việt Nam.

Về chủ đề quê hương và gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách đầu tiên phải kể đến là Quê hương và gia thế Chủ tịch Hồ Chí Mimh do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản lần đầu (2014).

Báo “Nghệ Tĩnh” nhận xét về tác phẩm này: “Sau rất nhiều năm tìm tòi, suy ngẫm, đi đến tận nhiều xóm làng, nhiều vùng đất, khảo cứu các gia phả, thư tịch cổ, kế thừa việc làm của những người đi trước, tác giả của sách là Chu Trọng Huyến đã dành nhiều thời gian để biên soạn tác phẩm này. Sách không ôm đồm, không cường điệu trong nội dung. Là những trang viết về lịch sử, địa chí mà không khô khan, nặng nề, như những câu chuyện thiếu thời của lãnh tụ được viết hòa vào trong phần quê hương và gia thế của Người, mong để sau khi xem sách, người đọc càng nhận thấy: Sự ra đời và và phát triển từ Nguyễn Sinh Cung, đến Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh là tất yếu. Đó là điều mong muốn của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh và cũng là của tác giả khi được lãnh đạo tỉnh Nghệ An quyết định cho công bố tác phẩm này(3).

Cuốn sách “Những cuộc gặp gỡ như định mệnh của Bác Hồ”, tác phẩm của Chu Trọng Huyến, được Nhà xuất bản Thuận Hóa (Thừa Thiên – Huế) in năm 2007 thì trên tờ báo “Nghệ An” (Bấy giờ Nghệ Tĩnh đã tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), số cuối tuần ra ngày 8-7-2007, Hoàng Việt sau khi xác nhận đấy là cuốn sách thứ mười của Chu Trọng Huyến viết về Bác Hồ đã giới thiệu rằng: “Những cuộc gặp gỡ như định mệnh”, là “Cuốn sách đã dẫn ra nhiều cảnh tượng éo le mà trên các bước đường bôn ba hoạt động của mình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc phải vượt qua và đã hoàn tất được sứ mệnh của mình”. Rồi tác giả bài viết nhận xét: “Chính nhờ thiên tài trí tuệ, luôn bình tĩnh, tự tin, làm chủ trong mọi hoàn cảnh, có tài cảm hóa, thu hút nhân tâm nên Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua được mọi tình huống nguy hiểm, éo le trên những bước đường cách mạng đầy gian khó của mình”. Hoàng Việt cũng ghi thêm: “Những cuộc gặp gỡ như định mệnh” là cuốn sách thứ mười của nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh”.

Chỉ riêng về phần gặp gỡ nơi làng quê thì cậu Cung có cái may là đã được  tiếp xúc với các vị trong “Nam Đàn tứ hổ”. Ấy là: Tiến sĩ Nguyễn Quý Song, Đầu xứ – Giải nguyên Phan Văn San, Cử nhân Vương Thúc  Quý, Cử nhân Trần Văn Lương(4), vì các vị cùng cư ngụ trong một tổng ấy.

Nhà phê bình sách Hoàng Việt viết: “Chính nhờ có tài trí, với bản lĩnh luôn tỉnh táo, tự tin nên Nguyễn Ái Quốc đã làm chủ được bản thân mình trong mọi hoàn cảnh, lại có tài thu hút nhân tâm nên đã tự mình vượt qua được mọi tình huống éo le trên từng bước đường công tác.

Về đề tài quê hương và gia thế Hồ Chủ tịch, Chu Trọng Huyến còn có tập sách “Về với quê Bác”, là ấn phẩm được nhà nước tài trợ để phục vụ cho học sinh và thiếu nhi các vùng sâu, vùng xa. Sách đẹp, do Nhà xuất bản Kim Đồng chịu trách nhiệm in ấn theo từng dịp, từng đợt.

Một số tác phẩm của tác giả Chu Trọng Huyến

Các cuốn sách của nhà sử học Chu Trọng Huyến đã được các nhà phê bình văn học, sử học thẩm định và đã nhận xét chân thành, trung thực. Nhà thơ Huy Cận viết trong lời “Tựa” sách “Nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều” (5): “Điều thú vị nhất lúc đọc cuốn sách là ta như được thấy rõ sự hình thành từng bước nhân cách của Nguyễn Du, tâm hồn và hồn thơ Nguyễn Du… Cũng đọc cuốn sách, ta thấy lắng đọng dần tư tưởng nhân bản của Nguyễn Du, từ Thăng Long ngàn năm văn vật đến quê nhà nho nhã, trữ tình, đã hun đúc nên thẩm mỹ tuyệt vời của Nguyễn Du qua những chìm nổi của cả một cuộc đời”. Nói tóm lại trong nhiều đoạn, người viết giúp ta thấy từ bên trong, cảm từ bên trong bản lĩnh sống và bản lĩnh sáng tạo của tác giả Truyện Kiều”… Huy Cận còn viết tiếp: “Tôi tin rằng, cuốn sách này sẽ được các độc giả thích đọc như tôi đã thích đọc… Chúng ta cần có những công trình như thế để hiểu thấu đáo hơn về nền văn học xưa của nước nhà, hiểu qua bối cảnh lịch sử, qua môi trường xã hội, qua tâm tính của giống nòi ở mỗi chặng đường phát triển”.

Phó Tiến sĩ Đặng Duy Báu, trong “Lời giới thiệu” sách của Chu Trọng Huyến, cuốn “Nguyễn Công Trứ – con người và sự nghiệp” (Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học – Nghệ thuật Việt Nam) đã ghi: “Nhìn chung bằng sự chân chất, phong phú của nó, tập sách đã giúp chúng ta có điều kiện để nhìn rõ hơn về Nguyễn công Trứ, một con người đầy nhân bản và năng động, sáng tạo trong nông nghiệp (khẩn điền, lập ấp) cũng như trong thi ca. Về những điểm ấy, Nguyễn Công Trứ đã rất gần gũi với công cuộc đổi mới toàn diện của chúng ta ngày hôm nay”.

Nhận xét của Phó Giáo sư Lê Bá Hán về sách truyện “Phan Bội Châu” của Chu Trọng Huyến (Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học – Nghệ thuật Việt Nam), bài in trên Tuần báo “Văn nghệ”, Hội Nhà văn Việt Nam, số 45 ra ngày 6/11/1999(6), mà Phan là con người cùng quê hương và đương thời, cũng là kẻ có phần tâm sự chung cả về mối tình non nước với thân phụ Bác Hồ. Nhận xét về cuốn truyện ấy, PGS Hán cho rằng: “Chu Trọng Huyến là một cây bút viết nhiều truyện danh nhân đất nước. Cuốn truyện đầu tay của anh: “Truyện kể từ Làng Sen” đã được các em thiếu nhi thích đọc và được in lại nhiều lần. Tiếp đến, anh viết: “Làng Đỏ”, “Màu hồng trên đỉnh núi”, “Cuộc đời không ngắn ngủi” kể về thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh (về sau tên sách được đổi là: “Người mẹ của một thiên tài”), “Nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều”, “Tiếng bom Sa Diện” “Nguyễn Công Trứ – Con người và sự nghiệp”… đều được dư luận chú ý. Với sách “Phan Bội Châu”, cuốn truyện ra đời, tác giả (CTH) đã có một sự đóng góp nhất định vào nền văn xuôi Việt Nam, ít ra cũng thuộc mảng đề tài viết về danh nhân”.

Với Chu Trọng Huyến, do chất lượng sáng tác mà cũng về đề tài Bác Hồ, sách “Chuyện kể từ làng sen” năm 2017 được Nhà xuất bản Lao động tái bản đưa vào “Tủ sách giáo dục nhân cách sống”. Sách ấy cũng được nhà xuất bản này in lại năm 2019. Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, do Nhà xuất bản Thông tấn in năm 2007. Năm 2019, sách này, được Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật cùng Nhà xuất bản Văn học phối hợp tái bản với mục đích “Thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như nhằm góp phần giáo dục phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (7).

Chú thích:

(1)  Báo Nghệ An, số 1860, Thứ Bảy, ngày 9  11 – 1996.

(2)  Tập thơ này dày khoảng 50 trang (phần chữ viết), khổ 13×18 và được trình bày theo lối thơ. Nhà xuất bản (Nxb) Kim Đồng Hà Nội (HN), 1973.

 (3)  Báo“Nghệ Tĩnh Chủ nhật”, số 1569, ra ngày 12-8-1990, có bài viết của Ban biên tập với tên đề: “Xuất bản sách Quê hương và Gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ở Chú thích 1 của bài viết, số báo này có ghi rõ  thêm môt số sách khác của cùng một tác giả, trong đó có”… “Anh (Chu Trọng Huyến) “còn khởi thảo sách “Những mẩu chuyện về “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội in lần đầu, 1980, và lấy tên tác giả của sách ấy là “Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh”.

(4) Dân gian vùng này có câu: “Nam Đàn Tứ hổ là ai/Nói cho em biết để mai em chào”? Và được đáp lại rằng: “Nam Đàn Tứ hổ là đây/ Song, San, Lương, Quý một bầy bốn anh”.

(5) Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

(6) Bài này cũng đã đươc đăng trên báo “Đại đoàn kết” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số cuối tuần tháng 9-1999.

(7) Lời Nhà Xuất bản, trang 5.

Đàm Quỳnh Ngọc