Minh họa: Bá Siếu

Cả cái làng Lâm này một thời ai cũng chê bôi dè bỉu bà Luyền là người kém đức hạnh, là kẻ lăng loàn, mất nết. Ai đời chồng mới hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên mới được hơn năm trời thì bà đã chửa ễnh bụng rồi đẻ tòi ra một thằng cu con mà chả ai biết bố nó là ông nào. Nếp làng xưa nay là thế, đàn bà chồng chết mà có muốn đi bước nữa thì cũng cứ phải cố đợi sau ba năm đoạn tang rồi mới kiểu gì thì kiểu. Đây thì như người đời thường giễu… mả chồng còn chưa kịp xanh cỏ. Đã thế bà còn là con gái ông giáo Tân, một người luôn có tiếng là nghiêm khắc, chuẩn chỉ về những tục lệ hà khắc ở làng. Thế vậy mà…

Bà Luyền chửa hoang, và khi còn chưa kịp đẻ ra anh cu Hoàn bây giờ thì đã bị họ hàng bên chồng đuổi cổ khỏi nhà chồng. Bà cũng không còn cửa để trở về nhà bố mẹ đẻ vì cái nền nếp gia giáo đến mức cay nghiệt của ông giáo Tân. Nhưng bà Luyền vẫn còn may mắn để có thể ở lại làng chứ không đến nỗi phải bỏ quê biệt xứ. Sư cụ chùa làng, một ni sư có tấm lòng từ bi độ lượng đã cưu mang mẹ con bà Luyền trong lúc sinh hạ. Và sau đó ít lâu, cũng chính sư cụ đã đề đạt với chính quyền địa phương cấp cho một mảnh đất để mẹ con bà tiếp tục gắng gượng sống nhẫn nhục ở cái làng Lâm có thừa tình nghĩa nhưng cũng không thiếu sự ganh ghét, đố kỵ này.

***

Giờ người làng Lâm lại đua nhau khen cái số bà Luyền sướng, khen giời cho bà ăn lộc hậu, được hưởng phúc về sau. Chả ai còn dám khinh khi cái bà gái góa chửa hoang thuở nào. Ấy là bởi anh cu Hoàn con trai bà giờ đã là một ông tiến sĩ giảng viên đại học. Đã thế còn cưới được hẳn một cô vợ con nhà khá giả, trâm anh thế phiệt chốn Hà thành hẳn hoi. Anh con trai thành đạt, có địa vị xã hội và có nhà cao cửa rộng ở thủ đô thì đương nhiên chẳng thể để bà mẹ tảo tần khốn khó một mình vò võ trong căn nhà cũ mục nát bên rìa làng. Thế có mà người trẻ kẻ già ở cái làng này nó cười cho thối mũi. Rồi cũng mặc cho bà Luyền còn đang nấn ná chuyện đi hay ở, anh Hoàn gọi phắt ông Ngư bên hàng xóm sát vườn sang bán quách ngôi nhà cùng mảnh vườn.

Đêm trước ngày được cậu con trai đánh ô tô về đón lên ở hẳn ngoài thủ đô, bà Luyền nằm thao thức không ngủ. Quê hương, xóm giềng bao năm gắn bó mà giờ đùng cái dứt áo ra đi, thử hỏi ai lại không băn khoăn, đắn đo. Nhưng rồi bà lại nghĩ tới cái cảnh sắp sửa được vui vầy bên vợ chồng anh con trai và hai đứa cháu đẹp như thiên thần, thì bà lại mừng đến rơi nước mắt. Cả một đời vất vả vì con, rồi nay thấy con mình đã danh thành hạnh đạt thì bà mẹ nào chẳng mát lòng mát ruột! Nghĩ vậy, sáng sớm bà vội dậy hớn hở đi chào từ biệt khắp xóm giềng. Tiện thể cũng như là để khoe luôn cho người làng thấy được cái phúc đức của nhà bà. Và bà Luyền kết thúc cuộc chào từ biệt ấy ở ngõ chùa, sau khi bà đã vào thắp hương bái Phật, và sư cụ, người năm xưa đã ra tay cứu độ mẹ con bà. Rồi trước khi rời đi, bà bịn rịn đứng với vị sư thầy tuổi còn khá trẻ và nhận được một lời dặn dò: Ra đấy nếu có khó khăn trắc trở gì thì bà cứ về đây với nhà chùa nhé!

***

Vui quây quần với con, với cháu, với phố phường được dăm bữa nửa tháng thì bà Luyền bắt đầu thấy buồn chân, buồn tay. Cũng phải thôi, vì xưa nay bà là người hay lam hay làm, chẳng chịu ngồi yên một chỗ bao giờ. Thế mà giờ cả ngày bà phải ngồi yên thui thủi một chỗ. Đến bữa, nghe chị giúp việc gọi ra ăn cơm thì ăn, ăn xong lại về phòng ngồi bó gối vò võ thì sao bà chịu nổi.

Ngẫm ngợi chán rồi bà Luyền quyết định ngỏ lời với vợ chồng anh con trai để bà đỡ đần việc chợ búa, cơm nước hàng ngày. Ý là vừa để nhà đỡ tốn khoản tiền thuê người giúp việc mỗi tháng mấy triệu bạc, vừa để bà khỏi phải ngồi không và chết rũ vì buồn. Nhưng lời bà vừa nói ra thì đã bị cô con dâu gạt phắt đi. Cô bảo, việc chợ búa bếp núc trên này nó khác với ở quê, thế nên mẹ cứ kệ cho ô sin họ làm thôi. Anh con trai nghe vợ nói thế thì cũng được thể hùa vào. Anh nhẹ nhàng khuyên giải bà mẹ rằng, mẹ đã vì anh mà vất vả cả một đời rồi, giờ là lúc phải được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Vả lại, vợ chồng anh giờ chả gì cũng là những người thành đạt, có vai vế trong xã hội rồi, nên cũng phải có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ để an hưởng tuổi già, chứ sao lại nỡ để cho bà làm công việc bếp núc. Thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ được. Với cái lý do rất thuyết phục và tế nhị ấy thì bà Luyền chẳng thể phản bác lại được, chả gì con trai, con dâu bà cũng là người có ăn, có học cơ mà. Nhưng bà ngồi không thì buồn…

***

Sáng sớm, thằng cháu nội năm tuổi ngồi bên bàn mân mê cốc sữa chị giúp việc mới pha, õng ẹo chê sữa nóng quá không uống được. Bà Luyền thương cháu vội cầm cốc sữa lên chun miệng thổi phù phù cho chóng nguội rồi dỗ cháu uống. Cô con dâu đứng ngay đó liền tỏ vẻ bất bình bảo, bà làm thế mất vệ sinh làm sao cháu nó uống được. Bà Luyền còn đang luống cuống chưa biết xử trí ra sao với cốc sữa trên tay thì cô con dâu đã nhăn mặt nói với chị giúp việc: “Chị pha cốc khác cho nó uống nhanh đi kẻo muộn học bây giờ”!

Cả nhà vừa dắt díu nhau ra khỏi nhà để đi làm, đi học thì chị giúp việc vội ghé tai bà Luyền thì thầm: “Từ nay, bà đừng đụng đến đồ ăn thức uống hay thứ gì của ai trong nhà này nhá, kẻo rồi lại khổ cháu ra!” Bà Luyền ngồi thộn mặt ra, rồi nhè nhẹ gật đầu ra chiều hiểu ý.

Cả tuần sau, không khí giữa mẹ chồng nàng dâu tỏ ra lạnh nhạt, không mấy vui vẻ. Cô con dâu nét mặt cứ nặng trịch mỗi khi sáp mặt mẹ chồng. Bà Luyền biết thế, nhưng bà cũng biết đấy là lỗi ở mình, vì thế mà không lấy đó là điều quá phiền muộn. Và cũng vì bà lo anh con trai biết chuyện mẹ chồng nàng dâu bất đồng mà buồn lòng, nên một hôm bà chủ động nói chuyện với cô con dâu. Bà có ý phân trần rằng, tại lâu nay bà sống ở quê, nên có những thứ nơi thị thành bà chưa thích nghi được. Cô con dâu được bà mẹ chồng xuống nước nói năng thế thì cũng lấy làm hởi dạ, nét mặt đã thấy bớt cau có và tươi cười chào bà mẹ chồng để đi làm. Bà Luyền cũng thấy vui vì nghĩ, mình cũng chỉ cần khéo léo một tý là mẹ con lại có được hòa khí, lại có được sự vui vẻ trong nhà. Bà nhướng mắt nhìn theo cô con dâu đang nhóng nhảy bước ra cửa. Rồi chả biết sao bà lại gọi giật cô con dâu đứng lại: Này mẹ bảo, con đi ra ngoài thì cũng nên ăn mặc kín đáo một tý, chứ chân đùi hở hang ra thế kia…

Bà Luyền chưa dứt câu thì đã lập tức nhận được từ cô con dâu một cái nguýt sém mặt. Rồi từ trên đôi môi tô son đỏ lịm của cô chợt buột ra: Mẹ yên tâm, con không chửa hoang như người ta đâu mà lo!

Nói xong, cô con dâu ngúng nguẩy bước đi thẳng, để mặc bà Luyền vẫn đứng yên, chết lặng.

***

Trời vừa sáng, anh Hoàn thức dậy theo thói quen thường nhật để chuẩn bị ra sân tập thể dục. Vừa bước ra đến phòng khách thì anh đã thấy cửa ngoài đang hé mở. Anh giật mình dụi mắt bước tiến ra, đúng là cánh cửa chỉ khép hờ. Anh đưa tay nhấn công tắc đèn nhòm vào phòng bà Luyền xem mẹ mình thế nào thì chỉ thấy căn phòng trống trơn, chăn màn xếp ngay ngắn. Anh Hoàn quay trở ra, toan đánh thức chị giúp việc dậy, nhưng đập ngay vào mắt anh là một tờ giấy nằm ngay ngắn trên bàn. Trên tờ giấy hiện rõ nét chữ run rẩy của mẹ anh: “Mẹ về đây, các con không cần phải tìm mẹ đâu!”

Anh Hoàn đẩy vội cánh cửa, đưa mắt nhìn dáo dác ra bên ngoài. Ngõ phố sớm nay vẫn còn vắng lặng, chìm sâu trong giấc ngủ muộn. Anh khuỵu xuống ngay trên bậc cửa và nấc nghẹn: Mẹ ơi,… Nhà mình bán rồi, giờ mẹ về đâu?…

Trần Hồng Giang

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19 bản in)