1. Với cô giáo Trần Thị Khánh Toàn (Khánh Toàn), con đường dạy học không chỉ có “hoa hồng”, nhưng nhờ nhiệt huyết, tài năng, sự bền bỉ phấn đấu để thực thiện khát vọng đã giúp cô làm được nhiều điều quý giá trong hành trình “đưa đò”, “tải văn”, “tải đạo” của mình. Tiếp xúc với Khánh Toàn, dự giờ giảng của cô, tôi nhớ câu nói: “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở” của Giáo sư người Anh, Donald Wayne Foster.

Là con nhà nòi, Khánh Toàn sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em sinh sống tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tihr Nghệ An, chỉ làm hai nghề làm “thầy”: là thầy thuốc và thầy giáo. Khánh Toàn theo nghề giáo. Đầu năm 1981, sau khi tốt nghiệp sư phạm, Khánh Toàn trở thành giáo viên của trường Phước Lễ A, Châu Thành, Đồng Nai. Ngay lập tức cô để lại dấu ấn bởi phương pháp giảng dạy độc đáo, trở thành tân thủ khoa của tỉnh Đồng Nai trong kì thi giáo viên dạy giỏi năm ấy với bài giảng về “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.

Năm 1983, cô giáo trẻ Khánh Toàn “theo chồng về dinh”. Trên “đất học” xứ Nghệ cô tỏa sáng với nhiều thành tích nổi bật: hai lần thủ khoa trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Lần thứ nhất vào năm 1989 trong cuộc thi tổ chức tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh), Khánh Toàn giành điểm cao nhất cuộc thi với bài giảng “Chiếc nhẫn bằng thép” của tác giả K.G.Paustovsky – nhà văn Nga nổi tiếng, từng được đề cử Nobel Văn chương năm 1965. Lần thứ 2 vào năm 1993, Khánh Toàn đạt thủ khoa với số điểm tuyệt đối 20/20 trong cuộc thi tập trung nhiều giáo viên giỏi của tỉnh Nghệ An.

Nhà giáo Khánh Toàn trên bục giảng

Khánh Toàn kể rằng, sau bài giảng cô được nhiều tờ báo viết bài, một dịp thăm Huế, cô đã được hội ngộ với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông tỏ ra tâm đắc với bài giảng đoạt giải cao của cô, về thi phẩm do ông sáng tác “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ”.

Cuối năm ấy, cô giáo Khánh Toàn rời quê hương Nghệ An chuyển công tác vào Bà Rịa – Vũng Tàu, được nhận vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – vừa mới được thành lập 2 năm. Lạ đất, lạ người nhưng một lần nữa “phẩm chất Nghệ” lại được phát huy. Khánh Toàn hòa nhập nhanh và chứng minh tài năng. Cô trở thành “thế hệ vàng” đầu tiên của trường và có 23 năm thăng hoa, cống hiến.

Khánh Toàn được tạo điều kiện để hoàn thành công việc của mình: dạy các lớp chuyên Văn, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia, thanh tra chuyên môn của Sở Giáo dục – Đào tạo, tham gia các hoạt động đoàn thể của trường. Công việc nào Khánh Toàn cũng “tròn vai”, “cháy” hết mình.

Trong quá trình công tác, Khánh Toàn đã mang về cho trường nhiều thành tích xuất sắc như: Huy chương Vàng hội diễn của ngành, thủ khoa giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt số điểm tuyệt đối 20/20 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; 2 tiết dạy toàn quốc xuất sắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học… Đó là năm 2004, tại trường chuyên Lương Thế Vinh tỉnh Đồng Nai bài giảng về bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương và năm 2015 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bài giảng về tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Lãnh đạo, các giám đốc sở cùng giáo viên giỏi của các tỉnh về dự thi… không thể quên được cách thiết kế bài giảng thông minh, linh hoạt, đầy bất ngờ, kết hợp với chất giọng ấm áp có sức truyền cảm, tạo hứng thú, cuốn hút người học, người dự của cô giáo tài hoa Khánh Toàn.

Nhờ được học những giờ giảng văn như vậy, các thế hệ học sinh của cô Khánh Toàn đã đưa về cho trường chuyên Lê Quý Đôn hàng chục giải thưởng cao nhất trong các kì thi lớn: Olympic, học sinh giỏi quốc gia góp phần làm nên thương hiệu trường chuyên Lê Quý Đôn; góp phần vào việc hằng năm trường luôn được thăng hạng trong bức tranh giáo dục toàn quốc.

2. Chia sẻ về nghề nghiệp, Khánh Toàn tâm sự: “Tôi yêu văn chương, mong truyền trao vẻ đẹp ấy cho học sinh bởi ‘văn học là nhân học’. Học môn Văn, các em sẽ có cái nhìn tinh tế hơn, tâm hồn được nuôi lớn bởi cái đẹp của văn chương và ngọn lửa ấy sẽ còn mãi trong tâm hồn học sinh, thắp sáng cuộc đời các em. Đó là tâm nguyện của tôi. Trong bối cảnh học sinh đang chán học môn Văn, đang bị sự hấp dẫn quá mức của thế giới phẳng có nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro và độc hại, tôi tin khi giáo viên biết vận dụng công nghệ và có phương pháp dạy học phù hợp, biết tổ chức lớp học, giúp học sinh chủ động khám phá, biết truyền cảm hứng… học sinh vẫn mãi yêu môn Văn, mong đợi học Văn nhiều hơn”.

Nhắc đến Khánh Toàn, các thế hệ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh TP. Vũng Tàu luôn dành cho cô trọn vẹn sự yêu mến. Một người luôn tràn đầy năng lượng sống, khổ luyện thành tài làm cho những bài giảng luôn sâu lắng, tràn đầy cảm xúc khiến học trò không bao giờ quên được.

PGS. TS Vũ Nho cho biết, ông đánh giá cao cô giáo Khánh Toàn. Theo ông, ở Khánh Toàn có năng khiếu thiên bẩm về văn chương, cảm thụ văn học. “Nhà cô ấy rất nhiều sách, đặc biệt cô ấy rất mê văn chương. Cô ấy nói năng gãy gọn, truyền cảm, có tâm hồn thơ ca, có kỹ năng cao trong sử dụng công nghệ thông tin vào việc giảng bài. Một lần đứng lớp là một lần truyền cảm hứng. Do vậy học sinh rất mê cố ấy giảng”. Cũng theo PGS. TS Vũ Nho, với giáo dục phổ thông hiện nay, những cô giáo có năng lực truyền thụ kiến thức, truyền cảm hứng như Khánh Toàn rất hiếm. Không phải tự nhiên, ở Bà Rịa – Vũng Tàu phụ huynh từ lâu đã truyền nhau câu “Văn cô Toàn, Toán thầy Bút”. Được học Văn cô Khánh Toàn, học Toán thầy Nguyễn Viết Bút là niềm tự hào, là tạo nên “đẳng cấp”.

Khánh Toàn còn có một hạnh phúc là đã truyền cảm hứng yêu nghề dạy học cho chính con trai mình. Nguyễn Đình Bửu Tài – con trai út của cô, sau khi tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ (tiếng Anh và Tài chính) đã về nối nghiệp mẹ, dạy chuyên Anh dưới cùng một mái trường. Đài HTV7 đã từng giới thiệu thầy giáo Bửu Tài trong “Khoảnh khắc cuộc đời”, một chương trình tôn vinh những tài năng trẻ khi Bửu Tài đạt chứng chỉ CPE của hệ thống đánh giá Anh ngữ Cambridge…

Con trai nhà giáo Trần Thị Khánh Toàn nối nghiệp mẹ tại Trường chuyên Lê Quý Đôn.

Nhà giáo dục học Uyliam Batơ Dit đã từng nói: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Điều này đúng với nhà giáo Khánh Toàn. Sự cống hiến ấy được ghi nhận qua nhiều bằng khen của UBND các tỉnh: Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Điều đó đã khẳng định sự cống hiến to lớn của một cô giáo tài năng và tâm huyết.

3. Cuộc đời của cô giáo Khánh Toàn cũng có những thăng trầm. Năm 2007, cô bị bệnh ung thư. Trong cơn bạo bệnh, cô càng hiểu niềm hạnh phúc của nghề giáo khi được sự quan tâm của phụ huynh, đồng nghiệp và đặc biệt là học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn. Các em đã xếp tặng cô 9.000 con hạc (chim hỷ) bằng giấy nói thay niềm mơ ước, và lời cầu mong cô mau khỏi bệnh. Trong những ngày ấy, cô nhận thức đầy đủ hơn giá trị đích thực của cuộc sống, đó là sự dâng hiến.

Từ ngày khỏi bệnh, cô đã xây dựng thêm 2 cơ sở giáo dục: Trung tâm dạy kèm văn hóa và Trung tâm Ngoại ngữ Khánh Toàn tại 58 – 60 đường Cô Giang, phường 4, TP. Vũng Tàu. Đây là hai địa chỉ tin cậy cho hàng ngàn học sinh trong và ngoài tỉnh.

Hàng năm, cô giáo Khánh Toàn miệt mài chung tay với Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong công việc thiện nguyện. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Toàn đã tặng hàng trăm phần quà ủng hộ người nghèo. UBND TP Vũng Tàu đã tặng giấy khen cho cô Khánh Toàn, ghi nhận tấm lòng nhân ái của một cô giáo giỏi nghề, nặng ân tình dành cho những cuộc đời kém may mắn.

Trong câu chuyện, cô giáo Khánh Toàn không quên nói lời tri ân đến tất cả lãnh đạo các cấp, các trường, các đồng nghiệp, các phụ huynh và tất cả học sinh nơi cô từng đứng lớp. Đặc biệt là những thầy cô đã dẫn dắt, bồi dưỡng cô giành được những niềm vinh quang nghề nghiệp, tiêu biểu như các thầy: TS Nguyễn Đăng Điệp; nhà giáo TS Chu Văn Sơn (Hà Nội); Nguyễn Quang Tuyên (Sở GD&ĐT Nghệ An); PGS.TS. Phan Huy Dũng và Hoàng Trọng Canh (Đại học Vinh); cô giáo Nguyễn Thị Chim Lang (Giám đốc Sở GD & ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu); nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Vân Anh (Trường Năng khiếu thành phố Vinh, Nghệ An). Chính những người thầy cô, đồng nghiệp đáng kính này đã ảnh hưởng lớn đến Khánh Toàn trên bước đường sự nghiệp. Sự tri ân của cô giáo Khánh Toàn, từ tấm lòng mình đã mang ý nghĩa thông điệp về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. “Tải văn”, “tải đạo” suy cho cùng đó là hành trình vì cái đẹp. Đó là mục đích sống và cô giáo Khánh Toàn đã và đang theo đuổi.

Ngô Đức Hành

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 19, tháng 11+12/2021)