1. Một sự nghiệp đáng tự hào của nhà báo, nhà văn Phan Quang
  Nhà báo, nhà văn Phan Quang sinh năm Mậu Thìn (1928), là một tên tuổi lớn và rất đáng kính trọng của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam. Tên khai sinh của ông là Phan Quang Diêu, quê xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông còn có các bút danh là Hoàng Tùng, Phan Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Lê Thanh, Hoàng Xá…
Nhà báo, nhà văn Phan Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Ông nội là cụ Phan Thanh Tân, đỗ Cử nhân năm 1870 dưới triều vua Tự Đức. Từ truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, Phan Quang sớm trở thành một chiến sĩ cách mạng; là một trong những thanh niên xuất sắc được đồng chí Nguyễn Chí Thanh lựa chọn để đào tạo cán bộ cho nhiệm vụ lâu dài.

Nhà văn Phan Quang. Nguồn ảnh: VOV

Phan Quang viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các báo Cứu Quốc Liên khu Bốn; Báo Nhân Dân; Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương; Bộ Thông tin; Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ)…
Ông được bầu làm Đại biểu chính thức Đại hội VI của Đảng. Trong bước chuyển quan trọng  của lịch sử, Phan Quang là chứng nhân, là nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa góp phần làm nên những đổi thay to lớn và quan trọng của báo chí, văn hóa, văn nghệ nước ta thời kỳ đầu công cuộc Đổi mới và nhiều năm sau đó.
Sau Đại hội VI của Đảng, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Thông tin trong khi vẫn đảm trách cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà báo Phan Quang là đại biểu Quốc hội, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba khóa; làm Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ), Phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN; nhiều năm làm Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Pháp; Phó Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam…
Nói đến Phan Quang, người ta nghĩ ngay đến một chính khách; một nhà văn hóa; một nhà báo nằm ở tốp đầu của báo chí nước nhà; một nhà văn và dịch giả tài năng, đa diện; một người hoạt động nghị trường nhiều khóa; một người thầy, người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu; người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn  trong nước và quốc tế.
92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng ngàn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận, nghiên cứu, lý luận cùng nhiều cuốn sách dịch thuật…, góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam. Đây là điểm cốt yếu để nhiều người quý mến, nể trọng, ngưỡng mộ và biết ơn ông.

Ông tâm niệm: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo…”.

Sự nghiệp báo chí và văn nghệ của Phan Quang đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và được đánh giá cao. GS, NGND Hà Minh Đức đánh giá cao Phan Quang trên tư cách là nhà báo, nhà văn: “Anh là nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác, nhà báo nhà văn. Anh là con nước chảy giữa báo chí và văn chương”. Đúng như vậy, Phan Quang là một nhà báo, nhà văn xuất sắc nối liền hai thế kỷ. Sự nghiệp của ông không chỉ làm vẻ vang cho bản thân, gia đình, quê hương mà còn tạo nên vị thế, uy tín vẻ vang của nghề báo, nghề văn trong xã hội. Ông có nhiều cống hiến cho công tác Hội Nhà báo Việt Nam trên cương vị là Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 1991, ông và Thường trực Hội đề xuất và được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Giải báo chí toàn quốc, tiền thân của Giải Báo chí quốc gia hiện nay. Ông là người nghiên cứu, chọn lọc, bổ sung, chỉnh sửa và cùng Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và UNESCO khuyến khích thúc đẩy. Qua nhiều lần trao đổi, hội thảo, đặc biệt là sau Hội thảo toàn quốc về chủ đề này năm 1993 tại Hà Nội, ông tiếp tục chủ trì xây dựng Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam gồm 10 điều, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội Nhà báo Việt Nam thông qua năm 1995. Không ít công việc do ông khởi xướng, lãnh đạo đã được Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ ủng hộ, thực hiện, đổi mới, nâng cao.
Về sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, sau tập truyện mở đầu “Không khai” (NXB Minh Đức, 1954), ở thời kỳ sung sức nhất, Phan Quang đã có hàng chục tập truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, truyện thiếu nhi… Có thể nêu tên một số tác phẩm tiêu biểu của ông như “Hẹn cưới”, “Đất rừng”, “Một mình giữa đại dương”, “Chinh phục Hymalaya”, “Đất nước một dải”, “Lâm Đồng – Đà Lạt”, “Hạt lúa bông hoa”, “Đồng bằng sông Cửu Long”, “Quê hương”, “Chia tay trên sông”, “Bên mộ vua Tần”, “Thơ thẩn Paris”…
Về dịch thuật, nhờ vốn ngoại ngữ thông thạo và tinh tế, nhất là tiếng Pháp, Phan Quang đã chọn, dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học nước ngoài được công chúng trong nước yêu thích như “Hoa lạ”, “Những ngôi sao ban ngày”, “Trở lại với đời”, “Hội chợ bán người”, “Sử thi huyền thoại Đông Tây”, “Nghìn lẻ một đêm”, “Nghìn lẻ một ngày”, “Trà thư”, “Chuyện rừng châu Phi”…
Những năm gần đây, mặc dầu tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng vẫn rất đều đặn và phong độ, Phan Quang liên tiếp cho ra đời các công trình nghiên cứu, sáng tác về báo chí, văn hóa, văn nghệ. Có thể kể đến các cuốn sách “Nghề báo nghiệp văn”, “Cho đến khi giã từ trần thế”, “Cỏ lau Thành Cổ”,  “Thời gian không đổi sắc màu: Phê bình – Tiểu luận”, “Xuân bao nhiêu tuổi”, “Tầm nhìn”, “Chuyện rừng Châu Phi” (dịch),  “Xin đừng quên nhau”, “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi”, “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, “Bác Hồ – Người có nhiều duyên nợ với báo chí”…
2. Nhà báo Phan Quang với sự nghiệp Phát thanh

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ (Giữa) trong buổi Tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”. Ảnh: VOV

  Quốc hội Khóa VIII quyết định thành lập Bộ Thông tin (1987). Phan Quang rời Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương về Bộ Thông tin giúp Bộ trưởng Trần Hoàn xây dựng bộ này từ lúc còn nhiều khó khăn trên cương vị Thứ trưởng.
Ông được phân công giúp Bộ Trưởng quản lý mảng báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất nhập khẩu sách báo và công tác đối ngoại của Bộ. Đây là mảng rất lớn, khó, phức tạp của ngành thông tin mọi thời kỳ. Ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Khóa VIII, và làm ba nhiệm kỳ trên cương vị đó (1987-2002).
Từ năm 1988 đến hết năm 1997, ông được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Bí thư Ban Cán sự Đảng Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm nhiệm Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ V và VI (1989-2000), đồng thời được bầu làm Đại biểu Quốc hội, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nhiệm kỳ, từ năm 1987 đến 2002, góp sức thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới, rộng mở của Đảng và Nhà nước ta.
Nhà báo, Nhà văn Phan Quang đã kế thừa một cách sáng tạo sự nghiệp “khai sơn phá thạch” đài phát thanh quốc gia và ngành phát thanh Việt Nam của nhà báo lớn, nhà lãnh đạo báo chí tài ba Trần Lâm. Tiếp tục xây dựng và phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam với cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại; đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản hơn, có trình độ tác nghiệp khá, giỏi và rất năng động; đổi mới các hệ, kênh phát thanh của Đài, tạo đà cho các đồng chí lãnh đạo Đài kế tiếp củng cố, phát triển hệ thống các kênh phát thanh quốc gia có tính chuyên biệt từ VOV1 đến VOV5, gần đây là VOV Giao thông, VOVTV, VOV6 về văn học, nghệ thuật, VOV Sức khỏe-An toàn thực phẩm; tiếp nhận, vận hành đồng bộ đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.
Giai đoạn từ sau đổi mới, ông tập trung chỉ đạo xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng hiện đại, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại khu vực và thế giới; làm cho Đài có một hạ tầng ngày càng tốt hơn; đội ngũ phóng viên, biên tập viên có trình độ tác nghiệp vững vàng trong nước và môi trường quốc tế.
Từ tầm vóc khá khiêm tốn, với phương tiện còn nhiều thiếu tốn, có mặt cũ kỹ, nguồn nhân lực chưa thật an tâm về chuyên môn, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đổi mới và phát triển mạnh mẽ cả về nội dung, kỹ thuật, con người, cung cách quản lý, quản trị. Đến nay, Đài có 8 kênh phát thanh quốc gia, trong đó kênh Dân tộc (VOV4) phát 13 tiếng dân tộc thiểu số và kênh Đối ngoại (VOV5) phát 13 thứ tiếng nước ngoài; có 17 kênh truyền hình; hai báo điện tử, một báo in; một nhà hát với nhiều nghệ sỹ tên tuổi; 6 cơ quan thường trú trong nước và 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài; hai trường cao đẳng phát thanh, truyền hình. Đài có gần 2.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ, nhân viên. Đài có mối quan hệ với nhiều hãng phát thanh, truyền hình, báo chí lớn ở khu vực và thế giới. Nhiều lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài đoạt các giải cao của các giải báo chí lớn tổ chức hàng năm: Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí về Xây dựng Đảng, Giải báo chí về Đại đoàn kết toàn dân tộc, Giải Báo chí về Thông tin đối ngoại, Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam, Giải Báo chí của Hiệp hội PTTH châu Á-Thái Bình Dương (ABU)….Đài tổ chức thành công nhiều cuộc Liên hoan Phát thanh toàn quốc; tổ chức các Hội thảo khoa học cấp quốc gia; mua bản quyền, tường thuật trực tiếp và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, âm nhạc lớn. Vị thế, thương hiệu và uy tín của Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao ở trong nước và thế giới.
Các chương trình của Đài TNVN luôn không ngừng đổi mới và mang hơi thở của cuộc sống. Nội dung thông tin sắc nét, phong phú, toàn diện, tính định hướng và phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, xứng đáng với cánh chim đầu đàn của ngành phát thanh. Tập thể Đài TNVN luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đồng lòng chung sức xây dựng Đài TNVN thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ hiện đại, vững mạnh toàn diện; phát triển trên 3 trụ cột: Phát thanh; Truyền hình; Báo Điện tử-báo in, với nền tảng kỹ thuật và công nghệ hiện đại; Cơ chế quản trị tiên tiến, năng động, hiệu quả.
Đài Tiếng nối Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh Hùng Lao Động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
3. Phan Quang trong lòng anh em, đồng nghiệp
  Năm nay, nhà báo, nhà văn Phan Qung tròn 92 tuổi đời, 72 tuổi nghề và ông vẫn say mê, đau đáu với nghề báo, nghề văn như thuở ban đầu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống và sức lôi cuốn lớn lao, luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và người đọc. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tạo. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội. Viết báo từ năm 20 tuổi, sau đó là viết cả văn và dịch thuật cho đến độ tuổi ngoài cửu tuần, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức, đam mê, cuốn hút, lan tỏa.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang (phải) cùng các nhà giáo, nhà báo lão thành. Ảnh: VOV

Dù nghỉ hưu năm 2003 khi đã 75 tuổi nhưng ông không hề ngơi nghỉ, ông tiếp tục làm báo, viết và dịch sách. Tài năng và đức độ của Phan Quang đã trở thành niềm tự hào của những người làm báo, viết văn Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của ông đối với đất nước và đối với nghề đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo, nhà văn viết nên các tác phẩm văn học, báo chí có hình bóng và tâm tình ông trong đó. Khi ông lên tuổi 85, để chúc mừng ông, nhiều đồng nghiệp, đàn em, học trò đã chung tay sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Phan Quang, Bạn và Nghề” với cả trăm bài viết.  Các nhà báo, nhà văn Ngô Thảo, Vĩnh Trà là lớp đàn em và là đồng hương Quảng Trị có nhiều bài viết về sự nghiệp báo chí, văn hóa, văn nghệ của ông. Nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết tiểu thuyết “Từ bến Sông Nhùng”, nhân vật chính là ông. Nhà báo, nhà thơ, tiến sỹ Nguyễn Sỹ Đại có bài báo “Phan Quang – Nhà báo xuất sắc nối liền hai thế kỷ”. Nhà báo, tiến sỹ Trần Bá Dung cùng nhà báo Đào Thị Cảnh có công trình nghiên cứu “Du ký báo chí của Phan Quang – Từ góc nhìn tác phẩm báo chí”. Cuốn sách dày dặn “Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” do PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang tuyển chọn, giới thiệu và nhiều tác phẩm, công trình khác.
Hơn 70 năm cống hiến, sáng tạo, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Điều khiến ông thích ứng và làm chủ trong mọi hoàn cảnh là ý chí tự lực, tự học, khát khao tìm hiểu, sáng tạo. Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lũy có chủ đích, căn cơ, lâu dài, có ích cho Đảng, cho Nước, cho Dân.
Trong suốt cuộc đời công tác  của mình, nhà báo, nhà văn Phan Quang có cơ hội được đi khắp đất nước mình và nhiều châu lục trên thế giới. Công chúng yêu mến ông và tác phẩm của ông ở cái tâm, cái tầm, cái tài, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc, sáng tạo và cả sự khiêm nhường. Người khiêm nhường trong nghề viết, dù báo hay văn hay bất cứ nghề nào, lĩnh vực nào, nếu được kết hợp với tài năng, đức tính nghiêm túc, hiển nhiên góp phần làm nên tầm vóc của chính tác giả. Phan Quang là một người như thế.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ