Báo chí hay viết về ông bằng những dòng tít: nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam) – “ông trùm hoa hậu”, “cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam…Nhưng với tôi đó chỉ là “gia vị” tô điểm thêm cho cuộc đời vốn phong phú của một nhà báo với kỷ lục 21 năm làm Tổng biên tập (TBT) báo Tiền Phong. Báo Tiền Phong dưới sự chèo lái của TBT Dương Kỳ Anh đã đi tiên phong trong đổi mới báo chí và có những đóng góp lớn vào công cuộc Đổi mới đất nước.  Trò chuyện với ông – TBT mà tôi từng làm việc dưới quyền gần 10 năm – nhưng lại có rất nhiều câu chuyện mới về nghề báo và những việc làm “khác người” mà lần đầu tôi được biết. Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ:
  Tôi mất mẹ từ năm 9 tuổi. Tôi phải đi ăn xin, đi ở, đi làm thuê cho nhà người ta tại vùng quê nghèo Kỳ Anh – Hà Tĩnh rất khổ cực. Tôi làm đủ các nghề, đi cày, bừa, đánh tranh lợp nhà, chằm nón…, tham gia đội làm đường hỏa tuyến, làm đội trưởng đội sản xuất. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, tôi đi bộ đội, làm trắc thủ phát lệnh tên lửa, sau năm 1975 khi nước nhà hòa bình, thống nhất mới chuyển sang làm báo. Trước khi trở thành nhà báo, tôi từng có một nguyện vọng là được làm biên tập thơ ở một tòa soạn báo. Và trước khi trở thành phóng viên của báo Tiền phong vào tháng 8/1975, tờ báo đầu tiên tôi đến xin việc là tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhớ lại lần đầu tiên tôi được báo Tiền Phong cử đi viết báo là viết về đề tài công nhân trẻ tại nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định vào cuối năm 1975. Thời đó, Liên hợp Dệt Nam Định đang là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta. Tôi đi xe đò xuống thành phố Nam Định, đến nơi thì cũng là lúc công nhân vào ca ba. Lần đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng thoi rào rào, thấy những công nhân trẻ đi lại như mắc cửi. Cảm xúc trong tôi trào dâng, và ngay đêm hôm đó, tôi làm được một bài thơ với tựa đề “Tiếng thoi”. Suốt mấy hôm theo công nhân đi ca, tôi không nghĩ ra đề tài nào để viết cả.
Trở về Hà Nội, tôi đến gặp Trưởng ban biên tập. Ông hỏi “Bài viết đâu?”. Tôi ngần ngừ một lúc rồi đưa bài thơ “Tiếng thoi” cho ông.
“Tiếng thoi rào rào như trong cơn mưa/ Tiếng thoi rào rào như tằm ăn rỗi/ Nghe như rất gần, nghe như rất xa/ Tôi mỏi mắt nhìn, sao thoi không mỏi / Con thoi nhanh thế, bàn tay nhanh hơn/ Trăm sợi tơ mành mà tay chẳng rối…”
Trưởng ban biên tập đọc xong, trừng mắt nhìn tôi, bảo: “Này,  lấy cậu về đây để viết báo chứ không phải để cho cậu đi làm thơ…”
Tôi nhớ một lần được cử đi viết bài về “chiến dịch Z” ở Hà Nội. Hôm ấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh (đã mất) đang phụ trách Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhắn tôi sang sửa  mấy câu thơ để đăng chùm thơ của tôi. Tôi mải sang tạp chí Văn nghệ Quân đội sửa thơ, lúc về thì đoàn kiểm tra của chiến dịch Z đã kết thúc công việc. Lúc đó, tôi phải tới gặp đồng chí Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Lê Doãn Cánh để lấy tài liệu. Anh ấy ngồi kể cho tôi nghe mọi việc… Tôi viết bài với tâm thế của người chứng kiến. Thế nhưng, đến khi chiến dịch Z kết thúc,  một gia đình mà tôi viết trong bài đâm đơn lên Tòa soạn kiện. Phó tổng biên tập gọi tôi lên bảo “Thế chứng cứ pháp lý về những sự việc cậu viết trong bài đâu?”. Tôi ngớ ra: “Thưa anh, em chỉ nghe đồng chí Bí thư Quận đoàn kể lại chứ em không được chứng kiến”. Phó tổng biên tập lắc đầu bảo: “Thế thì nguy rồi! Trong bài cậu viết, cậu kể lại y như cậu đã tận mắt chứng kiến, không có ảnh, cũng không có biên bản làm chứng cứ pháp lý, giờ không có gì để phản bác người ta…”. Cũng may đồng chí Lê Doãn Cánh đã trực tiếp tới tòa soạn tôi khẳng định: những nội dung của bài báo là do tôi kể lại cho anh Nam và tôi chịu trách nhiệm.  Vì vụ đó mà suýt nữa tôi bị đuổi việc. Tôi rút ra một bài học: làm báo viết gì phải có chứng cứ, ghi âm, hình ảnh, văn bản, không thể chỉ nghe theo lời kể.

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong

Báo Tiền Phong và 3 lần bị khởi tố

Trong những năm Đổi mới, báo Tiền Phong đi tiên phong trong chống tiêu cực, chống tham nhũng và có đến 3 lần bị khởi tố với nhiều tình huống căng thẳng gay cấn nhưng đều vượt qua không chỉ vì cái trí, cái dũng mà trên hết là chữ tâm của người làm báo. Xin ông tiết lộ về 3 lần khởi tố này?
Tôi nhớ, năm 1994 báo Tiền Phong có đăng bài đề cập đến việc một phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã lấy chiếc xe mô tô phân khối lớn vừa mua gần 30 triệu đồng trang bị cho lực lượng cảnh sát để đăng ký tên mình. Nhưng thực tế, khi bài báo đăng thì vị phó giám đốc đã kiểm điểm và trả lại xe máy, nhưng phóng viên viết bài lại không cập nhật được thông tin này. Lập tức, Viện kiểm sát Nhân dân  TP. HCM khởi tố báo Tiền Phong và khởi tố phóng viên viết bài. Lúc đó, tôi phải xin gặp chủ tịch nước Lê Đức Anh để trình bày rõ sự việc. Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: Tôi sẽ tổ chức một cuộc họp về việc này. Cuộc họp mời ông Hồ Đức Việt – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chứ không mời tôi. Nhưng anh Việt bảo: “Anh là Thường vụ Trung ương Đoàn phụ trách báo chí, Tổng biên tập báo Tiền Phong,  anh phải đi cuộc này”. Cuộc họp có Bí thư Thành ủy TP. HCM lúc đó; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trong cuộc họp,  Chủ tịch nước Lê Đức Anh bảo tôi trình bày trước. Tôi trình bày lại sự việc, thừa nhận phóng viên viết sau khi Phó giám đốc Công an TP. HCM đã kiểm điểm và trả lại xe máy. Sau khi các đồng chí dự họp đã phát biểu. Chủ tịch nước Lê Đức Anh kết luận: Việc này phóng viên báo Tiền Phong có sai sót nhưng không có tội. Nếu cấu thành tội phạm thì phải có mục đích xấu, phóng viên Tiền Phong không có mục đích xấu. Cho nên bây giờ, một là TBT Dương Xuân Nam phải về kiểm điểm phóng viên viết bài này, hai là Viện kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát Nhân dân TP. HCM rút lệnh khởi tố.
Tuy nhiên, sau đó, sự việc vẫn chưa xong.  Một số vị lãnh đạo TP. HCM đã đề nghị Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho tiếp tục khởi tố vụ án. Nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định: Tôi đã quyết là không thay đổi và tôi chịu trách nhiệm.
Qua vụ việc đáng tiếc này, tôi  rút ra bài học kinh nghiệm: khi làm báo có sai sót gì lớn, báo phải chủ động thông tin sớm nhất, tất nhiên phải trung thực, khách quan tới các đồng chí lãnh đạo có trách nghiệm.
Cả 3 vụ khởi tố, báo Tiền Phong đều hóa giải được vì mục đích của chúng tôi là chống tiêu cực, với cái tâm trong sáng, không vụ lợi.
Diễn đàn “Nếu tôi làm lãnh đạo” và vụ án “2000 ngày oan trái”

Ông làm TBT báo Tiền Phong đúng vào thời điểm đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới. Lúc đó, tờ báo đã tiến hành đổi mới như thế nào khi mà cách làm báo kiểu “tuyên giáo” vẫn đang thịnh hành?
Đổi mới ở báo Tiền Phong bắt đầu bằng làm  các phụ san. Tiền Phong lúc ấy mỗi tuần một kỳ, sau đó chúng tôi ra các ấn phẩm phụ như Tiền phong Chủ nhật, Người đẹp Việt Nam, Tri thức trẻ… Báo chủ trương đa dạng hóa thông tin, thông tin nhiều chiều. Tôi nghĩ giáo dục tốt nhất là tự giáo dục bằng cách kể các câu chuyện. Tiếp thu tinh thần đổi mới của thời bấy giờ là dân chủ hóa xã hội, báo Tiền Phong đã tiến hành mở diễn đàn dân chủ hóa xã hội trước hết cho thanh niên. Diễn đàn “Nếu tôi là lãnh đạo” ra đời trên cơ sở đó. Theo sáng kiến này, tất cả những người dân bình thường sống trên đất nước Việt Nam, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, thậm chí cả các em thiếu nhi đều được phép tự đặt mình vào vị trí người lãnh đạo, kể cả người lãnh đạo cao nhất để phát biểu ý kiến, đưa ra đường hướng chiến lược cho từng vị trí lãnh đạo.
Chẳng hạn, một anh thanh niên hay một cụ già có thể đặt mình vào vị trí Chủ tịch nước thì sẽ làm gì? Nếu anh làm Bộ trưởng Giáo dục thì công việc cụ thể sẽ ra sao để ngành Giáo dục có thể đổi mới, phát triển. Hay nếu anh là Bộ trưởng Quốc phòng thì anh sẽ làm gì để nền an ninh quốc phòng của đất nước được giữ vững? Nếu anh làm bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, thành phố thì sẽ làm gì …?
Và từ diễn đàn đặc biệt ấy, báo Tiền Phong đã thực hiện một loạt bài báo gây chấn động. Nhiều người xem đây là một diễn đàn mới mẻ, chưa từng có và cũng lạ lùng, khác người. Diễn đàn sôi nổi, thu hút sự quan tâm chú ý của hàng triệu người và cũng không ít lời nhắc nhở, phê bình, chỉ trích…
Tôi còn nhớ, khi đó, báo Tiền Phong đã cho đăng bài viết của một thanh niên, khi anh tự đặt mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Đó cũng là bài báo khiến Ban biên tập chúng tôi bị phê bình nặng nhất, bị xem là “tiết lộ bí mật quốc phòng”.
Có thể nói, báo chí Việt Nam thời đó chưa bao giờ có diễn đàn kiểu như vậy. Nhưng diễn đàn “Nếu tôi là lãnh đạo” đã thực sự góp phần vào cuộc đấu tranh dân chủ hóa xã hội ở nước ta dù báo cũng phải “lên bờ xuống ruộng”.
Tiếp theo, báo Tiền Phong cũng mở những diễn đàn khác như “Tuổi trẻ – sống hiện đại – yêu hiện đại” ; Diễn đàn “Người Việt – Thói hư tật xấu”.
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước báo Tiền Phong dưới sự chèo lái của ông đã dấn thân vào những mảng nội dung gai góc như phản biện xã hội, phản biện lại bản án của tòa án, đấu tranh đòi công lý cho những người bị kết án oan sai, trong đó có cả án tử hình và đã thành công – điều mà ngay cả bây giờ ít tờ báo làm được. Nhưng hành trình đó hẳn sẽ rất nhiều chông gai nguy hiểm?  
Tiền Phong những năm đầu Đổi mới đã đi tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ công bằng, lẽ phải và quyền lợi chính đáng của công dân. Có một học sinh giỏi khi đi xe khách bị  phụ xe  làm nhục, không kìm chế được đã đâm chết người làm nhục mình. Tòa tuyên án tử hình anh học sinh đó. Nhận thấy  án nặng quá, báo đã cử phóng viên Chu Thúy Hoa đi viết bài. Nhờ những bài phản biện báo đăng trên Tiền Phong, cậu sinh viên thoát án tử hình, án chung thân, sau khi ra tù, báo Tiền Phong lại xin việc cho. Từ đó, cứ Tết đến, năm nào cậu ấy cũng mang hoa đến tặng, cảm ơn báo Tiền Phong. Loạt bài đó từ năm 1989, đó là thời kỳ báo chí hiếm khi dám phản biện xã hội. Thời gian gần đây, báo chí phản ánh những vụ án oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén nhưng cách đây hơn 30 năm, báo Tiền Phong đã có loạt bài gây chấn động dư luận, minh oan thành công cho một người bị kết tội giết người. Đó là loạt bài “2000 ngày oan trái”.
Vụ án oan xảy ra từ một án mạng vào ngày 28 Tết năm 1983, khi đó Nguyễn Sỹ Lý, quê ở Nghệ An, mới 27 tuổi và đang là giảng viên trường Đại học Tây Nguyên. Ngày 20/9/1983, Lý bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 17 năm tù giam về tội giết người. Anh Lý và gia đình làm đơn kêu oan gửi đi khắp nơi nhưng tất cả vẫn… rơi vào im lặng. Cùng bị giam với Lý khi đó có một người bạn tù tên Cao Tiến Mùi, bị vào tù vì tội lấy mấy cân phân đạm của HTX. Khi ở cùng buồng giam với Lý, Cao Tiến Mùi được nghe Lý kể lại chi tiết câu chuyện và biết chắc Nguyễn Sỹ Lý bị oan. Cao Tiến Mùi cố gắng cải tạo tốt để sớm ra tù, và tìm cách minh oan cho Nguyễn Sỹ Lý.
Được ra tù sớm, Cao Tiến Mùi đã tìm đến một người thợ sửa đồng hồ tên Hồ Hồng Tuyến, là một người rất yêu thơ, hay làm thơ. Sau khi nghe Cao Tiến Mùi kể hết sự tình, Hồ Hồng Tuyến đã cùng Cao Tiến Mùi ra Hà Nội, tìm đến trụ sở báo Tiền Phong, và nói rằng: “Tôi xin gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh!”. Mọi người có gặng hỏi, nhưng Hồ Hồng Tuyến nhất định chỉ gặp tôi bằng được.
Cô nhân viên lễ tân điện lên cho tôi và bảo “Mời anh Dương Xuân Nam xuống tiếp khách”, thì Tuyến xua tay lắc đầu bảo: “Tôi không gặp ông Dương Xuân Nam! Tôi chỉ xin gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh”. (Lúc đó Tuyến chưa biết tên thật của tôi là Dương Xuân Nam).
Khi tôi xuống phòng khách, Hồ Hồng Tuyến kể lại câu chuyện về Nguyễn Sỹ Lý và cho biết có đầy đủ chứng cứ. Chúng tôi đã hứa viết bài minh oan cho Nguyễn Sỹ Lý. Thế nhưng, Tuyến lại “ra giá”: “Anh đăng cho em một bài thơ thì em mới cung cấp tài liệu”. Tôi nói: “Được thôi, nếu đó thực sự là thơ”. Rồi Tuyến gửi cho tôi 5 bài thơ, và ngay ngày hôm sau chúng tôi đã đăng 1 bài lên báo.
Sau đó, tôi cử Mạnh Việt (một phóng viên kỳ cựu của báo Tiền Phong) cùng Hồ Hồng Tuyến và Cao Tiến Mùi tìm về nhà gia đình Nguyễn Sỹ Lý để tìm hiểu câu chuyện, thu thập thêm chứng cứ và viết bài. Hàng chục bài báo do phóng viên Mạnh Việt và Hồ Hồng Tuyến viết được đăng thành phóng sự dài kỳ trên báo Tiền Phong đã gây chấn động dư luận.
Cũng cần nói thêm rằng, sau lần ấy, từ một thợ sửa chữa đồng hồ phố huyện yêu thơ và thích làm thơ, Hồ Hồng Tuyến đã trở thành một nhà báo thực thụ, có nhiều bài viết tốt cho báo Tiền Phong và nhiều tờ báo khác.
Các bài báo về vụ án Nguyễn Sỹ Lý được tập hợp lại trong tập sách “Vụ án 2.000 ngày oan trái”. Theo lời Hồ Hồng Tuyến kể, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã dựa theo đó viết nên một vở kịch nổi tiếng, nhiều bộ phim – lấy đó làm cốt truyện – cũng đã ra đời. Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, được trả lại tự do, trở về làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Tây Nguyên .
Có thể nói vụ án Nguyễn Sỹ Lý ví như là một “vụ Nguyễn Thanh Chấn” cách đây gần 30 năm. Chỉ khác là vụ án đó do chính báo chí lật lại để tòa án minh oan, và tiền đền bù cho Nguyễn Sỹ Lý lúc đó không phải 7,2 tỷ đồng mà gần như không có gì .
Báo Tiền Phong cũng từ đó trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi chính đáng của tuổi trẻ, của người dân. Số lượng phát hành cũng tăng lên rất nhanh, uy tín của tờ báo lan rộng trong cả nước, tờ báo được độc giả khắp mọi miền tìm đọc.
Khi còn làm báo Tiền Phong, tôi đã thực hiện loạt phóng sự dài kỳ mang tên “Bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”. Loạt bài viết về nữ sinh văn khoa Phạm Thị Xuân Khải có bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” đăng trên báo Tiền Phong  trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Thực sự nhiều người đã không hiểu vì sao Tiền Phong “dám” đăng bài thơ mà ngay cả bây giờ nhiều người còn e ngại đăng lên Facebook ?
Báo Tiền Phong nhận được bài thơ của nữ sinh Văn khoa Đại học Tổng hợp Phạm Thị Xuân Khải, lúc đó anh Đinh Văn Nam đang là Tổng Biên tập, tôi là Phó Tổng biên tập. Đó là thời điểm, mùa Xuân năm 1986, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” của tác giả Phạm Thị Xuân Khải đăng trên báo Tiền Phong đã gây xôn xao dư luận cả nước. Phải thừa nhận Tổng biên tập Đinh Văn Nam đã cực kỳ bản lĩnh khi cho đăng bài thơ, được ví như “trái bom thơ” đêm trước Đổi mới, trong đó có những câu:
“Lòng vẫn thầm mơ ước/ Bác Hồ được sống đến hôm nay/ Làm nắng mặt trời xua tan hết mây/ Trừ những thói đời làm dân oán trách/ Có mắt giả mù, có tai giả điếc/ Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/ Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ/ Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?/ Tham quyền cố vị/ Sợ trẻ hơn già…”
Sau khi đăng bài thơ, không khí tòa soạn báo Tiền Phong cực kỳ căng thẳng, thậm chí chúng tôi chuẩn bị tinh thần có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Sau này, tác giả Phạm Thị Xuân Khải đã tâm sự: “Xưa nay “trung ngôn nghịch nhĩ” mà, nhưng rồi thời gian và nhân dân sẽ chứng minh tất cả. Tôi dám viết nhưng điều đáng nói là báo Tiền Phong dám đăng. Tôi cho rằng Tiền Phong là tờ báo đi tiên phong trong việc cổ vũ cho cái Mới, cho công cuộc Đổi mới”. Cuộc Đổi Mới ấy từ đâu đến? Trong rất nhiều cách lý giải, phải chăng nó đến từ những tiếng lòng của nhân dân được báo chí đăng tải. Bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” là một trong những tiếng lòng đó.
Vụ khó xử nhất trong cuộc đời làm báo

Tôi từng chứng kiến ông đã quyết định phanh phui  vụ việc liên quan tới người bạn thân của mình…Ông suy nghĩ gì khi quyết định như vậy trong khi ông hoàn toàn có thể “bỏ qua” để giữ tình bạn?
Anh ấy cùng quê Hà Tĩnh và là bạn thân với tôi. Phải nói rằng tôi rất quý anh  vì anh ấy là người có tài. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì đây là vụ việc có liên quan đến tài sản nhà nước, nhiều tài sản lớn hẳn hoi, là vụ mà báo Tiền Phong đã đưa  “Biến nhà công thành nhà tư” của không ít người lúc đó và cuối cùng quyết định vì việc chung mà hy sinh tình cảm riêng. Đây là việc lớn không thể bỏ qua. Trước khi đăng bài, tôi không nghe điện thoại. Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài, anh ấy đã làm đơn trả lại nhà. Nhiều cán bộ cấp cao khác cũng trả lại nhà công vụ. Đó là việc khó xử nhất trong đời làm báo của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại người bạn đó, mong là anh bỏ qua cho tôi.
Làm TBT 21 năm, dưới quyền có nhiều nhà báo giỏi, nhưng đầy cá tính, thậm chí “ngang ngược”, làm thế nào ông dung hòa được họ?
Khi tôi lên làm TBT báo Tiền Phong, tôi  khẳng định sẽ kế thừa những người đi trước, nhưng làm TBT 1 ngày tôi cũng làm theo cách của tôi. Mọi tính cách trong tòa soạn tôi đều chấp nhận miễn là tính cách đó không hại đến cái chung. Ngày tôi mới làm báo Tiền Phong, đi muộn mấy phút mà công đoàn vật ngửa xe đạp giữa sân để cảnh báo. Nhưng với tôi, ở đời sống phải nghĩ thoáng. Cả đời tôi có thù hằn ai đâu. Tôi không bao giờ đố kỵ ai. Ai thành công là tôi mừng.
Phải chăng một trong nhưng “định nghĩa” về một TBT giỏi là phải đào tạo được những nhà báo giỏi như huấn luyện viên giỏi phải đào tạo được cầu thủ ngôi sao?
Đúng vậy, đào tạo, hướng dẫn và chấp nhận.
Về hưu hơn 10 năm, ông vẫn vẫn miệt mài viết văn, làm báo ở nhà vườn Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội. Đã đủ độ lùi thời gian và không gian cho ông có thể đánh giá vài điều về báo chí bây giờ có những điểm khác gì với báo chí thời ông làm Tổng biên tập?
Mỗi thời, người làm báo đều phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Thời nay, làm báo cũng rất khó khăn… Nhiều tờ báo, nhiều nhà báo cũng đang dũng cảm vượt qua …Có điều, thời nay tôi thấy rất ít những vụ chống tiêu cực do chính phong viên tự điều tra …  mà thường lấy kết luận điều tra từ công an, thời chúng tôi làm nhiều vụ tiêu cực lớn do báo tự điều tra sau đó công an và các cơ quan khác mới vào cuộc …
Bây giờ không phải là thời đại báo giấy nữa rồi. Càng ngày báo chí sẽ càng cạnh tranh, và phải cạnh tranh với mạng xã hội, như Facebook thực chất là tờ báo lớn nhất rồi. Trong xu thế này, nên phát triển báo điện tử theo hướng đa phương tiện. Nên có sự tương tác trực tiếp tức thời với bạn đọc. Người làm báo cũng cần mạnh dạn đổi mới.
Theo ông, thời nay, làm TBT cần những phẩm chất gì để có thể đưa tờ báo phát triển vừa đúng đường lối chủ trưởng của Đảng, Nhà nước vừa phụng sự bạn đọc?
Làm TBT đòi hỏi nhiều phẩm chất. Phẩm chất đầu tiên của người làm báo là phải phản ánh đúng sự thực và bày tỏ chính kiến của mình trước sự thực đó. Trung thực đã khó, bày tỏ chính kiến lại khó hơn. Ngoài ra, TBT phải lãnh đạo tờ báo sao cho có doanh thu nhiều, có lãi để đảm bảo đời sống cho anh em. Khi anh em được đảm bảo đời sống tốt, họ sẽ chuyên tâm với nghề, không làm chuyện tiêu cực. Làm TBT phải am hiểu pháp luật, am hiểu về kinh tế, am hiểu về văn hóa, xã hội. Cho nên tôi coi TBT là một nghề đặc biệt.  Mà làm nghề gì cũng phải tinh thông. Có thể người viết báo giỏi nhưng không phải là TBT giỏi. Nhưng nếu là TBT giỏi đồng thời là một nhà báo giỏi thì tuyệt vời.
Ông từng nói: Làm Tổng biên tập như đi trên dây. Ông đi “trên dây” những  21 năm mà vẫn vững vàng, làm sao tìm được sự cân bằng như vậy?  
“Ta cân bằng mình/ Tìm an nhàn trong bận rộn/ Tìm niềm tin trong thất vọng/ Nhân ái bao dung với phản trắc dối lừa…” (Thơ Dương Kỳ Anh)
Trước đây, làm TBT báo Tiền Phong, giữ chân “3 thường vụ, 4 chấp hành” rất bận nhưng tôi vẫn dành thời gian để viết văn, ra tiểu thuyết. Tôi về hưu 11 năm nay nhưng chưa bao giờ hết việc. Tôi nhận làm cho mấy tờ báo, viết văn, làm thơ, nghe nhạc, đọc sách. Tôi thích ở một mình, thích ngồi một mình suy ngẫm…  “Bây giờ, tôi biết lặng im/ Như con sông chảy, im lìm ngoài kia/ Lặng im khi buổi chiều về/ Phù sa lắng đọng, bốn bề tâm tư/ Tôi nào đâu dám thờ ơ/  Trước bao la những bến bờ con sông/ Lặng im cây lúa làm đòng/ Lặng im đến với mênh mông mùa vàng /  Một đời im lặng nuôi con/ Lặng im vạt áo nâu sồng mẹ tôi / Bao nhiêu năm học nói, cười/ Hôm nay tôi học được lời: Lặng im”. (Thơ Dương Kỳ Anh)
Là một TBT dày dạn kinh nghiệm, đứng mũi chịu sào bao nhiêu năm, nhưng dường như sâu thẳm trong ông là thi sĩ Dương Kỳ Anh  tâm hồn đa cảm, có khi mong manh dễ vỡ trước những “nanh nọc” cuộc đời?
Tôi đã viết những câu thơ này: “Có một người trần thế / Mời dịu dàng vào nhà/ Cửa đời nanh nọc thế/ Dịu dàng làm sao qua?”
Ở tuổi này, nếu có một “dịu dàng” yêu ông, ông có mời vào nhà?
Tôi giấu người ấy vào thơ, còn ngoài đời tôi đành bỏ chạy …
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phùng Nguyên (Thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 6/ Bộ mới/2020)