Ngay từ năm 2002 đến 2004, Nguyễn Xuân Dũng đã liên tiếp có truyện và kí in trên báo. Đặc biệt 2 truyện ngắn Chuồn chuồn ớt cánh mỏng và Chị dâu tôi được đăng trên tạp chí văn nghệ quân đội. Đây là hai truyện ngắn hay. Hai câu chuyện tình như thơ với  khoảng không gian cổ tích ở một miền quê cùng những cánh chuồn chấp chới, ríu rít trong chiều gió heo may đã được Nguyễn Xuân Dũng thể hiện với cái nhìn riêng,với một nhân sinh quan của riêng mình… Và lần này, trong tâm thế của một tác giả luôn có mong muốn được thứ sức ở nhiều lĩnh vực văn học, Nguyễn Xuân Dũng cho ra mắt tập thơ Chiêm Nghiệm. 
  Có lẽ chỉ riêng cái tên của tập thơ đã phần nào nói lên chủ ý của tác giả trong tác phẩm của mình: Sau những trải nghiệm là những đúc kết, chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ nhân sinh, được mất cùng nhân quả mà trong đó mạch tình yêu, như một sợi chỉ đỏ vẫn được lấy là chủ đạo cho thi hứng của Nguyễn Xuân Dũng trong thơ.

Bìa tập thơ Chiêm nghiệm của tác giả Nguyễn Xuân Dũng

Bắt đầu là kỉ niệm về ” cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”. Một chiều mưa hai đứa nép chung dưới một mái hiên. Lạ lùng / ôi lạ lùng chưa/ tôi và em / đợi cơn mưa
qua thềm…/ Để cho một sợi mưa mềm/ buộc tôi vào với cùng em/ nhìn Trời…
Cơn mưa ngày ấy/ qua rồi/ Sợi mưa/ còn buộc hai người/ bên nhau!... Một kỉ niệm rất dễ gây nên một đụng chạm như là sự tiền định.
Một miền quê nghèo: Quê nghèo nghèo cả tên cây/bần xanh xanh cả tháng ngày tôi qua… chính là nơi đã nuôi người thơ khôn lớn và cũng là nơi tặng cho anh mối tình đầu trong trẻo:
Nhớ lắm
những trưa hè nắng cháy
đuổi bướm trên đồng
ép sách tặng em
… Củ khoai ngày ấy em trao
cái mùi khoai cháy
đêm nào cũng mơ
Giản dị, hồn nhiên và tuyệt vời trong sáng, tuyệt vời ấm áp. Thời gian trôi. Tuổi thơ trôi. Như bao người trai thế hệ trẻ những năm miền bắc trực diện đối đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ, người con trai ở tuổi chưa kịp nhận biết hết hương vị của tình yêu đã phải xa quê, xa người yêu
Chưa kịp lớn
anh đã đi ra trận
con bướm vàng
rã cánh giữa trang thơ…
Và cũng bắt đầu từ đây, dấu ấn của chiến tranh bắt đầu được ghi khắc. Không chỉ là những mất mát của tuổi trẻ phải để lại tuổi xuân trong những cánh rừng già. Không chỉ là máu xương đã đổ. Sự khốc liệt và tàn độc của chiến tranh còn tiếp diễn ngay cả khi tiếng súng đã ngưng im trên cả nước. Người lính trở về và đối diện với anh là một thực tế buồn:
Bến quê
một chiếc đò ngang
từ mùa thu cũ
còn đang cắm sào. 
Người đi biền biệt nơi nao
để con còng gió
nôn nao bãi bồi. 
Cô bé nướng khoai ngày nào giờ đã có chồng và theo chồng về nơi bến khác.
Em giờ lạc bước nơi nao
để chuồn chuồn cứ thâp cao kiếm tìm
Câu hỏi ném vào gió và không có hồi âm.
Cát đau ngọn cỏ lông chông
đêm nay có kẻ chăn bông bói mùa
Câu thơ buồn như một tiếng thở dài và cũng là điểm chấm hết cho một mối tình đầu vụng dại.
  Nhưng cuộc sống vẫn đi lên. Như sự hồi sinh của đất sau những bão giông, con người dần bình tĩnh lại. Và những mầm sống mới, mầm yêu mới lại hé lộ như một bù đắp. Là người luôn phải đối diện với cái chết và cái sống, cả trong chiến tranh lẫn trong hòa bình, chứng kiến cái lằn ranh mong manh sinh tồn nên  biết giá trị của cuộc sống. Biết cái gì là giá trị thật của cuộc đời để trân trọng, giữ gìn và để rồi tha thứ cũng như gạt bỏ. Tình yêu lại đến, cho dù vẫn có một chút băn khoăn:
Phía trước em là tôi
Phía sau em là ai?
Em có như gương nhỏ
Trước sau chỉ là tôi?
Là ngập ngừng, lo sợ vậy thôi- Cái tâm lí của một người đã trải qua sự mất mát. Sinh ra là nhìn thấy bầu trời
Hơn nửa đời người
với ta
trời chưa hết lạ…
Bất chợt chiều nay
lạ quá:
Em lần đầu
như vạn thuở quen nhau. 
Thực ra điều này mới nghe tưởng bình thường, chả có gì đáng nói. Song thực tế lại khác. Cái việc phát hiện ra sự quen ở em với tôi trong lần gặp này lại chứa đựng một điều khác lạ. Thì ra ta đã trong nhau từ bao kiếp trước, từ vạn thủa. Đã trong nhau từ tiềm thức, từ mỗi giấc mơ. Và điều đó có nghĩa, em chính là người anh mơ ước. Tình yêu mới đến đem lại cảm xúc mới:
Anh, người lính qua bao cửa mở
lại run run
trước cánh cửa trái tim…
Nhưng cao hơn, một phát hiện: Đây chính là nơi trú ngụ vững chãi để thuyền anh đỗ lại sau chặng dài bão giông:
Bằng yêu thương
bằng tha thứ dịu dàng
Em đối trọng
cho cuộc đời bão động
Như eo vịnh
vỗ về bao con sóng
Em chính là vịnh của đời anh.
Hạnh phúc thực sự đã đến. Một hạnh phúc không mộng mơ lãng mạn, không có bắt bướm hái hoa. Chỉ là một hạnh phúc giản dị nhưng bền chặt
Một mảnh vườn xinh rợp xanh màu lá
một góc sân yên ả bóng thời gian…
là nơi chốn ngập tràn hạnh phúc
em đón anh về sau một ngày xa.

Đời chìm nổi phong ba
bon chen và bươn bả
có người Đàn Bà trong nhà
có bến bờ yên ả…
Có thể coi đây vừa là nhận thức về hạnh phúc vừa là một bù đắp, một ân huệ của cuộc sống.
  Song hành với mạch thơ tình yêu đôi lứa là tình yêu dành cho quê hương đất nước, là tình cảm Nguyễn Xuân Dũng dành cho Mẹ. Có thể nói, với anh Mẹ cũng chính là quê hương.
Thương đời mẹ lắm gian truân
Chợ xa quẩy gánh nặng oằn đôi vai
Xót bàn tay mẹ sạn chai
Đau làn tóc đã bạc phai xuân thì
Bốn câu thơ làm nên một khái quát. Một hình ảnh chung về những người Mẹ- Những người mẹ không chỉ của riêng ai. Nghèo, vất vả nuôi con khôn lớn để dâng cho đất nước. Hy sinh tất cả chỉ quên mình.
Nước cạn bình vôi, trầu thiếu lá
Dầu khô đèn bấc, chợ không quà
Và sau những khắc họa ấy là sự thảng thốt nghẹn ngào của mất mát:
Năm mươi tuổi mẹ ra đi
Trời ơi mẹ đã có gì sướng đâu
… Buồn thì nhặt, vui thì thưa
Bữa ăn vắng mẹ cũng thừa vậy thôi
Nguyễn Xuân Dũng khi trở về quê hành trang được coi là đầy mất mát. Nhưng người lính ấy không gục ngã. Bởi anh hiểu dẫu sao cuộc sống vẫn là điều quý nhất. Và cái có được, còn lại được hôm nay cho dù còn gian khổ vẫn cần được gìn giữ. Bởi đó là tất cả những gì mà anh và đồng đội cũng như bao người phải đổ xương máu mới giành lại được.
Ta đau đáu quặn lòng tự nhủ
Phương ấy mờ xa…
nhiều đồng đội không về. 
Nhiều đồng đội của anh đã không được trở về. Và nhiều đồng đội anh khi sống và ngay cả khi ngã xuống đã không hề có một tính toán riêng tư, tất cả đều nguyện hy sinh cho đất nước:
Đất sâu ôm trọn nụ cười
Rừng sâu Mộ chẳng 
cần nơi mặt tiền…

Có bàn chân đạp lên ngọn núi cao
chẳng hề nghĩ đằng sau tượng đài sẽ mọc
Có giọt máu rơi vào lòng biển đảo
sớm mai xanh thức dậy một vì sao.
Và có lẽ cũng chính luôn đau đáu về những hy sinh mà bao người đồng đội, đồng chí đã cống hiến, nên trước những bất cập, những điều xấu đang diễn ra: Môi trường bị tàn phá, sự lên ngôi của kim tiền, sự bộc lộ những tham vọng cùng sự xuống cấp của đạo đức trong một bộ phận không nhỏ trong xã hội… đã làm anh day dứt không yên:
Ai nắn dòng để làm điện trắng
thương những dòng sông 
đang chết đầu nguồn…
Cơn bão Formosa dội vào lòng anh những con sóng bị nhiễm độc, chất độc đã hủy hoại môi trường sống của biển quê anh.
thương cá thương người
con nước cứ rưng rưng…
nước vẫn đấy mà như biển cạn
Anh còn đây thương con sóng bạc đầu…?
Không chỉ là thơ. Đây còn là trách nhiệm của người lính trước bất cứ biến động nào của cuộc sống đất nước.
Hơn 60 tuổi đời, 42 năm quân ngũ, sự trải đã mang lại cho Nguyễn Xuân Dũng những nhận biết, có khi thật buồn:
Có những lúc ta tìm lại cung đàn
Cây đàn cũ bản nhạc kia cũng cũ
Lời ca cũ bụi cuộc đời vương phủ. 
Tiếng đàn nghe cũng đã khác xưa rồi.
Vâng. Cuộc sống biến động. Nhiều cái đã khác. Có những cái khác đã làm không ít người hoang mang. Nhưng rồi, khi tất cả đã qua đi, những chênh chao lắng lại, bằng một tâm thế bình tĩnh của bản lĩnh người lính, Nguyễn Xuân Dũng đã cân bằng mình:
tiếng súng đã lùi xa
chỉ còn lại nụ cười em
và tấm lòng bè bạn.
Được và mất đã được anh nhận diện. Và đó là sự nhận biết cần thiết.
Vốn là một người lính. Được đào tạo thành bác sỹ quân y, nhiều năm gắn với mặt trận K. Sau này vẫn tiếp tục gắn bó với nghề y nên khi cầm bút hành Nghiệp văn, hình như nghiệp và nghề đã phần nào có sự ánh xạ sang nhau. Nghề buộc anh phải cẩn trọng trong mọi xét đoán, phải lật đi lật lại vấn đề để tìm ra căn nguyên của sự việc. Nghiệp văn có phải thế không, đôi khi cũng bị cái ” lật đi lật lại” ấy chi phối.

  Đa dạng trong cách thể hiện. Phong phú trong lựa chọn vấn đề. Sẵn sàng mở rộng biên độ tình cảm ra với nhiều mặt của cuộc sống, trong văn chương, kể cả truyện ngắn và Thơ, cũng giống như trong cuộc đời, Nguyễn Xuân Dũng đã và đang dũng cảm dấn thân trải nghiệm để rồi tiếp tục chiêm nghiệm và tạo dựng. Nguyễn Xuân Dũng đã là một cánh chuồn ớt, dù nhỏ nhưng đã chứng tỏ được bản chất cũng như tố chất của một người sáng tác. Anh có cách nhìn, cách thể hiện của riêng mình và điều quan trọng hơn, những cái riêng dù vẫn còn mỏng như cánh chuồn nhưng những lóe sáng trong cách nghĩ, cách vận hành Văn, đặc biệt sự thể hiện ý thức, tấm lòng cũng như trách nhiệm của người cầm bút đã bộc lộ và sự dấn thân đầy tâm huyết đó đã làm nên một hứa hẹn cho thành công của một cây bút trong tương lai. Có cơ sở để hy vọng ở anh điều đó.

Kao Sơn