(Nhân đọc Khúc hát những dòng sông)

Với dân tộc Việt Nam, những người phụ nữ đã có một lịch sử thiệt thòi bởi nhiều thứ áp lực nhân danh lề luật và đạo đức, bởi lệ thuộc và chiến tranh. Đã có nhiều huy chương, nhiều bằng khen, nhiều tác phẩm nghệ thuật ca ngợi họ, trừ một cuốn tiểu thuyết.
  Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang, có lẽ, trước hết là một sự báo đáp xứng đáng với Hoàng Thị Loan, với người mẹ nói chung. Và sau đó, là một tinh thần dấn thân của tác giả: một nhiệt tình, một hăm hở pha chút phiêu lưu. Đây là điều rất nên được ghi nhận.

Khúc hát những dòng sông của nhà văn Nguyễn Thế Quang

Có lẽ, trong khi viết, điều khó khăn nhất của tác giả là tự giải thoát khỏi ám ảnh chính trị, để xử lí một cách hài hòa mối quan hệ giữa nguyên mẫu và hình tượng, giữa “tình cảm thờ cúng” và tư duy nghệ thuật. Nhìn một cách toàn cục, có vẻ như tác giả đã thực hiện điều đó một cách hoàn hảo khi cố gắng lí giải Hoàng Thị Loan từ một góc nhìn khác với lệ thường, từ đó xây dựng được một hình tượng người mẹ vừa cụ thể vừa mang tính phổ quát. Hoàng Thị Loan trong cảm quan của Nguyễn Thế Quang trước hết cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác: tảo tần, chắt chiu, cam chịu nhưng cũng rất quyết đoán, đôi khi nhát sợ; một người mẹ, một người vợ, một người con gái nết na, hiền dịu nhưng kiên quyết. Có lẽ thái độ kiên quyết và hành động dấn thân của bà là yếu tố cơ bản nhất cho sự thành công của Nguyễn Sinh Sắc và chính nó cũng đã gieo rắc mầm mống của khát vọng dấn thân vào tâm hồn, vào nghị lực của cậu bé Cung, sau này là Nguyễn Tất Thành, là anh Ba, là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Bằng bản năng của người mẹ, Hoàng Thị Loan đã hình dung được những gì sẽ đến với số phận của những đứa con, nếu chấp nhận cho chúng ở lại cái làng quê đói nghèo của mình. Cũng bằng bản năng của người mẹ, bà đã biết hướng con mình tới điều thiện, không phải bằng những giáo huấn khô khan trong kinh sách, mà bằng tình cảm của người mẹ, bằng thực tiễn sinh động mà khi cần, bằng cả những ngọn roi của yêu thương và lo âu. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả vẫn là cách bồi dưỡng mầm thiện cho con mình trong cách tư duy của một nghệ sĩ: tưới vào tâm hồn con những tình cảm cao quý bằng những đêm nghe hát, bằng những điệu hò, câu ví của chính quê hương đất nước mình. Người đọc thật khó quên cái đêm trăn trở của bà về việc thuyết phục chồng, thuyết phục mẹ đẻ của mình để mạo hiểm đưa hai đứa con nhỏ dại theo chồng, nuôi chồng trên con đường thiên lí, với một phía trước mù mịt chưa định hình. Người đọc cũng thật khó quên cái đêm tối trên đèo ngang đối diện với con hổ trong khi chồng con đã ngủ, hay giây phút phải đối mặt với người đàn ông đầy ham muốn, dữ dằn và khốc liệt. Trong những lần nguy hiểm ấy, bằng sự dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam, thứ dũng cảm tội nghiệp xuất phát từ trách nhiệm – với tư cách là kí ức giới tính, bằng sự tỉnh táo nữa, bà đều đã vượt qua được. Nếu ở vào đêm tối trên đèo Ngang, Loan đã thoát khỏi cơn nguy hiểm bằng một may mắn tình cờ, (hoặc có một thế lực siêu nhiên nào đó ngầm giúp đỡ, dĩ nhiên người đọc vẫn có thể hiểu được khả năng mềm hóa, cảm hóa cái ác bằng “sức mạnh mềm” của người mẹ), thì trong lần đối diện với viên quản cơ ngay tại gian phòng đơn chiếc, tất cả mọi hiểm nguy đã qua đi đều do chính cách xử lí khôn khéo, uyển chuyển nhưng cương quyết và mạnh mẽ của Loan. Sáng tạo tình huống này, tác giả đã đặt Loan vào một hoàn cảnh hết sức éo le mà nếu không tỉnh táo, Loan đã không thể giữ nổi mình. Điều đặc biệt là, ngay trong giây phút hiểm nguy nhất ấy, bản năng của người phụ nữ đã được đánh thức, Loan vẫn còn dành một tấm lòng độ lượng để chia sẻ, cảm thông và cuối cùng, khuất phục được những ham muốn của người đàn ông kia, và còn giúp anh ta hướng thiện.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang  trong một  buôi giao lưu văn học nghệ thuật

Bên cạnh vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách, Khúc hát những dòng sông có lẽ cũng là tác phẩm đầu tiên có những dòng viết miêu tả vẻ đẹp hình thể của người mẹ Hoàng Thị Loan. Dù rất ngắn ngủi, nhưng miêu tả ấy là có điểm nhấn và rõ ràng cho thấy sức sống của nhân vật được bổ sung một cách trọn vẹn hơn. Vẻ đẹp hình thể được miêu tả ở đầu tác phẩm “Chao ôi! Mình cá trắm. Thắt đáy lưng ong. Cái sông mây rỗng không che được tấm thân tròn lẳn… cái cổ cao trắng muốt và đôi bời vai tròn trịa. Đằng sau tấm áo nâu bầm kia chắc sẽ là “tòa thiên nhiên” hồng hào dồi dào sinh lực” (trang 10). Ở một đoạn khác, tác giả để cho nhân vật trở về với những khao khát đã biến thành ẩn ức: “Khi con đã ngủ, Sắc xuống nhà dưới, bấm vào chân mình. Thế là hai người ra nhà ngoài… Chao ơi! Những giây phút hoan lạc thần tiên, Loan vừa nồng nàn, vừa mềm mại uyển chuyển trong đôi cánh tay mạnh mẽ và bộ ngực cường tráng của chồng. Người đâu mà khỏe lạ. Nghĩ đến đây, lòng chị thấy rạo rực, một nỗi thèm khát cháy bùng lên… như không thở được. Chiếc thoi ngừng ở giữa đường tơ” (trang 204). Đặt trong tương quan với những tác phẩm có đề cập đến bà Hoàng Thị Loan, có thể đây là một đóng góp của tác giả. Không bạo liệt để mang đến những chi tiết nhục cảm, những chi tiết “sex” trong tác phẩm chỉ tạo một độ căng thẩm mĩ hờ hững, vừa đủ để trả lại cho nhân vật những yếu tố cần và đủ của một người phụ nữ.
Ở đây tôi không muốn nói nhiều đến những trang viết về Hoàng Thị Loan trong tính chất là một bức vẽ chân dung nhân vật, như một số tác phẩm khác viết về một nguyên mẫu. Với những tư liệu có sẵn trong các sách vở, trong truyền tụng, một chút tưởng tượng, điều đó chỉ đủ cho người viết dán chặt vào bức tranh nhân vật, tất nhiên là vẫn sẽ rất sống động với những nhà văn có tài. Ở đây, tôi muốn nói đến một khía cạnh khác: Khúc hát những dòng sông không chỉ để viết về Hoàng Thị Loan.
Bởi vì trong mỗi bước gian truân của nhân vật, ta luôn thấy bà không đơn độc. Dụng ý của tác giả thông qua nhân vật Hoàng Thị Loan để kể những câu chuyện về những người mẹ Việt Nam là khá rõ, khi trùm lên không khí tác phẩm là sự xuất hiện hình ảnh những người mẹ đã trở thành biểu tượng, đã từng sống một cách mãnh liệt trong kí ức giống nòi.
Không thể phủ nhận rằng, trong văn học Việt Nam vài chục năm lại nay, tinh thần trở về với văn minh lúa nước, với thiên tính nữ, với mẫu, với mẹ… đã thực sự chiếm một vị trí đáng kể, và đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của văn chương. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều đó trong thơ Nguyễn Quang Thiều, trong các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Đình Tú, truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ… Tuy nhiên, hình như trong sáng tác của mình, Nguyễn Thế Quang đã khéo léo lựa chọn một lối đi riêng.
Nếu như trong phần lớn các tác phẩm viết về/ có liên quan đến người mẹ, người ta thường viết như sự tìm kiếm một kí ức văn hóa, một nỗi đau riêng lẻ thân phận hay tìm cho nhân vật một sự chở che, sự sẻ chia nào đó, thì với Khúc hát những dòng sông, Nguyễn Thế Quang đã mang đến một cái nhìn khá mới mẻ: thông qua nhân vật chính là Hoàng Thị Loan để làm một thao tác xâu chuỗi, hoặc một hành động tổng kết những phẩm chất, vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ với tư cách là Mẹ. Điều này cũng mang đến một nét khá thú vị trong cấu trúc xương sống của tác phẩm: sự xâu chuỗi hình ảnh những người mẹ bằng một cốt truyện lồng ghép hoàn hảo đã tạo nên vẻ đẹp dồn nén của phẩm chất người phụ nữ, và nói không ngoa, là trùng trùng những lớp sóng tình cảm của người đọc, trong chồng chất, trong bất tận những câu chuyện được kể. Và chính điều này cũng làm nên những triết lí thi vị của tác phẩm.
Có thể chia ra ba tuyến nhân vật phụ nữ chính trong tác phẩm. Tuyến một, bao gồm nhân vật trung tâm là Hoàng Thị Loan và những người phụ nữ có quan hệ nào đó về mặt đời sống với bà: cụ Kép Đường – mẹ của nhân vật; chị Cử San – vợ Phan Bội Châu, Đoàn mẫu – mẹ của Đoàn Tử Quang… Đấy là những người đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực, phẩm chất hay sự quyết định của Loan trong những công việc lớn nhỏ. Người ta có thể thấy ở đây, điều cao quý nhất là tinh thần sẻ chia giữa những người mẹ gồm nhiều thế hệ. Một trao đổi, động viên giữa những người phụ nữ cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh, một dặn dò của người đã trải nhiều sóng gió cuộc đời… Tất cả những điều đó dường như luôn tiếp sức cho nhân vật mạnh dạn bước trên con đường gian khổ mình đã lựa chọn, hoặc tiếp thêm nguồn năng lượng sống mà đến một lúc nào đó, có thể sẽ cạn kiệt bởi những giông bão của cuộc đời. Tuyến hai, bao gồm những nhân vật phụ nữ có thể coi là có thật nhưng đã trở thành quá khứ. Đấy là bà Đặng Thị Minh, vợ của Nguyễn Công Trứ, là thân mẫu của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm; là cô gái lái đò trên bến Ô Lâu; là bà Nguyễn Thị Đạo, là bà mẹ của thầy Nguyễn Thông. Ở mỗi người mẹ ấy, dù trực tiếp gặp gỡ hay không, Hoàng Thị Loan đều ít nhiều học được ở họ một điều gì đó, trong cái cách mạnh dạn đi khai phá một vùng đất mới để giải phóng những khát vọng, trữ năng, để mở ra một sự sống mới; là cái cách tìm chọn một người bạn đời để từ đó mở ra một sự nghiệp; là cách thủ tiết để thờ chồng mà nuôi con thành danh, nên người; là cách quyên góp tiền của để góp phần mở cho dân một con đường sống mới hơn, no ấm hơn. Tuyến ba, là những nhân vật được kể lại trong những huyền tích dân gian: Mạnh mẫu, Bích Châu, Mẫu Liễu Hạnh, người đàn bà huyền bí ở chùa Thiên Mụ. Nàng Bích Châu phải chết một cái chết tức tưởi, sau khi đã hi sinh tính mạng của mình để mở đường cho đoàn quân của vua Trần Duệ Tông đi mở cõi, dù cuộc chiến ấy, quân Trần đã thất bại, nhà vua đã trận vong; mẫu Liễu Hạnh bị đày xuống trần và cố gắng tưới nhuần tình yêu thương của mình lên trăm họ bằng cách trừ gian diệt bạo… Trên cả ba tuyến ấy,  nhân vật dù có khác nhau về thân phận, về hoàn cảnh, về đẳng cấp, nhưng đều có một điểm chung là khả năng phổ hóa tình thương, khả năng mang đến cho con người những gì tốt đẹp nhất. Những người mẹ cứ thế lần lượt xuất hiện trong tác phẩm, trải đều lên các phần viết, và trải đều trên không gian con đường thiên lí mà mẹ con Loan cùng cử Sắc đã đi qua. Điều này như một khẳng định của người viết, rằng tình mẹ là thứ phổ quát trên mọi miền kí ức và hiện hữu dân tộc.
Bên cạnh hình ảnh những người mẹ xuyên suốt trong tác phẩm là sự xuất hiện một cách khá dày đặc hình ảnh của những dòng sông. Cặp đôi hình ảnh sông và mẹ, vì thế đã trở thành cặp đôi biểu tượng có sức mạnh đại diện cho văn hóa Việt trong những trang viết cảm động của tiểu thuyết. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh dòng sông và kết thúc cũng bằng hình ảnh dòng sông. Thêm nữa, dòng sông còn có ý nghĩa như sự mở đầu và kết thúc số phận của nhân vật, hoặc, mở đầu và kết thúc bằng mở đầu và kết thúc thời gian nhân vật. Lần đầu tiên Hoàng Thị Loan xuất hiện bên bờ sông Lam quê nhà và trước khi đi vào cõi thiên thu, bà cũng đã có cả một buổi bên bờ con sông Hương mà lắng nghe chiều kinh thành trầm xuống. Cả hai con sông đều mang nặng trong mình những kí ức văn hóa và nỗi ưu tư nhân thế. Nguyễn Sinh Cung xuất hiện trong buổi chiều, cùng mẹ bên bờ sông Lam và tác phẩm khép lại trong hành trình đến sông Seine với những suy tư bộn bề, và với ý nghĩ “Ôi! Sông Lam – sông Hương – sông Sài Gòn… sông Seine… biển cả… Mẹ”.
Ở đây tác giả đã góp phần tái tạo một phần nào đó diện mạo dân tộc trong cái nhìn địa – văn hóa. Đất nước Việt Nam lam lũ bị o ép bởi dãy Trường Sơn và biển cả, những bức bối địa hình ấy bật lên thành vài nghìn con sông lớn nhỏ trải đều trên chiều dài đất nước, và nuôi nấng, chăm bẵm người Việt suốt những lở bồi để tạo nên những khu vực văn hóa có chiều sâu. Sông vì thế, không phải là người mẹ cụ thể của mỗi con người, nhưng đấy là người mẹ lớn của dân tộc. Bởi thế nên, dòng sông không chỉ xuất hiện trong phần mở đầu và kết thúc tác phẩm, mà còn thường xuất hiện trong mỗi biến cố nhận thức của nhân vật.
  Như vậy, có thể thấy rằng, Khúc hát những dòng sông, mặc dù được viết với số trang không bề thế, nhưng tác giả của nó đã làm được nhiều điều. Ông đã kể được một câu chuyện cảm động về người mẹ trong nỗ lực vượt thoát khỏi tư duy thông thường, để từ câu chuyện ấy, nâng tầm vóc của một người mẹ cụ thể – lịch sử thành một người mẹ lớn lao hơn, khắc khoải hơn trong tư duy văn hóa có chiêu sâu. Tác giả cũng biết khai thác những nguyên lí tư duy, nguyên lí nhân sinh có tính chất nguyên thủy, như là định mệnh của dân tộc để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cần được khám phá trong dung môi của nền văn hóa – văn minh lúa nước, nơi mà đời sống thường được làm nên bởi những người mẹ và những dòng sông.

Lê Thanh Nga

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, số 9/ Chào năm mới 2021)