Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan  – người trực tiếp  chứng kiến Lễ Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội – đã trò chuyện về những ký ức và giá trị của cách mạng tháng Tám trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ông kể:

Sự  khao khát tự do đã liên kết muôn người

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

   Lúc nổ ra cách mạng tháng Tám, tôi đang 8 tuổi và nhìn sự kiện này bằng nhận thức của một cậu bé con. Lúc đó, gia đình tôi đang sống ở ở Cầu Guột, cách huyện lỵ Phú Xuyên (Hà Tây cũ) khoảng 1 km. Đầu năm 1945 bỗng thấy xuất hiện quân sĩ Nhật, chúng chôn sống một người thanh niên ngay trên sân ga, truy lùng bọn Tây, đầm. Sợ quá, gia đình tôi chạy lên Hà Nội. Thời đó, bọn trẻ con chúng tôi cứ thấy sờ sợ mỗi khi lên khu Ba Đình ngày nay vì đó là khu phố Tây, trường Tây và bọn con Tây thường bắt nạt. Tâm lý ghét Tây hình thành từ đó. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, không còn bóng dáng bọn Tây, bọn Nhật nữa, chúng tôi thấy vui lắm. Lớn lên mới hiểu đó chính là niềm vui của người dân một nước độc lập! Lúc đó tràn ngập bầu không khí hồ hởi, đoàn kết muôn người như một. Tôi vui sướng chạy theo các đoàn biểu tình đông đảo, tập hợp đủ các tầng lớp nhân dân, rầm rập diễu qua các đường phố Hà Nội, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, các biểu ngữ giơ cao, miệng hô vang các khẩu hiệu yêu nước. Sau này, tôi càng thấu hiểu lòng yêu nước, sự khát khao tự do đã liên kết muôn người như thế nào.
Rằm trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thật đặc biệt. Tôi vẫn nhớ như in cuộc tập trận giả náo nhiệt ở hồ Hoàn Kiếm. Lũ trẻ chúng tôi  vây quanh bờ hồ, reo hò rầm trời, đua nhau ném vỏ bưởi xuống thuyền đánh đuổi bọn quân xanh. Dọc theo các đường phố, nhà nhà bày “bàn thờ Tổ quốc” ra trước cửa, khi phá cỗ mời chào bất kỳ người nào đi ngang qua. Sau này tôi có dịp đi nhiều nước nhưng không ở đâu thấy có cái tục “bàn thờ Tổ quốc” cả. Đó là bàn thờ truyền thống, có bát hương, cây nến, lọ hoa, ngũ quả, chỉ khác là ở giữa bày chân dung “Cụ Hồ” (lúc đó chưa gọi là “Bác Hồ”). Chưa được gặp, chưa biết nhiều về Hồ Chủ tịch, song ai cũng yêu quý vì tác phong giản dị của Người, trong dân gian rầm rì tin đồn mắt cụ rất sáng và cụ chính là Nguyễn Ái Quốc. Những câu chuyện chia sẻ ở trên để lại trong tôi cảm nhận không bao giờ phai mờ về không khí hồ hởi, tự do và lòng yêu quý đối với lãnh tụ dân tộc.
Một cảm giác nữa mà khi lớn lên tôi mới định nghĩa được là sức dân. Số là mùa Thu năm Ất Dậu (1945), nạn đói khủng khiếp hoành hành ở miền Bắc.
Trong bối cảnh bi đát như vậy, Bác Hồ kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, phát động phong trào “Hũ gạo tiết kiệm, thi đua sản xuất” và tổ chức “Tuần lễ vàng”. Dịp ấy, người dân Hà Nội kéo nhau đi hiến vàng để giúp nước như một ngày hội. Nhờ đó đời sống người dân ổn định, nạn đói bị đẩy lùi. Như vậy, Cách mạng tháng Tám đã thay đổi số phận người dân, giúp họ thoát khỏi cảnh đói khát để tạo lập cuộc sống ấm no.
Còn đọng lại trong tôi, đó chính là hào khí cách mạng lúc bấy giờ. Ngày 17/8/1945 có cuộc mít-tinh, tôi trèo lên hàng rào, chứng kiến hàng nghìn, hàng vạn người tập hợp, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới theo những nhịp chạy của họ. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều cờ đỏ sao vàng như vậy, phủ đầy địa điểm của Nhà hát Lớn. Sau mít-tinh, mọi người kéo đi, vừa đi vừa hô to ủng hộ Việt Minh, phản đối phát-xít Nhật. Dòng biểu tình ấy chính là khí thế của nhân dân. Cách mạng tháng Tám đúng là cuộc cách mạng của nhân dân. Đến ngày 2/9, chúng tôi kéo lên Quảng trường Ba Đình để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.
Ấn tượng tiếp theo với tôi là sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân hồ hởi tham gia xây dựng chính quyền mới. Đó là cái không khí phấn khởi vào ngày 6/1/1946, khi lần đầu tiên người dân được cầm lá phiếu bầu chọn những người đại biểu của mình, thể hiện quyền công dân của một nước độc lập.
Nhà báo Phùng Nguyên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng một số giá trị của Cách mạng tháng Tám mà ông vừa nói đến đã dần mất đi trong xã hội hôm nay?
Bác Hồ từng nói đại ý: khi làm cách mạng, tiến hành kháng chiến thì lợi ích chung gắn kết mọi người lại, nhưng trong hoàn cảnh hòa bình thì xuất hiện những lợi ích khác nhau. Thật vậy, trong hoàn cảnh làm ăn thời bình thường nảy sinh những lợi ích vật chất cụ thể, chứ không chỉ có nhân tố tinh thần. Vì vậy, có những giá trị không còn như trước cũng là điều dễ hiểu, đừng bi kịch hóa quá. Điều đáng lo nhất hiện nay chính là sự phân hóa giàu nghèo quá đáng, tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, chia rẽ con người. Nếu phân hóa giàu nghèo ngày một lớn sẽ làm cho khối đoàn kết toàn dân rã ra, nhất là không ít người, cả cán bộ đảng viên giàu lên bất chính. Có thể nói, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám hầu như không có hiện tượng tham nhũng, nhưng Bác cũng đã cảnh tỉnh về tệ quan liêu, hạch sách của cán bộ. Tôi có vinh hạnh được tiếp cận các nhà lãnh đạo thế hệ lập quốc, những người học trò của Bác Hồ. Tôi thấy họ rất thông tuệ, sống rất trong sạch, khoảng cách lãnh đạo và người dân gần như không có. Lãnh đạo gần dân, là niềm tin của dân, làm việc ngày đêm vì dân. Và họ đối xử với nhân sĩ trí thức rất đàng hoàng, tạo nên sự đoàn kết giữa Đảng với các tầng lớp khác, từ đó người dân theo. Những phong trào như Bình dân học vụ, Hũ gạo kháng chiến đều đi vào lòng dân, rất thực chất, được toàn dân thực hiện. Bác Hồ làm gương thật sự chứ không chỉ kêu gọi, biến việc đó thành một phong trào tự giác của toàn dân chứ không mang tính hình thức như một số phong trào hiện nay. Đó cũng là một di sản tốt đẹp của Cách mạng tháng Tám.
Những giá trị của cách mạng tháng Tám vẫn còn đó
Nhà báo Phùng Nguyên: Sau 75 năm Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ông suy nghĩ gì về những giá trị ban đầu mà ông cảm nhận được khi đang là cậu bé 8 tuổi chứng kiến sự kiện lịch sử này?

Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Tư liệu

Sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc ta lại rơi vào số phận phải đương đầu với biết bao thử thách, phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá, không những chẳng được yên hàn mà còn kéo lùi sự phát triển. Sau 75 năm, thế và lực của chúng ta được tăng lên nhiều. Lúc mới giành độc lập năm 1945, Việt Nam không quốc gia nào công nhận, nhưng bây giờ thì Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, có vị thế trong các tổ chức quốc tế. Kinh tế đất nước sau 75 năm đã khác, đời sống nhân dân cũng thay đổi nhiều… Những giá trị của Cách mạng tháng Tám như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí vươn lên thoát khỏi mọi hiểm nguy… vẫn còn đó, nhất là khi phải đối mặt với nguy nan. Để khơi dậy và nhân lên những giá trị ấy, điều có ý nghĩa quyết định là củng cố lòng tin của dân bằng những hành động thiết thực, cụ thể, bằng tấm gương trong sáng của cán bộ, đảng viên!
Chỉ có mấy trăm đảng viên mà làm nên Cách mạng tháng Tám, nay mấy triệu đảng viên chẳng lẽ không đưa được đất nước lên hàng giàu mạnh, văn minh? Điều quan trọng nhất là nhìn lại lịch sử để rút ra bài học. Vậy bài học của Cách mạng tháng Tám là gì? Theo tôi, nói gọn lại, bài học cơ bản là có một đường lối lãnh đạo đúng và biết khơi dậy sức dân. Ngay trong bối cảnh hiện nay, dù là khắc phục khó khăn kinh tế hay bảo vệ chủ quyền, “bảo bối” vạn năng vẫn là dựa vào sức dân, khơi dậy sức dân.
Nhà báo Phùng Nguyên: Thưa ông, đại dịch Covid -19 đang  tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, có thể nói là một nguy nan mà chúng ta phải đối mặt. Ông nhận định gì về tình thế này và làm thế nào để  khơi dậy và nhân lên sức mạnh của dân tộc để vượt qua thử thách?
Chúng ta đã thành công bước đầu trong chống dịch Covid- 19, nhưng tình hình còn đang diễn biến rất phức tạp ở trong nước và trên thế giới, nhất là các nước đối tác lớn của chúng ta về kinh tế. Bây giờ còn quá sớm để nói một cách chắc chắn về chiều hướng kinh tế hậu Covid-19, chưa biết lúc nào là “hậu” cả. Hơn nữa, Việt Nam có một nền kinh tế rất mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP – một trong những nước có độ mở kinh tế hàng đầu trên thế giới. Cho nên, nền kinh tế Việt Nam hồi phục như thế nào, tùy thuộc rất nhiều vào tình hình thế giới. Quá sớm để dự báo gì về kinh tế thế giới nhưng có thể khẳng định sự khôi phục của nền kinh tế thế giới dự cảm sẽ khó khăn, chậm và sẽ kéo dài. Tình hình đó tất yếu ảnh hưởng đến nước ta.
Bên cạnh, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng và kéo dài, có một nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế nước ta, đó là chủ nghĩa bảo hộ tăng lên, chuỗi phân phối bị đứt đoạn, cạnh tranh kinh tế kinh tế gay gắt…Từ nhận thức đó, tôi cho rằng chúng ta có cơ hội để phục hồi kinh tế, vì dù sao đi nữa tới thời điểm này, việc chống dịch bệnh của Việt Nam tương đối thành công, hy vọng rằng với kinh nghiệm đã có sẽ tránh được làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng. Đó là một lợi thế. Một lợi thế khác là thị trường nội địa của Việt Nam khá lớn, khoảng 100 triệu dân, trở thành bệ đỡ của sự phát triển kinh tế khi mà xuất nhập khẩu gặp khó khăn.
Mặt khác, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, Việt Nam được coi là bến đậu an toàn cho sự hợp tác đầu tư, buôn bán. Điều này liên quan đến bức tranh cơ cấu chiến lược toàn cầu với sự dịch chuyển sang châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương của nền kinh tế thế giới. Đó là những yếu tố bên ngoài có lợi cho ta.
Ở bên trong, lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố qua nhiều hoạt động như chống tham nhũng, chống Covid-19, sự đoàn kết trong xã hội tốt hơn, được bộc lộ mạnh mẽ hơn. Những nhân tố đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn một số nước khác nhưng nhìn chung vẫn khó khăn. Vì kinh tế Việt Nam có tăng trưởng bao nhiêu thì vẫn tăng trong xuất phát điểm bị tụt xuống. Cho nên, trước hết phải lấy lại những cái đã có, rồi từ mức đó phát triển lên.
Nhìn dài hạn, với đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra, sẽ định hình cho sự phát triển kinh tế 5-10 năm tới và tầm nhìn đến 2045. Chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc từ rất sớm, từ khi chưa có đại dịch Covid -19. Tình hình đại dịch Covid -19 hiện nay sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cho bước đường sắp tới. Tôi tin tưởng Đảng và Nhà nước đang có những suy nghĩ để định hình lại cách phát triển đất nước như thế nào.
Chờ đợi sự đột phá trong hành động
Nhà báo Phùng Nguyên: Thưa ông, đại dịch Covid -19 tác động rất mạnh với đời sống kinh tế – xã hội của Việt Nam, lại đúng thời điểm sắp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo ông, trước thực tế này, văn kiện Đại hội Đảng cần sự điều chỉnh như thế nào, cần cách tiếp cận nào để đưa đất nước thích ứng với trạng thái mới và phát triển?
Tôi nghĩ, đứng về mặt thuần túy kinh tế, chúng ta đang xây dựng và chuẩn bị thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trung và dài hạn: 5 năm (2021 – 2025), 10 năm (2021 – 2030) với tầm nhìn 25 năm (tới năm 2045). Theo tôi, trong văn kiện Đại hội Đảng không nên “chốt cứng” các chỉ tiêu mà việc cần linh hoạt hơn, tùy theo diễn biến của tình hình để điều chỉnh. Bởi vì có rất nhiều nhân tố không thể dự báo được. Tôi nhận thấy tần suất khủng hoảng kinh tế tăng lên nhiều. Đây đang là thời điểm của “trạng thái bình thường mới” với nét đặc trưng là “những điều bất thường trở thành bình thường”(!). Cục diện oái ăm này không phải là mới. Nhớ lại khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (1991 – 2000) đâu có ngờ năm 1997 nổ ra khủng hoảng khu vực? Khi soạn thảo Chiến lược 2001 – 2010 có ai nghĩ tới cuộc khủng hoảng trầm trọng bùng phát năm 2008? Khi làm kế hoạch 10 năm (2011- 2020) không ai hình dung nổi đại dịch toàn cầu sẽ bùng phát vào năm chót. Một phần quan trọng vì vậy cho nên chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của các Chiến lược 10 năm không đạt mức mong muốn. Ðiều gì sẽ đón đợi trong 5, 10 hay 25 năm tới là rất khó đoán định. Chỉ riêng dịch bệnh thôi thì trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 đã xảy ra tới 5 đại dịch, nếu kể cả đại dịch toàn cầu lần này. Thực tế ấy, đòi hỏi mọi quốc gia phải tính toán các phương án trung và dài hạn hết sức cơ động, linh hoạt.
Bên cạnh đó, nền kinh tế chúng ta quá mở, tùy thuộc vào kinh tế thế giới trong khi bên ngoài lại đang xáo động, nếu không thay đổi chính sách theo hướng nhấn mạnh hơn thị trường nội địa thìsự phát triển kinh tế sẽ thiếu vững chắc. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước thu nhập cao, muốn vậy phải có một nền kinh tế tự chủ, dựa vào nội lực là chính. Vì thế, cần cân bằng lại “gien nội” và “gien ngoại”, làm sao “gien nội” trội hơn và “gien nội” trong cơ cấu kinh tế. Điều đó phải  được thể hiện trong nền tảng công nghiệp, trong khi chính sách công nghiệp hóa của chúng ta đã bị lỡ hẹn mấy lần rồi. Cách mạng công nghệ 4.0 nếu không có nền tảng công nghiệp cũng không thể tiến lên được.
Tôi nhận thấy, chúng ta có nhiều chủ trương đúng, nhưng khâu tổ chức thực hiện cứ nhìn vào thực tế sẽ có câu trả lời.  Chủ trương tái cấu trúc đã nêu ra từ đại hội Đảng lần thứ XI, nhưng kết quả không như mong muốn. Chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ cũng nêu ra lâu lắm rồi nhưng trên thực tế chưa hình thành được nền công nghiệp phụ trợ.
Chính vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Đã có rất nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng trong nhiều lĩnh vực. Tôi thấy hầu như không có lĩnh vực quan trọng nào mà không có nghị quyết. Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới tôi chờ đợi nhiều vào sự đột phá trong hành động hơn là sự đột phá về chính sách .
Chúng ta có văn hóa phong trào, cái gì cũng phong trào, “ra quân”, thế rồi ào đi, mọi thứ lại đâu vào đấy. Năm ngoái là phong trào khởi nghiệp, đi đâu cũng nghe nói về Star-up nhưng giờ lại thấy vắng lặng. Điều quan trọng là hô hào về phong trào khởi nghiệp nhiều nhưng những chính sách đi kèm để có nền kinh tế khởi nghiệp lại không có.
Trong cách tiếp cận của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tôi nghĩ cần thấy sâu hơn những thách thức sẽ nảy sinh trong những năm tới. Đó là dân số sẽ già, kỷ nguyên dân số vàng sắp qua, nguy cơ già hóa dân số cận kề, đòi hỏi chất lượng lao động ngày càng cao trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội mà chúng ta đang cảm nhận được rất rõ rệt. Tính bất trắc tăng lên rất nhiều.
Nhà báo Phùng Nguyên: Covid-19 trong góc nhìn của ông – một người già đang nghỉ hưu và một chính khách từng nhiều năm làm công tác đối ngoại?
Tôi về hưu là dân thường thôi, tôi đi loanh quanh các khu phố gần nhà và nhận thấy nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều người thất nghiệp không kế sinh nhai, tiềm ẩn những bất ổn về an sinh xã hội. Những vấn đề xã hội này chúng ta chưa tính được hết nhưng rất đáng quan tâm.
Có thể còn quá sớm để nói, nhưng tôi cảm giác thế giới đang bước sang một trang mới chứ không phải cục diện mới, trạng thái mới. Đây là một sự chuyển mình mang tính thời đại chứ không phải cục bộ. Cách sống, cách giao tiếp, cách học, cách làm việc đều thay đổi, cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất thay đổi, phương pháp quản lý thay đổi, an ninh quốc phòng thay đổi. Phải chăng đó là một thời đại mới?
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phùng Nguyên (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông lam, số Đặc biệt tháng 8+9/2020)