Nhắc đến ông, người ta biết đến một con người dám nghĩ, dám làm và làm quyết liệt đến cùng vì niềm đam mê hoạt động văn hóa. Nhắc đến ông, không thể không nói đến một sức thuyết phục lớn với những ai được trò chuyện hay làm việc cùng ông. Và hơn hết, ông luôn đối đãi với cuộc đời bằng một trái tim, một lối sống đầy nhân ái.

Ông là Nguyễn Hữu Thuông, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, nguyên Chủ nhiệm (Giám đốc) đầu tiên của Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Nghệ An. Nói đến Nguyễn Hữu Thuông, không chỉ cán bộ ngành Văn hóa Nghệ An mà nhiều địa phương trên cả nước, cả ở Trung ương, và nhiều văn nghệ sĩ đều trân quý.

Ông Nguyễn Hữu Thuông (thứ 3) từ phải sang đang làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa Nghệ Tĩnh, năm 1990. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Những dấu ấn “đầu tiên”

48 năm công tác thì có tới 35 năm ông lăn lộn, say sưa với hoạt động văn hóa. Đầy trí tuệ và nhiệt huyết, luôn xông pha, không sợ khám phá cái mới, cái khó, đã đưa ông vào tầm ngắm của lãnh đạo để khai mở những đơn vị mới của ngành. Đời làm cán bộ văn hóa của ông vì vậy đã gắn liền với bốn sự kiện lớn đều mang dấu ấn “đầu tiên”.

Ông là người được lựa chọn để giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Văn hóa quần chúng đầu tiên của ngành Văn hóa Nghệ An (1958). Cách làm văn hóa của ông là về tận xóm, xã, huyện để chỉ đạo xây dựng phong trào. Bước chân của ông rải khắp các miền quê, tỏ tường phong trào mạnh yếu từng địa phương, nên ông rất được anh em ở cơ sở quý mến.

Rồi ông được chọn để giao trọng trách nặng nề, làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Văn hóa, Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành. Lúc đó, Nghệ An đang là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Trong bối cảnh không có đầu tư ban đầu, không trụ sở, biên chế 6 người, Nguyễn Hữu Thuông kiên quyết: Không có trụ sở thì đi mượn, thiếu giáo viên thì đi mời và ông kiêm luôn thầy dạy, thiếu lương thực thì tự chạy vạy; sợ máy bay địch phát hiện thì học ban ngày, ban đêm thảo luận trong bóng tối… Cứ như thế, thầy và trò cùng vật lộn để hoàn thành hai lớp học đầu tiên về sân khấu và văn hóa quần chúng kịp về xây dựng chương trình phục vụ Tết năm đó. Sau nay, khi kể về những ngày tháng này, ông đã khôi hài: Không có chi mà hóa hay, mỗi lần hành quân đỡ mang vác nặng, đỡ hao tổn sức khỏe. Chỉ trong 7 năm, trường đã phải chuyển tới 6 địa điểm thuộc 4 huyện. Thầy trò đi tới đâu những lớp học mới xuất hiện dưới những mái tranh tre dựng tạm. Đào tạo dài ngày, bồi dưỡng ngắn ngày, rồi tập huấn… năm nào trường cũng cho ra lò từ 150-300 học viên các ngành: Văn hóa quần chúng, Sân khấu, Âm nhạc, Bảo tàng, Thư viện, v.v… Chiến tranh phá hoại tạm ngừng, ông lại lo xa đến chính sách sau tốt nghiệp cho học sinh. Được sự đồng ý của ngành, ông vác cặp ra gặp Vụ Đào tào, Bộ Văn hóa, Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ đề nghị nhận Trường Văn hóa, Nghệ thuật Nghệ An là một phân hiệu của trường Bộ… Kết quả, được chấp nhận. 13 năm xây dựng trường, ông đã thu hút, tạo lập được một đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, nhất là khoa văn hóa, nghệ thuật; đã mời được các thầy giáo nổi tiếng ở các trường đại học trung ương và Đại học Vinh về giảng dạy các môn KHXH cơ bản, nên chất lượng dạy và học của trường lúc đó. Các thế hệ sinh viên của ông rất nhiều người sau này thành danh như cố nhạc sĩ An Thuyên – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Nghệ thuật Quân đội, nghệ sĩ Kim Tân – nguyên Trưởng Đoàn Chèo Nghệ An, NSƯT Danh Cách, Nguyễn Bá Hòe – nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật Nghệ An, Trần Thạch – nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Trung ương, Đào Tam Tỉnh – nguyên Giám đốc Thư viện Nghệ An, Võ Thị Nguyệt – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Chương, v.v…

Tiết mục của Đoàn nghệ thuật tỉnh Gia Lai – Kon Tum tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc lần thứ 2 năm 1985. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Rồi ông là Chủ nhiệm/Giám đốc đầu tiên của Nhà văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh (thành lập năm 1979). “Gọi là nhà nhưng không có nhà”, đó là câu nói của ông mỗi khi giới thiệu về cơ quan mình. Ty Văn hóa cho mượn 3 gian nhà tranh. 10 con người cùng ông bươn chải, lăn xả vào công việc: “vừa hoạt động, lấy hoạt động làm chính rồi xây dựng dần từng bước, từ tay không đến ổn định”. Câu khẩu hiệu nằm lòng với ông và toàn thể anh em định rõ phương thức xây dựng và hoạt động của cơ quan. Nhà văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh do ông gây dựng chính là Nhà văn hóa cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Không mô hình, không lý luận, ông tự mày mò xây dựng quy chế hoạt động, xem đó như một bộ quy tắc, một tài liệu chuyên môn cho anh em làm việc. Bản quy chế này ông viết ra trước khi Bộ Văn hóa ban hành quy chế của Bộ tới 3 năm nhưng không hề sai lệch. Anh em đã cùng ông lặn lội về cơ sở xây dựng hệ thống nhà văn hóa huyện, xã, CLB cơ quan, xí nghiệp; xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Không hội trường thì đi thuê, đi mượn để tổ chức các hoạt động tại chỗ: hội thi, hội diễn…. Bằng tài thuyết phục và uy tín cá nhân, ông đã thuê được Công ty Xây dựng I xây giúp cho nhà hội trường có sức chứa 350 chỗ ngồi, tới 3 năm sau mới trả hết nợ. bước chân ông rảo khắp các địa phương để vực dậy, phát triển phong trào văn hóa quần chúng. Chính ông đã tới gặp lãnh đạo thành phố Vinh, các huyện Nghi Lộc, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… để thuyết phục họ giúp các Nhà Văn hóa trung tâm huyện tháo gỡ khó khăn. Đơn vị thành phố Vinh có tới mấy lần bị tỉnh và thành phố ý kiến giải thể hoặc sáp nhập vào Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh vì hoạt động kém. Ông kiên trì thuyết phục với lý lẽ vững chắc: Mỗi đơn vị có một chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ riêng, phải thực hiện đúng quy chế của Bộ, nếu nhập lại người dân thành phố Vinh sẽ thiệt thòi trong việc hưởng thụ văn hóa. Ông quyết giữ vì đời sống tinh thần của người dân thành phố nên ông phải dồn sức vực dậy Nhà Văn hóa này. Sau đấy, Nhà Văn hóa thành phố Vinh đã thực sự khởi sắc, bõ tâm huyết và công sức ông bảo vệ. Dường như những gì gắn bó với cơ sở, thiết chế văn hóa cơ sở đều gắn với ông như là máu thịt. “Ông yêu quý và thương anh em cơ sở lắm. Dù đang trong bữa ăn ông cũng sẵn sàng bỏ dở để làm việc. Không thể để anh e phải chờ đợi, vì ông hiểu, việc đi lại rất khó khăn, vất vả. Ông phải khẩn trương cho anh e còn kịp về. Vì vậy cán bộ cơ sở hầu như ai cũng quý, cũng yêu mến ông” – chị Bùi Thị Tuyết, nguyên cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin huyên Yên Thành chia sẻ. Bằng cách làm tận tâm ấy, 14 năm “cầm quyền” ông đã góp công xây dựng nên một hệ thống Nhà văn hóa phủ kín từ xã đến huyện với 27/27 nhà văn hóa huyện, 136 NVH xã, nhiều CLB của cơ quan, xí nghiệp hoạt động vô cùng sôi nổi. Có thể nói, Nhà văn hóa Trung tâm thời ông làm giám đốc chính là thời kỳ vàng son nhất.

Một sự đánh giá rất công bằng của Giám đốc Nhà Văn hóa Trung ương Phùng Xuân Bính vào năm Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh tròn 10 tuổi, đã ghi nhận công sức, đóng góp to lớn của Nguyễn Hữu Thuông với sự nghiệp văn hóa: “Chúng tôi coi Nhà Văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh là một trong các thiết chế văn hóa mẫu mực, là con chim đầu đàn đã có tiếng vang trong toàn quốc… Nhà Văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh là một trong những nhà văn hóa tiêu biểu của cả nước, ngoài những đóng gọp cụ thể cho sự nghiệp văn hóa quần chúng của tỉnh nhà, Nhà Văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh còn có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp văn hóa quần chúng của cả nước…”

Nhiệm vụ “đầu tiên” thứ 4, ấy là ông trong vai trò người khởi xướng một phong trào văn nghệ quần chúng và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của cả nước, đó là “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen” (LHTHLS). Cái tên gọi ban đầu “Liên hoan hát từ Làng Sen” cũng là do ông đặt ra. Đây là một sinh hoạt văn hóa đã làm mới mẻ các hoạt động văn nghệ quần chúng vốn có. Liên hoan lần đầu tiên với quy mô toàn quốc vào năm 1982, nếu không phải ông chịu trách nhiệm gánh vác có thể nó đã không được diễn ra. Mọi việc chuẩn bị đang rất suôn sẻ, tất cả các đoàn tham gia đều hứng khởi lên chương trình, thì có điện từ Văn phòng Trung ương Đảng: hoãn tổ chức vì năm nay mất mùa, đói. Không thể để một ý tưởng tốt đẹp, làm giàu có cho đời sống tinh thần của người dân bị dập tắt, ông quyết không ngồi yên chấp nhận. Biết tin có vị lãnh đạo tỉnh không đồng ý tổ chức nên can thiệp, ông bàn với Ty Văn hóa, rồi ra Hà Nội tham khảo ý kiến của Bộ Văn hóa, Nhà Văn hóa Trung ương xong mới lên văn phòng Trung ương Đảng báo cáo, thuyết phục. Cuối cùng liên hoan vẫn diễn ra, nhưng thu hẹp quy mô với 5 đoàn tham gia. Từ mốc son đó, năm nào Liên hoan Tiếng hát Làng Sen (là tên được đổi về sau này) cũng được tổ chức từ cơ sở đến tỉnh, và 5 năm một lần với quy mô toàn quốc. Ông Trần Hồng Cơ, nguyên Tổng Biên tập báo Lao động Nghệ An hào hứng kể: Mấy cuộc liên hoan Toàn quốc thời gian đầu, nhiều ca sĩ, diễn viên của các đoàn đã không cầm được nước mắt. Họ hát với sự xúc động thực sự. Và tình cảm ấy lan tỏa đến cả người xem. Ông Cơ nhớ mãi một cuộc Liên hoan toàn quốc, trong khi chờ ban Giám khảo công bố kết quả, nhạc sĩ Phạm Tuyên lên nhận xét về chuyên môn. Sau lời giới thiệu, nhạc sĩ vừa đứng lên cả hội trường đồng loạt vỗ tay, và ông bước lên sân khấu trong tiếng đồng ca – một ca khúc nổi tiếng của ông “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Tình yêu Bác được mọi người con Việt trong hội trường bất chợt tự thể hiện bởi họ đang có một môi trường đẹp cho cảm xúc thăng hoa. Chính ông đã góp phần làm nên điều kỳ diệu ấy!

LHTHLS đã làm giàu có, phong phú đời sống tình thần cho người dân xứ Nghệ, khởi sắc phong trào văn nghệ quần chúng từ cơ sở đến tỉnh, tạo nên một nguồn lực dồi dào về sáng tác ca khúc với đội ngũ nhạc sĩ đông đảo cùng những tên tuổi lớn trong và ngoài tỉnh – một yếu tố vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng, duy trì phong trào qua suốt hàng chục năm; là môi trường đào tạo đội ngũ dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng lý tưởng. Và hơn thế, nó còn có sức ảnh hưởng lớn tới nhiều địa phương trong cả nước. Điều này đã được lãnh đạo ngành Văn hóa nhiều địa phương khẳng định trong dịp Hội nghị tổng kết 20 năm Liên hoan THLS tổ chức vào năm 2001 tại Nghệ An.

Từ Liên hoan THLS do ông khởi xướng, 20 năm sau tỉnh Nghệ An đã phát triển thành Lễ hội Làng Sen – lễ hội tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm vinh dự ấy, mấy ai có được!

Một tiết mục trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2019. Ảnh: Kiều Nga

Chữ “nhân” trọn vẹn với đời

Con người ông thật lạ. Chỉ nói về đời sống thường nhật của ông thôi, người đời đã có cả kho để kể, chuyện ông đối đãi với bạn bè, đồng nghiệp, giao hữu với văn nghệ sĩ, rồi cả chuyện rất nhiều đàn bà say mê ông,… Lại lạ nữa, là tất cả những câu chuyện, dù là chuyện tình cảm hay chuyện vui, đều được kể bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến, kính trọng. Ngẫm ra, ông đã đối đãi với người, với đời bằng cả tấm lòng nhân ái, thì một lẽ tự nhiên, lúc còn tại trần hay đã rời xa cõi tạm, ông sẽ được người, được đời trao tặng tấm lòng.

Ông Trần Hồng Cơ, người may mắn được làm “lính” của Nguyễn Hữu Thuông khi mới về làm việc tại ngành Văn hóa đã không ngớt lời khen ngợi thủ trưởng cũ của mình: “Uy tín cá nhân của anh Thuông rất lớn. Đó là uy tín của một người thủ lĩnh, một người có sức thuyết phục tài tình với tất cả mọi người, dù họ là ai. Không chỉ động viên, khích lệ được toàn bộ anh em làm việc hết mình, ông còn thuyết phục được cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa ở Trung ương và với cả giới văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh đồng tình cộng sức với ông trong các hoạt động văn hóa.”

Cây đa lớn trước căn phòng làm việc của ông tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh, chính là một địa chỉ quen thuộc mà ở đó ông đã ngồi đàm đạo, giao hữu với rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi. Những Phạm Tuyên, Trần Hiếu, Trần Tiến, v.v… và biết bao nhiêu nhạc sĩ trong tỉnh, trong nước đã luôn sát cánh bên ông, làm nên lực lượng sáng tác hùng hậu nuôi dưỡng cho LHTHLS. Họ đến với LHTHLS không chỉ bởi đó là những sáng tác về Bác, về quê hương Bác, mà một phần còn vì họ rất nể ông, quý cái tâm huyết của một người làm văn hóa luôn luôn đam mê, hừng hực sức sống và “chơi đẹp”.

Sống ở đời, khi đã nghỉ hưu hay đã về bên kia thế giới, được anh em đồng nghiệp vẫn thường lui tới thăm hỏi, được họ nói về mình với sự mến yêu và biết ơn, đó là mơ ước của rất nhiều người thời nay. Ông chẳng phải mơ. Ông đã vun trồng cây, nay đời trao ông quả ngọt. Dù về sống ở ngoại ô thành phố Vinh, nhưng mọi người vẫn tìm đến ông thăm chơi, nói chuyện; lại có những người tìm ông để khai thác cái “mỏ” thông tin về ngành Văn hóa mà ông luôn dồi dào. Năm 2015, trong một lần Tạp chí Văn hóa Nghệ An làm sách cho ngành, tôi cũng tìm đến cậy nhờ ông. Dù đã cập kề tuổi chín mươi, bệnh tật, sức yếu, nhưng nhiệt huyết làm việc và tài nói chuyện của ông không hề thuyên giảm. Ông vẫn nhớ từng câu chuyện, nhiệt tình cung cấp cho tôi những tài liệu công việc của ngày nào mà ông còn lưu giữ. Tôi có cảm giác như lúc nào ông cũng say mê, trân quý công việc mà ông theo đuổi cả đời. Và có ai đó quan tâm đến điều này, ông cho hết với một niềm hạnh phúc.

Ảnh: Kiều Nga

Những người “lính” của ông vẫn đến chơi, thăm thủ trưởng khi ngày lễ tết, hay đi qua về lại tiện đường. Người ta biết ơn ông vì ông đã chăm lo cho họ như một người anh cả, một người cha trong gia đình. Ông làm Giám đốc Nhà Văn hóa Trung tâm từ 1989-1993, thì đây chính là thời kỳ mà anh em dưới trướng được ông chăm sóc đầy đủ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Họ vẫn thường nói với nhau: Đó là thời kỳ ‘dân Nhà Văn hóa tỉnh’ sướng nhất ngành. Dù đang cơ chế bao cấp, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn, khó khăn, không biết ông tìm được nguồn kinh phí ở đâu, nhưng mỗi cái tết đến, anh em lại thấy ông đôn đáo ngược xuôi, tìm mua nước mắm, thịt, mỡ, gạo nếp, kẹo, rượu…. Anh em Nhà Văn hóa gần như không phải lo mua sắm Tết vì đã có thủ trưởng Thuông lo cho cả. Ông nắm rõ tình cảnh gia đình mỗi nhân viên. Sẻ chia, động viên và đóng luôn vai trọng tài để phân xử cả những vụ việc tình cảm gia đình của họ. Chuyện vui hay chuyện buồn của anh em ông đều thông tỏ, ghé vai gánh vác. Hồi đó, có nhạc sĩ Bùi Bá Linh bị trọng bệnh. Ông Thuông dặn con cái của nhạc sĩ, lúc nhà lâm việc thì báo ngay. Nhận được tin dữ, ông và anh em ra huyện Yên Thành ngay cùng gia đình lo chu toàn việc tang cho đồng nghiệp/nhân viên của mình. Chuyện anh em phạm lỗi, với ông, to thành nhỏ, nhỏ thành không có. Ông luôn tìm cách bảo vệ anh em, nhưng quyết không dung túng. Cách bảo vệ của ông được bảo đảm bằng cả trách nhiệm của người thủ trưởng, bằng cả tình yêu thương và sự tin tưởng. Bởi vậy tất cả những người được ông bảo vệ, chở che vì phạm lỗi đều chân thành sửa chữa, cùng ông tận tâm vì công việc.

Những câu chuyện kiểu như vậy về ông, nhiều, nhiều lắm. Ông thương anh em bằng cả tấm chân tình. Dường như cả đời ông chẳng giận ai, và có lẽ cũng hiếm người giận ông vì ông luôn đối đãi với người bằng tình yêu, tình thương chân thật.

***

Ông đã lao động, đã sống với niềm đam mê làm việc cho sự nghiệp Văn hóa. Ông đã rời xa cõi dương này vào ngày 22/7/2021, nhưng hình ảnh ông, tiếng nói của ông, niềm đam mê, khát vọng cống hiến của ông cho đời sống tinh thần của người dân quê Nghệ vẫn còn đó, đằm sâu trong một sinh hoạt văn hóa truyền thống nổi tiếng trên quê hương Bác: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.

Sống chân thành và làm việc, cống hiến bằng tất cả đam mê, thiết nghĩ ông đã làm đủ và có được “cái đẹp” của một ĐỜI NGƯỜI!

Đào Thúy Hoa

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 16, 8/2021)