Tôi quen nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đạo chưa lâu và anh để lại trong tôi ấn tượng về một người nghệ sĩ hiền lành, khiêm tốn, đầy đam mê. Một người nghệ sĩ có thân hình mảnh dẻ, luôn sẵn sàng trên lưng chiếc ba lô to tướng với những đồ dùng cá nhân thiết yếu cho một chuyến đi xa; tay xách, nách mang những túi lớn đựng máy ảnh, ống kính, fly cam, chân đế, lều ngủ… Nguyễn Đạo là một trong số những hội viên trẻ nhất của Ban Ảnh Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạo rong ruổi bước chân trên khắp các vùng miền xứ Nghệ.

Bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp chưa lâu, song, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, Nguyễn Đạo đã chiếm được niềm tin tưởng của các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh. Anh là cộng tác viên tích cực của Tạp chí Sông Lam, Báo Nghệ An, đặc san Văn hóa Nghệ An, chuyên san Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An…  Yêu cái đẹp, đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ, Nguyễn Đạo chia sẻ, anh đặc biệt thích thú với đề tài văn hóa, con người và thiên nhiên miền Tây xứ Nghệ. Nguyễn Đạo đã bước chân trên khắp các huyện, thị ở Nghệ An, chụp rất nhiều ảnh về đời sống nhân dân các địa phương nhưng anh cho rằng vẫn còn rất nhiều đề tài, nhiều câu chuyện mà anh chưa thể khám phá hết. Nguyễn Đạo vẫn hằng ấp ủ nhiều tác phẩm về những miền đất xa xôi ấy của Nghệ An, ở đó có những chân dung sinh động, những câu chuyện kỳ bí của núi rừng Tây Nghệ hoang sơ mà hùng vĩ, có những câu chuyện về bản sắc văn hóa đặc sắc của bà con các dân tộc ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp , Quỳ Châu…

Nhớ về những chuyến tác nghiệp của mình, Nguyễn Đạo không thể nào quên những ngày lăn lộn cùng bà con trong các đợt mưa lũ, các mùa lễ hội, rồi trong đám ma, đám cưới của đồng bào Thái, Thổ, Mông, Ơ Đu… khắp miền Tây xứ Nghệ. Đặc biệt, anh nhớ mãi kỷ niệm chuyến đi Na Ngoi hồi năm 2019 vừa tiếc nuối vừa thật hài hước. Na Ngoi là bản vùng xa của huyện Kỳ Sơn cách trung tâm Mường xén khoảng 70 km. Đây là địa bàn chủ yếu của người Mông với nhiều nét đặc sắc văn hóa. Đang trên đường tác nghiệp, trông thấy một người đàn bà trong trang phục người Mông rất đẹp, lưng đang gùi củi đi giữa bát ngát màu xanh của núi rừng Kỳ Sơn. Nguyễn Đạo thích quá cố ghi lại cho được khoảnh khắc lãng mạn này. Anh bấm máy từ xa rồi tiến lại gần, nhưng chợt trông thấy người lạ “chĩa” máy về phía mình bà ấy hoảng quá bỏ chạy. Vì chưa chụp được tấm hình ưng ý, Đạo quảng luôn đôi dép, chân trần cố rượt theo để chụp cho bằng được. Oái oăm thay, càng đuổi người đàn bà càng chạy, đến khi vấp ngã, Đạo lăn quay ra hỏng cả máy, cuộc rượt đuổi mới kết thúc. Một lần khác, trong chuyến đi chụp hình về  cơn lũ ở Kỳ Sơn năm 2022. Địa hình sau lũ lúc đó hết sức khó khăn, bao nhiêu bùn đất đọng lại, nước ngập từng vũng, đường trơn trượt. Vì chăm chú ngắm cảnh, ngắm người để chụp Đạo đã ngã nhào xuống bùn, ống kính “đi tiêu”, mất luôn mấy triệu bạc. Còn việc theo chân bà con ra đồng chụp ảnh, mải mê tác nghiệp mà sảy chân ngã xuống ruộng làm mọi người được những trận cười no nê là chuyện thường nhật. Đạo cho biết, trong đời nhiếp ảnh của anh hay bất cứ ai cũng sẽ trải qua những “tai nạn” nghề nghiệp vui vui và cả cả tiếc nuối nữa..

Nguyễn Đạo ấm áp bên các em bé vùng cao.

Những lần đi tác nghiệp lên những miền cao xa xôi bao giờ cũng đầy khó khăn thử thách. Đạo thường chạy xe máy hàng trăm cây số lên Kỳ Sơn, Quế Phong hoặc Tương Dương… Điểm tập kết là nhà những người quen dừng nghỉ rồi hôm sau lại một xe máy rong ruổi đến từng bản làng xa hơn. Có những nơi Đạo phải xịt cho xe non lốp mới tạo được độ bám vào những dốc đá cheo leo. Nhiều lần mệt quá phải dừng xe, căng lều ngủ một lúc mới đủ sức tiếp tục lên đường. Đạo nhớ một lần đang chạy xe vào xã Huồi Mới, Quế Phong thì bị ngã  giữa dốc, không làm sao vực xe dậy được đành để đó đi bộ vào bản nhờ bà con ra giúp đẩy xe lên. Anh xúc động khi chia sẻ về tình cảm bà con dân bản khắp nơi dành cho mình và anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh trong mỗi lần tác nghiệp. Đó thực sự là tình cảm của những người thân, mỗi lần gặp bà con đều mừng rỡ mời rượu với thịt gà, thịt lợn bản, ăn rau rừng.

Cơ duyên đưa Nguyễn Đạo đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cũng khá thú vị: Nguyễn Đạo sinh năm 1989, anh sinh ra và lớn lên ở làng nồi đất xứ Nghệ (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Rất nhiều người về quê hương nồi đất của anh để chụp ảnh, trong đó có các nghệ sĩ nhiếp ảnh từ ngoài Bắc vào. Họ ở nhờ trong nhà Đạo để thuận lợi cho việc chụp ảnh. Hồi ấy, Đạo đang học cấp 3, được các anh chị, các chú bày cho cách bấm máy ghi hình. Dần dần, Đạo được các anh chị, các chú cho mượn máy “tác nghiệp” chơi. Niềm đam mê nhiếp ảnh được nhen lên trong Đạo. Sau này, chú của Đạo có chiếc máy ảnh cũ cho anh mượn chụp và thế là từ đó Đạo có dịp vừa học vừa chơi với nhiếp ảnh được nhiều hơn. Tuy nhiên, để được như ngày hôm nay Đạo đã không ngừng mày mò tập tành, học hỏi. Muốn có một bức ảnh đẹp, theo Đạo, người nghệ sĩ phải có tư duy ảnh, có mắt quan sát, chọn góc, chọn cảnh, xây dựng bố cục… thôi là chưa đủ. Nhiếp ảnh hiện đại đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết sử dụng trang thiết bị sao cho đạt được hiệu quả tối ưu nhất, phù hợp với ý tưởng, nội dung và bối cảnh bức ảnh. Vì vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải thạo về kỹ thuật mà điều đó thì không thể ngày một ngày hai mà thành.

Nguyễn Đạo đang tác nghiệp trong vùng lũ.

“Gia sản” nghề ảnh đầu tiên mà Nguyễn Đạo mua được là chiếc máy ảnh đã cũ của nhiếp ảnh gia Quốc Đàn, người đàn anh trong giới nhiếp ảnh mà anh quen biết. Nó đã gắn bó với Đạo suốt mấy năm, cùng anh lăn lộn khắp các miền quê từ miền núi, miền biển đến đồng bằng xứ Nghệ và nhiều tỉnh thành trong nước. Với chiếc máy ảnh cũ kĩ đó, Đạo cũng có được một số giải thưởng và có tác phẩm treo tại các triển lãm ảnh trong và ngoài tỉnh cũng như giành được nhiều giải thưởng cao quý như: Cuộc thi Ảnh quốc tế lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (HOPA HONOURABLE MENTION); Triển lãm Nhiếp ảnh trẻ năm 2021 với tác phẩm “Bước chân vạn dặm”, năm 2023 với tác phẩm “Lễ Hội đánh cá đồng hoa”, “Phút nghỉ ngơi”; giải Khuyến khích Ảnh du lịch Nghệ An năm 2018, 2021. Giải Khuyến khích ảnh thời sự – nghệ thuật “Nông dân làm theo lời Bác” năm 2022. Giải Khuyến khích cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Vàng” – Báo Nghệ An, năm 2022…. Triển lãm ảnh Việt Nam 2022, 2023. Triển lãm ảnh nghệ thuật Du lịch lần thứ 10 “Tỏa sáng Việt Nam” năm 2023. Triển lãm ảnh khu vực Bắc Trung Bộ các năm 2019, 2020, 2022, 2023. Mới nhất là cuối năm 2023 Nguyễn Đạo tham gia cuộc thi Quốc gia chủ đề “Tổ quốc bên bờ sóng” do Ban Tuyên giáo TW, Bộ Quốc phòng, Hội NSNA Việt Nam phối hợp tổ chức, Nguyễn Văn Đạo đã xuất sắc giành Huy chương Vàng trong 155 tác phẩm được chọn từ hàng ngàn bức ảnh được gửi về dự thi với bộ ảnh “Lễ hội Phúc lục ngoạt đền Yên Lương”.

Và vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện nghề của nhiếp ảnh gia nguyễn Đạo. Bước chân lữ thứ của người nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục hành trình của mình trên khắp mọi miền đất nước. Say mê văn hóa và thiên nhiên những vùng miền xa xôi, Nguyễn Đạo lại bước chân đến các tỉnh miền núi phía bắc Tổ quốc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… Anh dự định và mong muốn được đi thật nhiều, đến mọi miền Tổ quốc để ghi lại những khoảnh khắc đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Chia tay Nguyễn Đạo, anh lại mang ba lô lên xe khách đi Hà Giang, ở đó anh cùng bạn mở một công ty du lịch để vừa làm việc vừa thỏa niềm đam mê sáng tác.

Hữu Vinh

(Ảnh: Nguyễn Đạo cung cấp)