Ở đời ai cũng có một quê hương. Đa số những người thế hệ tôi được sinh ra ở làng quê. Bằng hạt lúa, củ khoai, bằng nước ngọt của dòng sông, giếng làng, quê hương đã nuôi chúng ta khôn lớn và từ đó ra đi khắp muôn phương, hội nhập vào cuộc sống lớn của đất nước. Trong một bài thơ tôi đã  hình dung quê hương là cánh cung căng tràn nội lực và mỗi chúng ta là một mũi tên. Thầm lặng, mà mãnh liệt, quê hương còn là mạch nguồn sáng tạo của văn chương.
Trước chiến tranh phá hoại bằng máy bay và tàu chiến của giặc Mỹ, làng quê Thọ Khánh của tôi rợp mát tre, dừa, nghiêng bóng xuống sông Bùng. Ngày đó dòng sông nhỏ này còn được sử dụng như một tuyến giao thông. Những con thuyền buồm nâu chở nặng thóc gạo, lâm sản: mây song, củ nâu, củ từ, hạt gắm, hạt dẻ, than củi… từ Yên Thành xuống; cá, nước mắm từ Kẻ Vạn, Kẻ Vích lên. Bến sông Cầu Bùng còn là nơi tập kết của các bè gỗ, bè nứa, tre, luồng…Những chiều nước biển trong xanh dâng lên, hoà cùng nước ngọt, gió nồm mát tận từng tế bào, chân tóc, bến sông là nơi lũ trẻ chúng tôi bơi lội, vẫy vùng. Những cảnh đẹp như: trăng sông Bùng, buồm về Cửa Vạn, hoàng hôn lèn Hai Vai là những ấn tượng không phai trong tâm hồn tôi. Sông Bùng là dòng sông tuổi thơ của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có những người nổi tiếng như: Trần Hữu Thung, Nguyễn Trọng Tạo, Võ Văn Trực…
Xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quê tôi trước Cách mạng tháng Tám 1945 gọi là Kẻ Sy. Chợ Sy đông nhất, nhì tỉnh. Không chỉ người 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu mà còn có không ít người dân tận ngoài Bắc Bộ cũng vào góp mặt. Chợ họp ngoài trời, 10 ngày một phiên. Một phần chợ được che mát bóng đa, bóng phượng, bán từ đồ điện tử, xe đạp, trâu bò, heo gà đến rau củ, tấm cám…Sản vật trên rừng, dưới biển thật đa dạng, gần như không thiếu thứ gì. Hương vị Đặc sản quê hương mãi theo tôi suốt một đời:
Người đi New York, Paris
Giường êm trằn trọc chỉ vì món quê
Xơi đĩa lạc luộc chợ Sy
Lão bà thượng thọ đòi đi kiếm chồng.
Khoai lang đất cát sông Bùng
Em ăn một củ phừng phừng mấy năm.
Su hào Thọ Khánh đông xuân
Ngọt ngon đến độ cầm chân anh hùng.
Nếp chi sánh được nếp Rồng
Hông xôi xóm dưới thơm lừng làng trên.
Chiến công kẻ nhớ, người quên
Thịt cầy bánh mướt rạng tên Cầu Bùng.

Một khúc sông Bùng. Ảnh: Sách Nguyễn

Những sản vật như: lạc cúc, rau cải, cá biển, nước cáy, nước mắm … của Diễn Châu ngon nổi tiếng. Còn khoai lang thì vị ngon của nó đã đi vào ca dao:
Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi.
Theo như câu hò nghịch ngợm của các bác nông dân kéo gỗ thuê từ bến sông Bùng vào xưởng cưa thì khoai lang quê tôi còn bổ hơn cả sâm Cao Ly, tác dụng hơn cả thuốc Viagra giành cho nữ giới:
Khoai anh trồng ở đồng cồn
Em ăn một củ, nứng l… ba năm!
Nói “trạng”, hài hước cũng là một đặc sản của người Kẻ Sy. Trong đời sống hàng ngày người Kẻ Sy thích nhìn mọi chuyện ở khía cạnh hài hước. Hầu như xóm nào cũng có một người có khiếu nói trạng, pha trò. Khi đi làm họ có thể chống cuốc chuyên phục vụ chuyện cười. Nhiều người trong số họ đã về miền mây trắng, miền thiên cổ nhưng những câu chuyện hài của họ thì còn truyền tụng mãi. Người Kẻ Sy nói quê mình là xuất xứ của đến mấy ngoại ngữ:
– O mi du ai? (Tiếng Anh)
– Ga ni ga chi o? Ga ni ga Sy! (Tiếng Ý)
– Cô mi đi mô? Đi ga Sy!(Tiếng Nhật).
Một chàng trai Diễn Châu làm phiên dịch tiếng Nga. Khi chiếc xe com măng ca bon bon trên Quốc lộ 1 đoạn qua quê nhà, anh ta huyên thuyên giới thiệu với vị chuyên gia văn hoá Liên Xô về cái hay, cái đẹp của văn hoá xứ Nghệ, đặc biệt là các điệu hát ví, giặm. Nhìn xuống dưới đồng chợt thấy hai bà nông dân xắn váy quai cồng, nhảy như choi choi, xỉa xói vào mặt nhau. Xung quanh có mấy người nông dân khác và lũ trẻ chăn trâu đứng xem. Khách hỏi 2 người phụ nữ ấy đang làm gì?. Chàng trai nhanh trí đáp:” Đấy là một điệu múa dân gian dành cho 2 người mà nông dân quê tôi thường biểu diễn lúc giải lao công việc làm đồng”. Trong xe còn có một vị quan chức Bộ Ngoại giao. Chứng kiến tình huống ứng xử quá xuất sắc theo phương châm tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại, ông ta đã giới thiệu với cấp trên nhân tài trẻ tuổi này đi đào tạo sau đại học ở Liên Xô về ngoại giao. Trước khi về hưu, anh ta đã kịp làm Đại sứ. Tất nhiên đây là chuyện bịa thuộc kho tàng folklore của người Kẻ Sy. Nhưng chuyện có thật là anh Ngô Quang Xuân học trên tôi 2 lớp ở Trường Phổ thông cấp III Diễn Châu 2 từng giữ chức vụ Đại sứ ở Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt đông vui là phiên chợ Tết họp ngày 21 tháng Chạp: “Chợ Sy hai mốt con dốt cũng đi“. Tôi đã viết bài thơ Nhớ chợ Tết từ ký ức những phiên chợ này:
Tháng Chạp bồng bềnh mưa bụi
Chợt sáng trời
Hoa cải trắng ven sông.
Người khắp ngả như về dự hội.
Chợ tết râm ran
Khói pháo lẫn hương trầm…

Cha đứng mơn râu chọn câu đối đỏ
Mẹ tìm mua ngũ quả, chè tươi.
Gái trai làng chen nhau bẹp nón
Cụ già quê móm mém nét cười.

Và em
Cô gái làng Thọ Khánh
Nức tiếng hoa khôi bán hoa đào.
Tay em cầm mùa Xuân hé nụ
Mây hở khung trời, nắng xôn xao.

Chợ Si họp mặt người ba huyện,
Anh tuổi đầu đời chẳng bán mua.
Đi chợ tết với hồn trai mười tám
Chỉ để nhìn em
Để ngẩn ngơ…
Bài thơ có nói đến hương trầm. Tôi xin nói một cách không ngoa rằng trên trên thế gian này không có thứ hương nhang nào có vị thơm ngọt, đầy hương vị Tết như hương trầm chợ Sy.
Tuổi thơ tôi háo hức với chợ Sy còn bởi một lý do là sau phiên chợ thế nào tối ấy cũng có chiếu phim ngoài trời ngay trên bãi chợ. Đó thực sự là những bữa tiệc tinh thần dành cho lũ trẻ nhà quê chúng tôi. Những cuốn phim Liên Xô như: “Sông Đông êm đềm”, “Cuộc hành trình qua ba bể“, “Người thứ 41“… tôi đã được xem ở bãi chợ Sy vào những đêm trăng trong, gió mát và cả những đêm mưa phùn, gió bấc…sau đó cảm lạnh hàng tuần.
Diễn Châu là vùng quê trù phú, tiện lợi về giao thông do có quốc lộ 1, đường sắt Bắc – Nam (có ga Chợ Sy) và hệ thống đường tỉnh lộ, đường lên Lào chạy qua. Tại phía bắc cầu Bùng đã hình thành 2 dãy phố buôn bán, sản xuất thủ công nghiệp và dịch vụ, có cửa hàng bách hoá, của hàng sách, bưu điện, nhà máy xay và kho lương thực…Nhờ những thuận lợi về giao thông, vào thời Đổi mới, mở cửa người dân Diễn Châu vốn năng động đã nhập cuộc làm ăn kinh tế khá sớm và hiệu quả. Nhờ buôn bán với Lào, xã Diễn Tháp đã trở thành một trong những xã nông thôn giàu nhất nước. Người ta nói vui rằng dân Diễn Châu là dân “Do Thái của Nghệ An”.
Tôi xa quê năm 18 tuổi. Ngày 21 tháng 4 năm 1970, tôi đã cùng 12 đứa bạn học nhập ngũ, tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày xa quê là cậu học trò lớp 10. Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh vào loại khốc liệt bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Sau đó đã vượt lên gian khổ, nỗ lực học hành, phấn đấu thành thầy giáo đại học, thành nhà thơ. Từ sâu thẳm lòng mình tôi mang ơn sâu nặng quê hương Diễn Châu tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, truyền thống yêu nước. Tâm hồn tôi đã được tưới tắm, được hấp thụ bao nhiêu là dưỡng chất từ tuổi thơ, tuổi trẻ trên mảnh đất thân yêu này.

Toàn cảnh đền Cuông. Ảnh: Sách Nguyễn

Từ khi mới cắp sách đến Trường Phổ thông cấp I xã Diễn Kỷ tôi đã nghe truyền thuyết về An Dương Vương, về Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Lên lớp 3 chúng tôi được thầy giáo Phạm Đạt dẫn đi tham quan Đền Cuông thờ An Dương Vương ở xã Diễn An. Thầy trò kéo nhau đi bộ theo Quốc lộ 1. Tại địa phận xã Diễn Thành chúng tôi còn được viếng Đài Tưởng niệm liệt sĩ của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Máu của các liệt sĩ đã thấm đất nơi thầy trò tôi đứng… Lúc trở về thầy dẫn chúng tôi đi men theo ven biển. Trái tim thơ bé của tôi đã đập bồi hồi khi hình dung nơi bãi biển cùng đường chạy giặc nàng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp đã phải rơi đầu bởi lưỡi gươm của vua cha. Sau này trong bài thơ “Hương khói Đền Cuông” tôi đã viết:
Người ta bảo ngọc trai bắt đầu từ một vết thương
Mầm Tổ quốc trong tôi
Là huyền sử một ngày giặc giã
Hồn Mỵ Châu mơ màng mây trắng bi thương
Hoa cỏ bông lau
Phơ phất bên đường
Hiu hiu trắng một màu lông ngỗng
Nơi An Dương Vương rẽ nước về thần
Biển vật vã trăm nghìn con sóng…
Truyền thống hiếu học của người quê tôi đã được ghi chép trong lịch sử từ xa xưa. Đời Vua Lê Thế Tông có chuyện hy hữu: 2 cha con ông Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa cùng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1592, tên được khắc ở bia Tiến sĩ số 21 tại Văn Miếu (Hà Nội). 5 đời dòng họ Ngô nối tiếp đỗ tiến sĩ, làm quan to ở triều đình, có công với nước. Dân gian có câu đối truyền tụng:
Sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà.
Nhà thờ họ Ngô được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Cây thị 5 trăm năm tuổi tại sân nhà thờ toả bóng mát rùm roà và thoảng hương thơm ngọt của trái chín là nơi tuổi thơ chúng tôi chơi đáo, chơi khăng.
Lịch sử quê hương, đất nước đã đi vào tâm hồn lớp lớp những người con sinh động như thế đấy. Trong bài ký Hồi ức làng quê (đã in Tạp chí  Sông Lam) tôi đã có dịp kể lại tuổi thơ trong bối cảnh cuộc sống chiến đấu của quê hương Diễn Kỷ, Diễn Châu anh hùng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Có một chuyện người dân quê tôi còn nhớ mãi. Đó là ngày 3/4/1965, 2 dân quân Ngô Gườm, Ngô Ái được cử lên Huyện đội Diễn Châu nhận khẩu súng trung liên về trực chiến ngoài cánh đồng bắn máy bay Mỹ. Trên đường về gần đến cầu Bùng một chiếc máy bay phản lực RF105 bổ nhào xuống để ném bom. Thấy ”ngon ăn” quá, Ngô Ái đứng làm giá súng, Ngô Gườm quỳ xuống xiết cò. Có lẽ tên giặc lái trúng đạn chết ngay nên chiếc máy bay cứ thế mà cắm đầu xuống đất quê tôi, nổ tung như một quả bom lớn.
Đó là những năm tháng mịt mù bom pháo. Trường cấp 2 của chúng tôi sơ tán vào làng, rồi phải học ban đêm dưới hầm thùng. Mỗi học trò một ngọn đèn dầu, bọc ánh sáng lại bằng ống bơ, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ soi trang sách. Buổi học bị cắt ngang, cắt dọc bởi tiếng rít ghê rợn của máy bay phản lực Mỹ ném bom cầu Bùng, tiếng gào rít của pháo từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào và tiếng pháo cao xạ đủ loại của ta bắn trả thật hào hùng. Để chống bom bi, không biết từ đâu có sáng kiến sử dụng mũ rơm. Năm 1967 Nhà thơ Tố Hữu trong chuyến công tác vào tuyến lửa Khu IV, ghé thăm quê tôi đã nói một cách hình ảnh: “Đúng là Diễn Kỷ đội bom đi học”. Ngày ấy được nhìn thấy nhà thơ như nhìn thấy người Trời, lại được ông nói cho một câu như vậy, cả làng, cả xã truyền tụng cho đến tận ngày nay.
Giã từ tuổi thơ tôi đã đi xuyên qua cuộc chiến tranh và thời hậu chiến gian khổ, thời Đổi mới đất nước…Dù vào Nam, ra Bắc, hay học tập ở nước ngoài… trong cuộc sống không ít long đong, trôi nổi của mình tôi vẫn luôn là một phần của quê hương trong lối cảm, lối nghĩ, lối ứng xử… Văn hoá “tiểu vùng Nghệ Tĩnh” và cụ thể hơn là tiểu vùng Diễn Châu” đã trở thành phù sa trầm tích trong máu thịt tôi. Tôi đã khơi vào nguồn mạch đó mà viết, mà sáng tạo với quan niệm: Nghĩ theo tầm thời đại nhưng kinh nghiệm sống chủ yếu khai thác từ mảnh đất chôn rau, từ tuổi thơ, tuổi trẻ của mình.

Phạm Quốc Ca

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam Số 4/ Bộ mới/2020)