(Chuyện người đàn ông hai lần đi tù và quả bí ngô của vị khối trưởng)
“Khi tôi chết ai người xây nấm mộ
Cỗ quan tài ai khóc tiễn tôi đi”
Xin lỗi bạn đọc bởi người viết bài này đã mở đầu bằng những câu từ bi lụy như vậy. Không dám gọi nó là thơ, cũng không biết ai là tác giả, vậy mà 2 câu ấy cứ ám ảnh tôi cả một thủa thiếu thời. Một nỗi sợ hãi mơ hồ, một “chiếc” rùng mình trong miền sâu thẳm nhất của trí não.
Rùng mình bởi nó được xăm trên bả vai của 1 phạm nhân bằng vật dụng tự chế ngay trong tù bởi một người bạn tù. Minh họa cho 2 câu “trăng trối” ấy còn có cả hình nấm mộ, cỗ quan tài và… bát hương. Tôi đang nói về một người đàn ông – người 2 lần vào tù vì 2 lý do khác nhau, 2 lần đánh công an cũng vì 2 lý do khác nhau. Người đàn ông từng co chân đạp vào vành móng ngựa trong phòng xử án và đối đáp cứng đầu cứng cổ với tòa theo kiểu: “Ai xui anh đi?”, “Tôi xui tôi đi!”; “Anh đi với ai?”, “Tôi đi với tôi!”…
Vào những năm sau giải phóng chỉ cần nhắc đến tên người đàn ông ấy thì đám giang hồ dặt dẹo bến xe, ga tàu cũng phải lắc đầu. Và 30 năm sau, chính xác là ngày 28 tháng 8 vừa qua, sau một hồi thuyết phục thì chính người đàn ông ấy mang ra cho tôi xem những tờ giấy khen với nội dung “có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ông là Nguyễn Văn Nam, cựu tù nhân hình sự, hơn 10 năm nay là Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố khối Trung Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh.
Nguyễn Văn Nam sinh năm 1956 tại xã Hưng Dũng, biệt danh giang hồ gọi là Nam Đ. Tuổi 19, Nam đẹp trai, khuôn mặt sắc lạnh đầy chất “điện ảnh” từng rung lòng bao cô gái. Cuộc đời chuyển màu từ khi Nam theo đám thanh niên học võ. Vốn đam mê, nhanh nhẹn lại có sức khỏe, chả mấy chốc mà Nam “hạ” hết đối thủ trong những trận đấu phân ngôi. Với tố chất ngang tàng, liều lĩnh, trời lại phú cho chút tướng mạo giang hồ nên chả mấy chốc danh tiếng Nam Đ nổi như cồn. Ở đâu có tụ tập, ở đâu có đánh nhau, ở đâu có băng nhóm thì ở đó có bóng dáng Nam. Nam còn thách đấu tay bo với Tọong (một nhân vật giang hồ đã được viết thành sách, dựng thành phim) ngay ở Rạp 12/9 vì gã ấy dám cả gan… coi thường “bụi” Vinh!
Đã đánh nhau ắt có kẻ thù, chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Một ngày xấu trời năm 1977, Nam đang “cắm chốt” ở khu vực Nhà hát thì một đám thanh niên với gậy gộc, dao găm bao vây “làm thịt”. Thông thường, trong tình huống 1 chọi 10 ấy thì người ta đều chọn phương án “ù té quyền” (bỏ chạy)… trừ Nam!. “Bọn bay thích đập chắc à?” Nam vừa hỏi vừa tung 1 thế võ tước con dao trên tay đối thủ cầm đầu rồi vung “xiên” loạn xạ. Kết quả là 7 người nhập viện bằng cáng. Gây án xong Nam chạy trốn vào một nhà người dân cho đến nửa đêm thì tra tay vào còng. Sáng hôm sau, Nam được đưa lên phòng xét hỏi. Gã đàn ông ấy đã không ngoan ngoãn thành khẩn như bao kẻ phạm tội khác mà tung đòn đánh luôn cả cán bộ hỏi cung ngay tại phòng làm việc. Gộp cả 2 tội là bản án 13 năm bóc lịch.
Rồi Nam ra tù, Nam cưới vợ, nhưng chỉ 1 tuần sau đêm tân hôn, con ngựa bất kham ấy lại tra tay vào còng lần thứ hai. Vẫn lại là đánh người, chỉ khác là lần này Nam đánh 2 đồng chí công an ngay tại nhà. Lý do: “Mình tức thì mình đánh thôi”.
Tôi đặt câu hỏi:
– Khi vào tù lần thứ hai người anh nghĩ đến là ai?
– Không nghĩ đến ai cả. Mình chỉ đợi ngày ra tù để được… đánh nhau tiếp!
– Vậy sau khi mãn hạn tù lần thứ hai anh đã chọn ai để đánh?
– Không. Đấy là một câu chuyện khác.
– Khác thế nào?
Giọng người đàn ông 68 tuổi ấy bỗng lắng lại:
“Ngày ra tù, tớ cuốc bộ lang thang, không biết đi đâu, về đâu rồi cứ thế bước chân cũng lê lết đến nhà. Đứng bên ngoài ngó qua bờ rào thấy người lao xao. Ngạc nhiên nhất là mình vừa xuất hiện thì tất cả như vỡ òa. Giữa sân là chiếc bàn để ấm chè xanh. Không hiểu vì sao mà mọi người đón kẻ ra tù mà cứ như đón người thân. Ai đó còn mang đến cả một rổ lạc luộc rồi hỏi han chuyện trò cứ như mình mới đi làm ăn xa về vậy. Mấy ngày sau mình vẫn mặc cảm, không ra khỏi nhà. Nhưng lạ nhất là bà con vẫn cứ đến chơi, hỏi han thân tình. Người thì bó chè, người thì vài cân gạo. Nhớ nhất là bác xóm trưởng mang đến cho mấy quả “bù lào” (phổ thông gọi là bí ngô) rồi tỉ tê tâm sự: “Nam ạ. Hướng thiện thì không bao giờ là muộn cả. Em đừng làm khổ vợ con nữa. Em cũng đừng phụ lòng xóm làng. Em thấy đó, ai cũng đáng để yêu thương cả mà”. Đêm nớ 2 vợ chồng mình không ngủ. Khi phát hiện ra mình chảy nước mắt thì bỗng nhiên vợ mình khóc òa lên rồi chạy đi nấu cháo bù (quả bù mà bác xóm trưởng cho). Đấy là bát cháo ngon nhất đời mình cho đến tận bây giờ. Thấy thế mẹ mình cũng dậy, bà nắm lấy tay vợ mình rồi nói: Từ thủa cha sinh mẹ đẻ chừ tau mới thấy thằng Nam khóc. Nó quay về thật rồi. Con phải giữ lấy hắn, đừng để mất nhông lần nữa”.
Những năm sau đó là những năm mà mình chống chọi bao cám dỗ để thực hiện lời hứa danh dự. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Không thấy ai nhìn mình bằng con mắt kỳ thị. Thậm chí sau đó hễ có đứa trẻ nào chưa ngoan là bà con lại “nhờ” mình “lên lớp”. Gia đình cô T chú H bên bờ vực ly hôn, mình qua khuyên giải thành công, đến giờ họ vẫn còn cảm ơn. À mà lạ thật, từ khi mình ra tù đến nay, xóm mình không còn ai phải vào tù nữa (cười). Hai vợ chồng mình làm lụng nuôi con. Khi thì đóng gạch, khi thì bốc vác thuê, khi thì đi xây và bây giờ là chạy xe ôm. Hạnh phúc lớn nhất của mình là 2 thằng con trai lương thiện, giỏi giang, hai đứa con dâu khôn khéo cùng đàn cháu nội ngoan ngoãn.
– Cơ duyên nào mà anh lại trở thành “Trưởng ban bảo vệ dân phố” và còn được khen thưởng nhiều lần? – Tôi đặt câu hỏi.
– Vẫn là bác Sơn và ban cán sự khối vận động. Ban đầu mình cũng ngại và từ chối. Cứ sợ mình ở tù về nói ai nghe cho.
– Thế thì sao mà bây giờ anh “nói” họ lại chịu “nghe”?
– Quan trọng nhất là mình phải tạo được niềm tin.
Đúng vậy, niềm tin, đơn giản thế thôi. Mất niềm tin thì sẽ mất tất cả. Cũng nói về niềm tin, ông Nguyễn Danh Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng chia sẻ: “Phải tin thì chính quyền mới giao nhiệm vụ cho anh Nam. Chúng tôi tin anh ấy đã hoàn lương, chúng tôi tin anh ấy sẽ không phụ lòng mọi người, chúng tôi tin anh ấy sẽ tích cực xông xáo nếu được giao nhiệm vụ. Và thực tế đã chứng minh điều ấy”. Ông Nguyễn Văn Trí, hàng xóm của Nguyễn Văn Nam cũng đồng lòng tâm sự: “Anh Nam nhìn mạnh mẽ rứa nhưng lại rất nhẹ nhàng. Nhiệt tình thì khỏi phải bàn. Có những trường hợp gia đình nói không nghe nhưng anh Nam lại khuyên bảo được. Phải nói là anh Nam có cái thế của anh ấy. Người ta tin anh Nam”.
Ông Trần Quốc Sơn, khối trưởng khối Trung Tiến thì bày tỏ: “Anh Nam không chỉ tự cảm hóa mình mà chính sự thay đổi của anh ấy đã góp phần cảm hóa người khác”. Vị khối trưởng U80 ấy còn liệt kê ra bảng thanh thích “khủng” của Nguyễn Văn Nam: năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ tuần tra canh gác đến vận động quần chúng, từ phong trào xóa đói giảm nghèo đến hoạt động văn hóa thể thao, Nam luôn xung phong đi đầu….
Tôi chia tay mọi người trong chiều thu chuyển lá, tôi mang theo bao niềm xúc cảm về một con người, một số phận đã bươn qua miền giông bão.
Cứ nhớ mãi trước lúc ra về tôi hỏi Nguyễn Văn Nam:
– Anh có ý định xóa cái hình xăm sau lưng không?
– Không!
– Vậy theo anh thì “Khi anh chết ai người xây nấm mộ/ Cỗ quan tài ai khóc tiễn anh đi?”
– Mình không còn nghĩ đến cái chết nữa!
– Anh nghĩ đến điều gì?
– Cuộc sống!
– Của ai?
– Tất cả mọi người!
Thật kỳ diệu, người đàn ông từng dang chân đạp vào vành móng ngựa, từng xăm cả lời trăng trối lên cơ thể ấy hôm nay đã biết nghĩ đến “mọi người”. Câu chuyện về Nguyễn Văn Nam không chỉ là câu chuyện về một thân phận, một gia đình, mà hơn thế, là bài học về sự hồi sinh.
Khi chúng ta có lòng tin thì chúng ta sẽ có cách thức. Thay đổi nhân phẩm của một con người phải xuất phát từ chính nhân phẩm của những con người. Mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn phạm nhân ra tù, họ là nguy cơ hay là nguồn lực còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tiếp nhận của xã hội. Họ hoàn toàn có thể trở thành công dân như Nguyễn Văn Nam. Không gì là không thể, cụ Hồ từng căn dặn: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” cơ mà.
Nguyễn Khắc An