Tác giả Lam Hà và tác giả bài viết Nguyễn Văn Hùng.

Người bạn thơ của tôi, anh Lam Hà, sinh năm 1953, quê Nam Đàn. Anh chị có ngôi nhà gần cầu Cửa Tiền, Vinh. Một thời nhiều anh em văn nghệ quý mến gia chủ hay lui tới, đàm đạo chuyện thơ, chuyện đời, khá vui. Xin nói thêm, anh Lam Hà có 5 năm quân ngũ, thương binh loại 2, và mê thơ của nhà thơ Thạch Quỳ như điếu đổ!

   Nhà ở phố, mở quầy mặt tiền bán vật liệu xây dựng, nhưng con người và hồn vía anh Lam Hà chủ yếu vẫn gắn với quê, vẫn là “người quê”; lành, mộc, hay quan tâm, chi chút tới những bạn thân, đặc biệt dành thời gian, tâm sức nhiều cho thi ca, chữ nghĩa, mấy năm lại đây còn “chơi”  facebook nữa… Anh Lam Hà lặng lẽ viết thơ đã lâu. Ban đầu anh hay làm thơ Đường luật. Một hôm, tôi hỏi anh, ngoài thơ theo kiểu thơ “các cụ”, anh còn viết được cái gì nữa không? Thế rồi, anh đọc cho tôi nghe bài thơ có tên “Ngày giữa phố” khá mới mẻ, tinh tế, khai thác khía cạnh nhố nhăng, băng hoại, xa xót của cái gọi là văn minh phố phường thời đổi mới. Bài thơ thế này:

Ngày giữa phố

Ngày giữa phố

Những ánh mắt nhìn nhau qua kính

Tăng thêm màu phản cảm

Những cái miệng phải bịt khẩu trang

Thêm ngọng nghịu lời chào

Nhà cao tường cao

Cây hoa giấy bên hè run rẩy.

 

Ngày giữa phố

Hạ như Đông đều vậy

Mở cửa ra là thảng thốt ùa vào

Ngọn gió nào cũng tanh tao

Gương mặt nào cũng hao hao, ảo ảo?

 

Ngày giữa phố

Bao người lạc chìm vào dòng trôi

Cơm áo mưu sinh

Sấp ngửa thói đời

Và tôi góp thêm vào phố nhỏ của tôi

Một mặt người nhàu nhĩ…

Nghe xong, tôi liền bảo, anh nên “chuyển làn” ngay, không tập trung cho thơ Đường luật nữa! Rồi yêu cầu chép lại bài thơ, để tuần sau đã có mặt trên Báo Nghệ An cuối tuần. Một số bài thơ của Lam Hà đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Tạp chí Sông Lam. Cách nay hơn chục năm, anh tham gia cuộc thi Thơ Bốn câu, do Báo Văn nghệ phối hợp Báo Người cao tuổi tổ chức. Tuy không có giải, anh cũng góp mặt ở tập Thơ Bốn câu vào chung khảo ấn hành sau cuộc thi… Dạo tôi đang làm Báo Nghệ An cuối tuần, đã giới thiệu một số bài thơ, và cả chùm thơ của Lam Hà. Tất cả những gì vừa kể đã giúp anh thêm tự tin để ra mắt bạn đọc tập thơ “Mưa quê” (2007), theo anh là một sự “liều mạng” trong đời?!

Quê nhà. Ảnh Thúy Hoa

Bài thơ “Mưa quê” góp mặt trong tập, có duyên, thảng thốt chút tâm sự của một người con bỏ quê ra phố sống, mà chẳng lúc nào nguôi ngoai thương nguồn nhớ cội:

Mưa quê

Nhớ người thăm lại cỏ đê,

Mình tôi ướt với mưa quê giữa chiều.

 

Mưa nhòa xóa cả dấu yêu,

Lòng run lại ước mưa nhiều, đừng vơi…

 

Cho tôi thấm lại tình đời,

Tháng năm xa cách quên rồi mưa quê!

   Trong tập thơ đầu tay, anh Lam Hà còn có một chùm thơ khá hay, là loại thơ ngắn, có tứ, giọng điệu riết róng; yếu tố tự thú, sám hối với quê, với người thân, với quá vãng thân yêu nhưng cũng nhiều lận đận, khốn khổ… đã khiến thơ anh mang được nét riêng, trong lòng một số bạn yêu thơ, ngay từ cuốn sách đầu tay. Bài thơ “Về quê nghe chim hót” là một dẫn chứng mà ngay đến tên bài đã cho ta hiểu phần nào con người anh rồi.

   Cách đây 5 năm, vợ chồng anh Lam Hà rời Vinh, trở về một ngôi làng ở Nam Thanh, huyện Nam Đàn, nơi có nhà thờ và bà con thân thích đang sinh sống. Tôi biết anh nhiều trăn trở trước quyết định này, cuối cùng thì không thể khác, vì còn bà cụ thân sinh tuổi trên chín mươi, đau ốm liên miên, đang cần không gian quê và dâu con tận tình hôm sớm… Vài chục cây số ngược Nam Đàn, không xa, nhưng chẳng phải như trước muốn là đến nhà ngay được. Thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm nhau, mỗi lần anh xuống Vinh giải quyết việc nhà, nhiều bận mấy anh em lại được dịp quây quần. Như mới sáng hôm qua chẳng hạn, anh đưa vợ xuống Bệnh viện Quân khu Bốn khám, có ghé nhà tôi chơi. Tuổi tác nhiều thì càng nhiều tâm sự để hàn huyên. Chuyện thơ, chuyện bạn, chuyện hội hè, chuyện vui buồn, có cả. Chợt nhớ bài thơ bốn câu, tôi viết tặng anh, đã 12 năm (2009):

Không đề

Mưa quê mới đó mà xa,

Đầu Xuân nắng phố xối da sém rồi.

Nhớ ai thì cũng cách vời,

Ta ngồi đưa đám một trời tiếng chim…

Trong bài, có mưa quê, có tiếng chim đầu Xuân, nhưng tất cả chỉ còn thi thoảng, hay nói cách khác, đã lùi vào nhớ thương, dĩ vãng, để lại cho ta hôm nay nỗi xa vắng, một bầu trời khô khốc, nắng gắt, bụi bặm, tiềm ẩn bao nhiêu tật bệnh, bao nhiêu thất vọng. Ôi, “ta ngồi đưa đám một trời tiếng chim” là nghĩ thật, nói thật, chứ đâu có ngoa ngôn, lộng ngữ gì!

                                                                  Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN HÙNG