Mái chùa cong như mảnh trăng chao xuống dòng sông Lân. Cô gái khoảng mười tám tuổi bận áo màu trắng, khuôn mặt tròn vầng trăng, trông vừa ngây thơ thánh thiện vừa có nét hoang dã, dõi đôi mắt đen thăm thẳm nhìn hút phía trời xa. Lý Chiêu dim mắt khoảng nửa giây để nắm bắt rồi rút phắt chiếc bút chì trên vành tai kê tập giấy, phóng bút. Một làn gió luồn tới, Lý Chiêu rùng mình, cảm giác rất lạ chạy suốt sống lưng chạy lên đỉnh óc, bàn tay như múa thả đam mê vào từng nét vẽ.

– Tuyệt quá! Anh cho em nhé.

Cô gái cười tinh nghịch giật ngay bức kí họa ngắm nghía.

– Giống lắm, nhưng sao lông mày em lại xếch như thế này? Anh vẽ lại cho em nhé, em sẽ mua chiếc khung để về nhà treo làm kỉ niệm.

Chiêu vẫn như người bị thôi miên cứ nhìn đê mê vào cô gái. Khi cô gái cầm bức kí họa chĩa vào mũi, anh mới đứng lên trở về với thực tại.

– Ừ anh sẽ vẽ lại.

– Anh là nhà văn mà sao vẽ tài thế? Anh đến từ vùng nào?

– Anh ở xứ Nghệ, nơi thượng nguồn dòng Lam. Còn em?

– “Miền trung du thức đợi/ Người xa hỏi “Còn bóng cọ xòe không?” Quê em đó!

– Anh nhớ ra rồi! Em tên Thu, quê Phú Thọ, là nhà thơ trẻ nhất trại viết lần này.

– Em làm thơ từ lúc nào?

– Hồi nhỏ em thích học võ lắm. Một mình có thể kẹp nách hai thằng bạn học nhưng lúc dậy thì, thì em biết làm thơ. Thơ em đom đóm cứ lập lòe như ma. Người em cứ mềm và con gái hẳn ra.

Lá vàng vẽ con mắt trái

Mùa Thu còn trong giấc mơ

Sợi tóc

Rùng mình trong xứ sở

Màu rêu yên bình

Tìm vào không gian

Tí tách

Ánh mắt anh làm tim.

 

Đâu đó trong anh bức tranh em mười tám

Tình yêu với anh

Hàng mi độc nhất

Có còn…?

Hai bàn tay họ tìm đến nhau, ánh mắt trong nhau, nhanh thế. Lạ thế!

Người ta bảo thơ, họa ở trong nhau, sự giao thoa làm nên điều kì diệu là thành công của tác phẩm. Còn con người thì sao? Điều đó cũng chẳng cần phải bàn lắm. Hai kẻ khác giới gặp nhau bỗng dưng quyện vào nhau là điều dễ hiểu, muôn đời nay vẫn thế. Nó gọi là tình yêu. Loài người có thứ chất kết dính thú vị thật. Chỉ một buổi sáng mà cả trại viết văn đều biết Chiêu và Thu trở thành dấu chấm mùa Thu đầy hoa ngọc lan ngát hương trước chùa Tiên. Ông Mai trưởng trại, nhìn theo: “Chúng hẹn nhau từ kiếp trước nên bây giờ chúng bước vào nhau. Có gì lạ đâu, có gì lạ đâu!”

Chùa Tiên đỏ ối trong nắng quái chiều, đoàn nhà văn mệt mỏi trở về khách sạn sau một ngày đi thực tế, chỉ có Chiêu và Thu là ríu rít.

– Anh ở phòng mấy?

– 207

– Khách sạn này số 207, em sinh ngày 2/7, tập thơ mới in 207 bài. Một sự trùng hợp lạ. Nè anh sửa hàng mi cho em nhé. Tối em sang lấy.

– Ừ! tối sang phòng anh nhé!

Chiêu vào phòng chưa kịp tắm rửa bỗng có anh bạn họa sĩ quê Thái Bình mọc ngay trước cửa kéo đi nhậu. Bạn bè lâu ngày gặp nhau rượu tràn cung mây, lời lẽ phun như cống xả lũ, nhưng Chiêu vẫn nóng lòng về để gặp Thu. Khi mảnh trăng hạ tuần lơ lửng như một dấu hỏi, mấy gã họa sĩ mới thả cho Chiêu về. Chuyếnh choáng bước đi trong ánh trăng hoe. Hình như có tiếng của Thu ngập trong ánh trăng vang vọng.

Má hồng môi thắm ngày xưa

Giờ văng vẳng tiếng chuông chùa thả rơi…

Thu ơi, em đâu rồi? Chiêu liêu điêu chạy lên tầng ba gõ cửa phòng Thu, nhưng cửa vẫn im ỉm khóa. Khuya lắm, không còn ai thức để hỏi về Thu, Chiêu liêng biêng, xiêu vẹo về phòng. Căn phòng ngát hương ngọc lan. Những rèm cửa lay động như có người. Chiêu vồ bức kí họa ôm vào lòng, mắt nhòe đi:

– Trời ơi! Em ở đây mà anh tìm mãi.

– Em chờ anh lâu lắm rồi!

Thu quàng hai tay qua vai Chiêu riết chặt. Chiêu thấy dòng sông Lân như từ ngàn xưa cuồn cuộn chảy trong cơ thể mình. Anh đắm mình bơi ngụp trong dòng sông ấy với những khát khao gầm réo. Dòng sông đã đưa anh về tận cùng đam mê của trần ai cực lạc. Những câu thơ của Thu, những tiếng chuông chùa biến thành những cánh hoa bảy sắc cầu vồng và hương thơm ngào ngạt nâng Chiêu lên vầng mây trắng có tiếng sáo diều thênh thang. Thu cũng như dòng sông không chảy ôm vào lòng sâu thẳm ngàn năm nỗi sầu, bỗng được khơi dòng ào ạt như chưa bao giờ được chảy, cuộn dâng và hoan ca…

Chiêu thấy mình cùng Thu nắm tay nhau bồng bềnh trên những đám mây ngũ sắc, phía dưới là những làng mạc, những cánh đồng xanh miên viễn, rồi tiếp tục lướt qua những dòng sông, đồi núi san sát như bát úp. Hai người đáp xuống rừng cọ bạt ngàn bên sông Lô. Trong tiềm thức Chiêu thấy vùng trung du này thân quen quá.

– Chàng đã từng ở đây còn gì!

– Ừ quen lắm!

– Rừng cọ Phượng Lâu đó!

Nghe đến tên Phượng Lâu, Chiêu giật mình rúng động, anh cứ lẩm bẩm:

– Quen lắm, quen lắm!

– Chàng còn nhớ Thục Nương không?

– Nghe tên quen lắm mà ta chưa nhớ ra.

Thu khe khẽ cất tiếng hát:

Trăng lên từ sông Lô

Cong lưỡi liềm đáy nước

Trăng ơi trăng có biết

Ánh vàng trôi đi đâu.

Người đứng chờ Phượng Lâu

Đã ngàn năm bóng cọ.

Biết bao giờ tương ngộ

Mảnh trăng tròn sông Lô…

Tiếng hát lúc dịu êm vỗ về như dòng sông Lô êm đềm xuôi chảy, khi rì rào như gió đùa trên tán cọ, lúc vút cao như tiếng sơn ca hót trong chiều, khi man mác buồn như ánh trăng trào vỡ. Tiếng hát mê hoặc dìu Chiêu đi về một miền xa lắc.

Ngày đó, có người con gái đã ngồi tựa lưng vào gốc cọ này hát chính bài mà Thu đang hát. Cô gái đó tên Thục Nương, nhà nàng trên đồi Phượng Lâu rợp bóng cọ xòe. Năm mười sáu tuổi nàng đẹp như đóa ngọc lan chớm nụ, văn hay, võ giỏi. Lúc bấy giờ nhiều chàng trai con nhà danh gia, vọng tộc tìm đến, nhưng nàng từ chối. Vì nàng đã phải lòng Phạm Hương, chàng học trò bên kia sông Bạch Hạc. Hương không giàu có nhưng cầm kì thi họa món gì cũng hơn người. Chỉ gặp nhau một lần đối đáp dưới tán cọ bên gò Phượng Lâu mà Thục Nương và Hương ngỡ như đã gặp nhau từ bao kiếp!

Minh họa: Tiến Dũng

Mùa Thu năm ấy gia đình Hương đã đặt lễ chạm ngõ và dự định Xuân đến thì làm lễ thân nghinh. Năm ấy, Thục Nương vừa mười tuổi.

Không may, liền bên châu Bạch Hạc có gã hào mục tên Trần đã nhiều lần mang lễ vật lớn xin cưới nhưng đều bị từ chối, khi biết tin gia đình Thục Nương đã nhận lễ với Hương, Trần vô cùng tức giận. Gã bảo:

“Mẹ kiếp! Không ăn được thì ông đổ cho chó ăn”. Gã nói vậy rồi đến phủ Thái thú Tô Định đút lót vàng bạc, xun xoe.

– Ty chức, biết ngài rất thích mỹ nhân nên đã tìm được một trang tuyệt sắc ở Phượng Lâu! Ý ngài như thế nào ạ?

Bấy giờ, Định mới được vua Đông Hán Quang Vũ Đế sai sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Định bản tính tham lam, bạo ngược và háo sắc nên nghe nói đến gái đẹp thì đòi Trần đưa đến bằng được.

Trần bảo:

– Hồng đẹp thì có gai, khó lắm, phải như này, như này…

Định cười tít mắt:

– Khá lắm, khá lắm!

Chiều đó, Định trát xuống đòi Phạm Hương và cha nàng là ông Vũ Công Chất vào phủ rồi trói lại và vu cho tội làm phản.

Định cười khả ố:

– Muốn sống thì làm nhạc phụ của ta, còn không thì làm ma không đầu!

Định hết dụ dỗ đe dọa rồi dùng nhục hình tra tấn để ép buộc ông Chất và Hương gả Thục Nương cho hắn nhưng không được. Biết đây là những nho sĩ khẳng khái không gì khuất phục nên Định bảo Trần chặt đầu hai người vứt xuống sông rồi xua lính đi lùng bắt Thục Nương…

Chiêu hai tay ôm lấy đầu, mắt trợn ngược đưa tay sờ lên cổ mình, trong đầu anh quay cuồng với bao điều hư thực.

Thu đến bên nhẹ nhàng vỗ về:

– Không sao chàng ơi, đó là kiếp trước của chúng mình.

Nàng đã ngộ được sự luân hồi của tam giới, còn Chiêu, chỉ là người trần mắt thịt nên nàng giải thích hồi lâu mới khiến anh định thần trở lại. Chiêu đã nhận ra mình chính là Phạm Hương và trước mặt là Thục Nương – nàng vẫn thế, vẫn vóc dáng và khuôn mặt của một thời xuân sắc mấy trăm năm về trước.

Họ ôm nhau thật lâu trong chiều Thu cọ xòe xao xác.

– Bấy lâu em đã đi đâu?

– Em đi báo thù!

Thục Nương kể cho Hương nghe cái đêm đang đau đớn khi nghe tin cha và chồng bị giết thì cũng là lúc Tô Định cho quân lính ập đến nhà bắt nàng. Thục Nương cầm song kiếm tả xung hữu đột phá vòng vây thoát ra ngoài rồi nhảy xuống thuyền xuôi dòng Nhị Hà đi miết và lạc vào một vùng rừng ven biển. Đang loay hoay chưa biết thế nào thì thấy ngôi chùa nhỏ ẩn dưới tán cây rừng xum xuê. Lên bờ, Thục vào chùa xin được tá túc. Trụ trì là vị sư cô có khuôn mặt rất khó đoán tuổi, nhưng mái tóc trắng phau. Sư cô bảo tiểu đồng pha trà mời khách rồi nói:

– Ta biết hôm nay có khách đặc biệt viếng thăm nên đã sắp xếp cho thí chủ rồi. Xin chớ đau buồn và nộ khí, hãy theo tiểu đồng đi nghỉ đi, chắc thí chủ mệt lắm rồi!

Nói xong, sư cô phẩy tay áo đứng dậy, vừa đi ra gốc bồ đề vừa ngâm rằng:

Sinh ra đã phận má hồng

Cõi người là cõi sắc không sá gì.

Người ơi hãy chớ sầu bi.

Câu kinh, lời kệ là khi ta về…

Thục Nương rúng động và im lặng theo chú tiểu về phòng đi nghỉ. Đêm đó nàng không ngủ được, mắt cứ trừng mở nhìn về phương Bắc nuôi chí báo thù.

Gần sáng, tiếng chuông chùa điểm nhịp. Mỗi tiếng chuông ngân như an ủi vỗ về giúp nàng tạm quên đi đau thương và thù hận để chợp mắt một chút dưới ánh hào quang của Phật pháp nhiệm mầu.

Khi Thục Nương tỉnh dậy, mặt trời đã lên nửa con sào. Sư cô đã đợi sẵn trước thượng điện.

– Ta đã biết chuyện của con. Con cứ ở lại đây, cần gì cứ nói, ta sẽ giúp.

– Dạ! Thưa sư cô, cha và chồng của con đã bị chúng giết! Con muốn được ở đây lánh nạn và tìm cách báo thù!

– Nơi cửa Phật không có chuyện báo thù, oan oan tương báo biết bao giờ cho xong.

– Nợ nước, thù nhà con phải trả, thưa ni cô!

Tay lần tràng hạt, sư cô nói:

– Âu cũng là duyên khởi. Nhưng, trước khi làm việc lớn, con hãy nên quét chùa một thời gian.

Với pháp danh Đàm Thục, ngày ngày nàng chăm chỉ quét sân chùa. Trong tiếng chổi đưa nàng cũng ngộ được: “Cần tảo già lam địa/ Thời thời phước huệ sanh”.

Thục hiểu ẩn ý của ni sư và thầm cảm ơn công việc này đã giúp tâm nàng lắng lại và thêm phần tuệ giác. Vốn con nhà thuốc gia truyền, Thục bốc thuốc nam chữa bệnh cứu dân. Tiếng lành đồn xa, chỉ ít tháng sau, dân khắp vùng đều gọi nàng là Bồ Tát tái thế. Không chỉ bốc thuốc, Thục còn dạy dân học chữ, học võ nghệ, học trồng trọt và chăn nuôi. Thế đấy, khi ngộ sự thì những hiểu biết, tài năng và khả năng tiềm ẩn của con người sẽ được dịp phát huy.

Sau mấy năm, Tiên La trở thành vùng đất trù phú, dân chúng khắp nơi về cư ngụ, khai khẩn đất hoang dẫn nước ngọt về trồng lúa. Nàng được dân chúng tôn làm thủ lĩnh núi Tiên. Núi Tiên không những quy tụ nữ binh tinh nhuệ mà nam giới cũng gia nhập cả ngàn người. Khi thấy lòng dân đã thuận, nàng dựng cở khởi nghĩa và nhiều lần kéo quân đột kích quan Đông Hán làm cho Tô Định ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều lần y kéo quân sang đánh đều bị đội quân tinh nhuệ do nàng thống lĩnh đánh cho tan tác.

Gió càng lúc càng thổi mạnh, nước sông Lô duyềnh lên từng đợt sóng ngầm ngầu đục. Hương thẫn thờ như thực như mơ, cứ nhìn dòng nước mà chẳng biết nói gì. Thục Nương vỗ vai chàng:

– Thiếp đã mấy lần mai phục giết gã Trần và Tô Định để trả thù cho cha và chàng nhưng đều để nó chạy thoát.

Hương nắm lấy tay nàng:

– Vất vả cho nàng quá! Ta thật bất tài vô dụng.

– Không sao đâu chàng. Âu đó cũng là kiếp số.

Thục Nương đứng dậy mắt dõi xa xăm:

– Quyết chí báo thù, thiếp đã hợp quân với hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, con của lạc tướng Mê Linh để thực hiện. Đội binh của thiếp cùng đại binh của Nữ tướng Hai Bà Trưng đã đánh bại quan quân Đông Hán, làm cho chúng phải bỏ chạy về phương Bắc.

Lời kể của Thục Nương đã đưa Hương qua những trận chiến oai hùng của các nữ tướng nghe như còn tiếng vó ngựa, gươm khua và khói lửa quanh đây. Hương như thấy được ngày đất nước ca khúc khải hoàn, Hai Bà Trưng lên ngôi, xưng là Trưng Nữ Vương lấy quốc hiệu là Đại Việt. Người thiếp của chàng thì oai phong lẫm liệt được ba quân tung hô dậy đất.

Lúc bấy giờ, Trưng Nữ Vương đã phong Thục Nương làm Uy Viễn Đông Nhung Đại Tướng quân – xếp hạng công đầu nhưng nàng đã xin trả lại quan ấn. Thái bình rồi không vướng bận/ Cởi chiến bào nàng lại mặc áo thường dân.

Thục cùng với đội nữ binh trở về Tiên La, làm ruộng và chăn nuôi, tiếp tục bốc thuốc Nam chữa bệnh cứu dân, sống cuộc sống yên bình. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Quân Đông Hán bị các nữ tướng đánh cho không còn mảnh giáp phải cút về nước đã ôm hận. Vua Quang Vũ lại sai Mã Viện là danh tướng lúc bấy giờ làm Phục Ba Tướng quân, kéo tám mươi vạn binh mã sang đánh phục thù.

Thế nước lâm nguy, Thục lại điều binh cùng Nữ Vương kháng địch. Hơn ba tháng giao tranh, các cánh quân của Nữ Vương lần lượt tan vỡ. Giặc đuổi riết, Trưng Trắc, Trưng Nhị chạy về đến Sơn Tây thì thế bức quá, nên đã gieo mình xuống sông tự vẫn.

Trên cả đất Giao Chỉ, còn lại vùng duyên hải là quân Đông Hán chưa chiếm, Mã Viện cho đại quân Đông Hán tất cả kéo đến vây kín mấy vòng cả trên bộ lẫn dưới sông biển. Sau 39 ngày bị vây hãm, quân của Thục hết lương, tướng sỹ cầm binh khí ngắn đánh giáp công quyết tử không còn một người nào. Quân Đông Hán cũng bị chết rất nhiều. Chiều đó, Thục một mình, một ngựa cầm kiếm tả xung, hữu đột phá được vòng vây, giặc đuổi theo không kịp. Khi nàng chạy về đến gò Kim Quy, người và ngựa đều kiệt sức. Mình đầy thương tích nặng, nàng xuống ngựa rồi tự vẫn không để giặc bắt…

Thục đưa Hương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chàng không ngờ nàng lại là một nữ tướng dũng mãnh và tài ba vậy. Hương chỉ là chàng thư sinh chỉ biết đến sách vở, nên chàng áy náy vì đã không giúp cho nàng được gì. Anh cũng không nhớ là bao nhiêu kiếp mình là ai. Thục hiểu ý bèn bảo:

– Chàng không phải áy náy gì cả! Không phải ai cũng biết được! Người có căn duyên mới biết con đường luân hồi của mình.

– Tại sao ta và nàng lại gặp nhau tại đây?

– Duyên kiếp luân hồi chàng ạ. Thiếp quay trở lại để trả nợ ân tình cho chàng và báo thù.

– Báo thù?

– Vâng, gã Trần và Tô Định giết cha và chàng, nên thiếp đã nhiều kiếp đầu thai để tiệp cận Tô Định cùng gã Trần để tìm cách báo thù. Mười tám năm trước, thiếp lại đầu thai trở lại Phượng Lâu và đã đính ước với gã Trần, nay gã cũng là một chàng trai ở Phú Thọ.

– Ta thật không hiểu? Còn ta thì sao? Tại sao nàng lại làm thế?

– Chuyện dài lắm chàng ơi, mấy trăm năm thiếp cứ luẩn quẩn trong thù hận. Nhưng hận thù đã làm con người thiếp tràn ngập khổ đau, dẫn dắt thiếp ngày càng xa rời cuộc sống an lạc. Mãi đến bây giờ, thiếp mới ngộ ra: Lịch sử cũng có từng giai đoạn; Nhân vô thập toàn; Oan tương báo biết bao giờ cho xong! Hãy tha thứ cho họ cũng là giải thoát cho chính mình…

Nàng nắm chặt tay Hương thì thầm:

– Chàng thấy không, Phượng Lâu vẫn còn bóng cọ xòe, hoa vẫn nở bên sông, dòng xưa đã chảy vào quá khứ, nhưng con nước vẫn ngàn năm thao thiết chảy về biển. Cảm ơn chàng, đời thiếp được gặp và yêu chàng, nay may mắn được gặp lại, đó là phước huệ trời, Phật ban cho, nhưng giờ thiếp phải đi thôi. Chàng ở lại bảo trọng nhé!

Trong lòng Hương có biết bao điều để nói, nhưng ngoảnh lại bỗng không còn thấy Thục Nương đâu nữa. Hương hoảng hốt: Nàng ơi, nàng đi đâu rồi…??? Hương vùng dậy ngó quanh và chạy khắp nơi gọi tên Thục Nương. Nhưng chỉ thấy tiếng mình vọng lại trong buổi chiều Phượng Lâu rợp bóng cọ xòe.

– Chiêu ơi! Dậy đi thôi! Nhanh lên!

Tiếng anh bạn người Thái Bình đang đập cửa ầm ầm làm Chiêu giật mình tỉnh giấc. Dụi mắt mấy lần anh mới định thần lại. Ánh mặt trời hình rẻ quạt đã vọt qua cửa sổ xiên chói cả mắt. Thì ra đó là một giấc mơ! Chiêu vùng dậy chạy qua phòng 207, nhưng căn phòng im ỉm khóa. Chiêu hỏi anh bạn: Em Thu ở phòng này không biết đi đâu? Anh bạn cho biết: Thu đã xin phép trưởng trại cho đi về quê trong đêm vì nhà có việc!

Về phòng lấy ba lô, Chiêu chạy ra đường lớn bắt chiếc xe ca xuôi về Phú Thọ. Xuống xe ngay bến Giác, bờ nam sông Lô, Chiêu sực nhớ không biết nhà Thu ở đâu. Chỉ nghe nàng từng nói. Nhà em gần đồi Phượng Lâu, có bến Giác rợp bóng cọ xòe, phía bên kia sông có cây đào cụ ngàn năm tuổi. Trong lòng anh xốn xang, nhìn con đò đang rẽ sóng gọi: Đò ơi. Đò… ơi!

Cô gái đang hái dâu bãi bồi bên sông bật cười: “Anh này lạ! Giờ có ai chở đò nữa đâu! Có chiếc cầu bắc qua đó kìa.”

Chiêu cám ơn rồi men theo nương dâu rợp bóng cọ xòe lên chiếc cầu mới làm, người xe qua lại nườm nượp. Đi được mấy nhịp, Chiêu thấy đoàn rước dâu đi qua. Hình như Thu đang trong bộ váy cưới ngồi xe hoa mui trần. Chiêu chạy theo gọi “Thu ơi…!”, nhưng chiếc xe lướt qua rồi mất hút.

Không nhanh như vậy chứ? Sao em không chờ ta chứ? Muôn vàn câu hỏi nhảy múa, quay cuồng trong đầu Chiêu. Anh vẫn hy vọng đó không phải là Thu. Chiêu tiếp tục đi bộ qua cầu rồi vào quán nước bên đường.

– Bà ơi, cho con hỏi, đám cưới vừa đi qua có phải cô dâu là Thu không bà?

Bà chủ quán tóc bạc như mây, có khuôn mặt phúc hậu rót cho Chiêu cốc chè vối, cười: Ngày này có cả chục đám cưới đi qua, bà có biết của ai đâu.

– Bà có biết cô gái tên Thu nhà ở bến Giác không bà?

– Thu nhiều lắm, làng tôi có cả chục cô, cháu hỏi Thu nào?

– Dạ Thu khoảng mười tám tuổi, cao tầm này, tóc dài, cô ấy hay làm thơ đó bà.

– Chịu chú nà. Thu trẻ như vậy, làng bà không có. Chú thử sang làng bên hỏi xem!

       Chiêu khoác ba lô thất thểu bước đi trong tiếng lá cọ xào xạc. Trong đầu Chiêu cứ vang lên tiếng Thu: “Nhà em gần đồi Phượng Lâu, có bến Giác rợp bóng cọ xòe, phía bên kia sông có cây đào cụ ngàn năm tuổi.” Chiêu dừng chân trước cây đào cụ lúc nào không hay, cây đào đầy vảy, mốc thếch, rễ bò tứ tán. Ngước nhìn lên, Chiêu thấy những cành đào đã đơm nụ hàm tiếu như môi Thu cười trong chùa Tiên hôm nào!

Tiến Dũng

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam 20, tháng 1+2/2022)