Nhà thơ Hữu Vi là một cây viết trẻ đang nổi trên diễn đàn văn chương. Hữu Vi tên thật là Vi Văn Chôồng, người dân tộc Thái, sinh năm 1982 tại bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Anh là hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Hữu Vi đã có nhiều tác phẩm in trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Chỉ trong 3 năm (2022 – 2024), Hữu Vi đã ra mắt bạn đọc 4 tập sách: “Những giấc mơ rừng” (tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2022), “Triền non xanh dắt tôi đi mãi” (tập thơ, NXB Hội Nhà văn 2022 – giải Khuyến khích VHNT năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam – Book Hunter & NXB Văn học tái bản 2024), tập bút ký “Khi quả pao bay lên” (NXB Nghệ An, 2022), Tập du ký “Những đứa con của rồng” (Book Hunter & NXB Văn học 2024).
Năm 2014, tôi làm việc ở cổng thông tin điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net). Khi đó, để tìm nguồn bài chất lượng, tôi nhờ bạn bè kết nối khắp nơi, đặc biệt là lực lượng viết văn trẻ. Một trong những người đầu tiên tôi liên hệ là Hữu Vi, vì anh là một trong các cây bút trẻ đã theo học tại Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nơi tôi vừa tốt nghiệp đại học. Với lòng nhiệt thành, Hữu Vi gửi ngay cho tôi một chùm thơ. Tôi không làm thơ, không nghiền thơ, không sành thơ, ít có sự nhạy cảm với thơ, nhưng khi đọc những dòng thơ của Hữu Vi trong Cảm giác gió, Cảm giác sông… thì những câu “Đi giữa mưa giữa gió trong veo/ Người và lá cùng thao thức hát”, hay: “Sau ngàn ngày ngồi nhớ dòng sông/ Tôi chợt hóa nguồn cơn của nó”… đó cứ chạy lòng vòng không biết mệt trong tâm trí tôi. Bạn bè của tôi bảo ở Khoa Viết văn những năm 2010-2014, Hữu Vi nổi tiếng thơ hay. Nhưng mà vì không phải là người mê thơ, nên tôi không quan tâm lắm, và có lẽ cũng chính vì thế, tôi chỉ nhớ mang máng có gặp anh đâu đó đôi lần ở Khoa, trong một vài dịp Khoa có các sự kiện liên quan đến văn học. Nghĩa là, ngay cả khi nhớ ra có lần, khi chưa vào học Khoa Viết văn – Báo chí (lúc ấy là Khoa Sáng tác – Lý luận và phê bình văn học), tôi đã từng đọc một bài thơ khác của Hữu Vi trên báo Quân đội Nhân dân, có tên là Tàn lửa, một bài thơ mà nhà phê bình trẻ Trần Hoàng Hoàng đã rất khen ngợi… thì tôi cũng chưa rõ mặt mũi anh chàng người Thái làm thơ và viết báo năng động sống trong một bản Thái ở xứ sở nóng nhất cả nước: Con Cuông – Nghệ An đó ra sao, đương nhiên, các thông tin về anh cũng rất ít đối với tôi.
Vài năm trước, một hôm Hữu Vi gửi cho tôi chùm truyện ngắn mới viết. Anh bảo trước cũng đã viết truyện rồi, nhưng chủ yếu vẫn là say đắm với thơ. Tôi đọc ngay, vì lúc đó tôi cũng “khát” những cây bút mới, những tác phẩm mới. Với tôi, các cây bút mới, hoặc đã cũ, nhưng thể hiện ở một lĩnh vực mới đối với họ, luôn đem đến cho tôi những làn gió xanh mát, dịu dàng, đầy khát khao, đầy cuồng dại qua các tác phẩm của họ, điều mà những cây bút già dặn, viết có nghề, viết chắc tay đã để tuột mất, hoặc họ cố tình rũ bỏ. Tôi đọc một mạch ba truyện ngắn của Hữu Vi, rồi đề xuất cấp trên đăng một truyện, một truyện khá hơn, tôi đề nghị Hữu Vi rằng tôi sẽ giới thiệu đến một chị biên tập viên một tờ báo uy tín, và đặc biệt là… nhuận bút cao gấp mấy lần nếu đăng ở báo tôi. Hữu Vi là một nhà thơ nghèo (ở thời điểm ấy), tôi cũng nghèo, nên tôi hiểu rất rõ giá trị của nhuận bút. (Tất nhiên, không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng vì nhuận bút mà bằng mọi giá phải nặn cho ra tác phẩm.) Nhưng không chỉ là thế, tôi muốn giới thiệu Hữu Vi đến một tờ báo có lượng độc giả lớn khác, và quan trọng là chị biên tập viên đó cũng là người rất mong mỏi nhận được tác phẩm của các tác giả trẻ, tiềm năng. Ban đầu tôi đề nghị Hữu Vi chủ động liên hệ với chị ấy, nhưng anh e dè. Là một nhà báo năng nổ, nhưng trong trường hợp như thế này, anh vẫn e ngại. Anh bảo hay là thôi, mình người viết mới, chị ấy thì hàng ngày phải xử lý bao nhiêu bài vở của các nhà văn, quen biết có, nổi tiếng thì đương nhiên nhiều, mình tự dưng viết thư gửi truyện, khó xử lắm. Tôi hiểu quá đi chứ, vì tôi cũng thế mà. Hồi học ở trường đại học, bạn bè, anh chị em các khóa gửi đăng bài vở ở các báo rất nhiều, có lần tôi cũng lấy hết can đảm chủ động nhờ một đàn anh gửi bài đến một biên tập viên nổi tiếng nọ, anh ta bối rối bảo “ông ấy khó tính lắm…” Nói chung là có nhiều lý do để người ta từ chối. Tôi cũng vì tự trọng mà không tìm cách kết nối riêng với các biên tập viên phụ trách các báo, mà cứ nhè… hộp thư công khai trên báo của các tờ báo để gửi, phụ thuộc may rủi.
Vậy là, tôi viết trong thư gửi chị biên tập viên báo nọ rằng: “Em muốn giới thiệu cho chị một cây bút trẻ, viết chưa chắc tay, nhưng có hồn, rất tươi xanh.” Chị biên tập viên sau khi nhận thư của tôi, đã trả lời: “Chị đã đọc, và cảm thấy đúng như em đã viết về truyện ngắn và cậu bạn này. Chị sẽ sắp xếp in trong một vài số tới. Em động viên bạn ấy viết nhiều và cứ gửi cho chị nhé.”
Thực tình, khi đó tờ báo nơi tôi đang làm việc cũng khát tác phẩm hay và mới mẻ lắm, nhưng tôi “cắn răng” gửi cái truyện mình ưng đi báo khác, vì muốn bạn có thêm thu nhập, và quan trọng hơn là được lan tỏa ở một sân chơi văn học khác.
Tôi “chính thức” gặp Hữu Vi là vào cuối tháng 4/2016. Năm đó tôi quyết định sẽ đi thăm Nghệ An theo… đường mòn Hồ Chí Minh. Điểm đến là miền Tây Nghệ An với núi sông hùng vĩ, thơ mộng, bí hiểm và hứa hẹn vô vàn những câu chuyện văn hóa thú vị. Cô bạn đồng môn trẻ Nguyễn Thị Luyến của chúng tôi vì bận việc cơ quan nên giao cho Hữu Vi đón tôi khi tôi vào đến Con Cuông. Đúng hẹn, Hữu Vi chạy đến trên một chiếc xe “cà tàng” đúng nghĩa, loại xe mà lâu lắm tôi không thấy trên đường phố. Dĩ nhiên, cái xe máy của tôi cũng chẳng khá hơn gì, nhưng dù sao nó cũng là… đời mới. Hữu Vi dẫn tôi chạy xe trên quốc lộ 7, qua vườn quốc gia Pù Mát, tôi hỏi Hữu Vi: “Ở trong rừng này có hổ không?” Anh cười: “Giờ tôi với bà vào đó, thì có hai con”.
Mục đích chính của tôi là tận dụng thời gian đi khắp miền Tây Nghệ An trong chuyến đó, nhưng trong khi đợi Luyến từ Vinh lên, thì ngay hôm sau, Hữu Vi rủ thêm hai người bạn trong bản đưa tôi đi thăm thác Khe Kèm. Đúng dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 nên khách tứ phương đổ về thăm thác cứ nườm nượp, có cơ quá tải. Cái thác khi đó cũng trông khá bình thường. Nhìn vẻ háo hức của Hữu Vi khi giới thiệu cho bạn phương xa một thắng cảnh quê mình, tôi có phần… nản. Thực ra, tôi từ Hà Nội vào Nghệ An đâu phải để ngắm một cái thác, thứ mà tôi gặp đầy trong các chuyến đi vùng cao phía Bắc trước đó. Nhưng khác với cách tôi tưởng, việc đi thăm cái thác chỉ là một chuyện nhỏ, mà trong chuyến đi này, Hữu Vi giới thiệu cho tôi câu chuyện về người Đan Lai, về tục ngủ ngồi của họ, và dĩ nhiên, anh dẫn chúng tôi vào thăm một bản làng người Đan Lai ở khu vực đó.
Suốt chuyến đi miền Tây Nghệ An, trên đường vào Mường Xén, Mường Lống, Huồi Tụ, Hữu Vi kể cho tôi nghe về người Ơ Đu, một trong ba dân tộc ít người nhất Việt Nam. Hoàn cảnh của người Ơ Đu không chỉ đáng buồn, mà còn rất đáng thương. Họ từ đâu đến? Có phải họ là tộc người bị truy đuổi, từ một góc sâu thẳm nào đó của lịch sử hay không? Thi thoảng, trên chặng dài dọc theo sườn núi đằng đẵng, Hữu Vi quá mệt vì kể chuyện nên… ngủ gật. Vậy là, để an toàn, tôi lái xe, còn Hữu Vi chống lại cơn buồn ngủ bằng cách… hát, và lại kể chuyện về người Ơ Đu, người Thái, người Khơ Mú, những chuyện mà anh đã tìm hiểu, gom nhặt trong các chuyến đi làm báo của mình, như một chuyên gia, một nhà nghiên cứu.
“Bà viết về người Ơ Đu nhé!”, Hữu Vi nói với tôi. Viết gì cũng được, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, hay bút ký, nhưng nhất định hãy viết về người Ơ Đu…
Câu chuyện về người Ơ Đu mà Hữu Vi kể cho tôi không giống những gì người ta vẫn viết trên báo, nó thực sự gợi cho tôi những xúc cảm buồn thương. Vài năm sau, bao nhiêu việc đến với tôi, tôi vẫn đau đáu trong lòng mình câu chuyện về tộc người đã phải di dời khỏi mảnh đất tổ tiên của họ nhường chỗ cho công trình thủy điện lớn nhất miền Tây Nghệ An. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành tác phẩm của mình, nhưng vì chưa được công bố, nên tôi chưa dám khoe với Hữu Vi.
Gần đây nhất, tôi lục trong đống bài vở cũ ra một truyện ngắn mà Hữu Vi gửi cho tôi từ rất lâu, và anh cũng viết nó rất lâu rồi, đã đăng rồi, tôi nhắn Hữu Vi là tôi muốn đăng nó trên trang điện tử phiên bản mới của báo tôi. Tôi nói, tôi không bắt buộc phải đăng truyện ngắn ngoài truyện in báo giấy lên điện tử, nhưng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc của báo tôi những tác phẩm hay, những cây bút trẻ. Hữu Vi bảo tạo ra những cơn say đôi khi cũng hay, biết đâu người ta sẽ hăng say viết, không lâm vào tình trạng chán ngán viết như mình…
Đấy, cái gọi là “chán ngán” viết, là ngay sau đó Hữu Vi khoe trên facebook cá nhân về 5 cuốn sách đã ra trong hai năm, gồm có tập bút ký “Khi quả pao bay lên”; tập sách thiếu nhi “Những giấc mơ rừng”; tập du ký “Những đứa con của rồng”; tập thơ “Triền non xanh dắt tôi đi mãi”… Dĩ nhiên, đó là thành quả của nhiều năm anh lăn lộn sống, viết, và say đắm với miền văn hóa của anh, núi rừng của anh, nhưng còn… ra sách là còn say viết, dẫu rằng trong cái nghiệp cầm bút, đôi khi chống chếnh, chán ngán, muốn từ bỏ, muốn vứt quách… là có thật. Người ta sẽ coi đó là những khoảng lặng, rỗng để lắng lại, để trầm hơn. Chứ với những người như Hữu Vi, có thể ngừng viết, chán viết một vài tháng, đôi ba năm, nhưng rồi chắc chắn văn chương sẽ đeo bám cả quãng đời phía trước. Đến đây tôi nhớ có lần tôi cũng thấy mình thực sự chán ngán việc viết lách, và quyết tâm chuyển sang một lĩnh vực khác. Tôi gặp nhà văn Ngô Văn Giá, thầy Trưởng Khoa của chúng tôi, và bày tỏ với thầy là “em sẽ bỏ bút”. Nghe tôi hùng hồn, thầy gần như “chỉ tay vào mặt tôi”: “Em sẽ không bao giờ bỏ bút được, em sẽ phải gắn bó với nó suốt đời…” Thầy còn nói vài câu nữa, ý là rồi tôi sẽ thấy thầy không sai. Lúc đó tôi không tin thầy, tôi tin tôi, để rồi ngay mấy tháng sau, tôi cun cút trở lại với những trang viết của mình, và rồi bây giờ, tôi cũng đang trong tình trạng “chán ngán viết” như Hữu Vi, và rồi tôi cũng tin rằng Hữu Vi sẽ chẳng thể ở lâu trong cái sự chán ngán ấy.
Tôi cứ nghĩ về cái câu “chán ngán viết như mình” của Hữu Vi, mà lại nghĩ về những câu thơ, những truyện ngắn mà anh viết và tôi từng đọc. Một chiều nọ, cách đây đôi ba năm, tôi bắt gặp trên facebook của Hữu Vi hình ảnh một chú gà con đứng dưới cơn mưa hoa xoan. Tôi vẫn nhớ ngôi nhà sàn gỗ của gia đình Hữu Vi khi tôi đến chơi, có một cái bàn dài đặt ngay lối cầu thang lên, là nơi khách khứa đến thì được mời ngồi đó uống nước, và cũng nơi đó, tôi thấy bố, mẹ Hữu Vi ngồi ngắm khoảng không xanh mát của khu vườn lúc chiều muộn, trước bữa tối. Mẹ Hữu Vi không ngạc nhiên khi khách của con trai bà là một phụ nữ, mà không phải… người yêu của con, như trước đây có các cô gái đến thăm nhà, nên bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện thật chân tình, gần gũi. Ngôi nhà nằm dưới những tán cây tỏa bóng, và có xoan không nhỉ? Tôi chắc có, tôi còn cảm thấy đúng như những gì Hữu Vi viết là những gì tôi đã từng thấy, một chú gà con đứng dưới cơn mưa hoa xoan tím ngát, thơm nồng. Với tôi thì hoa xoan rất thơm, thật vậy. Một hình ảnh bình dị, nhưng phảng phất buồn, mà không, thấm đẫm nỗi buồn mới đúng, như là cách những người như Hữu Vi, vẫn giữ được những nét trong trẻo, mộc mạc, không làm màu (hoặc là anh giỏi giấu cái sự không màu mè ấy vào những câu chữ, mà tôi không lần ra được).
Gần đây, Hữu Vi đã sống cùng gia đình mới ở miền đất khác, vẫn là vùng núi xứ Nghệ, với những cánh đồng xanh, những nếp nhà sàn, những guồng nước miệt mài bên dòng suối mát trong. Vài lần Hữu Vi mời gia đình tôi về chơi, tôi cũng đôi lần thu xếp, nhưng chưa thực hiện được.
Thì, mặc kệ ai muốn khoe khoang thành tựu của họ ở khắp nơi, mặc kệ những nhạt nhẽo vô vị nhưng được tung hô vì nhiều lý do này nọ trong giới, mặc kệ cái sự chán ngán viết (có thể sẽ kéo dài vài năm), nhưng rồi, chắc chắn, “Người và lá” sẽ vẫn “cùng thao thức hát”.
Phạm Thanh Thúy