Đến bản Văng Môn hỏi ai cũng biết bà Vi Thị Dung. Với khát vọng người Ơ Đu khôi phục được bộ trang phục truyền thống để sử dụng thường ngày, bà đã nỗ lực tìm kiếm bộ trang phục truyền thống mà bà con còn lưu giữ được. Và bà đã may mắn tìm được. Qua mày mò tìm hiểu, bằng kỹ năng vốn có, bà đã làm được bộ trang phục truyền thống. Để nhiều phụ nữ Ơ Đu cũng có trang phục của dân tộc, cũng biết dệt may, bà vận đông chị em tập trung lại và truyền dạy nghề cho nhiều phụ nữ trong bản. Thế là bà trở thành người truyền cảm hứng, khích lệ, thúc giục cho nhiều phụ nữ ở bản Văng Môn trên hành trình khôi phục nghề truyền thống và tăng thu nhập cho chị em trong bản.
Khi tái định cư về bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An), gần như trong bản không còn ai mặc trang phục truyền thống. Trước đó, người Ơ Đu không có bản riêng, mà sống rải rác trong các bản của người Thái, Khơ Mú. Nay tập trung về một bản, có bộ máy quản lý bản, có chi bộ Đảng nên việc bảo tồn bản sắc văn hóa cũng được quan tâm nhiều hơn. Một trong những yếu tố văn hóa quan trọng đầu tiên phải khôi phục là trang phục truyền thống. Trong khi đó, phần lớn phụ nữ Ơ Đu không biết dệt may. Theo luật tục hôn nhân, phụ nữ Ơ Đu hầu hết lấy chồng người Thái, Khơ Mú và về sinh sống ở các bản nhà chồng. Còn phụ nữ về làm dâu ở Văng Môn chủ yếu là người Thái và Khơ Mú (chỉ có 3 gia đình là người Ơ Đu kết hôn với nhau thời gian gần đây). Vậy nên, công việc khôi phục trang phục truyền thống của người Ơ Đu được đặt lên vai những nàng dâu Thái và Khơ Mú, đặc biệt là những phụ nữ Thái vốn nổi tiếng về nghề dệt may thổ cẩm. Trong số đó, phải kể đến vai trò của người quan trọng nhất là bà Vi Thị Dung.
Bà Dung sinh năm 1947 tại bản Cành Pải, xã Kim Đa, huyện Tương Dương. Từ khi 10 tuổi bà đã được dạy học dệt may. Bản của bà là người Thái, chỉ có 4-5 hộ gia đình Ơ Đu sinh sống xen kẽ. Năm 1966, khi chưa đầy 20 tuổi, bà kết hôn với ông Lo Hồng Phong là một người Ơ Đu cùng bản. Hai ông bà sinh được 7 người con gồm 4 trai 3 gái. Năm 2007, gia đình bà chuyển xuống bản Văng Môn do quê cũ thuộc vào diện tái định cư để lấy đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Khi về Văng Môn, thấy người Ơ Đu đã sống tập trung thành một bản nhưng lại không còn trang phục truyền thống, bà cứ băn khoăn suy nghĩ. Trao đổi với cán bộ bản và một số người tâm huyết với văn hoá về việc tìm cách khôi phục bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu, mọi người đều cổ vũ ý tưởng của bà. Cán bộ đã động viên người dân trong bản ai còn giữ được bộ trang phục truyền thống của ông bà, cha mẹ thì thông báo, cho bản mượn nhằm tìm hiểu và khôi phục lại.
May mắn, bà Lương Thị Hồng – một phụ nữ cùng bản còn giữ được do bà nội của chồng để lại và đưa cho bà Dung mượn một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu. Bà Dung mừng lắm, dành nhiều thời gian tìm hiểu, trao đổi với một số người có hiểu biết về nghề, các bà cũng khôi phục được bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu. Tuy chưa thực sự được đúng chuẩn như bộ trang phục mẫu của người Ơ Đu trước đây, nhưng cơ bản đã giữ được những yếu tố cơ bản và được hầu hết người Ơ Đu ở Văng Môn chấp nhận là trang phục truyền thống dân tộc mình. Từ đó, bà Dung bắt đầu tập hợp một số phụ nữ khéo léo và yêu thích dệt may trong bản để dạy dệt may và các kỹ thuật cần thiết khác để làm ra bộ trang phục truyền thống.
“Thấy các cộng đồng khác có trang phục truyền thống mà người Ơ Đu không có cũng buồn lắm. Tôi về làm dâu Ơ Đu đã hơn một nửa thế kỷ, chồng tôi là người Ơ Đu, các con tôi cũng là người Ơ Đu, nên thấy mình phải có trách nhiệm làm được cái gì thuộc về văn hóa truyền thống cho con cháu. May mắn là cán bộ bản và một số người yêu văn hoá đều ủng hộ, thế là chúng tôi làm. Phải qua mấy lần thất bại chúng tôi mới làm được một bộ hoàn chỉnh và ưng ý. Bây giờ thì có gần hai chục người trong bản có thể dệt, thêu, còn cắt may thì khó hơn. Cắt may không chuẩn sẽ làm hỏng tấm vải và bộ trang phục cũng không thể đẹp được, nên nhiều người sau khi dệt và thêu xong mang đến nhờ tôi cắt giúp và hướng dẫn may để chắc chắn thành công. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có trang phục truyền thống để mặc khi lễ tết. Thấy vậy mà vui vì những cố gắng của mình và mọi người đã có kết quả”. Bà Dung tâm sự.
Không chỉ tìm kiếm và khôi phục, bà còn truyền nghề cho nhiều phụ nữ trong bản. Số khung cửi trong bản cũng tăng lên đáng kể. Ban đầu chỉ có hai khung cửi của bà Dung với một người khác, nay đã có hơn chục khung cửi. Năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An có hỗ trợ 20 khung cửi để phát triển nghề dệt may, nhưng chỉ một nửa trong số đó hoạt động được. Qua sự giúp đỡ của bà Dung, nhiều người Thái và Khơ Mú về làm dâu ở Văng Môn đã biết dệt may. Hình ảnh nhiều người phụ nữ trong bản cùng tập trung lại vừa thêu may vừa trò chuyện vốn đã biến mất từ khá lâu nay sống lại và dần phổ biến hơn. Nhiều người đã tự dệt may trang phục cho gia đình sử dụng. Những gia đình không có người dệt may họ phải đặt mua của nhà bà Dung với giá một bộ trang phục đàn ông là 300 ngàn đồng và trang phục cho phụ nữ là 600 ngàn đồng. Gia đình nào cũng đều có trang phục truyền thống để mặc khi Tết đến xuân về, khi lễ hội hay các ngày trọng đại của gia đình. Con cái đến trường cũng cần một bộ để mặc vào các ngày lễ lớn, ngày đầu tuần. Công việc dệt may của bà Dung vì vậy mà phát triển hơn, tạo ra một nguồn thu nhập khá ổn định. Quan trọng hơn, từ tâm huyết của bà Dung và những người phụ nữ bản Văng Môn, trang phục truyền thống của người Ơ Đu đã có cơ hội xuất hiện trở lại và được người Ơ Đu nâng niu, trân trọng sử dụng trong đời sống, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của một dân tộc thiểu số rất ít người này.
Vài thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước không ngừng ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân Ơ Đu khôi phục văn hóa, phát triển kinh tế để theo kịp và bình đẳng với các cộng đồng khác. Đó là những nỗ lực to lớn của chính quyền dành cho đồng bào. Nhưng trong quá trình nay, còn có đóng góp to lớn của nhiều người dân bình thường như bà Vi Thị Dung trong việc khôi phục bộ trang phục truyền thống và làm hồi sinh những khung cửi ở Văng Môn hay rất nhiều người trong những lĩnh vực khác. Tâm huyết và công lao ấy của bà thật đáng trân trọng. Bà Lương Thị Lan, Trưởng bản Văng Môn khẳng định: “Trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu, vai trò của người phụ nữ vô cùng quan trọng. Bà Vi Thị Dung là một tấm gương sáng. Bà không chỉ đảm đang việc gia đình mà còn góp phần to lớn vào các phong trào phụ nữ ở địa phương. Những nỗ lực của bà vừa làm ‘sống lại’ bộ trang phục của người Ơ Đu vừa tạo cảm hứng cho nhiều người phụ nữ ở bản Văng Môn phấn đấu học nghề và hành nghề dệt may thổ cẩm, giúp họ có thêm công ăn việc làm, cũng như giúp người Ơ Đu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống”.
Trang Tuệ