Đảo nhỏ, nghèo và còi cọc như cây lúa nhiễm mặn. Vậy mà hàng trăm năm qua vẫn lây lất sinh sôi cheo leo, như chòm vú héo của mẹ đất nhô lên khỏi biển. Phóng viên đến phỏng vấn trước khi cơn bão vào bờ, những đứa trẻ lên sáu nhưng không đi học, bồng nách đứa em vừa thôi nôi, chạy lăng xăng mong được nhận chút quà bánh từ người lạ. Những người đàn ông còn sót lại ở đảo đều đã già nua, ngồi ngó khách không nói lời nào. Những người đàn bà ngồi trong nhà mình nói qua nhà hàng xóm, “không biết đợt này có cứu trợ mì chua cay nữa hông?”

Phóng viên tìm đến gặp ông cụ Tư, người già nhất đảo. Người ta chỉ rằng, ông cụ ấy đã chín mươi tuổi, sống qua gần trăm cơn bão mà vẫn minh mẫn, nhớ đầy đủ từng cơn. Câu hỏi cho cụ rằng, “đảo này năm nào cũng đón đầu những cơn bão, tồn tại được mấy mươi kiếp người ở đây, ắt tổ tiên cụ cũng đúc kết được những kinh nghiệm sâu sắc truyền lại cho con cháu?”

Ông Tư lắng tai nghe rõ rồi nói, “chẳng có kinh nghiệm gì cả, bão đến thì dọn chạy thôi. Bão ở bờ đông thì dọn qua bờ tây, còn bão ở bờ tây thì dọn qua bờ đông”. Đám con nít xóm dẫn phóng viên đi qua bờ tây, những cái chòi từ cơn bão trước vẫn còn đó. Chúng xơ xác và trơ trọi, có nơi còn để lại cái nồi treo tòn ten trên vách ni lông. Trong đám trẻ có đứa khẳng định chắc nịch rằng, “thấy vậy chứ bão mà vô, tụi con dọn qua là xôm tụ lại ngay!”

Lật lại lịch sử những cơn bão qua đảo, mới giật mình có một đợt bão ngoại lệ. Chúng đổ dồn tấn công cả 2 mũi bờ đông và bờ tây. Năm đó, đảo xơ xác (và xơ cả xác người). Những người đàn ông cho ghe từ biển trở về, máy nổ hết công suất vẫn không sao kịp. Những chiếc ghe neo ở bờ cũng không cách nào chịu nổi trước cơn lốc kinh hoàng. Vậy là chỉ hai hôm đổ bộ vào bờ, đảo thành ra đảo góa.

Những người còn sống đa phần là người ở lại đảo, được chính quyền kịp sơ tán đi. Còn cánh đàn ông, lao động chính của đảo Chày thì đi lênh đênh trên biển Đông hay biển Tây, để rồi sau bão người ta ra vớt được vài chục xác đem về. Số còn lại biệt tăm nhang khói từ dạo đó. Cái tên cúng cơm “đảo Chày” cũng bắt đầu mờ nhạt khi tên gọi “đảo góa” lên ngôi. Cứ mỗi chiều nhang khói tỏa khắp nơi ven biển, những người phụ nữ lại kéo đám con thơ ra đó gọi tên cha, như hét vào mặt biển những căm hờn và truy vấn. Sao biển không nổi cơn phẫn nộ nữa đi? Sao biển cứ lặng im như thế?

Cơn bão kinh hoàng năm ấy lấy đi của đảo bộn người. Nhưng chúng quăng trả lại một ông già Tư tóc bạc như bông, nằm thoi thóp thở trên bờ biển. Người ta đem ông đi cấp cứu và không quên dặn bác tài công tàu đò rằng, “vào trạm xá trong bờ, nhớ nói bác sĩ ráng cứu lấy ông cụ, ổng là người già nhất đảo này!” Và ông sống mạnh khỏe, không đau ốm gì sau đợt đó. Ông trở thành nhân chứng sống động và thuyết phục nhất, sau bão. Nhưng có nhân chứng đây rồi, biết phải thưa ai? Lẽ nào đi thưa cơn bão dữ!

Nhưng làm sao thưa cơn bão cho được. Xóm nghèo rớt mồng tơi, bỗng dưng được người phương xa cứu trợ. Những người đàn bà quanh năm lam lũ làm sao biết được khách sạn sang trọng ra sao. Cũng nhờ bão vào, nhà nước sơ tán vào bờ, có mớ được đưa vào khách sạn để trú ẩn. Cái nệm dày cui, nằm ngủ mà vẫn không sao biết ngoài kia bão đang gầm rú, làm người ta sau nhiều năm vẫn nhớ mãi khôn nguôi.

Minh họa: Trọng Hiệp

Khi đoàn người trở về, ngoài cứu được ông Tư sống dậy sau bão, thì người ta bàng hoàng phát hiện bão cuốn từ nơi đâu, quăng lại đứa bé sơ sinh ở bến tàu. Nó nằm tái xanh như chết. Mấy bà mụ của đảo đem thằng nhỏ vào hơ lửa, đổ nước ấm, xoa mạch thì nó sống lại, khóc ré lên. Đứa nhỏ được đưa vào bờ trị bệnh mấy bữa. Bão yên hẳn thì người ta đưa về đảo để trả cho cha mẹ nó. Nhưng biết cha mẹ đứa nhỏ ở đâu mà trả. Thằng bé không phải người của đảo. Hay cơn bão cuốn nó từ nơi xa rồi quăng lại nơi này? Hay cha mẹ nó ở tàu nào đó vừa tấp vô trú bão thị bị cuốn mất đi? Tất cả những giả thuyết đưa ra đều vô nghiệm. Đứa trẻ không cha mẹ được đảo giữ lại, truyền tay nhau nuôi chờ ngày ba mẹ nó (nếu còn sống) sẽ quay lại rước.

Nhưng lâu quá vẫn không thấy ai tới tìm. Khi đứa nhỏ bắt đầu biết nói, ông già Tư mang đứa nhỏ ra xã để làm khai sinh. Ông đặt nó tên Trần Trong Bão (tức là lượm đứa nhỏ từ trong cơn bão). Nhưng nghe phát âm, người ta võ đoán rồi đánh máy thành Trần Trọng Bão. Vẫn không ai hay biết điều đó, mãi đến khi đứa nhỏ vào lớp một, đem giấy tờ ra trường, ông già mới bật ngửa sửng sốt: “Sao mà trọng bão cho được?”

Người đảo cắt nghĩa với nhau, thằng nhỏ “trọng bão” thì đảo này còn khỉ gì sinh sôi. Tới bão mà nó cũng trọng thì còn gì mà nói. Đôi bữa biết đâu nó rủ bão vào đảo không chừng.

Đứa nhỏ được yêu thương từ lúc xuất hiện, bỗng dưng bị ra rìa vì cái tên của mình. Năm nó vào lớp một, lại thêm một cơn bão đánh vào đảo. Lần này bão không dữ dội như lần trước, nhưng cũng có mấy chuyến ghe biển bị chìm, mất trắng. Người ta càng đâm nghi hơn về cái tên đứa trẻ, kêu ông già ra xã làm lại giấy tờ, đổi tên cho thằng nhỏ. Nhưng hồ sơ phải lên huyện, lên tỉnh lu bu, tuổi tác của ông thì có hạn. Đảo lại không có nhiều người rành chữ nghĩa nên thôi, cái tên đứa nhỏ vẫn y thinh, như cái đinh đóng chặt vào đời nó và đời đảo Góa.

Sau mùa đó, bão vẫn thường vào đảo mỗi năm vài bận. Tôm cá từ đó cũng ít đi, không biết vì bởi ăn phải những trái thuốc nổ của đám ngư dân hay bởi cái tên Trọng Bão. Cuối đảo, nơi mũi đất de ra phía biển mấy trăm năm bồi tụ, bỗng dưng sụp lở triền miên không thôi. Nhìn mé nước liếm nơi rìa đất, lòng ai nấy cũng lo âu. Kiểu vầy chừng vài năm nữa, không cần bão thì đất cũng sụp hết cả đảo rồi. Người ta lại nghi ngờ cái tên Trọng Bão, dù những hàng đước, hàng mắm cứ bị cắt xén đi dần để những người đàn bà góa ở nhà hầm than đem ra chợ bán.

Thằng nhỏ không biết mọi người nghi ngờ cái tên của nó mang điềm báo xấu với đảo Góa ra sao. Nó hồn nhiên chơi cùng đám trẻ, vẫn lấy cỏ làm gà, lấy lá dừa nước lợp nhà chòi, dặn nhau rằng làm sao cho kiên cố để bão vào vẫn còn nguyên vẹn. Sau mùa tránh bão trở về khỏi cất nhà chòi mới mà chơi!

Đứa trẻ lớn lên, đảo vẫn nghèo và đất rừng vẫn không mọc thêm nhiều nữa. Những chuyến ghe biển ít ỏi còn sót lại của sáu bảy người đàn ông trên đảo ra biển dày hơn. Bởi những đứa con lớn lên, tiền ăn tiền học chồng chất đầy trong ngôi nhà trống hoác. Ông Tư già nua lo lắng không biết có đủ tiền cho thằng nhỏ đi học tiếp hay không. Trường phổ thông ở trong bờ cách mấy mươi cây số. Thằng nhỏ ham học nhưng biết phải làm sao?

Một bữa đang nằm võng lo âu, thì cái radio rọt rẹt báo tin có cơn bão hình thành phía khơi xa và sắp vào đảo. Chiều đó đảo Góa nhốn nháo. Những chiếc tàu chỉ mới ra khơi được hai hôm, tiền dầu còn ký thiếu ngoài đại lý. Tin bão mỗi lúc mỗi dày hơn, và cấp độ bão lần này làm cho đảo lo sợ.

Người ta lục đục di dời đảo đi về sâu phía trong đất liền, mặc dù không ít người cứ tin rằng bão đến từ bờ đông thì né qua bờ tây thôi chớ đi sâu vào bờ làm gì: “Mấy đứa con còn đang ở tàu biển khơi xa. Phải chờ nó về, còn lấy tiền trả nợ nần cơm áo”. Nhưng bão gần bờ hơn, những cơn gió báo hiệu bão lần này không chút đơn giản. Những chiếc tàu ở xa khơi vẫn còn luyến tiếc mấy mẻ lưới và tiền đong dầu nên vẫn chưa về kịp. Người ta lo sợ thì đâm ra nghi ngờ. Những nghi ngờ đổ dồn lên thằng nhỏ tên Trọng Bão. Năm nay nó vừa đậu cấp 3, sự kiện nào của đời nó cũng gắn liền với bão?!

Trong đoàn người đi tránh bão, đứa nhỏ bị dân đảo né xa. Những người đàn bà dặn con cháu rằng, không được lại gần thằng Bão: “Bà thầy bói xóm chợ nói, nó mang bão vào bờ đó. Lại gần nó lây điềm xui cho mà coi”. Những đứa bạn thân ngày nào bỗng dưng né tránh Bão. Nó thấy lòng chùng xuống mặc dù ông già thân thiết nhất của nó vẫn thương yêu và an ủi, “thôi kệ đi con”. Nhưng làm sao kệ được, nó vẫn yêu thương đảo này, coi những bà má, bà dì như mẹ ruột, những đứa bạn thì như anh em cùng mẹ cùng cha. Vậy mà bây giờ chỉ cơn bão nổi, và cái tên Trọng Bão mà mọi người cho nó ra rìa. Nó ngồi thu lu ở ngôi nhà tường tránh bão. Ngó về phía xóm Góa ở phía xa, không biết bây giờ đảo có còn những ngôi nhà chòi của nó hay không?

Nửa đêm bão vào bờ và bắt đầu rú lớn. Người đàn bà góa khóc ngất lên ngất xuống khi không thấy đứa con tám tuổi bị mộng du của bà nơi đâu. Nó vẫn thường đi một cách vô định như vậy. Nhưng trong cơn bão lũ này, không biết nó đi đâu. Người ta túa nhau đi tìm khắp nơi nhưng không gặp. Đến gần sáng thì phát hiện mất thêm thằng Bão. Hồi khuya, khi thức dậy tìm đứa nhỏ mộng du, thằng Bão vẫn còn ở đây, vậy mà giờ nó đâu? Vừa khóc, người đàn bà vừa hằn học, “tui nói nó tên Bão là xui lắm mà mấy người không tin!” Mọi người im lặng không nói lời nào. Tiếng khóc của bà lọt thỏm vào tiếng mưa không thôi gào rú ngoài sân.

Ông Tư ngồi thu lu trong góc nhà, buồn bã lo âu, không biết hai đứa nhỏ đi đâu, có bị làm sao trong cơn bão này không? Mấy nay thằng Bão buồn buồn, không biết nó có giận hờn hay tủi thân rồi bỏ đi hay nghĩ quẩn? Lòng ông nặng như núi đè. Mà không có cách nào tháo ra cho được.

Trong lúc mọi người vẫn còn lục đục tìm kiếm hai đứa nhỏ thì phía xa, nơi con sông từ biển đổ vào đang không thôi dậy sóng, có hai bóng dáng bơi vào bờ, một đứa vừa bơi vừa cầm cái cằm đứa còn lại cao lên không để ngạt. Ông già vừa hét vừa chạy ra phía bờ sông mà khóc: “Bão ơi, mầy đó chứ ai, Bão ơi là Bão…”.

Nghe tiếng ông già, người ta không hiểu ông đang kêu gào trong niềm vui mừng hay niềm oán giận…

Linh An

(Truyện ngắn đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)