Ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, có một người khi mới tuổi đôi mươi, ngay sau những ngày toàn quốc kháng chiến đã tham gia vào ban lãnh đạo Trường Trung học Lê Doãn Nhã. Cũng từ những năm tháng đó cho đến lúc nghỉ hưu, thầy dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Người thầy đáng kính đó là nhà giáo Ngô Xuân Lan.
Người thầy từ nền tảng Nho giáo
Tham gia công tác giáo dục từ rất sớm, nhà giáo Ngô Xuân Lan hiểu được tầm quan trọng của cái nghề “không phải ai cũng làm được” này. Người ta ví “người thầy như người chèo đò”, nhưng thầy không nghĩ thế, nó chỉ “giống” ở một khía cạnh nhỏ cơ học nào đó. Thầy nói: “Nghề giáo (giáo dục), ngoài ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, còn có một trách nhiệm lớn lao không những chỉ với người học trò mà nó còn đối với toàn xã hội. Nghề giáo cung cấp cho đất nước những con người có đạo đức và có chuyên môn tốt. Đất nước có phát triển, phồn thịnh hay không cũng đều xuất phát từ những ngôi trường”.
Từ hồi còn đi học chữ Nho, chữ Quốc ngữ ở làng Hào Kiệt, thầy đã được nghe giảng về tư tưởng, về đạo lý “lương sư, hưng quốc” của nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An từ thế kỷ XIV hay nghe giảng về triết lý giáo dục của Khổng Tử… Từ những ngày đó, những triết lý nhân văn về giáo dục của nhân loại, ông cha, đã sớm hình thành trong tư tưởng của nhà giáo Ngô Xuân Lan: Trách nhiệm trồng người! Làm sao để nhà trường dạy tốt và học tốt, làm sao để đào tạo những lớp học sinh có đủ tri thức, phẩm chất, đức hạnh, lòng dũng cảm, lòng yêu nước… để cung cấp những con người có ích cho đất nước, trung thành với Tổ quốc. Có đủ những phẩm chất, đức tính đó thì người học sinh khi bước vào cuộc sống mới có lòng tự tin để đương đầu với mọi gian khổ khó khăn. Người xưa đã nói: “Học làm người trước, làm việc sau” là gì? Với suy nghĩ đó, ngay từ năm 1950, Trường Lê Doãn Nhã đã bổ sung cho kháng chiến 50 học sinh cùng thầy hiệu trưởng tham gia Vệ quốc đoàn, trong đó có thầy hiệu trưởng Phan Ngọc (người xã Nhân Thành) trở thành học giả nổi tiếng và học sinh Phan Tư (người xã Thọ Thành) là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Nếu không bị dị tật ở gót chân thì thầy Ngô Xuân Lan cũng đã trở thành một anh vệ quốc đoàn trong số 50 người ra trận của Trường Lê Doãn Nhã. Thầy ở lại và đi học tiếp. Tốt nghiệp trung học, về lại trường, liên tục các năm tiếp theo thầy được giao nhiệm vụ là hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ cho đến khi trường được đổi tên thành Trường cấp II Yên Thành. Những năm hòa bình, Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp trồng người. Ông như được tiếp thêm nguồn lực để dồn tâm trí vào sự nghiệp. Thời gian đó, tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13/9/1958, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác nói với anh chị em giáo viên lớp học: “Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”. Thấm nhuần những lời giáo huấn của Bác Hồ, suốt những năm đó thầy đã góp phần cùng ban giám hiệu nhà trường tổ chức dạy và học, tạo phong trào giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Tháng 9/1961 huyện Yên Thành thành lập Trường cấp III Yên Thành đầu tiên, thầy lại được đề nghị làm Bí thư Chi bộ. Thầy kể: “Ra đời trong hòa bình, nhưng trường gặp muôn vàn gian khó. Niên khóa đầu tiên 1961-1962, tuy mới chỉ có 3 lớp 8 (lớp l0 ngày nay) với hơn 100 thầy và trò, nhưng trường vẫn không có chỗ học mà phải học trong đình Bảo Lâm của xã Hoa Thành”. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy tiếp tục về dạy ở Trường cấp III Yên Thành. Thời gian này, ngành giáo dục phát động phong trào thi đua “hai tốt” (dạy tốt, học tốt) bắt đầu từ tiếng trống khai trường của Trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam). Phong trào lan rộng khắp toàn miền Bắc trở thành luồng gió mới “trồng người” trong ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng lan rộng, tháng 9/1965, Trường cấp III Yên Thành tách làm 2: Trường cũ mang tên cấp III Yên Thành 1 (nay là Trường THPT Phan Đăng Lưu), trường mới mang tên cấp III Yên Thành 2, ngụ tại xóm Bắc Sơn, xã Bắc Thành, học sinh gồm các xã vùng phía Nam và phía Tây Bắc huyện. Nhà giáo Ngô Xuân Lan tiếp tục được Huyện ủy, UBHC huyện Yên Thành tín nhiệm đề nghị làm Bí thư Chi bộ nhà trường. Buổi đầu, trường có 6 lớp với gần 300 học sinh và 19 cán bộ, giáo viên. Có thể nói đây là thời kỳ khó khăn, thiếu thốn nhất của trường trong công tác dạy và học. Những ngày tháng sơ tán về Bắc Sơn, nhà trường học trong các nhà thờ, đình làng. Thầy và trò đều ở trọ rải rác các nhà dân trong xóm. Tuy vậy, việc dạy và học không những không bị gián đoạn mà còn được duy trì tích cực, phát triển những hình thức mới. Chi bộ cùng ban giám hiệu bám chặt phương châm “dạy chữ đi đôi với dạy người”. Cán bộ, giáo viên bám trường, bám lớp, mỗi thầy cô giáo là một chiến sĩ trên chiến trường giáo dục. Hằng đêm, dù có khi mưa to gió lớn, nhưng giáo viên vẫn đi tới từng nhà trọ để hướng dẫn và kiểm tra việc học tập của học sinh, qua đó phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi các khối lớp. Thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dạy tốt, học tốt là biểu hiện của tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc vì miền Nam ruột thịt”. Chính nhờ vậy mà niên học 1965 – 1966 đã có hàng chục học sinh được đi thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi toàn miền Bắc ở các môn: Văn, Toán, Vật lý. Cũng chính từ ngôi trường sơ tán Bắc Sơn, nhà giáo Ngô Xuân Lan đã có sáng kiến đề xuất bồi dưỡng kết nạp những học sinh lớp 10 ưu tú vào Đảng. Sáng kiến của thầy được Huyện ủy và lãnh đạo nhà trường ủng hộ, tạo ra phong trào thi đua rèn luyện, học tập sôi nổi, sâu rộng trong toàn trường, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học đầu tiên nơi sơ tán, chi bộ nhà trường đã bồi dưỡng kết nạp được 8 học sinh ưu tú lớp 10 vào Đảng. Những năm sau đó hầu như năm nào cũng có thêm nhiều đảng viên mới, có năm kết nạp được 28 học sinh các lớp vào Đảng. Trong số 85 học sinh được đi tu nghiệp nước ngoài thời đó phần lớn là đảng viên và nhiều người sau này đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, cán bộ khoa học trên nhiều lĩnh vực phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh…
Người thầy dành cả cuộc đời vì sự nghiệp “trồng người”
Phải nói rằng, những thành công trong những năm tháng chiến tranh của Trường cấp III Yên Thành 2, của lớp học trò ở vùng quê nghèo vượt khó vươn lên học giỏi không tách rời sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu nhà trường mà người khởi xướng, cầm lái là nhà giáo Ngô Xuân Lan. Với tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”, “vì sự nghiệp trồng người”, thầy đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, miễn sao học sinh rèn luyện tốt, học giỏi. Trái tim thầy luôn trăn trở, băn khoăn khi thấy có học sinh rèn luyện tốt, học tập giỏi nhưng xã không cho đi học đại học vì gia đình chậm vào hợp tác xã hoặc vì những lý do khác, đến nhờ thầy giúp tác động với địa phương. Có trường hợp, một thầy giáo là Bí thư Đoàn trường, hoạt động rất tích cực, địa phương không đồng ý để kết nạp vào Đảng vì gia đình là “tiểu thương”. Từ Yên Thành, thầy đạp xe lên tận Đô Lương để thẩm tra lại lý lịch mới biết mẹ của thầy này có mẹt hàng xén bán ở chợ. Thầy xin ý kiến Huyện ủy và thầy giáo ấy được kết nạp vào đảng. Sau này, người thầy giáo đó làm đến Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An (thời kỳ 1996 – 2000). Hình ảnh người thầy giáo với chiếc xe đạp “cọc cạch”, rong ruổi trên những con đường bùn đất gồ ghề có khi tới hàng chục cây số đi, về chỉ để thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho học sinh đã in đậm không chỉ trong trí nhớ của lớp học trò chúng tôi mà cả những người nông dân miền đất lúa cũng rất cảm phục tấm lòng cao quý vì tương lai học sinh của thầy. Suốt một đời làm thầy, tấm lòng bao dung ấy của nhà giáo Ngô Xuân Lan đã chắp cánh cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh được vươn cánh bay xa, lao vào cuộc sống, bảo vệ và phục vụ đất nước. Gần như tất cả các thế hệ học sinh thời đó đều trưởng thành, đã phát huy cao nhất truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Sau khi hoàn thành việc học chính trị ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, thầy được điều về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, phụ trách Phòng Thời sự Tuyên truyền. Năm 1973, thầy lại được cử đi lớp nghiên cứu sinh Triết học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp, thầy tiếp tục sự nghiệp “trồng người” nhưng ở môi trường khác, mức độ cao hơn, làm Trưởng khoa Triết học Trường Đảng Trần Phú, tỉnh Nghệ Tĩnh để đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị – hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Trong 10 năm ở cương vị này thầy đã cùng tập thể nhà trường xây dựng Trường Đảng Trần Phú thành trung tâm đào tạo cán bộ có chất lượng của các trường Đảng địa phương.
Nhà giáo Ngô Xuân Lan, năm nay đã hơn 99 tuổi, có hơn 79 năm tuổi Đảng là người cán bộ tiền khởi nghĩa của quê hương Yên Thành. Gắn bó gần cả cuộc đời với sự nghiệp “trồng người”, dù là khi đứng trên bục giảng hay làm quản lý hay làm khoa giáo hay ở Trường Đảng, lúc nào thầy cũng dõi theo và tâm tư về ngành giáo dục đào tạo, về sự nghiệp “trồng người”. Kể cả khi gần tuổi “bách tuế”, mỗi lần về quê thầy đều tới thăm các trường ở địa phương. Tôi có cảm giác “ngọn lửa trồng người” luôn cháy mãi trong con người thầy.
Thầy đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo thưởng nhiều huân, huy chương về sự nghiệp giáo dục. Mọi người kính trọng thầy vì trọn đời thầy sống giản dị, chan hòa, là hiện thân của người thầy giáo luôn giữ gìn chữ Đức, trọng chữ Tâm, rèn chữ Tài, phụng sự chữ Nhân. Cảm động biết bao, đáp lại tấm lòng bao dung và công lao của thầy, hàng năm, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, hàng trăm học sinh cũ, là các giáo sư, tiến sĩ nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, ngoại giao… dù đã trên dưới tám mươi tuổi, trên khắp mọi miền đất nước đều không quên đến chúc mừng tri ân, biết ơn thầy. Với một người thầy thì đó chính là “tấm huy chương” xứng đáng nhất: Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp “trồng người”.
Trần Công Bổng