Để đến tận bây giờ vẫn còn những tiếng đàn, tiếng sáo vang lên trong bản làng phải kể đến công lao không nhỏ của các nghệ nhân. Trong bối cảnh nghệ thuật trình diễn nói chung và âm nhạc truyền thống của các tộc người đang mai một nhanh chóng thì các nghệ nhân là thành trì cuối cùng để lưu giữ lại những tiếng nhạc cho bản làng.

Về bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương ai cũng biết đến Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Pắn. Ông là một người Thái nhóm Tày Thanh, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Ông chính là người lưu giữ những tiếng nhạc truyền thống cho người dân bản Khe Ngậu. Không những vậy, ngày ngày ông đang không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho một số bạn trẻ tìm về niềm yêu thích nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Có thể nói rằng, nghệ nhân Lương Văn Pắn là người đang giữ những tiếng nhạc truyền thống ở lại với bản làng Khe Ngậu.

Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Pắn có một niềm đam mê mãnh liệt với các nhạc cụ truyền thống của người Thái

Lương Văn Pắn sinh năm 1966. Ông sinh ra trong gia đình họ Lô, nhưng từ bé làm con nuôi cho gia đình họ Lương và đổi họ theo cha mẹ nuôi. Chuyện rằng, gia đình bố mẹ ông đông con, nhưng em trai của mẹ ông lấy vợ đã lâu vẫn không sinh được con đã xin nhận ông về làm con nuôi. “Pắn” trong tiếng Thái nghĩa là chia cho, chia sẻ, nên tên ông Lương Văn Pắn cũng có nghĩa là bố mẹ đẻ chia cho bố mẹ nuôi để vợ chồng người em có con cái trong nhà.

Cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ nuôi đều không có năng khiếu về âm nhạc, nhưng từ bé ông Pắn lại rất thích nghe tiếng nhạc của dân tộc. Lên 9-10 tuổi, ông thường theo các người lớn tuổi đi xem biểu diễn nghệ thuật và rất tò mò với các nhạc cụ truyền thống. Rồi ông cứ theo những người biết thổi khèn, thổi sáo và các loại nhạc cụ khác trong bản để học. Về nhà lại tự mày mò, rèn luyện cách thức sử dụng các loại nhạc cụ này. Không chỉ học để biết thổi, ông còn học để biết làm ra hoặc sửa chữa các loại nhạc cụ. Dần dẫn ông hiểu rất rõ về các nhạc cụ truyền thống và biểu diễn rất hay, được nhiều người tán thưởng, được tham gia các đoàn biểu diễn văn nghệ của người Thái ở địa phương và nhiều nơi khác. Ông chơi được các loại nhạc cụ phổ biến như khèn bè, xixalo, pí nhôm, pí xuối, pí khuối, khèn lá, sáo Mông… theo các làn điệu truyền thống của người Thái ở đây, chủ yếu là điệu lăm.

Không chỉ sử dụng thành thạo mà ông còn chế tạo và sửa chữa các nhạc cụ truyền thống của người Thái

Từ những năm 1990, ông Lương Văn Pắn được mời tham gia nhiều tiết mục văn nghệ ở các sự kiện văn hóa quần chúng ở xã, huyện và tỉnh. Những tiết mục của ông ngày càng được nhiều người đón nhận và giành được những giải thưởng cao, tên tuổi của ông cũng được biết đến rộng rãi hơn. Đây cũng là thời điểm Nhà nước quan tâm nhiều đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, nhạc cụ truyền thống. Ông Pắn được Trung tâm Văn hóa huyện Tương Dương mời tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, được đưa đi biểu diễn ở nhiều nơi. Qua ba chục năm hăng hái tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc truyền thống, ông Lương Văn Pắn giành được nhiều giải thưởng và được tặng nhiều bằng khen của tỉnh, huyện và các ban ngành khác. Năm 2019, ông vinh dự được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú để ghi nhận những đóng góp mà ông đã nỗ lực cho việc bảo tồn di sản âm nhạc và nhạc cụ truyền thống của người Thái ở Tương Dương.

Với nhiều đóng góp từ niềm đam mê vô hạn, năm 2019, ông Lương Văn Pắn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Sau khi được phong Nghệ nhân Ưu tú, ông Lương Văn Pắn tiếp tục tham gia giảng dạy cho nhiều khóa tập huấn do địa phương tổ chức. Hiện ông là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ truyền thống huyện Tương Dương. Cùng với đó, ông cũng tìm tòi, động viên và khuyến khích những người trẻ tuổi trong bản học tập để giữ gìn tiếng nhạc của người dân tộc Thái, của bản làng Khe Ngậu. Qua những tâm huyết của nghệ nhân Lương Văn Pắn, nay bản Khe Ngậu không chỉ mình ông mà đã có thêm 4 người biết sử dụng các nhạc cụ của người Thái. Dù chưa trở thành nghệ nhân nhưng có ba người sử dụng thành thạo, là những nhân tố cơ bản trong phong trào văn nghệ của bản. Đặc biệt, cháu Lô Bảo Quốc, 14 tuổi, là con anh trai của ông đang theo học sử dụng các loại nhạc cụ. Nhờ tư chất tốt, cháu đang từng tiếp quản được những di sản của ông Pắn để lại. Ông mừng và đặt hết tâm huyết, niềm hy vọng vào đứa cháu này. Ông tự tay làm các nhạc cụ tặng cháu nhằm khuyến khích niềm đam mê của cậu bé. Ông chia sẻ “Di sản âm nhạc của cha ông sẽ vẫn còn mãi với bản làng”.

Vừa theo đuổi niềm đam mê và khát khao gìn giữ di sản âm nhạc của dân tộc, ông vừa rất chăm lo và năng động trong sản xuất. Như bao nhiêu người dân ở bản Khe Ngậu, gia đình ông cũng chăn nuôi bò, lợn, gà, cá… trồng cà ngọt. Vườn cà ngọt của gia đình ông mỗi năm cho thu nhập tầm hai chục triệu đồng. 3 ao cá ven khe Ngậu mỗi năm cũng mang về cho gia đình ba bốn chục triệu đồng nếu không bị lũ lớn cuốn trôi. Hàng ngày, ông vào nương chăm cà, cắt cỏ, hái lá chuối để nuôi cá. Rời công việc ông lại đến với nhạc cụ, với âm nhạc của dân tộc, bởi ông luôn đau đáu một tâm sự: “Càng ngày càng thấy thiếu vắng tiếng nhạc truyền thống, thấy buồn và lo. Nghĩ mình còn chút sức lực thì có cơ hội là chia sẻ với mọi người. Đó cũng là trách nhiệm của một con người với cha ông, với truyền thống dân tộc”.

Âm nhạc là đam mê thì ngày thường, nghệ nhân Lương Văn Pắn cũng như nhiều người dân ở bản Khe Ngậu, chăm lo nuôi cá để kiếm sống

Trong câu chuyện về ông Lương Văn Pắn, Trưởng bản Khe Ngậu bày tỏ niềm khâm phục: “Ít có ai có được niềm đam mê như nghệ nhân Pắn. Ông không chỉ đam mê biểu diễn và tham gia hầu hết các sự kiện văn hóa của người Thái ở quê nhà, các sự kiện lớn khi huyện, tỉnh hay Trung ương điều động. Chưa bao giờ ông từ chối và quan tâm xem thù lao, lợi ích nhận được là gì. Với ông, được biểu diễn, được giới thiệu những giai điệu âm nhạc cổ truyền của người Thái bản Khe Ngậu tới nhiều nơi là niềm hạnh phúc”.

Sau tất cả, ông về Khe Ngậu sinh sống với những công việc như bao nhiêu người khác nhưng không ngừng nuôi khát vọng truyền lại tiếng nhạc cho thế hệ sau. Trân trọng sự đóng góp của nghệ nhân Lương Văn Pắn, bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch xã Xá Lượng cho hay: “Với một địa phương như Xá Lượng, có được một nghệ nhân như ông Lương Văn Pắn là niềm tự hào. Ông không chỉ đưa tiếng nhạc truyền thống của người Thái bay xa khắp nơi, mà còn nhen lên niềm hứng cảm rất đáng quý trong bối cảnh hiện nay để nhiều người yêu thích và góp phần vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.

Bùi Hào