Đã rất lâu rồi tôi mới quay lại thị trấn nơi mình sinh ra. Ngay dưới chân cầu, sau dãy nhà dọc theo đường quốc lộ là khu vực chợ, ngày xưa mẹ hay dẫn tôi đi cùng. Mỗi lần trở về cùng mẹ tôi đều có một món quà như con tò he, xâu bánh đa, túi bánh rán. Nơi đây giờ đã mọc lên một tòa nhà thương mại khang trang. Tuy vậy, hai bên và phía sau cảnh bán buôn dường như không đổi. Vẫn các quán tạp hóa, những quầy hàng xén, sạp hàng lúp xúp, người mua kẻ bán chen lấn nhau ra sát cả lòng đường.

Tôi đi tạt vào một lối nhỏ cắt ngang khu chợ, những tiếng chào mời, trả giá, hỏi han dẫn tôi về một thời xưa cũ. Mùi bánh trái, mùi cá nướng, mùi hải sản, mùi nước mắm, ruốc trộn lại với nhau thành một thứ mùi đặc trưng khó tả. Tôi cứ đi theo những lối rẽ đan xen ngẫu nhiên. Chiều buông lúc nào không hay. Chỉ còn lại những dáng người nhấp nhổm làm sao bán hết hàng để kết thúc một ngày đi chợ. Bỗng một gã đàn ông trạc tuổi tôi, với khuôn mặt dài ngoẵng như bóng của những ngôi nhà đang đổ xuống, xuất hiện cùng tiếng rao khản khắc:

– Ai mua mặt nạ đ.â..y… Ba mươi ngàn một chiếc, năm mươi ngàn hai chiếc!

Tôi chợt nhận ra mình đã đi vào một hẻm nằm sâu trong chợ. Các hàng quán đã vãn, hẻm nhỏ và dài chỉ còn tôi với gã nên không thể tránh được ánh mắt va thẳng vào nhau. Gian hàng của gã là một chiếc gậy dài bằng tre vắt trên vai. Những khuôn mặt Ngộ Không, Bát Giới, Như Lai, Bồ Tát, công chúa, Ninja, hiệp khách, thằng hề… được cột vào gian hàng bằng những sợi dây nhiều màu sắc. Nếu trở về thời nhỏ, gặp được vận may như thế này, tôi sẽ chọn lấy chiếc mặt nạ bắt mắt nhất ướm thử và sẽ không rời đi nếu mẹ không mua cho. Gã bật lên câu chào mời rè rè như một đoạn radio bị nhiễu sóng:

– Anh mua mặt nạ không? Ba mươi ngàn một chiếc, năm mươi ngàn hai chiếc.

Tôi nhìn gã, ngần ngừ, đầu không ra lắc cũng chẳng ra gật, thành ra gã dừng lại giữ một khoảng cách đủ gần rồi trân trân nhìn tôi. Một lát sau, để thoát khỏi sự im lặng, tôi hỏi được một câu khá ngớ ngẩn:

– Anh có bao nhiêu mặt nạ?

– “Tôi… tôi không biết”, gã ngúc ngắc rồi trả lời cũng ngớ ngẩn không kém, “tất cả chỉ có chừng này thôi”.

Minh họa: Hải Thọ

Tôi lại gần, đưa tay thử cầm lấy một chiếc. Mặt nạ của gã rất khác thời trước: dày, mềm mại, có thể co dãn để vừa các khuôn mặt đeo vào. Và chúng rất thật. Tôi vừa lật giở những chiếc mặt nạ khác nhau vừa hỏi, cốt để giấu sự vụng về:

– À, thế anh có mặt nạ đại gia không?

– Thứ đó ngoài nhiều lắm nên không ai mua.

– Thế còn mặt nhà văn, giáo viên?

– Cái đó thì không ai cần.

Tôi bối rối, cố tập trung vào chồng mặt nạ để xem có khuôn mặt nào gần gũi không.

– Tại sao anh lại bán mặt nạ?

– Ai lớn lên cũng cần có mặt nạ, nên tôi bán thôi.

– Tất cả sao?

– Đúng, tất cả. Người thì phải kiếm sống, người thì tự bản năng, người thì nhu cầu khiến họ phải có mặt nạ, một hoặc nhiều. Đôi khi không dám đối diện với chính mình, dù chỉ qua gương, họ cũng tự đeo vào một cái mặt nạ.

– Vẫn có ai đó không có hoặc không cần mặt nạ chứ?

– Họ sẽ trở thành kẻ điên. Chắc chắn thế!

– Thế tại sao anh lại chỉ bán những loại mặt nạ này?

– Tôi bán cho những người muốn chạy trốn. Họ mệt mỏi với những khuôn mặt khác nhau, giả bộ đau đớn, giả bộ lương thiện, giả bộ hạnh phúc, giả bộ thành đạt… Vì vậy, họ lại muốn có một khuôn mặt không thực giống nhau để khi đeo vào họ sẽ không bị ai nhìn ra. Kể cả chính họ.

– Anh nghĩ tôi cũng đang chạy trốn sao?

– Không, nhưng tôi nghĩ anh đang tìm kiếm.

– Tìm kiếm khuôn mặt cho chính mình?

– Có lẽ vậy…

Gã đợi tôi sửa lại những cái mặt nạ bị xộc xệch rồi nói tiếp:

– Anh mua một cái đi, đôi khi nó là món quà cho lũ trẻ con.

– Nhưng trẻ con đâu cần mặt nạ?

– Trẻ con không cần nhưng tụi nhỏ sẽ học được cách một cái mặt nạ có thể thay đổi kẻ đối diện như thế nào.

– Để sau này chúng sẽ tự đeo vào?

– Không, bản năng sẽ khiến chúng tự biết đeo mặt nạ, nhưng chúng sẽ bớt tổn thương khi người khác đeo mặt nạ với chúng.

– Tôi không chắc điều đó, nhưng có một điều chắc chắn là tôi chỉ tặng những mặt nạ phù hợp với tôi.

– Sao anh không chọn cái phù hợp với chính tụi nhỏ?

– Bởi không có mặt nạ nào phù hợp với một đứa trẻ.

– “Vâng, thế anh cứ chọn”, và gã lại nói như bật đoạn radio bị rè tiếng lên, “Một cái ba mươi ngàn, hai cái chỉ năm mươi ngàn!”

Tôi loay hoay trong đống khuôn mặt đang đối diện với tôi, suy nghĩ trở nên trống rỗng. Tôi không chắc nếu nhìn thêm một lát nữa liệu chúng có nằm đó mà không thoát ra khỏi những sợi dây nhiều màu sắc rồi bay vòng xung quanh tôi. Tôi dúi cho gã tờ năm mươi ngàn, nói vội sợ gã từ chối:

– Đáng lẽ đến giờ anh cũng đã bán được mấy cái rồi… Thật tiếc vì tôi không chọn được cái nào cả.

Ra khỏi chợ, nhìn bóng người bán mặt nạ đổ dài trong buổi chiều tím rịm, đứa trẻ trong tôi bỗng nhiên bật khóc.

Trần Khoa Văn

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, tháng 10/2022)