Bốn tiếng trong phòng chờ sân bay quốc tế cả trăm khách ra vào, có một người chúi vào cuốn sách dày, còn lại là chăm chú với các loại điện thoại, nói chuyện hay lướt mạng, soi Facebook.

Loanh quanh thế nào, người đọc sách lại ngồi cạnh cô suốt chuyến bay dài. Khi máy bay nhấc lên khỏi đường băng, tất cả vẫn nấn ná cố thêm những tin nhắn, lời hẹn, nhắc giờ đón, anh vẫn im lìm với cuốn sách.

Đến lúc ăn thì chúng tôi nói chuyện.

– “Anh là Việt kiều về quê ăn Tết?”. Cười nhẹ, lắc đầu:

– Về quê dịp Tết thì đúng, Việt kiều thì không.

– Quê anh ở đâu?

– Hải Hậu. Cô tới Hải Hậu bao giờ chưa?

– Ôi thế à, tôi cũng người Hải Thịnh đây, sao trùng lặp đến thế. Tôi cũng về Hải Thịnh ăn Tết.

Anh dừng dở miếng dưa vàng đã đưa lên miệng, và gọi cô phục vụ mang đi. Rõ ràng là do tác động của sự phấn khích nhận ra người cùng quê ở một bầu trời xa lắc châu Âu có gì đó giống tiểu thuyết hay phim ảnh. Gần một ngày trôi qua với tiếng động cơ máy bay, những bữa ăn thơm nóng vừa đủ, cuối cùng cũng tiếp đất Hà Nội. Nháo nhào các loại chuông điện thoại, những câu nói quá khích thành to tướng vô duyên.

– Để anh gọi taxi. Anh vẫn đi như vậy hàng năm.

– Không sao, em rất vui vì anh đi cùng về quê. Anh gọi báo ở nhà, chắc 2 tiếng về đến nhà, giờ đường cao tốc đi nhanh lắm.

– Anh không dùng điện thoại. Anh không cần báo tin cho ai là anh về.

– “Ơ… Anh nói mẹ anh đang ở Hải Thịnh mà… ”, gật nhẹ, nhìn ra xa, im lặng.

Sau một chuyến bay dài từ Thụy Điển về, hết tiếng động cơ máy bay và trời đêm ẩm ướt hơi mùa Xuân, cô rất muốn ngủ nhưng cố hỏi thêm một câu:

– Điện thoại là vật thiết thân, sao anh không dùng? Vậy (khua tay khó diễn tả) anh làm việc, giao tiếp kiểu gì? Nhắn tin trên Facebook? Hay mail?

Anh cười, lắc đầu:

– Anh làm ở Bộ, ngoài ra tư vấn thêm về luật. Công việc phát triển. Những thứ em hỏi, hết giờ làm việc anh bỏ lại văn phòng, có sao đâu!

Cô tỉnh ngủ hẳn. Hơi biển mặn mùi tanh của cá lẫn tiếng sóng ầm ào đón hai người.

– Để em đưa anh về trước.

Anh nhìn sâu vào mắt cô, gật.

– Đến rồi.

Minh họa: Tạ Tâm

Anh nói đột ngột khiến lái xe phanh gấp, lốp miết trên đường nhựa mới trải. Đầu xô đập nhẹ vào ghế phía trước. Anh mở cửa lao nhanh ra ngoài, giống những đứa trẻ lao vào vòng tay mẹ mỗi khi tan trường. Trước mặt họ là một khu đất rộng, có tường bao ba phía, không có cổng vào nhưng có đường. Trong ánh sáng đêm cuối năm, đứng hơi lâu, sẽ nhận ra lối nhỏ dẫn vào bên trong. Như quên mất sự tồn tại của cô, anh lao vào bên trong, háo hức sống động, hoàn toàn khác vẻ lãnh đạm hai ngày qua cô thấy. Cách anh đi trong bóng tối chứng tỏ quen đường, thuộc lối. Gần cuối sân, anh dừng lại, và ngồi xuống.

Đấy là một ngôi mộ. Không tô sơn, không lát đá hoa cương. Nhìn kỹ, mộ láng xi măng xanh bóng. Cô chợt rét. Ngoài đường, bên kia là biển sóng vỗ oàm oạp như có người đang giũ quần áo. Gió lộng từng cơn mang theo mùi biển nặng hơi muối. Anh ngồi im, lấy tay chùi chùi lên tấm bia nhỏ, những dòng chữ nhỏ, ngón tay thuôn dài di di.

Để quyết định đưa người yêu về ra mắt mẹ, anh phải chuẩn bị trước vài tháng. Tính đủ các cách không cách gì hơn là mượn nhà ông bác giả làm nhà mình vì yêu con gái thành phố, lại xinh đẹp, tự nhiên khó thốt ra câu nhà anh rất nghèo, dù anh là học sinh giỏi của tỉnh.

Hôm ấy là 28 Tết, anh đưa nàng về chào mẹ trong ngôi nhà mượn. Mẹ tần ngần:

– Sớm muộn cũng là vợ con, lúc đấy mẹ ăn nói ra sao với nhà người ta?

– Con cần cô ấy yêu con trước. Yêu rồi tính tiếp mẹ ạ.

Và mẹ lơ ngơ trong ngôi nhà mượn tạm mấy tiếng đón cô gái chốn thị thành, nhà buôn bán kiểu mùa nào thức đấy, buôn gì cũng được miễn lãi.

Một cú giả vờ thành công. Tết năm sau, anh về một mình, nàng nói chỉ cần điện thoại, cho em gửi lời thăm mẹ anh nhé.

Về với mẹ một đêm. Mẹ sung sướng bỏ cả dép chạy chân đất, lấy mực nhà ông Tản vừa về, rồi con cá song biển nhà cô Thu biếu nấu cháo bồi dưỡng cho con. Anh về, mẹ hỏi và nói liên tục như sợ không nhanh anh lại đi biến cả năm:

– Mẹ tính lần này sửa nhà bằng đá, không cần trát. Mẹ tính nhận thêm đồng muối, ai cũng cần muối…

Chỉ có mẹ độc thoại. Tự hỏi, tự trả lời. Anh lúc đấy khư khư cái điện thoại. Em lạ gì ngày đấy, sóng chập chờn, pin hết nhanh cứ phải sạc liên tục. Anh ngồi thu lu góc phòng, từ chiều đến đêm dí mắt vào đợi nàng gọi. Mực hấp hết nóng thành tanh. Mẹ quần ống cao ống thấp rét run mỗi khi ngồi xuống bên mâm cơm con không hề động đũa vì mải ôm điện thoại nhắn tin.

– Anh làm gì đấy?

– Anh đang nhớ em. Em làm gì đấy?

– Em cũng rất nhớ anh.

– Em ăn gì trưa nay?

– Em ăn bún đậu mắm tôm. Mắm tôm pha ngon hơn hôm trước do vắt quả quất.

– Ngon quá, anh thèm quá!

– Hôm nào anh lên đi ăn mắm tôm vắt quất.

– Em nhớ anh không?

– Em ghét anh để em cô đơn. Tết người ta đi với nhau em toàn ở một mình.

– Nhưng mẹ ở một mình, không về Tết không được. Sang năm anh hứa anh ở Hà Nội với em.

– Anh…

– Em…

Và rầm! Anh giật mình đặt điện thoại vẫn đang nháy xanh những dòng tin mới, nhìn ra. Chiếc nồi to đổ ra đất, trắng một góc là dòng cháo đặc. Anh chạy ra, đạp luôn phải con cá văng ra từ nồi cháo. Cạnh đấy là mẹ. Bất động. Khi bế mẹ lên, quần mẹ xắn cao ngang đầu gối, áo len mỏng vặn lại dưới cánh tay da nhão như tách khỏi xương. Cả người mẹ dính cháo nóng. Hôm đó, đài báo 12 độ…

Đến bây giờ, anh vẫn không hiểu tại sao mẹ ngã và ra đi luôn như vậy. Mẹ có thể nấu ăn suốt một ngày, dầm trong mưa lanh, chạy chân đất khắp góc làng mua cá, mua mực, mua cả chai rượu mơ của quán karaoke. Mẹ có thể bê cái nồi gang nặng, cháo đầy ngâm nguyên con cá song. Có nghĩa là mẹ khoẻ chứ. Tất nhiên là mẹ bị đau tim lâu rồi. Tất nhiên là mẹ bị huyết áp và hay đau đầu. Nhưng không thế ngã một cái mà biến mất luôn lời nói ánh mắt nụ cười như thể không liên quan đến thân xác con đang bế trên tay chạy như rồ dại ra trạm xá, gào thét kêu ai cứu mẹ cháu với! Mới vài phút trước, mắt thì đọc tin, tai anh vẫn nghe mẹ khen rượu mơ ngâm đặc, chống đau bụng tốt lắm con ạ, sao bây giờ mẹ im lìm trong khi anh lại rất có nhu cầu trả lời những câu mẹ hỏi và hỏi mẹ những chuyện chỉ có mẹ trả lời.

Đêm đó, anh ngồi bên mẹ. Đắp chăn mong mẹ ấm lại. Thả hai gấu quần lụa kéo mãi cũng đến được mắt cá chân. Ôm càng chặt, mẹ càng tuột di. Rồi cũng phải để mẹ nằm lại trạm xá xã. Anh về. Cạnh mâm cơm có mực hấp, chai rượu mơ là cái khăn rách góc chắc vướng cổ khi quàng mẹ bỏ ra.

Góc phòng, liên tục tiếng báo tin nhắn. Anh làm cái gì mà không nhắn lại. Anh lại gặp ai à? Người yêu cũ à? Biết ngay mà, nếu không có con nào sao lại bỏ em Tết ở một mình. Chỉ có em là yêu anh nhất. Tít tít tít tít…

Anh quyết định phá căn nhà sắp đổ, xây nhà mộ cho mẹ đúng nơi mẹ nằm cạnh nồi cháo cá. Không có cổng để làng xóm tiện vào chơi thăm mẹ. Cô người yêu gửi tin nhắn cuối cùng trước khi lấy cậu bán hàng đa cấp mở hẳn công ty riêng tặng thay lời cầu hôn.

Tại sao anh nói dối là nhà anh 3 tầng mặt phố, mẹ anh bán vải? Mẹ anh làm muối, nhà anh 1 tầng. Anh là thằng nhà quê lừa đảo!

Hai người ngồi mãi trên bậc xi măng của ngôi mộ. Ngón tay của anh như trắng hơn, di di trên tấm ảnh mờ, và những dòng chữ nhỏ. Hình như điện thoại của cô rung. Sau 2 lần rung sẽ là chuông. Cô cuống cuồng thò tay vào túi, bấm nhanh nút tắt nguồn.

Nguyễn Thị Thu Huệ

(Truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 22, tháng 4/2022)