Nghệ thuật của “viết xuống”

tập thơ song ngữ “Một ngày từ bên trong” của tác giả Minh Anh

Hay là cúi xuống để ngắm bóng mình ở phía bên kia?

tôi suốt đời mang ơn
nghệ thuật của viết xuống”

Tôi mượn hai chữ “viết xuống” để làm tựa cho bài viết này. Tôi phải “viết xuống” bởi nó ập vào tôi âm thanh của chữ và nghĩa trong tập thơ song ngữ “Một ngày từ bên trong” (NXB Hội Nhà văn, 2023 – tái bản 2024) của tác giả Minh Anh. Tập thơ dày dặn cả về hình thức lẫn nội dung, tập thơ “no đủ” về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng,…

Tôi phải viết xuống, viết ngay với sự khoái cảm như đang được đứng trước ban mai của đại dương, ở đó nắng rất mới. Ở đó những trong veo cuộn về. Xa xăm và sâu thẳm. Mọi thứ quanh đó như đang thì thầm với tôi.

Vâng, viết xuống. Chứ không phải viết ra, viết nên, viết lên, viết lại… Với thói quen đọc thơ của số đông qua bao thế hệ, hẳn hai câu thơ kết trong bài “Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết” chẳng thấy nó thơ tí nào. Bởi cách dùng chữ của tác giả nhẹ nhàng, tự nhiên, như gì đó bên đời khi ngang qua, dễ va vấp, dễ cầm nắm, như bông cỏ ven đường, thích thì cúi xuống ngắt một đôi cánh mang về. Hành văn viết mà đọc lên như nói. Bạn sẽ nghĩ vậy, đúng không? Nhưng không, tôi nghĩ khác. Bởi vì, chẳng phải viết xuống ở đây giản đơn là ghi chép lại, kể lại, tả lại như kiểu “nhật ký đời tôi bằng thơ” mà là “Nghệ Thuật của Viết Xuống”. Tôi ngỡ ngàng, trân trọng cái ý thức rõ ràng viết xuống bằng nghệ thuật của Minh Anh.

Khi đã lưu tâm đến mỹ cảm, thì ngay cả củ cà rốt cũng có thể thành một đóa hướng dương, huống chi là nghệ thuật của chữ/ nghĩa. Nói thế, để thấy rằng “Một ngày từ bên trong” là tập thơ của một người rất trẻ (khi in tập thơ này, tác giả mới 16 tuổi, không chừng 16 chỉ là số lẻ của trăm năm nàng đã sống, này nàng 16, từ đây tôi chỉ gọi là “nàng” để viết xuống cho kịp) nhưng ý thức về thơ, lao động chữ nghĩa của nàng là “cuộc chơi” nghiêm túc. Nghiêm túc và với kỹ năng thiên bẩm. Dường như, tập thơ đã là một vườn chữ vô thường ứng nghiệm với mệnh lệnh “viết xuống”, mệnh lệnh từ trời, mệnh lệnh từ thơ.

Nhìn tháng. Nhìn ngày. Nhìn tích tắc, nhìn thời gian, nàng đã “viết xuống” như thế này:

tôi yêu []
nó là những khoảnh khắc
nhưng tôi ghét []
bởi chúng luôn có giới hạn

có những đổi thay
đâu phải ai cũng thấy
ngay thời điểm này
trong từng phút từng giây
thần thái bạn đổi thay
âm thầm
bằng tốc độ của sự mất mát”

Quan sát mặt nổi văn bản bài thơ, tôi thích cách biểu đạt thơ bằng ký hiệu thay cho ký tự thông thường. Tôi không nghĩ đây là một cách chơi chữ, lòe/ múa chữ, bởi tác giả gần như “chú giải” cho các ký hiệu bằng một câu thơ kế cận khác để dẫn dắt, để bật nghĩa khổ thơ. Nhìn trên mặt văn bản, với sự liên tưởng, tưởng tượng đặt người đọc là người đồng sáng tạo, thì “tôi yêu” [ ] hay “tôi ghét” [ ] có thể tự đọc thành nhiều ý thơ khác nhau tùy tâm trạng, tùy tưởng tượng của tác giả. Hay! Thơ hay nhờ người đọc, tranh đẹp nhờ người xem, nắng sẽ màu gì khi nắng không được hiện lên trên khuôn mặt muôn vật mà nắng gặp. Tôi cũng thích cách dùng chữ rất không thơ [rất vật lý và sinh học] như “thần thái”; “tốc độ” vào khổ kết bài thơ, cách dùng chữ này ngoài cái nghĩa hiển nhiên của điều muốn nói, nó như một cách hài hước hóa một sự mất mát để người đọc thấy dễ chịu hơn và xem sự thay đổi (thực ra là mất mát, già đi) là hiển nhiên. Đọc thơ, với tôi như là nghe giao hưởng bằng mắt. Nếu không nghe được thơ bằng mắt thì với “nghệ thuật viết xuống”, nàng đã mở đầu bài “Thời gian” bằng “tôi yêu [ ]”. Khoảng trống giữa hai cái ngoặc vuông úp vào nhau ấy tôi biết đọc lên thành tiếng thế nào? Có phải nàng nhốt trong đấy một nụ cười, hay một tiếng thở dài, hay chỉ nuôi vài sợi nắng? Có phải những gì trong ngoặc ấy là riêng tư của người đọc. Là tôi, là mênh mông đất trời, là cỏ hoa, là chim hót, là tiếng chuông thả vào chiều ký ức để lan xa và để dễ thoát ra giới hạn…

Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức luôn có giới hạn. Trí tưởng tượng có thể bao quanh thế giới và, thế giới đôi khi chỉ nằm gọn trong [ ]. Thế đấy, chỉ với [.] bằng nghệ thuật viết xuống của nàng, mỗi người đọc mang cả “thế giới của mình” đặt gọn lỏn như một cái chấm lung linh giữa hai cái ngoặc vuông và cứ thế mà va đập, mà xung động, mà rung lên cùng sự chuyển động của ý nghĩ.

Người thơ thật sự, thường hay “đau đời”. Đau vì những trớ trêu, bất lực, đau vì những oan khiên, man trá, vô tâm, vô cảm. Đôi khi chẳng vì gì cả vẫn đau… là “đau” vì phải giống gì đó họ muốn, là bất lực vì phải ép mình vào khuôn/ phép mà thế giới thì mở ra vô cùng. Đôi khi đau vì chỉ để vừa lòng một thói quen. Trong ta luôn có cái tôi, trong thân xác hiển hiện luôn có ít nhất một con người khác song hành và đối lập. Ai đó nói rằng “chiến thắng bản thân là chiến thắng vĩ đại nhất”. Gật hoặc lắc, yes or no, chỉ một sát na nhưng thất bại/ thành công đều từ đấy mà dài ra, mà quặn thắt. Bản chất của cuộc sống (tồn tại) xét đến cùng là quen dần với mất mát. Thật bất hạnh cho ai, khi họ chẳng thể khóc. Vô vị biết nhường nào khi chấp nhận cuộc sống này mà ta không biết khóc. Và, để khóc đâu cần quá cầu kỳ, đâu cần hội đủ lý do, nước mắt đôi khi làm trong hơn cho ánh nhìn, giống như nàng đã “khóc trong sự đơn giản”, một cái tựa rất thơ. “Khóc trong sự đơn giản” là một bài thơ ngắn, nàng đã “viết xuống” chỉ vỏn vẹn năm câu:

“nhốt mình
trong điên loạn của bản thân
ta có với tới không
phía bên kia
của chính mình”

E là không, không thể với tới phía bên kia của chính mình. Bởi phía bên kia của chính mình là đâu, là mặt sau của gương soi, là nửa kia của bóng tối, là cuối đường của nắng mưa? E là không, bởi phía bên kia là hôm qua, phía bên kia là ngày chưa tới, phía bên kia là bóng của bóng, là bóng của không hình. Nàng là một người “cả nghĩ”, liên tù tì nghĩ, túc trực nghĩ. Một con mèo, một con chim xanh, một quả trứng, một ngọn cỏ, một xa lạ, một mây, một đại dương, một gì gì đó… dường như mọi thứ khi đã bị/ được quét qua “thị mục” của nàng chúng đều có quyền năng lệnh cho nàng phải “viết xuống”. Cũng may, nàng cả nghĩ, quay quắt, nhưng không bi lụy. Khác với những người thơ trẻ tuổi, hay nhiều người thơ cứ “đổ vào thơ” bao nhiêu rên rỉ, trách cứ… Minh Anh không như vậy, mọi đối tượng đi vào thơ đều bình đẳng, đều ngang hàng để cùng nàng trò chuyện. Xuyên suốt 94 bài thơ nếu không độc thoại thì các cuộc đối thoại luôn có những hoán đổi giữa You and Me/ Me and You như là cách trò chuyện, cách lắng nghe nhau, hỏi han nhau. Bình đẳng giữa cái tôi hiện hữu với cái tôi vô hình. Ngày hôm qua và ngày mai luôn được vắt qua phút giây hiện tại một cách đủ cân bằng để không bị xô lệch, chao đảo. Nàng không áp đặt phía bên kia của chính mình, nàng không kết tội “con quái vật” trong nàng cho dù những va đập giữa nàng và nó có thể gây chấn thương dài lâu, chấn thương không thể chữa trị cho nàng. Bản lĩnh sống, bản lĩnh thơ, người thơ thì phải thế chăng? Hay đó là cách ứng xử bao dung của người thơ trước vạn vật?

Cuộc sống, đời sống luôn thay đổi, từng khắc từng khắc ta không còn là ta nữa. Khi đã thấu triệt thì hãy cứ búng tay tiễn mọi vương vấn xuôi dòng. Tôi ấn tượng mạnh với tiếng “tách” từ cái búng tay của nàng để xua tan “những cái bóng”. Ngẫm cái “thay đổi”, cái qua đi, cái sẽ không còn, nàng đã “viết xuống” thế này, trong bài “Thay đổi”:

người ấy bước đi khỏi cây cầu
trong thâm tâm tôi biết
tôi quay mặt khỏi những cái bóng
đối diện với những tia sáng vô hình
                                  tách (ngón tay)

những giọt nước mắt tăm tối rơi xoáy xuống
sự hủy hoại vô nghĩa
nó nói rằng tôi đã rất yêu thương
nhưng mà có thật vậy không
tôi không hiểu nhưng tôi chấp nhận

người ấy bước đi khỏi cây cầu
trong thâm tâm tôi biết
con tim lưu giữ ký ức ngày qua
mây và những vì sao đang lang thang trong những ngày cuối
                                                                 tách (ngón tay)

“Thay đổi” là một bài thơ theo lối kể, không có gì đặc biệt trong cấu trúc, ngôn ngữ, cũng như sự gợi của thơ. Tuy nhiên, tôi trích dẫn bài thơ này vì tiếng “tách” của cái búng tay. Cái búng tay ấy thay cho nhiều lời giãi bày về tâm trạng, cách hành xử sau khi “người ấy đi khỏi cây cầu”. Nhân vật “tôi” trong bài thơ đủ bản lĩnh, đủ bao dung để chấp nhận. Tôi tô đậm cái âm thanh “tách” bởi sau âm thanh của một cái búng tay là mênh mông của mất mát, xa xôi của cái không thể gặp lại. Tiếng “tách” như cái triện mộc hằn dấu lên trang trắng, ở đó họ muốn viết gì thì viết, muốn thêm/ bớt gì cũng mặc bởi “tôi” thấy thế là đủ, là xong. Cái chấp nhận rõ ràng, dứt khoát nhưng đâu đó còn lan man ấm nồng, thân thiện. Thật tuyệt, chỉ một cái búng tay, là nước qua cầu, là mây qua đầu, là nụ cười đâu đó lại bất ngờ lóe sáng. Âm thanh cái búng tay gợi tôi nhớ đến câu nói của một nhà hiền triết “điều này, cũng thế, rồi cũng sẽ qua đi”… Câu nói này khác gì một cái búng tay? Tôi không muốn so sánh, hay gợi ý so sánh, bởi những gì thuộc về hiển nhiên, nhất là những hiển nhiên lóe sáng thì tự nó đã là nền (background) cho bao điều khác gửi bóng.

Sáng tạo nghĩa là đơn độc, nghĩa là giằng co đả phá nội tâm. Đọc qua một lượt “Một ngày từ bên trong” trước khi có ý định viết về tập thơ này, tôi đã gạch những đầu dòng:
– Đọc thơ, như nghe giao hưởng bằng mắt.
– Đọc thơ như nghe tiếng sỏi rơi, đọc thơ để được giật mình bên tiếng một hòn sỏi rơi.
– Thơ Minh Anh chạm vào tôi bằng nhiều xúc tu cảm xúc.
– Minh Anh đã bằng cách gì đó để cảm xúc được chìm xuống, như một cách để nén lại, tạo sự bung phá thích hợp.
– Thơ Minh Anh phần nhiều là những cuộc trò chuyện với chính mình (độc thoại). Cô độc là căn tính cho sáng tạo, nâng niu cô độc, trò chuyện với cô độc, cô độc mà tỏa hương giữa xô bồ ồn ã.
– Tôi thấy bóng dáng Louise Luck, Brodsky khi đọc thơ Minh Anh.

Nhưng rồi khi viết, tôi đã không theo những cái gạch đầu dòng ấy. Không thể đọc thơ mà tự đóng khung mình, đóng khung ý nghĩ. Một lý do khác mà tôi đã không bám sườn ý mình đã đặt ra, nghe có vẻ “khách quan” hơn, ấy là khi đọc kỹ, từ những tựa đề, từ những âm thanh, những ký hiệu, và chữ (cách dùng chữ) của nàng, đã lôi tuột tôi lang thang. Giống như chữ “nặng” trong bài thơ này:

Hệ thống

hệ thống bao gồm nhiều bộ phận
nhưng một vài phần
tôi không thể bỏ ra
đống lửa
giống như cuộc đời
ăn dần dần
những tấm hình ném vào nó
quá khứ chúng ta 

bàn tay trống không
chúng ta nhìn vào đốm lửa nhỏ tí tách
trước khi nó chết chìm trong đêm nặng
ngọn lửa trở nên tuyệt đẹp
vì những gợn sáng bồng bềnh còn nán lại
kéo mắt ta ra khỏi ngọn lửa
cuộc đời giả định này cũng vậy
vì cuộc đời mà chúng ta phải sống
ngay trước đôi mắt mình 

nên tôi không biết ai sẽ là người đầu tiên nhận ra
ánh mắt của tôi không hề hướng vào ngọn lửa
mà thực sự chìm vào những tấm ảnh
mình không thể rời bỏ trên tay”

“Hệ thống” là cái tựa ngồ ngộ, nhưng đây là một trong những bài thơ tôi thích nhất tập thơ. Thích vì cách đặt tựa, thích vì sự tinh tế trong cách tạo ra trường liên tưởng rộng bằng những tương phản cho người đọc. Dù mặt chữ, giai điệu, các âm vọng khi đọc lên cứ như ta nghe trộm một kiết già đang tụng niệm. “Bàn tay trống không/ chúng ta nhìn vào đốm lửa nhỏ tí tách/ trước khi nó chết chìm trong đêm nặng”. Chữ “nặng” trong khổ thơ này có sức nặng vô cùng. Tại sao không là đêm lặng, đêm dài, đêm đen, đêm cuối… mà lại “chết chìm trong đêm nặng?” Có ai đó thắp lên ngọn lửa trong tim mình khi đọc câu thơ như thế này không?

“Hệ thống” của Minh Anh, làm tôi nhớ về “Một chuyện trẻ con” của Louise Luck, nữ nhà thơ Mỹ – đoạt giải Nobel văn học 2020:

Một chuyện trẻ con

Chán cuộc sống nông thôn
vua và hoàng hậu trở lại thành phố,
tất cả các công chúa nhỏ
ầm ĩ ở đằng sau xe
hát bài hát của hiện hữu:I am, you are, he, she, it is
Nhưng sẽ không có sự chia động từ nào trong xe
ôi không.
Ai có thể nói về tương lai
Chẳng ai biết gì về tương lai,
ngay cả các hành tinh cũng không biết.
Nhưng các cô công chúa sẽ phải sống trong đó.
Ngày trở thành một ngày thật buồn. 

Ngoài xe, những đàn bò và đồng cỏ trôi đi;
chúng trông bình thản, nhưng bình thản không phải là sự thật.
Tuyệt vọng mới là sự thật
Đây là cái mà cha mẹ biết
Mọi hy vọng đã mất
Chúng ta phải quay lại nơi nó mất
nếu chúng ta muốn tìm lại nó

Có gì đó về cách lập ngôn, cách dựng truyện, cách “đau” giống nhau giữa hai nữ thi sĩ cách nhau nửa vòng Trái Đất, cách nhau gần 60 năm tuổi này. Hai cách nói giản dị nhưng không dễ dãi, không dễ nói. Thú thật, tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi đọc “Một ngày từ bên trong” bởi khi đọc một nàng 16 lại liên tưởng đến một thi sĩ đã được định danh trên toàn thế giới mấy chục năm nay và đã đoạt giải Nobel. Là thật thơ, đích thị thơ… thì nó phải kỳ lạ vậy chăng?

Đọc Minh Anh, tôi đang lạc vào đâu? Tôi đang ở đâu, ở đâu thì có gì khác? Định vị mình, một nghĩa cụ thể nào đó là để tìm đường đi, tìm đích đến, để nhờ trợ giúp khi mình lạc. Nhưng giờ đây, mọi thứ trở nên mơ hồ, mơ hồ một cách thích thú. Tôi không cần trợ giúp, không cần google, không cần một chiếc áo xanh grab ân cần trên mức cần thiết. Mặc tôi, tôi sẽ đến đâu đó, sẽ đến một hoang mang thú vị không định trước. Đọc tập thơ, tôi nhận ra mình đang nghe giao hưởng thơ bằng mắt. Tôi thấy một ngọn đồi trồi lên giữa trống rỗng. Những va đập, những tiếng rao, những mời chào, những con đường xiên qua nhau kẹt tiếng còi xe, kẹt mắt nhìn, họ gọi nơi ấy là thành phố. Con đường bao quanh đồi, như những cánh tay vươn lên, với lên, ấy là những con đường khác nối liền đường bao quanh với đỉnh đồi. Ở trên trời xa xôi nhìn xuống quả đồi như chiếc giỏ mây đựng tuổi ngọc trao nhau. Từ thành phố, từ ven sông lên đến đỉnh đồi, hay từ lá non lần về nguồn cội, những nói cười, những lặng câm dắt díu nhau đi. Tôi thấy một chiếc thang bắc sang hành tinh khác, ở đó không thấy hình, chỉ thấy bóng. Mà lạ, ở đó không thấy bóng người nào đi xuống, chỉ thưa thớt người đi lên, đi ngang, đi qua. Ai đó gửi gì cho mai sau, ai đó gửi gì về ký ức. Ai đó thả một viên cuội nhỏ, mỗi bậc thang một rơi rụng, mỗi rơi rụng một lớn khôn sẫm màu, đậm thêm.

Tôi thấy một bóng đêm thơ thẩn bên thềm. hoàng hôn đã bỏ quên nhiều thứ như tôi từng bỏ quên tôi… “Tôi viết văn”, “tôi làm thơ”. Chúng ta thường nói vậy về công việc liên quan đến sáng tác văn chương. Làm thơ, chứ không phải viết thơ. Nhưng những bài thơ của nàng 16 thì được hình thành bằng “nghệ thuật của viết xuống”. Louise Gluck khi nói về việc làm thơ “thường là một sự giày vò, một niềm đau khổ, khó chịu”. Cảm xúc đó xuất hiện trước khi một khoảng tĩnh lặng ùa đến. Nàng 16 chưa đến tuổi phải lo cơm gạo áo tiền, lại được sống, học hành trong một môi trường tốt. Tuy nhiên, con người khác trong nàng luôn phải “viết xuống” khi các xúc tu cảm xúc của nàng rung lên. Các tác phẩm của nàng, ăm ắp tính tự truyện, đậm cảm xúc và thường xuyên tự chất vấn không cần lời đáp. Các bài thơ ít nhiều truyền tải những thông điệp cá nhân về đời sống hiện đại. Nàng là một khối “vụng dại” cái vụng dại ấy đau đáu chuyện đời, cái vụng dại ấy đã thì thầm với đại dương bằng những tâm tư mang tầm uyên bác như thế này:

…Ngay cả khi tôi ở đây trước biển, dẫu làn da hữu cơ khỏe mạnh với nhiều lớp biểu bì bên trong bảo vệ, tôi vẫn dễ bị tổn thương. Có vẻ như, tôi đã đầu hàng bản thân mình. Đúng là vậy.

Khi tôi ở một nơi vắng vè, tôi khao khát được thấy nhiều người. Và khi tôi ở nơi có nhiều người, tôi còn khao khát đến những nơi xa vắng. Tôi bị xoay trong vòng nghịch lý như điểm đầu và điểm cuối của bánh xe quay.

Tôi không thể tìm ra lối thoát. Cái cô đơn yên lặng đến nghẹt thở này, và nỗi khao khát độc lập tự thân, giữa chúng là một đường biên giới mờ nhạt vô cùng, làm tôi bối rối.

Giờ đây, sóng biển ở gần với ngón chân tôi hơn, chúng ngày càng dần mất kiên nhẫn…

Trước đại dương lớn lao, hay trước một tấm ảnh cũ nhỏ bé, trước vô hình (hay hữu hình của thời gian) thì “viết xuống” luôn chất chứa nhiều tầng bậc cảm xúc. Nàng chẳng cần giấu giếm những khát khao và bản thể. Nàng đủ tự tin, tự do, để biểu đạt thẳng thắn nỗi buồn và sự cô độc. Cảm hứng tự tìm đến nàng hay nàng tìm đến cảm hứng. Thật tình thì “cảm hứng” không quá quan trọng với những người thơ đầy suy niệm, đầy logic, và có một EQ cao. Nhạc tính, chữ và nghĩa trong thơ của nàng luôn hướng cho người đọc một giai điệu hiện đại, tuy nhiên tôi vẫn thấy giữa các bài thơ, trong một số bài thơ, từ vô thức hay ý thức dễ nhận ra nhân cách thơ của nàng có sự va đập giữa hiện đại và mô típ cổ điển.

Hiện đại hay cổ điển, điều này không quan trọng gì. “Một ngày từ bên trong” vượt lên khỏi sự định danh ấy. Thơ hay làm cho độc giả muốn trở thành tác giả. Minh Anh đã sớm làm được điều đó với nghệ thuật viết xuống đầy ấn tượng của mình.

Hồ Minh Tâm