Trong thời đại số hóa toàn cầu, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề gây cản trở những tương tác và kết nối ở các lĩnh vực, nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Và trên hành trình vươn ra thế giới, nghệ sĩ Việt có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức…
Công nghiệp văn hóa và những tác động tới nghệ sĩ
Những năm gần đây, từ khóa “công nghiệp văn hóa” xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền thông. Đây là thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Phát triển công nghiệp văn hóa là một định hướng trong phát triển kinh tế của nước ta trong thời kỳ số hóa toàn cầu. Điều tất yếu này đã mang theo những tác động tới quá trình sáng tạo và công bố tác phẩm của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo đã có thêm nhiều không gian hoạt động hơn, nhiều phương tiện/ cơ hội để phát huy, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của mình ra thị trường quốc tế. Song dù ở bối cảnh thời đại nào, bên cạnh những cơ hội thì nghệ sĩ Việt khi vươn ra thế giới cũng gặp không ít thách thức.
Để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa, từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động thiết thực. Đó là tổ chức các buổi workshop nghệ thuật, các dự án hợp tác và tương tác với cộng đồng (các tuần lễ thiết kế sáng tạo), các sự kiện trình diễn nghệ thuật công cộng, các chương trình nghệ sĩ lưu trú và trao đổi quốc tế hay tận dụng/ đánh thức/ mở rộng các không gian văn hóa nghệ thuật… Những dịp này mang đến nhiều trải nghiệm thực tế cho các nghệ sĩ, thêm những tương tác giao lưu và thêm sân chơi cho nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo.
Dòng chảy nghệ thuật luôn gắn liền với dòng chảy của văn hóa. Nhất là trong bối cảnh văn hóa gần như không biên giới nhưng vẫn đa màu sắc, phải làm sao để tác phẩm nghệ thuật có thể sống sót? Hay đơn giản từ bước đi đầu tiên, phải làm sao để người nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình xuất hiện trước công chúng? Và khi trong một số trường hợp, người nghệ sĩ không còn là cá nhân duy nhất tạo nên tác phẩm, khi khán giả trở thành một phần không thể thiếu trong việc mang lại ý nghĩa và biểu đạt của tác phẩm nghệ thuật…
Trong hệ sinh thái nghệ thuật đương đại, có thể thấy có hai đối tượng chính là người nghệ sĩ và nhà sưu tập/ bảo hộ. Người nghệ sĩ có thể xuất thân từ các trường học/ học viện, trong các chương trình đào tạo ngắn hạn hay từ các không gian nghệ thuật khác. Để nghệ sĩ thành công đưa tác phẩm của mình tới công chúng (phòng triển lãm/ giới thiệu, thị trường nghệ thuật), cần có sự hỗ trợ của truyền thông, các nhà giám tuyển/ người hướng dẫn hoặc các nhà nghiên cứu trong giới chuyên môn.
Để nghệ sĩ Việt bước vào thị trường quốc tế
Trong buổi trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm về “Nghệ sĩ Việt Nam ở thị trường quốc tế” vào tháng 11/2023 tại Hà Nội, nhà giám tuyển Đỗ Tường Linh (hiện đang hoạt động giữa Hà Nội và New York, Mỹ) cho biết: Ở New York, các nghệ sĩ trẻ đã bắt đầu xây dựng sự nghiệp nghệ thuật của mình ngay từ trên ghế nhà trường. Từ các hoạt động ngoại khóa, các đồ án tốt nghiệp, họ đã được các nhà phê bình/ giám tuyển trợ giúp thông qua các triển lãm nhóm/ các hoạt động công bố cá nhân. Họ được tham gia vào các không gian nghệ thuật trên diện rộng, được tham gia trao đổi nghệ sĩ lưu trú để học hỏi… Ngoài sự chủ động của nghệ sĩ, chính họ cũng được tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt kinh phí hay các địa điểm/ studio/ xưởng sáng tạo phù hợp. Đó là các tiền đề rất quan trọng cho những bước đi đầu tiên của người nghệ sĩ vào con đường nghệ thuật. Dù ai cũng biết rằng, tác phẩm nghệ thuật có sống được hay không và có đời sống như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào giá trị mà nó mang lại. Đối với các trường đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam, những cơ hội này dường như còn ít.
Nghệ sĩ Việt khi bước vào thị trường quốc tế, trước tiên là cần hiểu rõ quy trình và luật chơi. Trong môi trường không gian nghệ thuật rộng lớn mang tầm thế giới, những khác biệt cá nhân hay mang tính “đặc thù, đặc sản” thường dễ gây chú ý hơn cả. Giống như nhà văn trẻ Thảo Trang (tác giả của tiểu thuyết “Tết ở làng địa ngục” đã được chuyển thể thành phim) chia sẻ tại Hội sách Hà Nội lần thứ VIII (2023) thì qua thời gian học tập ở nước ngoài và tham gia vào những dự án quốc tế, chị nhận thấy thị trường quốc tế rất thích những câu chuyện nghệ thuật Việt Nam mang tính “bản địa”.
Nhưng thế giới đang ấn tượng như thế nào về một Việt Nam nhỏ bé, ngoài những hiểu biết mà họ có được về các cuộc chiến tranh? Như vậy, liệu nghệ sĩ Việt có nên chăm chút vào điều mà ai cũng đang ấn tượng về mình để xuất hiện trước họ? Nghệ sĩ Việt có nhất thiết mang những hình ảnh như lũy tre làng, chiến tranh chống Mỹ… vào tác phẩm nghệ thuật của mình khi giới thiệu trước thị trường quốc tế để khẳng định rằng tôi đến từ Việt Nam? Nghệ sĩ Việt nên làm thế nào để đưa tính bản địa vào tác phẩm nghệ thuật của mình khi tham gia vào sân chơi quốc tế? Hay nói cách khác, câu chuyện nghệ thuật mà người nghệ sĩ Việt mang đến thị trường quốc tế nên là gì?
Với kinh nghiệm sau nhiều lần tham dự các triển lãm quốc tế và các diễn thuyết nghệ thuật tại nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan…, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, những cố gắng để cố-tình khẳng định tôi là ai, đến từ đâu thực ra không quá quan trọng. Bởi tất cả sự cố gắng, cố tình, trong nhiều trường hợp sẽ trở nên khiên cưỡng và khiến tác phẩm thành một phiên bản lỗi. Thay vào đó, việc cần thiết hơn là người nghệ sĩ hãy cứ quan sát thế giới, không ngừng trau dồi học hỏi để từ việc hiểu nghệ thuật là gì, rồi trải qua những thực nghiệm, thực hành và kiên trì sáng tạo đến ngày thành thục, chủ động trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Sau cùng, điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng và bước vào thị trường nghệ thuật quốc tế, đó chính là có sở trường và tự nhận thức bản thân. Khi biết bản thân mình có điểm mạnh gì, điểm yếu nào cần khắc phục, trường phái nào phù hợp với mình hoặc có thể phát triển thêm ở trường phái nào khác, thì người nghệ sĩ sẽ có đủ linh hoạt để tạo nên những phong cách và dấu ấn cá nhân trên hành trình sáng tạo. Để dù có trải qua nhiều thực nghiệm, thay đổi chất liệu, phương thức, hình thức trong quá trình sáng tạo nhưng họ vẫn để lại dấu ấn cá nhân trong tác phẩm. Bản thân sự nhuần nhuyễn trong nghệ thuật của người nghệ sĩ kết hợp với phần sâu sắc trong tâm hồn mà họ có sẽ thúc đẩy, hé lộ tính chất Việt, tính bản địa trên từng tác phẩm nghệ thuật. Và như vậy, lúc này, tác phẩm nghệ thuật đã có đủ yếu tố thu hút công chúng, các nhà sưu tập quốc tế và từng bước chinh phục thị trường quốc tế.
Lý Uyên