Ngày 6/3/2023, trong buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về việc thực hiện những quy định của pháp luật về đào tạo ở các trường nghệ thuật, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân (NSND) được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo. Đề xuất đã thu hút nhiều ý kiến của công chúng và các chuyên gia.

PGS.TS, NGƯT Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, trao bằng tốt nghiệp cho các tân tiến sĩ, thạc sĩ. Ảnh: Thúy Hương (Nguồn: Báo Tổ quốc).

Những quy định pháp lý

Trước hết chúng ta cần điểm qua một số quy định pháp lý Nhà nước về điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng; quy định về học vị tiến sĩ và danh hiệu  NSND trong các văn bản pháp luật để có cái nhìn đúng bản chất vấn đề.

Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Tại khoản 2, Điều 3 của Thông tư 02 quy định: “Giảng viên có danh hiệu là NSND, hoặc Nghệ nhân Nhân dân, hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh Phó Giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo”.

Khoản 2, Điều 4, Thông tư 02 quy định phải có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy. Các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật, phải có ít nhất 03 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu.

Khoản 4, Điều 5 của của Thông tư 03 quy định: “Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ)”.

Đối với danh hiệu NSND, NSƯT, theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ngoài tiêu chuẩn về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đáng chú ý còn có những tiêu chuẩn như: có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau: có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng là của cá nhân), hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có 1 giải vàng là của cá nhân), hoặc có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được đánh giá là trường hợp đặc biệt, trong trường hợp nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Các ý kiến trao đổi

Trên tờ Vietnamnet, GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Công nghệ Sydney (Úc) đã chỉ ra những khác biết giữa danh hiệu NSND và Tiến sĩ. Ông cho rằng: “NSND là một danh hiệu hay tước hiệu có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Theo như quy chế hiện hành thì danh hiệu này được trao tặng hay phong cho những nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. Tiến sĩ là một bằng cấp do một đại học cấp sau khi đương sự đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Thường người được cấp bằng tiến sĩ phải trải qua ít nhất là 3 năm học hành và nghiên cứu. Nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành.”

“Một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ nhưng có thể suốt đời không bao giờ đạt được danh hiệu NSND. Ngược lại một NSND không có bằng cấp thì không thể là tiến sĩ. Do vậy, đề xuất ra ý tưởng này hiểu sai về bản chất của hai thực thể. Không nên và không thể xem NSND  tương đương với tiến sĩ. Nếu cần thì nên ban hành quy chế về bằng ‘tiến sĩ danh dự’, chứ không thể đánh đồng NSND  là tiến sĩ được”,  GS Tuấn nhấn mạnh.

Trao đổi trên Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng “đề xuất của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là xuất phát từ thực trạng đào tạo của ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, để khai thác tài năng của NSND, Nghệ sĩ Ưu tú thì nên mời họ tham gia vào quá trình đào tạo Đại học ở bậc học cử nhân. Ở đó, có những phần kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn, rất cần có kinh nghiệm của họ”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng chia sẻ trên Dân Việt rằng: “Theo tôi hiểu, đề xuất của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, NSND được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ  trong việc tính cơ chế hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải xin cơ chế công nhận các giảng viên có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ là NSND, Nghệ sĩ Ưu tú.”

Người trong cuộc nói gì?

Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho hay đã có những hiểu nhầm trong việc đề xuất của nhà trường. “Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Để có được học vị thạc sĩ, tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn,… còn danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, NSND là ghi nhận sự cống hiến”. (Trả lời trên báo Dân Trí)

Trên báo điện tử Công Luận, PGS.TS Nguyễn Đình Thi diễn giải thêm: “Chúng tôi chỉ đề xuất cho NSND  có bằng Thạc sĩ đang giảng dạy ở tại trường được tính tương đương tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí: cần 5 tiến sĩ theo quy định khi mở mã ngành, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo và xác định chỉ tiêu về đội ngũ cho các ngành theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT.”

“Đề xuất đó chỉ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới (yêu cầu phải có 5 tiến sĩ) đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ GD – ĐT”, ông Thi trả lời trên báo Vietnamnet.

Lời kết cho vấn đề

Như vậy, đề xuất cho NSND có bằng Thạc sĩ đang giảng dạy tại trường nghệ thuật được tính tương đương tiến sĩ chỉ trên góc độ tiêu chuẩn thay thế chứ không phải đề xuất công nhận tương đương về học vị cho các NSND. Nghĩa là đề xuất này mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo thay tiêu chuẩn 05 tiến sĩ bằng 05 NSND, hoặc ít hơn 05 tiến sĩ, khi thành lập mã ngành mới đối với các trường/ngành nghệ thuật.

Hiện nay, các trường cao đẳng, đại học đào tạo chuyên ngành nghệ thuật rất thiếu về đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn vừa là tiến sĩ vừa là nghệ sĩ xuất sắc. Vì trong thực tế, đã là nghệ sĩ xuất sắc, suốt đời cống hiến trên lĩnh vực biểu diễn thì ít người có điều kiện để học nâng cao lên đến tiến sĩ. Đối với các trường đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật, chỉ khi giảng viên là nghệ sĩ xuất sắc mới có thể đào tạo được nghệ sĩ.

Hạ tiêu chuẩn 05 tiến sĩ và yêu cầu cần số lượng NSND nhất định là phù hợp với thực tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các trường đào tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, đối với đào tạo các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật thì giảng viên là NSND không thể thay thế giảng viên có học vị tiến sĩ.

Hữu Vinh (tổng hợp)