Tối 03/02/2023, tại sân hành lễ Khu lăng Vua Mai Hắc đế, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu; Đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc đế và Lễ hội đền Vua Mai năm 2023.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Vua Mai

Tham dự buổi lễ có các ông: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; Tạ Quang Ngọc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Đàn tại Hà Nội; Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu IV; bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL); đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Về phía tỉnh Nghệ An có các ông: Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể, cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành thị; cùng đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đến tham dự.

Trước khi diễn ra chương trình buổi lễ, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương tại đền thờ và lăng mộ Vua Mai Hắc đế với lòng biết ơn công lao to lớn của ngài trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc.

Các đại biểu dâng hương tại đền thờ Vua Mai.

Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), nguyên quán ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi mang thai, thân mẫu Mai Thúc Loan dời sang thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) sinh sống. Chứng kiến cảnh Nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự hưởng ứng tích cực của dân chúng quanh vùng, lực lượng quân khởi nghĩa đã tăng nhanh, “trong một tuần, xa gần hưởng ứng, có quân hơn mười vạn”. Không chỉ chiêu mộ binh sĩ trong vùng Hoan Châu, ông còn chiêu tập quân 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc.

Sau khi lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội). Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua, xưng là Mai Hắc đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập tự chủ, mang lại cuộc sống an lạc, thanh bình cho trăm họ muôn dân suốt từ năm 713 đến năm 723.

 Cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 722) có ý nghĩa vô cùng to lớn; là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc; bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa và phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hàng nghìn năm qua.

Để ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của Mai Hắc đế, Mai Thiếu đế ((Mai Thúc Huy – con trai của Mai Hắc đế) và các tướng sĩ, Nhân dân vùng Hoan Châu đã dựng đền thờ tại khu lăng mộ Mai Hắc đế ở thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn, nay thuộc khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn và đền thờ Mai Hắc đế ở trung tâm của vùng Sa Nam xưa, nay thuộc khối Mai Hắc đế, thị trấn Nam Đàn. Ngoài khu lăng mộ và đền thờ Vua Mai Hắc đế còn có các di tích: Khu lăng mộ thân mẫu Vua Mai (tại núi Dẻ, xã Nam Thái); đền thờ thân mẫu Vua Mai (tại động Cồn Chèn, xã Nam Thái); đền thờ Nậm Sơn – đền Đức Ông, thờ bá quan văn võ trong triều đình Vạn An (tại khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn); Miếu thờ Mai Thiếu đế (trên núi Đụn, thị trấn Nam Đàn); đình Khả Lãm (tại xã Nam Thượng cũ nay là khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn); Di tích Thành Vạn An thuộc thị trấn Nam Đàn. Các di tích tạo thành quần thể Di tích Đền thờ Vua Mai Hắc đế – nơi lưu giữ những chứng tích về những năm tháng rất đỗi hào hùng mà thấm đẫm máu xương của Vua Mai Hắc đế cùng các tướng sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu cách đây hơn 13 thế kỷ. Dù đã trải qua hàng nghìn năm với nhiều thăng trầm, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, đến nay, vị trí của các Di tích Đền thờ Vua Mai và thân mẫu Vua Mai, bá quan văn võ trong triều đình Vạn An không thay đổi. Đặc biệt, tại các di tích hiện đang lưu giữ 378 hiện vật bằng các chất liệu đá, gỗ, giấy, sứ…; trong đó có 34 cổ vật có giá trị, tiêu biểu là hệ thống sắc phong, tượng, long ngai, bài vị… Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày diễn văn khai mạc

Trong diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên; Tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và quốc phòng, an ninh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thỏa nguyện ước mong của các bậc tiền nhân”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng đền thờ Vua Mai Hắc đế, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của Vua Mai Hắc đế và những bậc tiền nhân có công với dân với nước mà còn là sự khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, đồng thời xác lập cơ sở pháp lý cao hơn cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng ghi nhận, biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua; Đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, khơi dậy, phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn hệ thống đảng bộ, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chương trình nghệ thuật “Hào khí Vạn An” do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An biểu diễn tại buổi lễ

Ngay sau buổi lễ, là chương trình nghệ thuật  “Hào khí Vạn An” gồm 3 chương: Chương I – Sa Nam, đêm đô hộ; Chương II – Hoan Châu tụ nghĩa; Chương III – Xưng đế. Chương trình nghệ thuật “Hào khí Vạn An” đã đưa người dân trở lại với mảnh đất Hoan Châu xưa, để hiểu hơn về hành trình tụ nghĩa, viết nên một bài ca hiển hách của sự chính nghĩa, lưu danh muôn thủa trong lòng người.

Tái hiện cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo.
Phân cảnh Mai Thúc Loan gặp me.

Lễ kỷ niệm 1310 năm Khởi nghĩa Hoan Châu và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc đế là điểm nhấn của Lễ đền hội Vua Mai năm 2023. Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống của lễ hội tiếp tục được duy trì tại 4 di tích (mộ và đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền Nậm Sơn (đền Đức Ông), đình Khả Lãm, lăng và đền thờ thân mẫu Vua Mai) từ ngày 2 đến ngày 5/2/2023 (tức ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão), gồm, lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ thả đèn hoa đăng và lễ tạ. Cùng với phần lễ, thì phần hội được tổ chức quy mô và bài bản hơn. Bao gồm hội trại thanh niên; giải vật truyền thống; giải bóng chuyền nam mở rộng; tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, cờ thẻ, kéo co, chọi gà, đu quay…; tuần lễ ẩm thực, các gian hàng giới thiệu, quảng bá và cung ứng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Đàn.

Nội dung: Kiều Nga
Ảnh: Nguyễn Đạo