Cuối năm…

  Dòng người tất bật chở hàng Tết đi vội vàng như thể chở thời gian của con người đi mãi không khứ hồi. Các cửa hàng hiệu, đường phố nhấp nháy điện chế giễu ngày tháng miệt mài trôi. Thế là, đôi lúc cũng dễ nổi nóng, bức xúc một cách vô lý đến buồn cười. Nhưng cảm giác đó cũng qua mau, vì trời, vì đất, vì không khí tết ấm cúng đã bắt đầu thơm nức mùi hương trầm đang toả dần vào không trung, bao trùm cả không gian do con người làm chủ. Muốn nắm tay người thân thương đi chợ Tết, muốn thời gian phải trôi đi chầm chậm, con người được hưởng thụ bù đắp lại những gì vất vả trong năm qua.

  Đa số người Việt đều sinh ra ở nông thôn. Tôi cũng vậy, trải qua những năm tháng của tuổi thơ chìm trong muối mặn gừng cay, thiếu thốn đủ điều. Tôi nhớ mãi cái làng nhỏ bé tôi ra đời có tên rất đẹp: Thọ Phú (xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu). Một cái làng nằm lọt thỏm trong xã nghèo vùng sâu xa nhiều năm được hưởng chế độ 135, vất vả vì miếng cơm manh áo đã đành, mà còn khó khăn khi được tiếp thu về văn hóa nghệ thuật. Nhưng lại cũng vì nghèo, mà có bao nhiêu niềm vui hồn nhiên… Mà một trong niềm vui ấy, là…đi chợ, chơi chợ…Tiếng là đi chợ cũng có mua bán gì nhiều cho cam, chỉ mấy con cá, cân thịt, bó rau. Thế mà cứ luẩn quẩn mãi ở chợ đến mấy tiếng đồng hồ. Chợ quê do các xã nghèo gom nhóp dựng lên. Hàng hoá không nhiều, được trưng bày ra trong các túp lều lúp xúp đơn sơ, mua vèo chỉ mấy phút. Vậy mà cứ lượn đi, lượn lại, đi vào, đi ra, ra đến cổng chợ lại quay trở lại như tìm đồ rơi, đồ bị quên vậy? Không quên, không rơi gì. Vậy mà cứ thất thần chưa chịu rời cổng chợ? Trời ơi, cuối cùng cũng đã nghĩ ra, thích nghe tiếng nói của quê mình, hít hà hương vị của chợ quê. Ngắm nghía mớ rau, con cá khác chợ vùng nơi khác.

Chợ quê. Tranh sơn dầu: Sưu tầm

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (quê xã Sơn Hải- Quỳnh Lưu) những giây phút cuối đời nói muốn ăn con cá thèn đánh bắt ở Lạch Quèn hợ quê này đây mới có. Nhìn con cá thèn bỗng dưng muốn khóc. Ôi hương vị quê nhà, mỗi vùng mỗi khác thấm đậm vào máu thịt của những con người đã sinh ra lớn lên ở đấy, không có cái gì thay thế được.

   Tôi không bao giờ quên cái giếng chùa của làng sát chân núi có mạch nước trong xanh ngọt mát, ai đi qua đều dừng chân dùng gàu kéo nước lên, uống tại chỗ, nghe trong lòng mát mẻ. Nhiều đêm trăng sáng, sân giếng chùa trở thành nơi tụ họp của các ông bà già uống nước chè xanh bàn chuyện làng chuyện xóm. Trai gái thì hẹn hò tình duyên. Trong làng còn có cây gạo cổ thụ, bụi tre vây quanh, đêm đêm gió thổi phát ra tiếng cọt cà cọt kẹt đến bền bỉ với thời gian. Dưới gốc cây còn có cái chõng của các ông bà đưa ra chơi vào ngày hè nói chuyện râm ran không dứt đến là vui. Tôi nhớ mãi bà Thu tám mươi tuổi, già nhất gắn bó với cái chõng và ấm chè, có hôm bà đưa cả nồi niêu bát đũa nơi gốc gạo để nấu cơm ăn cho mát. Bà kể chuyện về giặc Pháp ngày xưa hay về làng truy lùng những người nấu rượu lậu. Bà Thu nói có lần bọn Pháp ngồi ở gốc gạo xem bà ăn trầu rồi cũng xin ăn thử và kêu lên hốt hoảng khi nhổ nước trầu đỏ như máu. Bà Thu kể rồi nói thêm, bọn Pháp cũng buồn vào mỗi chiều, có lẽ họ cũng đang nhớ nhà ở nơi xa xôi…

Tôi nhớ quê vào những ngày giáp tết. Những ngày này tất bật, trong người lo âu nhưng rộn ràng. Làng Phú Thọ ngày xưa xa chợ, xa trường cách sông, lại không có cầu, nên đi lại giao lưu vô cùng vất vả. Dòng kênh nhà Lê chảy qua làng tạo ra rất nhiều bến nước. Ngày thường người làng tôi đi chợ Ngò (xã Quỳnh Sơn) từ làng đến bến đò để sang sông vào chợ khoảng 5 km. Bến đò luôn đầy ngập bùn, xắn quần lên đầu gối còn phải mang theo con gà, mớ khoai, mớ lạc, gạo…để bán mới có tiền mua thức ăn, không có tiền mang đi để mua hàng như bây giờ.

   Nhọc nhằn là vậy, nhưng trẻ con vào dịp tết đều hào hứng muốn đi chợ để được mua áo mới, ăn bánh xèo, bánh đúc, thổi tò he, hay có con gà đất đến là vui. Lúc về tung tăng vác đôi mía hoa thờ tết, thật nhộn nhịp. Nhiều năm tôi được chứng kiến xong việc ngoài đồng cũng đã chiều hai chín tết. Sáng ba mươi, mẹ bắt đôi gà trống vội vàng lấp vấp đem đi chợ để bán lấy tiền mua sắm, tôi lẽo đẽo theo sau. Có năm gà bán được, mẹ mua cá, mua thịt, có năm ngồi đến tận trưa vẫn chưa có ai hỏi đến, cuối cùng mẹ đưa gà về. Tôi buồn thiu muốn khóc. Mẹ không buồn còn cười bảo năm nay gia đình ta làm thịt gà đón Giao thừa, việc gì con mếu máo. Chợ tết năm ấy tôi không có quần áo mới, mẹ đi chợ tết về tay không, tiền chỉ đủ mua đôi mía hoa cho tôi vác trên vai theo dòng người tản về ngõ xóm. Tôi buồn hiu hắt khi so đo với bạn bè, nhưng không hiểu được vì sao mẹ cứ cười trả lời với mọi người là ở nhà sắm tết đầy đủ cả rồi? Dù rằng nhà chưa có cái gì gọi là tết, đến bó hương trầm cũng không.

Nhưng rồi theo thời gian tôi cũng được làm mẹ, cũng tươi cười trả lời với bạn bè khi hỏi về tết, ở nhà sắm tết đầy đủ rồi. Bây giờ tôi đã hiểu được lòng mặc cảm, tự ti của những người nghèo nhưng đầy tự trọng.

Những năm tháng của tuổi thơ tôi đói khổ nhưng không có người chết đói như năm 1945. Chúng tôi trải qua các đận đói cơ hàn nghèo khổ với cả nước của một thời khó khăn, nhờ con tôm, con cá, con dắt, con ngao ở dòng kênh và biển bãi. Nhờ đồng ruộng từ rau, từ đồng muối. Tôi luôn cảm ơn mảnh đất con người ở quê hương đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi xa quê cũng vì kế sinh nhai, nhưng mỗi lần quay về ngôi nhà cũ đều bồi hồi xúc động và chợt nhận ra rằng nhiều năm tháng lam lũ nhọc nhằn ở phố phường chỉ là tạm bợ. Quê nhà mới thực chất là nơi sống gửi gắm cả tâm hồn. Các món ăn ngon, nhớ lâu phải chính là con tôm con cá và ngọn rau trên đồng ruộng ở quê nhà. Đó mới là nơi tôi cần, tin tưởng và là chỗ đứng vững cho đôi chân cả một đời người.

    Tôi về, đi theo con đường cũ, thấy hai bên đường hoa rực rỡ sắc màu. Hoa ngày xưa là một thú vui chơi tao nhã của nhà giàu. Hoa không dành cho người nghèo. Hoa là thuốc thử cuộc sống! Đến làng ngó chợ, vào nhà ngó nồi. Chợ bây giờ có ở khắp nơi với các đại lý, dịch vụ phục vụ khách hàng đến tận nhà. Nồi thức ăn ngày xưa chỉ có mắm mặn đưa cơm, bây giờ có thực đơn thay đổi hàng ngày. Ngõ vào ra của mỗi gia đình đều có hoa. Trong vườn nhỏ của gia đình cũng để góc nhỏ cho muôn màu khoe sắc. Hoa không bán, chỉ trồng cho đẹp. Hoa đã lan tỏa đến vùng sâu xa nghèo đói quê tôi. Đã nghĩ đến cái đẹp, nghĩa là cuộc sống đã đang dần lên no ấm!

Ngày Tết, tôi đi chợ ở quê cho vui là chính, rồi ra đồng ruộng lượn lờ đến cả tiếng đồng hồ hình dung ra những điều kỳ diệu đang được sinh sôi nảy nở dưới lớp đất nuôi sống con người từ bao thế hệ truyền đời. Tôi luôn nghĩ về quê hương mặn mòi bùi ngùi với đất. Tôi không thể sống được khi xa quê.

   Ngày Tết để hướng về tổ tiên. Nhưng lớp trẻ thời a còng có lối sống khác, dù rằng về vật chất không túng thiếu như xưa. Quan điểm của tuổi trẻ ngày nay là Tết để nghỉ ngơi và hưởng thụ. Có lẽ vì vậy nên chúng sợ Tết. Sợ đầu tiên là thêm…tuổi. Sợ thứ hai là phải ăn. Nhu cầu ăn uống hằng ngày bây giờ đâu có thiếu thốn như xưa, mà ngày Tết thì ăn vô độ. Ăn bất cứ cái gì đang có, đủ thứ lúc nào khi đến nhà bạn bè hay nhà có khách. Người châng lâng, chẳng ra no, cũng chẳng ra đói, cuối cùng mệt mỏi. Thứ ba là phải rửa bát, dọn dẹp nhà cả ngày. Uể oải, rã rời nhưng vẫn phải làm. Thứ tư lớp trẻ ở thành phố sợ phải về quê. Tết ở quê vui đấy, nhưng cũng lắm nhiêu khê. Cách xưng hô anh em, chú, bác, cậu, mợ dì, dượng… phải cho đúng tôn ti trật tự, nếu không sẽ bị trách, hờn nữa. Ở quê sinh hoạt không có giờ giấc, ít nghỉ trưa, đi hết nhà này đến nhà khác để chúc tết. Đến là ngồi mâm cỗ, mặc dù đang ngáp buồn ngủ, lại ăn bánh chưng, dưa hành hay miếng giò, chén rượu, cái kẹo. Kết thúc một ngày thấy… mệt nhoài, muốn ngủ ngay.

Cái sợ thứ năm là mừng tuổi. Với người giàu thì việc này không thành vấn đề. Nhưng với những viên chức nghèo, người nông dân thì trở thành quan trọng. Đi đâu gặp trẻ con, người già thân quen, không lẽ không mừng tuổi nhân dịp đầu năm mới. Thế cũng là một nỗi lo của ngày Tết!

Biết là như vậy, nhưng giá như không có tết Nguyên đán thì cuộc sống sẽ như thế nào nhỉ? Chắc sẽ chán và không có niềm vui nào có ý nghĩa hơn ngày tết!

Minh họa: Ngọc Linh

Ra tết, không khí bận rộn giãn ra, và cũng là kết thúc quan hệ trả ơn tình nghĩa đã được thể hiện trong ba ngày tết.

   Mùa Xuân, trời đẹp, mưa lây phây, nó khiến người ta không thể ngồi yên trong nhà mà rạo rực, lại thèm đi, tiếp tục nạp năng lượng, xây dựng quan hệ mới dành cho thời gian sắp tới của năm mới.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 2/Bộ mới/2020)