Khoảng dịp này đây, đồng trong bãi ngoài đậu lạc, ngô, khoai đã trồng trỉa xong, cây lúa cũng đã xuống đồng bén rễ… người dân xóm Bãi náo nức chuẩn bị cho hội tầm vông (một loại nhạc cụ giống như trống), mùa thi tài của con trai, con gái. Đúng vậy, hội tầm vông rộn rã tưng bừng làm thức dậy cả một vùng đất trời dọc tả ngạn sông Lam.

    Với thói quen, dân quê tôi gọi xóm Bãi, thực ra cồn cư này trải dài một vệt lõm từ chợ Da của xã Xuân Tường cho đến tận Bàu Ó của xã Thanh Lương, Thanh Yên, huyện Thanh Chương, phía sau lưng là con sông nhỏ chạy dọc làng qua cầu Trà xuống đến chợ Cồn Lim, xóm Bãi được phân định tự nhiên là vậy.

Minh họa: Hồ Thiết Trinh.

     Người dân xóm Bãi chủ yếu làm nghề nông, bốn mùa trồng khoai, trồng lúa, trỉa đỗ, lạc là chính (lúa rất ít). Mùa nông nhàn cả xóm làm nghề đan lát thúng, mủng, dần, sàng… Đặc biệt, người xóm Bãi còn có tiếng nói rất riêng, thổ âm, thổ ngữ trong giao tiếp hàng ngày chỉ có dân bản địa mới thấu tỏ. Người ở xóm Bãi có truyền thống chơi “nhạc gõ” tầm vông độc nhất vô nhị, tạo nên một vùng “dân nhạc” đặc thù không nơi nào có được.

     Tầm vông được gắn kết bởi những nguyên vật liệu truyền thống như gỗ ròng của cây mít già đốn hạ từ lâu để ngoài vườn cho tới khi giác của nó tự phân hủy, chỉ còn trơ lại lõi gỗ ròng, chủ nhà cho xuống ao, đìa nhà mình chôn dưới lớp bùn đen ngâm một thời gian dài khoảng một đến vài năm mới vớt lên xẻ mỏng, phơi nhiều nắng cho thật khô rồi bào nhẵn để làm tang cho tầm vông. Mặt tầm vông làm bằng da trâu, da bò… được ngâm tẩm kĩ càng (nên nhớ không dùng da của con trâu, con bò nhiều tuổi). Để có được mặt tầm vông phẳng, mịn ưng ý dân làng dùng vỏ cây sui trộn muối hạt giã bột rắc đều lên mặt trong của da rồi dùng vỏ con vẹm cạo, chuốt, bào mỏng đều rồi đem phơi trong bóng râm đến lúc ta nhìn vào cứ tưởng như là những tấm lụa sồi mỏng tang. Vật liệu để gắn tầm vông được làm bằng sợi mây tắt (loại mây nhỏ bằng đầu đũa có màu vàng cháy) dùng dao lước mỏng, bó thành từng lọn hong trên tràn bếp cho đến khi sợi mây có màu vàng cánh gián rồi bện thành hoa văn hình con rết dùng để làm cữ, giới hạn cho các loại, cỡ tầm vông. Các thanh tang được gắn với nhau bằng mủ cây sung già trộn với mật ong rừng rồi thêm vào ít bột nếp chão… ngoài ra còn chuẩn bị những dăm tre được làm từ gốc tre già vót nhọn hình chiếc đinh để dựng, căng mặt da của tầm vông. Hai đầu mặt da được định âm bằng chất liệu của bánh mật gai, người nghệ nhân phải tạo cho được cái tâm khum khum ở chính giữa mặt tầm vông (công đoạn này có tác dụng định ra âm trầm, âm thanh của tầm vông)… Đó là quy trình ban đầu cho việc dựng (bưng, đóng) tầm vông.

     Việc dựng tầm vông ở xóm Bãi còn có ý nghĩa liên quan đến cả phong tục, tín ngưỡng của người bản xứ. Theo lễ xưa, trước lúc dựng tầm vông thường phải ngong trời, ngó đất, các nghệ nhân cao tuổi lại chọn ngày lành, giờ vui! Không gian cho việc dựng tầm vông được làm mái rạp đàng hoàng ở sát với hiên nhà chính, ghế bàn được sắp đặt hàng trong hàng ngoài, phía chính giữa được trải chiếu hoa, nhà khá giả thì làm mâm cỗ để cúng thần thiên, địa, cầu trời khấn Phật cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho tầm vông nhà mình được vang rền như tiếng sấm…

     Hương tàn, hạ lễ, người cao tuổi nhất trong hội có sức khỏe, có tài đánh tầm vông khởi lễ bằng cách dùng hai tay cầm hai thanh tang gỗ mỏng ghé sát vào tai gõ vào nhau tượng trưng cho việc làm dấu, làm phép… rồi mới đến lượt trai thanh nữ tú vây quanh chuyển các vật dụng giúp thợ đan vòng, sắp tang gỗ… Thời gian này cả làng râm ran mời trầu, mời rượu để mừng cho nhà sắp có tầm vông mới. Sau dăm ba ngày chiếc tầm vông mới được ra đời với dáng dấp xinh xắn, ưa nhìn. Người già, con trẻ ai cũng chen chân đến để được chạm tay vào tầm vông gọi là nâng niu “bạn bè cùng hội”. Đến lượt làm lễ khai sinh cho “bạn mới” lễ thức cũng không kém phần trang trọng. Nơi bậc thềm thoáng rộng dành cho các nghệ nhân cao tuổi, với đủ bộ lễ áo the khăn đóng, mang bên mình những chiếc tầm vông màu hạt dẻ bóng nhoáng, họ cử ra một bậc trưởng lão tài hoa trịnh trọng ra bái lễ để khai âm cho chiếc tầm vông mới này. Người đại diện khẽ khàng, hai tay nâng chiếc tầm vông lên quá đầu người rồi bái lạy bốn phương tám hướng cầu mong những điều tốt lành về với bạn, với hội. Cùng lúc cả dàn tầm vông to nhỏ đã trong tư thế múa tay, miết mặt da, âm thanh rung chuyển ngỡ từ rất xa, rất sâu ùa về, tất cả như nén lại, trầm ấm hơn để nâng niu tầm vông trẻ cất tiếng chào đời bằng những âm thanh mảnh mai, rồi tất cả hòa vào dàn tấu làm sôi động cả một vùng nước non, không gian bỗng trở nên chật chội, náo nức lòng người.

     Vào dịp Tết, cái rét rim lộc ngọt hơn, trời quê lất phất mưa Xuân, sớm chiều bến nước quê tôi tiếng nói, tiếng cười rộn rã, các bà, các chị, các o trên vai long tong đôi quang gánh đầy những lá dong xanh, họ ra sông chải lá, vò nếp, chà đỗ… Hồi đó, cả làng tôi chỉ có vài cái bung thằn lằn để nấu bánh chưng, bánh tét. Bà con trong làng tự phân công, nhường cho nhau, nào nhà ông Thư nấu bánh đêm Hai mươi mốt, bà Hảo nấu đêm Hai mươi ba, nhà cố Luyện nấu vào chiều Hai mươi sáu, nhà tôi chưa đến lượt nhưng lũ nhóc chúng tôi đã có mỗi đứa một chiếc bánh chuột của bà con làng xóm biếu cho.

     Rồi cũng đến lượt nhà tôi nấu bánh, lũ thằng Vẹm Y, thằng Hậu, con Dũng, con Sửu, con Hà… cũng quây quần bên nồi bánh chưng nhà tôi, tiếng nước sôi ùng ục, mùi lá dong, mùi nếp rồng thơm tràn cả nhà trong, nhà ngoài. Giữa tiếng nhộn nhạo vui đùa của bạn bè, thi thoảng đâu đó vọng về tiếng trầm đục, tiếng tích tắc, tiếng thanh vút cao từ bên kia bến đò Rồng, đò Phuống vọng sang. Ôi, tiếng trầm đĩnh đạc, chầm chậm nghe như tiếng đất mở, mường tượng như tiếng sấm chìm sâu trong cổ tích, tiếng mỏng tang, nỉ non, giọt giọt như tiếng của nụ chồi tách mầm đội vỏ.

     Đêm về khuya, mấy đứa bạn nằm lăn kềnh trên đống vọt ngủ mềm, mẹ tôi một mình thay nước, trở bánh thì thụp làm nước mướt té vào khiến tôi giật thột. Lúc này tiếng tầm vông vọng về càng rõ mồn một, tôi tỉnh nhanh như sáo, cầm lấy cổ áo thằng Hậu giật, nó chuếnh choáng chạy theo tôi như cái bóng, hai thằng trụt xuống hác bà Kiêm, bươn qua bãi bù nhà ông Chí… Tưởng chỉ có hai đứa, ai ngờ cả lũ cũng chạy theo chúng tôi như ma đuổi, không đứa nào nhủ đứa nào, tất cả chúng tôi đều ngồi thụp trên cát như bầy chim cánh cụt vểnh tai hướng về phía xóm Bãi…

     Lớn lên, đứa vào bộ đội, đứa làm cô giáo, đứa là kỹ sư, bác sỹ… còn tôi theo học và làm nghề sáng tác âm nhạc, cũng nhờ thế mà tôi có chút phương tiện căn bản để được hiểu thêm những âm giai của loại nhạc cụ độc đáo, quý hiếm này của quê tôi.

     Nhân một chuyến điền dã, tôi tìm đến nhà thầy giáo Huề con trai của cụ Bộ Kiểu. Năm ấy thầy đã gần chín mươi tuổi, là cư dân bản địa lâu đời của xóm Bãi, cả nhà ai cũng biết làm và chơi tầm vông (bây giờ cư dân xóm Bãi đã di chuyển vào vùng đồi), xóm cũ hiện giờ chỉ còn lúp xúp bãi ngô, ruộng lạc… duy chỉ còn con đường đất cát ngoằn ngoèo chạy xuống mép bến đò Rồng tháng ngày chở khách qua sông.

     Cụ giáo Huề biết tôi là nhạc sỹ nên khi vừa mới gặp, cụ như muốn trút hết nỗi niềm. Cụ kể cho tôi nghe về những bậc giai nhân tài giỏi biết làm và “chơi” tầm vông hay nhất vùng như là cụ phó Bàn, ông Hoe Tứ, cụ Lý Cường, cụ Tỳ Sâm, cụ bà Hoe Sáu,… Thấy tôi trân trọng, cụ xuống bếp đưa lên cho tôi xem bộ sườn tầm vông còn sót lại, mặt da đã rách bươm phủ dày một lớp bồ hóng vàng cháy bám vào thành gỗ như vỏ con hàu biển bám chặt vào đáy ghe. Cụ xúc động kể cho tôi nghe cách diễn xướng tầm vông trong những ngày tết, ngày hội hoặc cả những ngày nông nhàn. Gọi là hội nhưng thực ra đó chỉ là một khái niệm về một không gian khi ta nghe tiếng tầm vông rộn ràng mà thôi! Chứ thường là tầm vông nhà nào thì đánh ở nhà ấy, chỉ nhắn gửi nhau qua tiếng trong, tiếng đục của tầm vông mà thôi, thi thoảng lắm mới có dịp để các nhóm, các nghệ nhân được tụ họp gần gũi nhau.

     Từ quá trình cộng sinh, cộng cảm, từ sinh hoạt thường ngày rồi có hình thức “xướng”, “xô” bằng tín hiệu của các loại tầm vông lớn, bé phát ra. Việc xướng là của tầm vông đại, việc xô là của tầm vông tiểu. Tóm lại là người đã chơi tầm vông ít nhiều phải biết được đôi chút về âm nhạc “ngũ cung”của dân tộc, phải biết tý chút về phách, nhịp, phải có cảm xúc mạnh. Ví dụ, khi đã có tiếng trầm báo nhịp (xướng) thì các “bè trầm” phải “ứng” rồi tiếp nối “cả làng” cùng “tấu” lên với hàng chục, hàng trăm cung bậc âm thanh khác (xô) theo tạo nên một âm hưởng kỳ lạ, náo nức cả một vùng đất trời. Cụ còn cho biết “Người xóm Bãi xưa kia có ai được học hành chi về âm nhạc mô, chỉ thông qua sinh hoạt với nhau lâu thành quen, rồi tự đưa ra một thứ niêm luật, câu cú mạch lạc trong cách thể hiện rất riêng đó mà thôi!” Cụ lại kể cho tôi nghe mạch lạc như suối tuôn không ngưng nghỉ:

     “Có lần dân xóm Bãi đón giao thừa, khi giọng trầm được phát ra thì tất cả các thanh âm cùng tấu lên hối hả để mở đầu tạo “bữa tiệc tầm vông” nên không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt. Phần giữa thì có xướng, có xô, tiếng thanh rối rít, vụt tắt, rồi lại tiếng trầm xuất hiện lắng lại, sâu hút, có lúc rành rọt, có lúc đằm thắm và cũng có cả nét buồn, man mác, hay nỗi niềm khắc khoải. Phần cuối, cả làng cùng vang lên với tốc độ nhanh hơn (tiết tấu) trở lại như phần mở đầu, tiếng trầm tỉnh táo cầm nhịp, loại tầm vông có âm vực trung và loại có âm thanh cao, sáng hơn cứ giòn tan như pháo nổ, tất cả tầng tầng lớp lớp cứ đan cài vào nhau, lúc dâng lên, lúc ghìm nén, chìm khuất, lúc thì thôi thúc như bão cuốn, như núi lở…”.

     Cụ lại kể cho tôi nghe chuyện con trai, con gái tỏ tình với nhau qua tiếng tầm vông: “Những đêm tháng Giêng trời đầy trăng hoặc những mùa nước nổi, xóm Bãi trơ lại như một ốc đảo, đêm trăng mờ, thi thoảng có vài ông lái ngồi trên những chiếc nốc thúng bơi là là trong sương… Nghe “tiếng” con trai ở xóm trong “hỏi” chuyện con gái xóm ngoài bằng tiếng tầm vông. Họ “chào nhau, hỏi nhau, giãi bày, thanh minh, bộc lộ hết nỗi niềm của mình nghe thao thiết vô cùng. Khi con trai vỗ bảy tiếng trầm ấm, mỗi âm thanh đi kèm tiếng láy kép, cứ bốn nhịp rồi trở lại như lần đầu… Cô gái vỗ chín tiếng, trong đó có bảy âm thanh có tiếng luyến láy kép và vỗ đúng số lần như cậu con trai thì có nghĩa là đã “thuận”, là họ có thể gặp nhau nói chuyện với nhau ngoài đời và ngược lại! Cũng qua từng tiếng, từng câu rành rọt thì con trai xóm trong biết được con gái ở xóm ngoài có cha mẹ thế nào, làm nghề chi và con gái cũng hiểu thấu đáo về hoàn cảnh của người con trai, về nếp gia phong, nghề nghiệp làm ăn và học hành chữ nghĩa thế nào!”. Tôi khẽ khàng hỏi cụ:

– Thưa cụ, thế làm cách nào để biết được đôi trai gái ấy sẽ là bạn đời của nhau?

– Chú coi, khi ta nghe tiếng tầm vông của cậu con trai trầm lắng lại, tiết tấu có vẻ ngúc ngắc (như đảo phách) thiếu mạch lạc, vẻ hồi hộp, bâng khuâng và lúc này tiếng tầm vông của bạn gái càng lảnh lót, rối rít, tha thiết đến tột cùng cảm xúc. Đặc biệt là khi tiếng bạn trai rong ruổi, đàng hoàng ấm áp như tiếng đất mở làm bè trầm cho đàng nớ tấu lên thanh thoát râm ran như tiếng chim hót, tiếng nước chảy, tựa tiếng tách mầm của hạt… nghĩa là anh đã là đất đai mỡ màu, em là nước mát, là nụ chồi… thì đã có tín hiệu của phồn thực, là cuộc sống sẽ đủ đầy no ấm, là sinh sôi nảy nở và, họ sẽ là vợ là chồng của nhau.

     Cụ còn cho biết cái thời giặc giã, tiếng tầm vông như là bùa hộ mệnh, chở che cho cán bộ cách mạng, tiếng tầm vông thông báo cho dân làng biết được giặc đến giặc chạy, tiếng tầm vông ngày xuân của làng trên xóm dưới báo cho nhau biết được mùa màng bội thu, báo cho nhau nghe được niềm vui nỗi buồn của làng nước… Cũng bởi từ hình thái văn hóa sinh hoạt cộng đồng, trong giao tiếp ứng xử chính là quá trình giúp cho dân làng được nhận thức sâu sắc. Hơn thế nữa, sinh hoạt âm nhạc dân gian này như là cầu nối, là tình nghĩa xóm mạc càng đầm ấm hơn, người càng biết yêu thương người hơn, họ gắn kết với nhau lo việc làng việc nước.

     Tết đã đến, Xuân vừa chạm ngõ, những người con xa về quê ăn Tết. Những gương mặt rạng rỡ, hăm hở, những nụ cười hồn nhiên như đã được gột rửa tất cả những gì bộn bề lo toan đời thường, trên tay nâng niu những cây mai vàng đàng trong, những cành đào rực rỡ của xứ đàng ngoài về với nơi chôn nhau cắt rốn, về với tổ tiên, ông bà, về với cha với mẹ, với làng xóm, bạn bè… Ấy vậy mà một góc hồn tôi cứ nao nao nỗi nhớ mông lung. Ấy là nỗi nhớ tiếng đục, tiếng trong của tầm vông xóm Bãi chợ Cồn quê tôi!

Phan Thanh Chương