PGS.TS. Lê Quốc Hán vốn là một thầy giáo dạy toán song ông cũng là một cây viết giàu nhiệt huyết, nhiều suy tư, trăn trở trước con người và cõi thế. Với tư duy logic mạch lạc, cộng với vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, triết học; và hơn hết là tấm lòng nhân ái, nên những trang văn của ông có nét độc đáo riêng. Lê Quốc Hán đam mê viết, cho đến nay gia tài văn chương của ông đã có thành quả: 5 tập thơ, 2 tập phê bình và gần đây nhất là tập ngẫu văn “Hai phía chân dung” (NXB Nghệ An, 2021).

Hai phía chân dung gồm 69 bài, với nhiều nội dung phong phú. Bằng lối viết linh hoạt, lời văn giản dị, chân thành mà sâu sắc. Lê Quốc Hán bàn về đạo, về đời, về lịch sử văn hóa nói chung và có những bài viết bàn về thi ca gắn với những nhân vật, con người cụ thể. Có một số bài bàn luận về những người thơ nổi tiếng, những dòng họ khoa bảng rất ấn tượng, vì Lê Quốc Hán đã nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ ra những “điểm sáng” của từng đối tượng được nêu.

“Hai phía chân dung” – cuốn sách của PGS.TS Lê Quốc Hán được Nhà Xuất bản Nghệ An phát hành năm 2021.

Những trang viết hướng về quê hương, nguồn cội, viết về gia đình, tình bạn, tình đồng chí và trên hết là tấm lòng của một người con sống tình nghĩa và thủy chung với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, gắn bó ở đó. Chính điều này đã có sức lay động trái tim của nhiều người. Nhiều bài viết về quê hương, đất nước với những phát hiện mới mẻ, có giá trị về văn hóa, lịch sử. Chỉ với những trang văn ngắn nhưng giúp người đọc được “du lịch” qua những miền đất nước đẹp giàu, nghĩa tình và nhân ái. Đất nước đẹp dáng rồng bay, Lê Quốc Hán lý giải về hình dạng của bản đồ Việt Nam cong cong hình chữ S. Chữ S trước hết có nghĩa là sự sản sinh, một sự sản sinh kì diệu để bảo tồn và phát triển giống nòi. Chữ S là sự sống, sức sống lâu bền. Trải qua bao biến cố của lịch sử và thời đại, dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường đứng dậy, đó không phải là sức sống lâu bền sao?… Còn nhiều bài viết khác như: Đất nước ngàn hoa, Biển Ngang, Thung lũng nàng Tiên, Về quê Bà Chúa thơ Nôm, Chạm ngõ miền Tây, Một góc thành Vinh, Ấn tượng Cửu Long giang, Ký ức Đồng Nai… nhiều địa danh, tên đất, tên làng, nhiều nhân vật lịch sử, những tên tuổi lớn có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của một vùng đất hay nền văn hóa trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Những năm tháng khó khăn, những kỷ niệm vui buồn, những nghĩa cử cao đẹp, tình bạn bè, tình đồng nghiệp, tình vợ chồng, mẹ cha, con cái, những suy nghiệm, triết lý nhân sinh được Lê Quốc Hán ghi lại theo cách của riêng mình. Truyền thống gia đình, quê hương và sự “vượt khó” của ông đã tạo nên những bước ngoặt lớn và làm nên tên tuổi của một Lê Quốc Hán khiến nhiều người cảm phục!

Với Hai phía chân dung, Lê Quốc Hán đã lần lượt tái hiện và bày tỏ thái độ sống, tính cách, phẩm chất của một người sống tử tế, không màng danh lợi. Và con người ấy đã phải trải qua những giông tố cuộc đời. Thời cuộc, hoàn cảnh lịch sử tác động không nhỏ đến hành trình sống của Lê Quốc Hán. Chính điều này đã tạo nên một Lê Quốc Hán đời hơn, người hơn, sống vô tư hơn, hiểu sâu sắc hơn về sự được – mất, có – không của kiếp người.

Đọc và nghiền ngẫm tập sách Hai phía chân dung càng lúc càng phát hiện ra nhiều điều thú vị, đó là sự tài hoa và uyên bác của Lê Quốc Hán. Sự tài hoa và uyên bác của ông được thể hiện qua từng câu chuyện, từng khía cạnh của đời sống. Viết như chơi, đôi lúc nhấn nhá, chậm rãi, lúc kiểu như bông đùa, hài hước, khi thì suy tư và bày tỏ quan điểm một cách trí tuệ sắc sảo. Những bài như: Mẹ thiên nhiên, Thử luận về con người, Ngẫm về thời gian, Con người – thiên thần và ma quỷ, Tuổi thọ, Du lịch tâm linh, Một thoáng nghĩ về cái chết, Toán học và thi ca, Triết học và toán học… là những bài viết đậm chất nhân văn, nhìn nhận con người, các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ đa chiều; ông cho rằng nếu có đức tin, nếu sống tốt thì mọi thứ đều được hóa giải.

Hai phía chân dung giống như cuốn nhật ký ghi chép cuộc đời mà Lê Quốc Hán đã từng đi qua. Chặng đường ấy khồng hề bằng phẳng mà đầy gập ghềnh, sóng gió, có cả nhọc nhằn – sung sướng, hạnh phúc – khổ đau, hi vọng – tuyệt vọng… Nhưng tất cả không làm người trai xứ Nghệ Lê Quốc Hán chùn bước hay gục ngã mà đó là động lực để sống, vươn lên, và làm việc có ích cho đời. Nếu không trải qua những năm tháng gian khổ, nếu không có tâm hồn nhạy cảm tràn ngập yêu thương thì không thể nào Lê Quốc Hán viết lên những trang văn dạt dào cảm xúc như thế.

Từ sự suy tư thân phận cá nhân, Lê Quốc Hán nghĩ về thân phận của một dân tộc, một thời đại và cả niềm tin, niềm tự hào về quê hương, đất nước. Ông đã khái quát những quy luật của đời, ranh giới giữa được mất. Đời và Đạo, Đạo và Đời được Lê Quốc Hán nhìn nhận trong mối tương quan bằng những luận giải, minh chứng chân thực, giàu thuyết phục. “Trong tâm linh người Việt, trời là chỗ dựa tinh thần, đất là chỗ dựa vật chất. Khi muốn cầu xin điều gì, họ ngửa mặt lên trời. Khi phạm lỗi lầm, họ úp mặt xuống đất tạ tội với quê hương. Khi gặp tai bay vạ gió hay bị oan ức, họ kêu lên: “Ôi! Trời đất ơi”. Không phải một lời oán trách, đó là sự cầu mong Đấng Cao minh giúp họ sớm tai qua nạn khỏi. Câu chuyện Bánh chưng bánh dầy có từ thời Hùng Vương phản ánh một cách sâu sắc và giàu hình tượng về quan điểm tâm linh đó của người Việt” (Đạo Việt Nam).

Sự trải nghiệm của đời sống cộng với kiến thức khoa học Lê Quốc Hán đã tích lũy được trong quá trình học tập, giảng dạy, nghiên cứu đã cho thấy một Lê Quốc Hán am tường nhiều lĩnh vực, sống đàng hoàng, giản dị, tử tế. Khi đã hiểu rõ mọi quy luật, sự hữu hạn của kiếp người, ông có cách hành xử rất nhân văn và luôn ở trong tâm thế bình thản nhất. Đó là điều đáng quý và đáng trân trọng của một nhà khoa học – nhà giáo – nhà thơ – một nghệ sĩ đích thực Lê Quốc Hán.

Nguyễn Văn Hòa

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 14, tháng 6/2021)