Nhà tôi có tới 3 người làm ngành y, là vợ, con gái và con rể, nên tôi thấu hiểu sự vất vả của các y bác sĩ và cán bộ ngành y từ chính những người thân trong gia đình.

Vợ tôi là dân y tế dự phòng từ khi ra trường tới lúc về hưu, và chính tôi, người ngoài ngành y nhưng từ lâu đã thấy được sự bất cập, sự “một chân” của ngành y một thời. Nó không chỉ là của ngành y, mà cả từ ý thức người dân, là chỉ khi nào đau ốm mới vào bệnh viện điều trị, và luôn muốn được bác sĩ “điều trị liều cao” để mau khỏi bệnh. Một chân tức là chỉ chân điều trị được quan tâm, chú trọng, chân y tế dự phòng bị coi nhẹ.

Hình minh họa, nguồn: doanhnhansaigon.vn

Đại dịch Covid vừa rồi khiến cả xã hội, chứ không chỉ ngành y, bừng tỉnh.

Và hàng loạt vấn đề của ngành y được phát lộ.

Những vấn đề của ngành y lâu nay đã biết nhưng bị “coi như đã biết”, giờ được xới ra, mới rợi.

Một PGS, TS bác sĩ, giám đốc một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh vừa khóc vừa phát biểu. Tôi đọc cái tin này mà cũng rưng rưng. Phải dồn nén, phải cam chịu, phải oan ức, khổ sở vất vả tới như thế nào thì mới khiến một bác sĩ dày dạn như thế cầm lòng không đậu khi phát biểu trước cả hội trường rất đông người.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã làm một việc khá ấm lòng giới thầy thuốc thành phố, là tổ chức gặp mặt, lắng nghe họ. Không phải nghe báo cáo như lâu nay với những con số, những thành tích, những thuận lợi khó khăn chung chung, mà tâm tình thẳng thắn trước những gì lâu nay gây cản trở, đình trệ, những gì lâu nay thấy nó rõ ràng rất vô lý, nhưng vô lý lâu tới mức lại coi như là nó… có lý.

“Dân không khỏe, bác sĩ lo. Bác sĩ không khỏe, ai lo? Đó là câu hỏi day dứt trong chúng tôi kể từ khi dịch đến giờ”. Câu này Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói trong nỗi day dứt khi rất nhiều tổn thất đã đến với ngành y trong 2 năm đại dịch, và cả từ những dồn nén trước đó.

Tại cuộc gặp này, không ít nước mắt của người ngành y đã rơi khi có dịp bộc bạch chia sẻ. Áp lực về công việc quá tải, về thu nhập, về tâm lý. Cũng tại cuộc gặp này, những người tham dự thêm một lần nghe lại những con số nhức nhối về số người mất trong đại dịch, số người xin nghỉ, xin chuyển công tác, dù là họ vẫn luôn luôn xác định mình hành nghề cứu người. Nhưng ai lo cho “sức khỏe” bác sĩ, một câu hỏi ngược rất chí lý chí tình khi lâu nay chúng ta mặc nhiên nghĩ họ chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ phải phục vụ người bệnh, phục vụ Nhân dân.

Cán bộ ngành y tế vất vả, gian khổ trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Nguyên

Chỉ trong thời gian rất ngắn, có tới 2 vụ bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị tấn công là một trong những nhức nhối của xã hội. Vụ trước chưa điều tra xong, vụ sau đã xảy ra, tới mức một số người hỏi nhau, hay bọn côn đồ ấy nhờn thuốc, hay vì chúng thấy các sự việc được xử lý chưa nghiêm. Hẳn chúng ta vẫn chưa quên, cách đây mấy năm, ở tỉnh nọ, một lãnh đạo thuộc một phường lớn của thành phố cũng xông vào bệnh viện vác ghế định… “ngồi” bác sĩ. Camera ghi rất rõ hành động của anh cán bộ cao to này cầm ghế xông vào, nhưng trong giải trình anh này lại bảo là lấy ghế để… ngồi. Đang yên đang lành xông vào nơi cấp cứu lấy ghế… ngồi mà rồi cũng “ngồi” được, tức là những người có trách nhiệm xử lý đã công nhận anh này lấy ghế để ngồi thật, phải chăng, sự vô lý lâu quá nó thành có lý.

Cái không “khỏe” của ngành y ngày càng lộ rõ, từ lương và thu nhập thấp (trừ một số bác sĩ có phòng mạch riêng), sự đãi ngộ của Nhà nước và xã hội tới sự đánh giá vai trò của y tế trong việc phòng và chữa bệnh cho xã hội. Giờ lại đang thêm một việc khá nan giải là các bệnh viện thiếu thuốc do không dám đấu thầu, không dám mua thuốc sau một loạt vụ án đấu thầu thuốc đã xảy ra. Tức là thiếu hẳn một cơ chế để các bệnh viện được tự chủ trong điều kiện cho phép. Chỉ một ví dụ nhỏ, một bác sĩ nói với tôi: Không thể đấu thầu rẻ nhất mà lại có thể có thuốc tốt nhất. Bởi thế nên, khi hữu sự, đa phần các gia đình có điều kiện đều đưa người nhà mình ra nước ngoài chữa bệnh, trong khi thực sự, trình độ một số bác sĩ trong nước rất cao, không thua kém nước ngoài. Và một số người dân khác thì gửi mua thuốc ở nước ngoài mang về dùng.

Những con sâu vừa qua đã làm rầu nồi canh, nhưng không phải vì thế mà coi cả nồi canh là sâu. Song để họ làm việc hết mình, toàn tâm toàn ý cứu chữa người bệnh, thì rõ ràng, cần hiện thực hóa sự thấu hiểu và chia sẻ ấy thành những chính sách cụ thể, làm sao để họ không phải “múa tay trong bị” khi điều trị cho bệnh nhân, và không phải vừa cứu người vừa… né người, bởi vô cớ bị người nhà bệnh nhân tấn công.

Nhà thơ Văn Công Hùng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 26, tháng 8/2022)